LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Thân xác và linh hồn.
Suy niệm của John W. Martens
Văn Hào SDB chuyển ngữ


“Ta sẽ cho họ chỗi dậy trong ngày sau hết” (Ga 6,40).



Khi chúng ta chết, điều gì sẽ xảy ra? Đây là vấn nạn chúng ta thường đặt ra, đặc biệt đối với các Kitô hữu, khi mọi người đều hướng vọng về sự sống mai sau. Nhưng trước khi thân xác chúng ta được phục sinh trong ngày sau hết, trong thời gian chuyển tiếp, điều gì sẽ xảy ra. Khi chúng ta giã từ trần gian, chúng ta sẽ đi về đâu? Đây là điều thường gây ngộ nhận, nếu chúng ta không quán triệt giáo lý của Giáo hội. Hồi còn nhỏ tôi vẫn nghĩ tưởng về sự phục sinh mai sau, và cho rằng khi tôi chết, tôi sẽ được sống lại ngay lập tức trên quê trời, cùng với tất cả những ai đã được quyền năng của Chúa cho sống lại. Đây không phải là cái nhìn theo quan điểm Kitô giáo. Tuy nhiên nhiều Kitô  hữu vẫn ngộ nhận rằng sau khi chết, chúng ta sẽ sống trên quê trời, tuy không mang hình hài thân xác, nhưng linh hồn chúng ta được giải thoát khỏi những ràng buộc của thể lý, và đó cũng là cuộc sống mà mọi người phải hướng vọng về. Cuộc sống mai hậu, khi thân xác chết đi, là một điều rất khó giải thích, bởi vì những bản văn Kinh Thánh chỉ nói tới cách rời rạc, và không nhất quán đưa ra một cắt nghĩa tổng thể. Về cuộc sống chúng ta sau khi chết đi, Kinh Thánh chỉ mặc khải một cách tiệm tiến và dần dần.
Những người Do Thái cổ đại không đặt trọng tâm vào thế giới mai sau, nhưng họ chỉ nhắm đến cuộc sống hiện sinh với những phần thưởng và chúc lành từ nơi Thiên Chúa. Đó là một cuộc sống trường thọ của ngày hôm nay, được đông con nhiều cháu, được dư dật của cải, cụ thể có đầy tràn hoa màu ruộng đất và đàn gia súc dư giả. Theo quan niệm cổ xưa, người chết sẽ xuống âm phủ, là nơi không phải để thưởng phạt, nhưng chỉ là nơi bóng tối của sự chết bao trùm khi chúng ta an giấc ngàn thu.
Cựu ước rất ít nói về sự phục sinh. Mãi về sau này, trong các bản văn thuộc thế hệ sau lưu đầy, khi dân Israel trở về kiến thiết lại Giêrusalem, sự phục sinh thân xác mới được nhắc tới. Vài thế kỷ trước công nguyên, dần dần xuất hiện sự phát triển quan điểm về số phận muôn đời của người đã chết. Muộn thời sau này, người Do Thái mới có tư tưởng, tuy không hệ thống hóa, nhưng nhấn mạnh rằng trọn vẹn con người chúng ta, cả xác lẫn hồn, sẽ được chỗi dậy trong ngày sau hết.
Trong khi khá ít những tư tưởng nói về cuộc sống con người sau cái chết để chờ đợi được phục sinh, thì tác giả sách Khôn ngoan, bộ sách đã được viết vào khoảng từ năm 30 đến năm 40 trước công nguyên tại Alexandria, thành phố nói tiếng Hy Lạp, có đề cập đến “linh hồn những người công chính” đã chết. Tác giả viết “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi. Khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng ta tưởng là họ bi tiêu diệt. Nhưng thật ra họ đang hưởng bình an (Kn 3 1-3). Quan niệm âm phủ không còn nữa, nhưng thay vào đó, là tình trạng con người thoát khỏi cực hình và được an bình. Toàn bộ trình thuật đưa ra một tiến trình phán xét sau khi chết, và nói về sự hiện diện tiếp mãi của Thiên Chúa. Nhưng bản văn cũng tiên báo một Vương quốc của Thiên Chúa trong tương lai, khi đó linh hồn người công chính sẽ thống trị muôn dân nước và xét xử muôn dân tộc, và Đức Chúa sẽ cai trị họ đến muôn đời (Kn 3, 7-8).
Đối với người Kitô hữu, Vương quốc tương lai này sẽ được khai mở khi Đức Giêsu trở lại, lúc đó tất cả mọi người, kẻ sống cũng như kẻ chết, sẽ được tham phần vào sự sống lại của Đức Kitô nơi thân xác họ. “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại (Rm 6,5). Đức Giêsu đã nói về sứ mạng cứu thế của Ngài, khi chiến thắng tội lỗi và sự chết “ Quả thật, đây là ý muốn của Cha tôi, những ai thấy Chúa Con và tin vào Người Con, sẽ có sự sống đời đời, và ta sẽ cho họ chỗi dậy trong ngày sau hết”.
Tất cả những ai còn sống trong thân xác trần thế, chúng ta đợi chờ cái chết chắc chắn sẽ đến, và hướng vọng về Vương quốc mai sau trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ cũng ngóng đợi sự viên thành của Vương quốc nước trời, khi hồn và xác được kết hiệp lại để sống muôn đời. Sách Giáo lý Công giáo, điều 1005, cũng cắt nghĩa theo lời dạy của Thánh Phaolô, với một viễn cảnh tràn trề hy vọng: “Để được chỗi dậy với Đức Kitô, chúng ta phải chết với Đức Kitô, tức là chúng ta phải xa lìa thân xác để được cư ngụ với Chúa”. Sự chia lìa tạm thời này, chính là cái chết, khi thân xác tách rời khỏi linh hồn. Linh hồn sẽ được kết hiệp lại với thân xác trong ngày kẻ chết sống lại. Vì thế, cùng với những linh hồn công chính đã ra đi trước chúng ta, các Kitô hữu sẽ chờ đợi Vương quốc của Thiên Chúa, nơi đó tất cả sẽ được viên toàn, và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự.