TÌNH YÊU LÀ TẤT CẢ
Suy niệm của Barbara E. Reid OP.
Văn Hào SDB, chuyển ngữ
“Thưa Thầy, giới răn nào trọng nhất” (Mt 22,36).
Khi tôi hướng dẫn các sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, tôi luôn hỏi xem các em có thể tóm tắt bài luận văn bằng một câu đơn giản được không. Cũng tương tự, khi các sinh viên thuyết trình một đề tài gì, tôi luôn bắt các em phải tóm tắt đề tài đó bằng một câu ngắn. Nếu các em không làm được điều này, chứng tỏ các em chưa nắm bắt được nội dung những gì các em sẽ trình bày.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người Pharisiêu hỏi Đức Giêsu, trong lề luật giới răn nào quan trọng nhất. Họ muốn Đức Giêsu tóm tắt những điều luật bằng một câu giản đơn. Câu chuyện được thánh Matthêu kể lại hôm nay là giai thoại thứ ba trong bốn giai thoại được thánh ký ghi lại nơi chương 22. Những đầu mục Do Thái giáo đưa ra những cái bẫy nhằm bắt bẻ Đức Giêsu. Trình thuật này khác với những câu chuyện mà Luca hay Marcô ghi lại (xem Mc 12, 28-34; Lc 10, 25-28). Trong Luca hay Marcô, những câu hỏi đưa ra phát xuất từ sự chân thành chứ không phải mang tính gian dối hay giảo quyệt, và Chúa Giêsu đã trả lời với những huấn dụ rất khẳng quyết.
Nơi trình thuật Matthêu, câu hỏi mà những người biệt phái nêu ra để thử Đức Giêsu được diễn bày theo hai dạng thức. Dạng thức thứ nhất, các giới răn đều quan trọng và mọi người phải tuân giữ. Nếu Đức Giêsu chỉ nhấn mạnh đến một giới răn, và tỏ ra khinh suốt đối với những điều khoản khác, họ sẽ bắt bẻ Ngài. Vả lại, theo dạng thức thứ hai, những người biệt phái thử xem Chúa Giêsu có tài năng giống với những thầy dạy đương thời nổi tiếng khác hay không, bởi vì những kinh sư Do thái rất dễ tóm tắt các điều luật. Ví dụ, thầy Rabbi tên là Hillel, đã tóm tắt các giới răn như sau “Những gì bạn ghét bỏ, không muốn người ta làm cho mình, bạn cũng đừng làm cho người khác (Sabb 31a). Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng đưa ra một định thức tương tự để tóm kết các điều luật “Những gì anh em muốn người khác làm cho mình, anh em hãy làm cho họ, và đây là lề luật, là lời các ngôn sứ (Mt 7,12). Ở đây, Đức Giêsu cũng hé mở một khía cạnh khác của cùng một vấn đề: Đó là phải thực thi tình yêu dành trao cho Thiên Chúa.
Giới lệnh “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn, hết sức lực”, cũng đã được nói tới trong sách đệ nhị luật (Dnl 6, 4-9), tức sách Shema , mà những người Do Thái mỗi ngày vẫn phải đọc đi đọc lại hai lần. Phải yêu mến Thiên Chúa với trọn vẹn con người mình. Yêu mến với tất cả cõi lòng, tức là thể hiện những tình cảm sâu xa nhất. Yêu mến với hết linh hồn, tức là tình yêu phát nguồn từ căn rễ mọi sức sống nơi ta. Đồng thời cũng phải yêu mến với tất cả ý thức và sức lực của mỗi người. Giới lệnh yêu thương tha nhân cũng được trích dẫn từ sách Lêvi 19,18 nói về những điều luật thánh thiêng. Giới lệnh này muốn minh thị rằng cách biểu tỏ cụ thể tình yêu đối với Thiên Chúa chính là thương yêu đồng loại. Thực sự đây không phải là hai giới răn, nhưng chỉ là hai khía cạnh của một thực tại duy nhất: đó là Tình yêu.
Đoạn văn này không nói một cách minh nhiên, như nhiều đoạn văn khác trong Kinh Thánh, khi muốn nhấn mạnh rằng, tình yêu đối với Thiên Chúa luôn phải được đặt vào chỗ tối thượng nơi ta. Trước khi chúng ta có thể diễn bày tình yêu đối với Chúa, và tình yêu đối với cận nhân, thì chính Thiên Chúa đã đi bước trước, đã gợi lên sáng kiến để giúp ta am tường về tình yêu Ngài. Khi chúng ta trải lòng mình ra để đón nhận tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, sống thật sung mãn và ngập tràn tình yêu Ngài, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ biết cách đáp trả tình yêu đó, và dàn trải tình yêu như thế cho mọi người. Khi tình yêu linh thánh của Thiên Chúa chiếm ngự nơi chúng ta, chúng ta dễ dàng quy phục Ngài và chúng ta sẽ tự hỏi giống như tác giả Thánh vịnh đã diễn tả “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?”(Tv 116,12). Câu trả lời rất giản đơn: Tình yêu. Tình yêu đáp trả tình yêu. Tình yêu đó hướng đến cả hai đối tượng bất khả phân: Thiên Chúa và tha nhân.
Ngày nay, với cảm thức sâu xa về một thế giới đại đồng rộng khắp, chúng ta xem tất cả mọi tạo vật chung quanh đều là những cận nhân cần được yêu mến. Chúng ta có thể gồm tóm ngay cả việc yêu thương chính mình vào phạm trù này, cho dù theo não trạng của thế giới Kinh thánh, điều đó khá xa lạ. Họ không hiểu yêu thương chính mình, theo cách diễn đạt ý niệm sống cá nhân chủ nghĩa, nhưng theo họ, ý niệm này trải rộng trước hết đến gia đình riêng của họ, đến một đoàn thể, hay một tổ chức tôn giáo nào đó mà họ tham gia. Họ luôn phải lệ thuộc vào người khác, trong khi vẫn luôn phải khẳng định chính mình. Chúng ta biết giới răn lớn nhất là yêu thương, nhưng trong thực tế, điều này không dễ dàng thực hiện. Thánh Augustinô đã khuyên mời chúng ta “Bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm – Ama et fac quod vis (Trích bài giảng thứ 7 về thơ thứ nhất của Thánh Gioan). Khi bị vặn hỏi về sự hiểu biết và thực hành giới răn của Thiên Chúa như thế nào, Đức Giêsu đã trả lời cho những biệt phái, để họ biết rằng giới răn đó không phải chỉ được Ngài công bố trên môi miệng một cách lý thuyết, nhưng đã được thực hiện trong suốt cuộc đời Ngài. Chúng ta cần phải sao chép lại cách thực hành đó trong cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.
Barbara E. Reid OP.