Quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã nhận
ra một nét gì đó rất mới mẻ và rất đặc trưng. Nét này không thấy có trong thói
tục của người Do Thái nói chung, và của nhóm Biệt Phái nói riêng; khác cả với
lối cầu nguyện mà Gio-an tẩy giả, nhóm Ét-sê-ni và các môn đệ ông thường làm.
Người Do Thái nói chung cầu nguyện dựa trên việc cất cao giọng đọc các thánh
vịnh, các lời ngôn sứ hay sách luật… Chính vì thế mà một vài đại diện trong
nhóm môn đệ Đức Giêsu khẩn khoản xin Người dạy cho họ biết cầu nguyện, và cầu
nguyên theo cách thức riêng của Người. Lời thỉnh cầu đó quả là chính đáng, và
Đức Giêsu sẵn sàng đáp ứng vì nó liên quan tới điều quan trọng nhất mà người
đang muốn khảng định: Cầu nguyện chính là đi vào tương quan phó thác với Chúa
Cha nhân ái.
Điều mà các môn đệ mong đợi chắc hẳn không phải
là được Thầy dạy cho một công thức cầu nguyện, mà chúng ta ngày nay quen gọi là
kinh đọc. Người Do Thái thời đó vẫn quen sử dụng các thánh vịnh như công thức
nền tảng. Tuy nhiên rất có thể khi quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã
nhận ra một điều gì rất khác lạ, một kiểu cách cầu nguyện không giống ai. Nét
này khác xa lề thói các Pha-ri-sêu vẫn thường cầu nguyện nơi công cộng, hoặc
các tu sĩ Et-sê-ni làm tại Qum-ram. Nét đặc sắc nhất các ông nhân ra chính là
tâm tình con thảo thâm sâu chưa từng thấy bất cứ nơi đâu. Xét cho cùng thì
Thánh Vịnh cũng không phải là những ‘kinh’ theo nội dung mà bổn đạo chúng ta
vẫn hiểu ngày nay. Tự nó Thánh Vịnh là những tâm tình rất chân thành, nhưng
trong tinh thần của ‘Cựu Ước’, mà mỗi người Do Thái diễn tả tương quan thường
ngày của mình với Đức Chúa Gia-vê. Tất cả các tâm tình đó đều dựa trên một nền
tảng duy nhất được các luật sĩ và Biệt Phái nhấn mạnh, đó là lòng trung thành
kiên vững đối với giao ước đã ký kết. Sau này vào thời Đức Giêsu, qua ảnh hưởng
của phái Ét-sê-ni, thái độ thống hối để lãnh phép rửa được nhấn mạnh. Nếu vậy
thì nét cầu nguyện đặc trưng của Thầy Giêsu, đồng thời cũng là của từng người
Ki-tô hữu chúng ta cụ thể là gì?
Đức Giêsu không đơn thuần dạy một công thức diễn
đạt mới, cái sau này được đặt tên là ‘kinh Lạy Cha’ (tiêu đề quen thuộc luôn
được gán cho đoạn văn này). Ngay trong câu Đức Giêsu nói: “Khi cầu nguyện anh
em hãy thưa (thay vì nói hoặc đọc) thế này: ‘Lạy Cha, nguyện ( thay vì cầu xin)
cho danh Cha vinh hiển…’, ta sẽ thấy ngay nổi cộm một tâm tình, tâm tình tín
thác. Ngay cả các điều ‘xin’ của phần sau cũng toát ra niềm tin tưởng sâu đậm
nhất. Chính cái tâm tình này mới là chất tố cốt lõi của lối cầu nguyện mà Đức
Giêsu đang muốn thông truyền.
Đương nhiện là bất cứ lời cầu nguyện nào cũng đều
ít nhiều mang tâm tình này. Trong mọi tôn giáo, khi tín đồ khấn vái, họ cơ bản
tin tưởng sẽ được thần thánh phù trì. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, dựa trên cơ sở
nào mà họ đặt niềm tin tưởng phó thác. Người Do thái có cơ sở của Cựu Ước: một
giao ước sòng phẳng giữa Đức Chúa Gia-vê với dân riêng của Ngài. Gio-an nhấn
mạnh trên nền tảng thống hối và lãnh phép rửa để được tha tội (xem Lc 3, 3-18).
Tín đồ các tôn giáo khác nói chung, dựa trên qui luật ‘có đi có lại’ của giao
tế xã hội. Họ thờ cúng dâng hương để mong được thần thánh phù trì… Thế còn
Ki-tô hữu chúng ta cầu nguyện dựa trên cơ sở nào?
Đức Giêsu dùng hai hình ảnh để quảng diễn cơ sở
của lòng tín thác Ki-tô hữu trong cầu nguyện: người bạn và người cha. Hai hình
ảnh này có tác dụng trước hết là triệt tiêu cả ba cơ sở nói trên. Nếu là
‘nguyện xin’ với bạn và cha, thì sẽ không còn sự sòng phẳng của giao kèo ký
kết, không còn sự cách biệt trên dưới, và cũng chẳng cần lễ vật quà cáp lót
đường. Chỉ còn một điều duy nhất quan trọng là tin tưởng hầu như mù quáng, cố
chấp tới độ không ngại gây phiền hà. Câu chuyện gõ cửa nhà bạn vay bánh giữa
đêm khuya, hay xin ‘bố’ của ăn, phải chăng là để nêu rõ thái độ rất ‘độc’ này
của cầu nguyện Ki-tô hữu?
Và điều này không chỉ đơn thuần là một khảng định
trên lý thuyết. Có lẽ vào thời điểm lúc Đức Giêsu trả lời câu hỏi của mộn đệ,
nó còn có vẻ lý thuyết xa vời thật, ngược ngạo nữa là đàng khác: Thiên Chúa mà
là cha và là bạn sao được! Thế nhưng sau biến cố thập giá và phục sinh, thì đã
trở thành một thực tế quá rõ ràng và hiển nhiên. Thực vậy, niềm tin vào thập
giá và phục sinh trở thành cơ bản trong tương quan (giao ước mới) giữa người
môn đệ với Thiên Chúa của Đức Giêsu Ki-tô. Họ đã nắm bắt được bằng chứng không
thể chối cãi về một Thiên Chúa từ nhân tới độ không tiếc bất cứ điều gì đối với
những ai kêu cầu Người, ngay cả hy sinh tới Người Con yêu quí nhất Người cũng
chẳng từ. Do vậy bất cứ ai tự cho mình là môn đệ Đức Giêsu, mà không biết chất
tố này khi cầu nguyện, thì chưa thể được kể là Ki-tô hữu chân chính.
Nếu như thế ta có thể khảng định được chăng: tin
tưởng phó thác trong cầu nguyện chính là thước đo chính xác nhất của niềm tin
Ki-tô hữu? Thánh Phao-lô xác quyết: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho
phải lẽ, nếu Thần Khí không rên siết trong ta (xem Rm 8,18-27). Phải chăng Đức
Giêsu cũng có ý tưởng tương tự khi nói ‘Cha trên trời ban Thánh Thần cho những
kẻ kêu xin Người’? Thế thì, một chút chiêm ngắm thập giá, một chút vào sâu hơn
trong tình yêu nhân ái của Thiên Chúa, là điều tối cần thiết để mọi Ki-tô hữu
có thể tiến hành cầu nguyện của mình. Tuy nhiên thật không may, ‘cái chút’ này
trên thực tế xem ra vẫn còn thiếu trầm trọng trong cầu nguyện của nhiều Ki-tô
hữu chúng ta. Chính vì lẽ đó mà lời khẩn cầu của các môn đệ: “Lạy Thầy, xin dạy
chúng con biết cầu nguyện!” vẫn tiếp tục phải là điệp khúc khởi đầu cho mọi cầu
nguyện chân thành của mọi Ki-tô hữu chúng ta.
Lạy Thầy Giêsu, xin dạy con cầu nguyện! Xin hãy
dạy con cầu nguyện với một Thiên Chúa không tiếc xót con bất cứ điều gì, kể cả
phó nộp Người Con yêu quí nhất của Người. Xin cho con biết dành một chút thời
giờ cho việc chiêm ngắm tinh yêu nhân ái và lòng thương xót bao la của Chúa
trước khi tiến hành cầu nguyện. Xin Thần Khí Chúa hãy luôn nhắc nhở con rằng: dấu
Thánh Giá mà con làm đầu giờ cầu nguyện chính là để giúp đưa con vào tâm tình
cơ bản và thiết yếu này, là trọn vẹn tin tưởng phó thác nơi lòng Chúa xót
thương và cứu độ. Chỉ như thế lời cầu nguyện của con mới có được tâm tình như
Chúa muốn. A-men
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty