Có bao giờ bao giờ bạn nhìn đời bằng đôi mắt
khác? Có những người đã nhìn thế giới bằng đôi mắt của những người vô gia cư,
họ cảm thấy bản thân cần khiêm tốn hơn, biết đón nhận người khác hơn. Qua đôi
mắt của các em bé bị khuyết tật, có người đã cảm nghiệm được niềm vui nơi các
em dù cuộc sống của các em có nhiều mất mát. Qua đôi mắt của những người bệnh
nhân phong cùi, có người đã nhận ra rằng dù khuyết tật về hình thể nhưng những
người bệnh nhân phong đã có được tất cả. Những trải nghiệm tốt đẹp này bắt đầu
bằng lòng khao khát nhìn thế giới bằng đôi mắt của người khác.
Nhìn bằng đôi mắt
của người khác là ta đang ra khỏi bản thân của ta để nhìn về chính ta, nhờ đó
mà biết ta hơn. Khi ra khỏi chính ta, đặt ta trong cái nhìn của người khác, ta
thấy được con người thực sự của ta. Khi nhìn bằng con mắt của người khác, ta sẽ
tái hiện chính mình để từ đó, ta thấy mình thực sự là ai? Ta đang khao khát
điều gì? Hàng ngày, có biết bao nhiêu người vì mải lo toan với cuộc sống mà
quên đi những gì tốt đẹp đang diễn ra. Người ta thường quên ý thức về mình,
quên đi những gì họ đang nói, những việc họ đang làm. Đôi khi họ giận dữ và để
cho cơn giận dữ điều khiển chính mình hơn là quan sát cơn giận dữ đang diễn ra
như thế nào trong tâm hồn của họ và kiểm soát cơn giận dữ ấy. Qua đôi mắt của
người khác, ta không chỉ quan sát cái vẻ bề ngoài như vẫn làm hàng ngày khi soi
gương nhưng ở mức cao hơn, ta khám phá ra những gì đang diễn ra bên trong con
người của ta.
Từ đôi mắt của
người khác, ta nhìn về chính ta có nghĩa là ta không còn coi bản thân là trung
tâm của đời ta. Người ta thường dễ dàng xem họ là trung tâm của câu chuyện.
“Tôi thấy phải
như thế này”
“Công việc này
là của tôi”
“Mọi việc phải
theo ý tôi”
Những câu nói quen
thuộc như thế vẫn luôn diễn ra trong đời sống hằng ngày. Vẫn biết rằng, những
câu nói ấy là thể hiện sự quyết đoán trong công việc nhưng đôi khi từ cái
nhìn “tôi là trung tâm” ấy đã dẫn đến những hệ lụy không
đáng có. Những hệ lụy đó có thể là những bất hòa do thiếu sự đồng cảm với những
khuyết điểm của người khác, hoặc có thể là sự bất mãn do người dưới cảm thấy sự
áp đặt quan điểm cá nhân của người trên.
Chính vì tự coi
mình là trung tâm dẫn đến ý nghĩ “Tôi là nguyên nhân chính của những
thất bại”. Ý nghĩ này dẫn đến nhiều trường hợp tự tử vì thất bại
trong việc học hay vì không chịu đựng được áp lực đè nặng của công việc. Ý nghĩ
này biểu hiện thái độ người ta đã không ra khỏi chính họ để nhìn về họ bằng đôi
mắt của người khác. Nếu nhìn từ đôi mắt của những người yêu thương họ, những
người đang mong muốn họ có được niềm vui hơn là đau khổ thì hẳn họ sẽ có được
một thái độ khác.
Nhìn thế giới bằng
đôi mắt của người khác cần có nhận định và khôn ngoan. Ta không nên nhìn cuộc
sống này bằng đôi mắt của những con người ích kỷ, hẹp hòi, hay có thái độ bi
quan trong cuộc sống nhưng cần nhìn bằng đôi mắt của những con người biết yêu
thương vô vị lợi, sẵn sàng cho đi chứ không nhận lấy, những con người biết sống
hết mình vì người khác, bởi với đôi mắt của những con người luôn có thái độ
tiêu cực trong cuộc sống sẽ khiến ta đánh mất đi chính mình và lại giam cầm ta
trong nhà tù của sợ hãi và lo lắng. Trong khi đó, với đôi mắt của những con
người có cái nhìn tích cực về cuộc sống, ta có được niềm vui và hạnh phúc.
Thế giới ngày nay
đang cần một cái nhìn bằng đôi mắt của người khác. Những cuộc chiến tranh đẫm
máu, những vụ khủng bộ, những bất công xã hội, tình trạng tham nhũng … là do
người ta đang nhìn từ đôi mắt của chính họ chứ không phải đôi mắt của những nạn
nhân đang phải gánh chịu những hậu quả đau đớn. Nếu thực sự nhìn từ đôi mắt của
các nạn nhân, ắt hẳn người ta sẽ suy nghĩ khác đi và mong muốn đem lại sự ổn
định và hòa bình cho mọi người.
Nhìn thế giới qua
đôi mắt khác mời gọi ta ra khỏi chính ta, ra khỏi vùng an toàn của ta và chọn
lựa cho ta đôi mắt phù hợp để có thể sống vui trong cuộc sống này cũng như đem
niềm vui đến với người khác.
Đức
Thiện SJ.(dongten.net)