Thoạt nghe bài Tin mừng hôm nay, có người đã
trách móc: Sao Chúa quá mâu thuẫn. Mới tuần trước, Chúa kể truyện người xứ Samaria nhân
hậu để dạy phải phục vụ. Vậy mà hôm nay, Chúa lại trách móc, tuy có nhẹ nhàng,
nhưng vẫn đau đau, bà Martha đã lăng xăng phục vụ đón tiếp Chúa. Tại sao thế?
Nếu đọc kỹ bài tường thuật hôm nay cũng như toàn
bộ Tin mừng, ta sẽ thấy phục vụ tuy được Chúa đề cao, nhưng vẫn phải nằm trong
một trật tự toàn bộ của đời sống đạo.
Trật tự thứ nhất: Phục vụ phải biết quên mình.
Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến khoe khoang
tự mãn. Ta hãy nhớ lại chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Ông Biệt phái
đứng giữa đền thờ, lớn tiếng kể công: “Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần hai lần,
con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Thái độ khoe mình
của ông không được Thiên Chúa chấp nhận vì ông phục vụ mà không biết quên mình.
Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến ganh ghét,
dòm ngó, lườm nguýt, loại trừ người khác. Về điểm này, Đức cha Bùi Tuần có đưa
ra một hình ảnh rất ý nhị. Trên bàn thờ có ngọn nến và bông hoa. Cả hai cùng
phục vụ bàn thờ. Nhưng nếu ngọn nến đốt cháy bông hoa thì thật đau lòng. Phục vụ
mà không quên mình sẽ đưa đến loại trừ lẫn nhau. Điều Chúa muốn là phục vụ quên
mình. Phục vụ quên mình là phục vụ kín đáo: “Tay trái không biết việc tay
phải làm” (Mt 6,3). Phục vụ quên mình chỉ cố ý làm vui lòng Chúa chứ không so
sánh hơn thua với anh em. Vì thế phục vụ quên mình sẽ rất khiêm tốn. “Sau khi
đã làm tất cả thì hãy nói: Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn
phận đấy thôi” (Lc 17,10).
Trật tự thứ hai: Phục vụ phải biết lắng nghe.
Trước hết phải biết lắng nghe lòng mình xem có đức
bác ái không. Nếu không có đức bác ái thì mọi việc phục vụ dù có lớn lao cũng
trở thành vô ích như lời thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ
nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nếu tôi không có
đức bác ái, cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).
Thứ đến phải biết lắng nghe đối tượng phục vụ.
Một phục vụ tốt phải đúng lúc, đúng nơi, đúng cách, đúng nhu cầu. Nhưng trên
hết phục vụ phải biết lắng nghe Lời Chúa. Việc phục vụ của ta chỉ tốt và có ý
nghĩa khi ta làm đúng ý Chúa muốn. Muốn biết ý Chúa, phải lắng nghe tiếng Chúa
trong Tin mừng, qua cầu nguyện và tiếp xúc tâm sự với Chúa trong bí tích Thánh
Thể. Lời Chúa là đèn soi bước chân ta, là ánh sáng hướng dẫn ta trong mọi hoạt
động. Lắng nghe Lời Chúa làm cho hoạt động được vững vàng. Đó là xây nhà trên
đá (cf. Lc 6, 47).
Trật tự cuối cùng: Phục vụ phải biết nghỉ ngơi.
Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con
người vào cơn lốc hoạt động đến ngộp thở. Người ta không còn thời giờ cho gia
đình, cho bạn bè, và nhất là cho đời sống tâm linh. Tại các nước phương Tây,
con người đang biến thành những cỗ máy làm việc, làm việc không ngừng. Đó là
một đời sống mất quân bình, rất nguy hiểm.
Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc nhở
chúng ta: “Đừng quá băn khoăn lo lắng”. Hôm nay Chúa nhắc lại với bà Martha một
lần nữa: “Đừng băn khoăn lo lắng quá”. Chúa không chê trách công việc bà làm,
nhưng Chúa chê trách thái độ lăng xăng, lo lắng thái quá. Chúa mời gọi bà hãy
biết nghỉ ngơi, biết giữ bình an nội tâm trong một đời sống quân bình bằng cách
biết cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi bên Chúa. Cầu nguyện tạo cho ta một
khoảng không gian và thời gian, nhờ đó đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ
những giây phút cầu nguyện bên Chúa mà sinh lực ta được phục hồi. Và ta có thể
phục vụ tốt hơn.
Lời Chúa kêu gọi bà Martha, Chúa cũng muốn nói
với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống.
Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt
nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.
Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng
Chúa mời gọi, hãy đến bên Chúa nghỉ ngơi. Để nhờ Chúa hướng dẫn, việc phục vụ
của chúng ta sẽ theo đúng ý Chúa muốn và để đời sống tâm linh ta được phát
triển toàn diện trong một nếp sống quân bình. Amen.
ĐTGM.
Giuse Ngô Quang Kiệt