HỌC SỐNG CÓ Ý NGHĨA



Ngày xưa tôi đi tu chỉ sợ nhất một điều đó là sống cộng đoàn. Các cha định nghĩa cho tôi nghe là nếu muốn đi tu thì tôi phải giỏi một cái gì đó, vì tôi phải sống chung với rất nhiều người, tôi mà không giỏi thì sẽ bị loại ra, hay còn nói cách khác là không có ơn gọi. Mới nghe tôi đã thấy nản rồi, vì xét lại mình tôi không thấy mình giỏi được cái gì cả, chỉ giỏi khóc nhè thôi (hic). Thế mà do hoàn cảnh đẩy đưa, mà bây giờ tôi mới nghiệm ra đó là Thánh Ý Chúa, tôi đã đi tu, mà khốn nỗi lại tu Dòng Đaminh, một Hội Dòng đề cao đời sống cộng đoàn.
Thời gian qua mau, bây giờ tôi đã lớn, ý niệm về đời tu cũng đã thay đổi nhiều, tôi không còn thấy sợ phải sống chung nữa, không khéo bây giờ cho tôi sống riêng thì tôi lại sợ hơn là sống chung. Qua những giai đoạn của "đời dâng hiến", từ ngữ này thay thế cho "đời tu", tôi đã từng bước cảm nhận đời dâng hiến mà không có đời sống cộng đoàn là một sự thiếu sót trầm trọng. Nói như vậy là tôi không hề có ý bác bỏ hay không đồng thuận với các Thánh tổ phụ đời xưa, vì chưng mỗi một thời đại, con người lại có những thay đổi cho phù hợp với thời thế, do đó đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi.
Một vài ý tưởng về đời sống cộng đoàn mà tôi cảm nhận được trong những năm sống vừa qua, xin được phép chia sẻ với mọi người, cũng mang chút hi vọng là có thể giúp ích được cho một ai đó.

1.     Chúng ta sống cộng đoàn với chính mình
Thuở còn bé, tôi được nghe câu chuyện này: Một hôm, tay trái nói với tay phải rằng: "tớ phải làm việc rấy là vất vả: nào viết bài, nào làm dấu, nào gọt trái cây…, còn cậu thì sung sướng quá, chẳng phải làm việc gì". Tay trái nghe xong thì buồn lắm, nó khóc suốt một đêm rồi quyết định rằng đã vậy thì từ nay nó không giúp tay phải bất cứ điều gì nữa. Sáng hôm sau con người thức dậy, và con người thấy ngay là có sự bất tiện vì tay phải thì cầm bàn chải đánh răng nhưng tay trái thì không cầm được ly nước, phải đánh răng rửa măt một tay, con người rất là khó chịu. Rồi đến lúc mặc áo, chỉ một tay phải thôi, con người không thể nào cài cúc áo được, nên con người đành mặc chiếc áo thun nhăn nhúm đến trường. Tời giờ tập vẽ mới đúng thật là hết sức chịu nổi, tay phải cầm bút chì nhưng tay trái không chịu giữ tờ giấy, thế là loay hoay mãi cả buổi mà con người không thể vẽ được một tác phẩm nào. Quá tức giận, con người ném cây bút chì vào góc tường. Đến lúc này thì tay phải đã nhận ra sai lầm của mình khi cho rằng tay trái là vô dụng, nó nhẹ nhàng đến bên tay trái và lí nhí nói lời xin lỗi. Tay trái không còn giận tay phải nữa và nó lại chịu giúp đỡ tay phải trong các công việc hằng ngày mà con người cần đến cả hai tay.
Sống cộng đoàn với chính mình là thế đấy. Thiên Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con người có hai tay chứ không phải một tay, có hai mắt chứ không phải một mắt, có một cái miệng chứ không phải hai cái miệng…mỗi bộ phận trong thân thể chúng ta đều có bổn phận riêng của nó nhưng không có nó thì không được.

2.     Chúng ta sống cộng đoàn là sống với nhau

Một món ăn mà ngày nay hầu như các bạn trẻ rất ưa thích là món bánh tráng trộn. Món ăn này có thể là một minh họa rất tuyệt cho đời sống cộng đoàn. Ai đã từng ăn món này thì biế rất rõ rằng món này ngoài bánh tráng ra còn có rất nhiều phụ gia đi kèm: muối tôm, xoài, sa tế, khô mực, rau răm…và nếu nó chỉ có mỗi bánh tránh thôi thì nó sẽ không được gọi là bánh tránh trộn. Món bánh tráng trộn đơn giản nhất thì cũng có ít nhất là 3 nguyên liệu là bánh tráng, muối tôm và tắc.
Cũng thế, đời sống cộng đoàn cũng bao gồm mình và những phụ gia khác kèm theo là anh chị em của Dòng mình, lớp mình, nhóm mình…Cũng như món bánh tráng trộn muốn ngon thì phải trộn lẫn với nhau, ăn riêng từng thứ sẽ vô cùng dở thì đời sống cộng đoàn cũng vậy, chúng ta sống chung với nhau thì cũng chia sẽ cho nhau những vui buồn, cay đắng, mặn ngọt…của cuộc sống, để những điều đó trộn lẫn với nhau sẽ cống hiến cho đời một của lễ hi sinh cao cả.
Một đặc điểm khác của món này nữa là từng gia vị  tuy trong cùng một món ăn nhưng lại không thể lẫn vào nhau được. Đời sống cộng đoàn cũng thế, chúng ta sống chung nhưng không vì vậy mà chúng ta mất đi sự riêng biệt của mình. Một mặt chúng ta tôn trọng những nét nổi bật của anh chị em chúng ta, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải sống cái riêng của mình. Mỗi một người là một tác phẩm độc đáo của Thiên Chúa, do đó đừng để mất đi cái hồn sống riêng mà Chúa chỉ ưu ái cho riêng mình thôi.

3.     Chính Thiên Chúa cũng sống cộng đoàn
Từ bé chúng ta đã nghe dạy rằng Thiên Chúa chỉ có một nhưng Ngài có đến Ba Ngôi, đây là một mầu nhiệm mà ngay đến Thánh Augustino suy niệm còn không ra, cho nên mình cũng không dám "qua mặt" ngài để suy tư về mầu nhiệm ấy. Mình chỉ muốn nêu ra đây để minh chứng rằng Thiên Chúa cũng sống cộng đoàn như chúng ta vậy. Vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài, cho nên vì thế chúng ta ngày nay cũng được mời gọi sống như Ngài – sống cộng đoàn – tuy rằng chúng ta còn ở thế gian nên đời sống cộng đoàn của chúng ta còn nhiều hạn chế.

4.     Sống có ý nghĩa
Một vài suy nghĩ vẩn vơ sau những năm sống đời thánh hiến xin được chia sẻ cùng mọi người. Một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, và biết đâu câu hỏi mà Chúa đặt ra cho chúng ta khi chúng ta đến trình diện Ngài là : người anh chị em của con đâu rồi?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong một nhạc phẩm của ông: ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Chúng ta không phải là sỏi đá, chúng ta biết suy nghĩ, có tự do, cho nên thật tốt biết bao nếu chúng ta chọn cho mình một đời sống có ý nghĩa, biết quan tâm đến nhau, bỏ bớt cái tôi để hướng đến cái chúng ta, cho dù có những lúc thấy thật cay đắng trong lòng. Món bánh tráng trộn đôi khi có cay một chút nhưng cay mới ngon phải không? Đời thánh hiến những lúc cay đắng mà chúng ta vẫn can đảm nuốt trôi thì đời chúng ta mới thực sự có ý nghĩa.

Hoa Đất