Bổn Mạng Tháng 2

 

THÁNG 2

 


NGÀY

LỄ

QUAN THẦY

05/02

Lễ thánh Agathe

Chị Thùy Dung 

10/02

Lễ thánh Scholastique

Chị Thiên Hằng 

11/02

Lễ Notre-Dame de Lourdes

Chị Phương (Lourdes)

18/02

Lễ thánh Bernadette

Chị Thư

20/02

Lễ thánh Jacinta

Chị Nguyệt

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

 

NGÀY

LỄ GIỖ

07/02

(29/12 ÂL)

- Giỗ Thân phụ mẫu của ACE trong Dòng

- Bà cố Maria - Thân mẫu Dì Thủy

10/02

(03/01 ÂL)

Ông cố Gioan - Thân phụ chị Hoạt

11/02

11/02/1988

(24/12/1987 ÂL)

Bà cố Anna - Thân mẫu chị Diễm Lan

Ông cố Giuse - Thân phụ chị Thùy

12/02/2021

Ông cố Phêrô - Thân phụ chị Hoa

14/02/2003

(14/01/2003 ÂL)

Bà cố Maria - Thân mẫu chị Hằng - chị Nhung

17/02

Bà cố Anê - Thân mẫu chị Hữu

18/02/1988

(02/01/1988 ÂL)

Bà cố Anna - Thân mẫu chị Thật

22/02

Giỗ Đức Cha cố Đaminh Nguyễn Văn Lãng

24/02

(05/01 ÂL)

Ông cố Luca - Thân phụ chị Thảo (Martine)

27/02

Bà cố Anê - Thân mẫu chị Hải (Goretti)

Được Kêu Gọi Nên Những Vì Sao

 

                        ĐƯỢC KÊU GỌI TRỞ NÊN NHỮNG VÌ SAO

 

"Chúng ta được kêu gọi trở nên những vì sao chiếu sáng trong cõi trần u ám này."

 


Có người đã mô tả các tiên tri trong Kinh Thánh như những người an ủi những ai phiền não, và cũng là người gây phiền não cho những ai giầu sang, tự mãn.  Chẳng hạn như tiên tri Giêrêmia.  Vị tiên tri này sống vào thời kỳ Isael đang bị băng họai từ bên trong.  Và bị quân đội ngoại bang hùng mạnh đe dọa từ bên ngoài.  Tình hình như thế làm cho Giêrêmia hết sức đau xót vì Ngài yêu mến tổ quốc và đồng bào mình.  Có lẽ vì thế mà Chúa đã kêu gọi Giêrêmia làm ngôn sứ cho bạn hữu và láng giềng của ông.

 

Nhưng lần nào được Chúa kêu gọi, Giêrêmia cũng đáp lại một cách hết sức miễn cưỡng, vì ông biết rằng làm tiên tri nơi quê hương mình rất là khó khăn.  Nhưng rồi Giêrêmia cũng phải thuyết giảng, ông tuyên bố thẳng thắn với dân chúng con đường sống còn duy nhất của họ là phải canh tân đời sống hướng về Chúa và kêu cầu Ngài cứu giúp.

 

Nghe ông giảng thuyết như thế, đám dân liền nổi giận.  Họ lầm bầm kêu: "Ông nội Giêrêmia này dám nghĩ mình là ai mà bày đặt phê phán chúng ta, vì dầu sao chúng ta cũng là đồng bào của ông ấy?"  Tình trạng căm ghét này càng dâng cao đến nỗi có lần nhà cầm quyền đã công khai đánh đòn ông, lần khác thì cột ông vào trong bao, lần khác nữa thì xô ông vào một đống phân.

 

Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm được những khó khăn và đau đớn ấy khi lãnh nhận sứ mệnh làm tiên tri ngay trong xứ sở của Ngài.  Ngài đã từng bị bạn bè láng giềng ruồng rẫy.  Chẳng hạn bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy những gì đã xảy ra khi Chúa Giêsu lần đầu thuyết giảng nơi quê nhà Ngài, sau khi lãnh nhận phép rửa từ sông Giodan trở về.  Khi Chúa đứng lên tuyên bố với bạn bè và láng giềng rằng: "Thần Khí Chúa ngự xuống trên Ngài và chính Ngài làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh," thì lập tức họ cảm thấy khó chịu ngay.  Khắp hội đường đều nghi hoặc và dân chúng xầm xì bàn tán với nhau: "Anh ta không phải là con ông Giuse sao?  Anh ta nghĩ mình là ai mà dám tự nhận mình là tiên tri?  Đâu là bằng chứng cho thấy anh ta là Đấng Thiên Sai chứ không phải là tên mạo nhận?"  Lời xầm xì càng lúc càng lớn và chẳng bao lâu đám dân chúng bắt đầu la lên.  Rồi tình hình đột nhiên không thể kiềm chế được nữa.  Thánh Luca kể lại trong Phúc Âm như sau: "Dân chúng đứng dậy kéo Chúa Giêsu ra khỏi thành và dẫn Ngài lên đỉnh đồi trong thành phố dự tính xô Ngài lộn đầu xuống dưới.  Nhưng Ngài bước qua giữa họ và bỏ đi chỗ khác" (Lc 4: 29-30).

 

Bài mô tả của thánh Luca về khó khăn đầu tiên Chúa Giêsu gặp phải tại Nagiarét khiến cho người Kitô hữu đang hăng hái phấn khởi bỗng như bị "té cái bịch" xuống đất.  Nhưng sau khi suy niệm về Kinh nghiệm chua chát đó, chúng ta bỗng nhớ lại những lời phiền não cụ già Simeon đã thốt ra khi Chúa Giêsu được dâng vào đền thánh "Trẻ này… là một dấu chỉ cho người ta chống đối" (Lc 2:34).  Lời nói này sẽ còn vang đi vọng lại suốt thời kỳ giảng thuyết của Chúa Giêsu.  Nếu dân làng Nagiaret từng đòi Chúa Giêsu trưng ra bằng cớ xác minh Ngài là tiên tri thế nào, thì các nhà lãnh đạo tôn giáo Irsael cũng buộc Ngài chứng minh giáo lý của Ngài là chính thống y như vậy (Mc 2: 18).  Nếu dân làng Nagiaret từng tố cáo Chúa Giêsu là kẻ dối trá, là kẻ lộng ngôn phạm thượng thế nào thì bọn biệt phái cũng thẳng thừng buộc tội Ngài là khí cụ của chính ma quỉ y thế ấy (Mt 12:24).  Và nếu dân làng Nagiaret từng cố tìm cách giết Chúa Giêsu vì lời tuyên bố của Ngài như thế nào, thì đám dân thành Giêrusalem cũng hò hét khản cổ: "Đóng đinh nó đi!  Đóng đinh nó đi!" y hệt như vậy.  Thực sự mà nói, Chúa Giêsu quả là một kẻ bị nhiều người chống đối và khích bác.  Lời tiên báo của cụ già Simeon về con trẻ Giêsu sẽ theo sát Đức Giêsu trong suốt cuộc đời dương thế Ngài.

 

Làm sao áp dụng những điều nói trên vào cuộc sống của chúng ta?  Chính Chúa Giêsu đã từng nêu gương cho chúng ta trước.  Ngài từng bảo các môn đệ: "Nếu thế gian ghét các con, thì hãy nhớ rằng họ đã ghét Ta trước… Đầy tớ không lớn hơn chủ mình.  Nếu họ đã bắt bớ Ta thì họ cũng sẽ bắt bớ các con" (Ga 15:18-20).  Bất cứ ai cố gắng sống đúng là Kitô hữu sẽ hiểu được những lời nói trên chân thực thế nào.  Chúng ta thử xét trường hợp những thanh niên đang học trung học hay đại học.  Cách đây không lâu, trong đám thanh niên có một số cảm nhận được những điều Chúa Giêsu đang đề cập đến.  Chúng ta hãy hỏi họ xem điều gì đã xảy đến cho họ khi họ cố gắng thật thà trong cuộc thi đang khi bạn bè xung quanh gian lận?  Điều gì đã xảy đến cho họ khi họ cố gắng giữ mình đúng đắn trong một buổi tiệc vui, đang khi chung quanh họ lũ bạn đang "quậy" tứ tung?  Điều gì đã xảy ra cho họ khi họ lên tiếng chống lại việc phá thai trong khi những người xung quanh họ lên tiếng ủng hộ việc ấy?  Điều gì đã xảy ra cho họ khi họ tuyên bố chống nạn kỳ thị chủng tộc, đang khi quanh họ người ta đang tìm cách tiêu diệt cá tính của những dân tộc thiểu sổ?  Điều gì đã xảy ra cho những thanh niên này thì cũng xảy ra tương tự cho những người lớn tuổi hơn.  Quả thế, nhiều lúc chúng ta đã từng bị ruồng bỏ và bắt bớ vì niềm tin của chúng ta.

 

Tuy nhiên chúng ta không nên vì thế mà từ bỏ lối sống lương thiện và trong sạch.  Không nên vì thế mà từ chối không dám bảo vệ quyền lợi trẻ em và nhóm người thiểu số.  Lý do thật rõ ràng là vì Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ trong bài giảng trên núi: "Các con là muối đất…  Các con là ánh sáng thế gian…  Người ta không đốt đèn rồi đặt dưới đáy thùng nhưng đặt nó trên giá đèn…  Cũng thế, ánh sáng của các con phải toả sáng trước mọi người để họ trông thấy việc thiện các con làm và ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5:13-15).

 

Chúng ta là Kitô hữu được kêu gọi làm tiên tri của Chúa Cha cho thời đại chúng ta, cũng như Chúa Giêsu từng là tiên tri của Chúa Cha cho thời đại của Ngài.  Đây chính là sứ vụ mà chúng ta lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và thêm sức.  Chúng ta hãy lập lại lời thánh Phaolô; "Người Kitô hữu chúng ta được Chúa kêu gọi để toả sáng như các vì sao giữa lòng thế giới tăm tối này" (Pl 2:15).

 

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện nói lên cảm nghĩ của bất cứ ai đã từng cố gắng trung thành bước theo Chúa Giêsu.

"Lạy Chúa xin ban cho chúng con tình yêu của Chúa, vì đôi khi chúng con bị cám dỗ căm thù đám người ruồng rẫy chúng con.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa.  Vì đôi khi chúng con như muốn ngã lòng trước những cảnh ngộ gai góc.

Lạy Chúa xin ban cho chúng con lòng dũng cảm vì đôi khi chúng con như muốn đầu hàng trước những gánh nặng đè lên chúng con.

Xin giúp chúng con là muối ướp mọi người, là đèn soi thế giới.  Xin hãy giúp chúng con toả sáng như những vì sao trong thế giới tăm tối này. Amen".

 

Lm. Mark Link, SJ

 

 

Con Rắn - Biểu Tượng Thiện Hay Ác?

 

                CON RẮN – BIỂU TƯỢNG THIỆN HAY ÁC?

 


Theo Âm lịch, năm 2025 là năm con Rắn.  Dù yêu hay ghét, những chú rắn đang trở thành tâm điểm chú ý trong năm nay.  Hơn nữa, 2025 cũng là Năm Thánh Hy Vọng.

 

Đối với người Trung Hoa, rắn biểu trưng cho trí tuệ, sự biến đổi, bình thản, quyến rũ, suy tư, sáng tạo và trường thọ.  Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, rắn mang ý nghĩa tiêu cực, như trong trò chơi cờ “Rắn và Thang” (Snakes and Ladders) đơn giản và phổ biến, nơi người chơi trượt xuống qua những chiếc thân trơn trượt của rắn nhưng lại leo lên bằng những chiếc thang.

 

Đa số mọi người thường có nỗi sợ đối với loài vật nhầy nhụa và nguy hiểm như rắn.  Nghiên cứu cho thấy gần một nửa dân số thế giới cảm thấy lo lắng khi gặp rắn.

 

Tuy vậy, rắn đóng vai trò hữu ích trong hệ sinh thái, như giúp kiểm soát số lượng loài gặm nhấm.  Suy cho cùng, rắn cũng là một phần của tạo vật Chúa dựng nên, và mọi tạo vật đều tốt đẹp.

 

Vậy, rắn là tốt hay xấu?  Điều này phụ thuộc vào cách nhìn nhận.  Theo Nguyên Lý và Nền Tảng Thứ Nhất của Thánh I-nhã, mọi tạo vật (bao gồm cả rắn) đều được tạo nên để ca ngợi, tôn kính, và phụng sự Thiên Chúa.

 

Đối với các Kitô hữu Trung Hoa, việc cân bằng giữa quan niệm đức tin và các lễ hội truyền thống Trung Hoa đôi khi rất tinh tế, nhất là khi hai yếu tố này dường như xung đột.  Năm con Rắn này là một ví dụ.  Hãy cùng khám phá quan điểm Kinh Thánh Do Thái-Kitô giáo liên quan đến rắn, để hiểu rõ hơn về loài bò sát máu lạnh này, cũng như về ý nghĩa hoặc vai trò của nó.

 

Rắn trong Kinh Thánh: Từ Sáng Thế Ký


Lần đầu tiên rắn được nhắc đến trong Kinh Thánh là trong Sáng Thế Ký 3.
 Có sự khác biệt nào giữa từ “rắn” (snake) và “con rắn” (serpent) trong tiếng Anh không?  Hai từ này thường được sử dụng thay thế cho nhau.  “Snake” là từ gốc tiếng Anh cổ trước cuộc xâm lược Norman năm 1066, trong khi “serpent” xuất hiện trong tiếng Anh từ tiếng Pháp vào những năm 1300.  “Snake” mang tính kỹ thuật và thường được sử dụng trong bối cảnh lịch sử tự nhiên, còn “serpent” mang tính thơ ca hơn.

 

Trong Sáng Thế Ký 3, con rắn được miêu tả là loài khôn ngoan hơn mọi dã thú khác.  Sự tinh ranh của nó đã khiến Ê-va bị cám dỗ với lời nói dối rằng ăn trái cấm là điều tốt.  Con rắn được xem là kẻ kiến tạo nên sự sa ngã của A-đam và Ê-va.  Hậu quả là Thiên Chúa trừng phạt con rắn, buộc nó phải bò sát đất và ăn bụi.  Không chỉ vậy, sẽ có sự thù hận giữa con rắn và người phụ nữ, giữa con cháu của chúng.  Con rắn sẽ cắn gót chân con người, còn con người sẽ đập nát đầu nó.

 

Thánh Phaolô giải thích rằng Ê-va bị lừa dối bởi sự xảo quyệt của con rắn (2 Cor 11:3), chứ không phải vì con rắn vốn xấu xa.  Trong câu chuyện vườn Eden, rắn đại diện cho cám dỗ hơn là hiện thân của sự dữ.  Rắn vẫn là một trong những loài vật mà Chúa tạo dựng, và A-đam đã đặt tên cho nó.  Trong mối liên hệ với sự xảo quyệt, Thánh Vịnh cũng miêu tả tiêu cực về rắn, “Chúng mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn, chứa đầy mồm nọc độc hổ mang. ” (Tv 140:3).

 

Những khía cạnh tích cực về rắn trong Kinh Thánh

Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng có những ví dụ tích cực về rắn.  Khi Môsê nghi ngờ lời mời gọi của Thiên Chúa để giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa đã biến cây gậy của ông thành con rắn.  Môsê sợ hãi chạy đi, nhưng Chúa yêu cầu ông nắm lấy đuôi nó, và nó trở lại thành cây gậy (Xh 4:1-5).  Khi Môsê và A-ha-ron đối mặt với Pha-ra-ô, Chúa bảo A-ha-ron ném cây gậy xuống, và nó biến thành con rắn.  Các pháp sư Ai Cập cũng làm tương tự, nhưng cây gậy của A-ha-ron (rắn) nuốt chửng những cây gậy (rắn) khác (Xh 7:8-12).

 

Vì sao Chúa lại biến cây gậy của Môsê thành con rắn?  Ngài hoàn toàn có thể biến cây gậy đó thành bất cứ thứ gì.  Môsê luôn mang theo cây gậy bên mình, vì vào thời đó, gậy là công cụ quen thuộc của người chăn chiên, dùng để chăn dắt và bảo vệ.  Môsê cũng đã sử dụng cây gậy này để rẽ nước Biển Đỏ và khiến nước chảy ra từ tảng đá.  Điều này cho chúng ta thấy rằng quyền năng không nằm trong cây gậy, mà nằm ở sức mạnh của Thiên Chúa được thực hiện qua đôi tay của Môsê.

 

Hơn nữa, khi Môsê và A-ha-ron thực hiện phép lạ biến gậy thành rắn, hành động này trực tiếp thách thức quyền lực của Pha-ra-ô, bởi vì rắn giữ vai trò nổi bật trong tôn giáo và thần thoại Ai Cập.  Hơn thế, con rắn của A-ha-ron đã nuốt chửng những con rắn khác do các pháp sư tạo ra.  Điều này bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa của dân Do Thái vượt trội hơn các thần linh của họ, cũng như quyền lực của Pha-ra-ô và vương quốc của ông.  Vì vậy, rắn được sử dụng để phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa, như một phương tiện để đạt đến mục đích.

 

Trong phần hai, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các trình thuật Kinh Thánh này, khám phá cách loài rắn được sử dụng để chuyển tải những bài học sâu sắc và làm sáng tỏ kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

 

Tác giả: Fr Francis Lim, S.J.

Dịch giả: Francis Hoang, S.J.

Nguồn: jcapsj.org – dongten.net

 

 

Phân Định Trong Đời Thường Phần 2

 

                    PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 2

 

                    TẠI SAO PHẢI PHÂN ĐỊNH ĐỂ TÌM Ý CHÚA?

 


Làm sao để tìm được chọn lựa tốt nhất là ước mong của mọi người.  Để làm điều đó cần biết phân định (discern, discernment).  Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn đưa thái độ phân định vào lối hành xử của mọi Kitô hữu.  Người trẻ cũng cần tập phân định.  Không phải chỉ phân định trước những chọn lựa lớn như chọn bậc sống (đi tu hay lập gia đình) hay chọn người bạn trăm năm, mà còn phải phân định trước những chọn lựa nho nhỏ hàng ngày.  Phân định trở thành một thói quen tự nhiên làm cho cả cuộc sống được thống nhất theo một hướng.

 

Thiên Chúa không giấu ý muốn của Ngài đối với ta, nhưng Ngài vẫn muốn chúng ta phân định để tìm ý Ngài như một cử chỉ khiêm tốn của lòng kính trọng và yêu mến.  Hơn nữa, tìm ý Chúa cũng là hành vi mà chỉ con người có lý trí, ý chí và tự do mới làm được.  Đó là một hành vi nhân linh.  Mỗi người phải tìm ý Chúa cho cuộc đời mình.  Chẳng ai làm thay cho mình được, vì trong từng hoàn cảnh, mỗi người có những câu hỏi rất riêng tư.  Hùng tự hỏi có nên vào chủng viện khi ở nhà chỉ có người mẹ già sống một mình không?  Hương sẽ chọn ai làm chồng, anh Thắng giàu có, đạo đức, nhưng không cùng tôn giáo, còn anh Phúc thì nghèo hơn, ít đạo đức hơn, nhưng cùng tôn giáo và được lòng mẹ của Hương?  Phát được làm trong Ban giám hiệu của một trường quốc tế.  Anh suy nghĩ có nên tiếp tục làm việc ở trường này nữa không vì thấy nó quá chú tâm vào lợi nhuận?  Phát có nên ở lại trường với hy vọng từ từ mình có thể đổi được hướng đi của trường?  Duyên phải giúp cha mẹ nuôi các em.  Cô tìm được một chỗ làm lương cao để nuôi các em, nhưng cô lại không được nghỉ ngày Chúa nhật, ít có giờ đi lễ hay tham gia một nhóm sống đạo.  Duyên có nên tìm một việc khác ít lương hơn nhưng có sự thảnh thơi hơn không?

 

Tìm ý Chúa không phải là chọn giữa một điều tốt và một điều là tội.  Thánh Inhaxiô Loyola nhắc chúng ta không được phép chọn một điều xấu hay ngược với giáo lý của Hội Thánh (Linh Thao số 170).  Thí dụ không được lấy một người đã lập gia đình và vẫn đang sống với người phối ngẫu; không được ly dị người bạn đời của mình để lấy người khác; không được phá thai…  Tìm ý Chúa là tìm xem Chúa muốn tôi làm điều nào giữa hai (hay nhiều điều) được phép làm.  Giữa hai điều tốt, tôi chọn điều tốt hơn mà tôi biết mình có thể làm được nhờ ơn Chúa.

 

Ngay cả khi đã biết ý Chúa, chúng ta cũng sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi cụ thể hơn.  Thí dụ, bác sĩ Phong mới ra trường, phải suy nghĩ xem Chúa muốn mình phục vụ ở vùng quê hay ở thành phố.  Nếu về vùng quê thì có nhiều cơ hội giúp người nghèo, nhưng đời sống vật chất của mình và sự thăng tiến trong nghề sẽ ra sao?

 

Một bạn trẻ quyết định đi Mùa Hè Xanh cũng phải phân định để tìm ý Chúa.  Nên đi khi nào?  Địa điểm nào cần sự hiện diện của tôi hơn?  Tôi sẽ làm gì khi đến đó?  Tôi sẽ ở đó bao lâu?  Có câu trả lời chỉ tìm ra được khi đến nơi mình phục vụ.  Ánh sáng của Chúa đến với tôi qua thực tế tôi đang trải nghiệm.  Nếu tôi còn nhiều môn phải thi lại hay tôi còn phải hoàn tất bài luận văn ra trường, thì năm nay tôi có nên đi Mùa Hè Xanh, hay chỉ đi một tuần thôi?

 

Nói chung, hàng ngày ai cũng phải đối diện với những chọn lựa.  Trước đây, trên đường lên Đà Lạt, có ngôi nhà thờ căng một tấm bảng lớn có ghi câu: Sống là Chọn.  Mà chọn thì phải bỏ.  Bỏ nhiều khi làm tôi thấy mình bị giằng co, xâu xé, tiếc nuối, đau đớn.  Tôi không thể nào chọn mọi sự, vì tôi không thể nào làm hết mọi sự, dù lòng tôi có tốt đến đâu.  Tôi không thể vừa muốn đi tu, vừa muốn tiếp tục nuôi dưỡng mối tình với người ấy.  Tôi không thể lập gia đình với hai người, dù tôi đã có nhiều kỷ niệm với cả hai, dù mỗi người đều có những nét riêng làm tôi ngưỡng mộ.  Chấp nhận chọn là chấp nhận có thể bị tổn thương, ít là lúc đầu.  Không muốn chịu tổn thương thì cũng không chạm đến chọn lựa một cách triệt để.

 

Thường thường người ta chọn lựa dựa theo cái tôi của mình.  Cái tôi của tôi là trung tâm.  Tôi chọn điều tôi thích.  Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho tôi: tiếng tăm, tiền bạc, khoái lạc, quyền lực…  Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho đất nước tôi, cho gia đình tôi, cho những người thân của tôi, cho tổ chức hay nhóm của tôi, dù cái lợi ấy gây hại cho nước khác hay người khác.  Khi đọc báo hàng ngày, chúng ta thấy nhiều người đã chọn theo kiểu ấy, vì thế biết bao thảm kịch đã xảy ra khắp nơi trên toàn cầu: chiến tranh, xung đột, giết chóc, bất công, tham nhũng, dối trá, bóc lột, áp bức, kỳ thị, hố sâu giữa người giàu người nghèo…  Mọi nỗi khổ đau của nhân loại đến từ những chọn lựa quy về cái tôi và những gì là của tôi.  Khi cái tôi trở thành tiêu chuẩn để chọn lựa, thì tôi không thể nghĩ đến người khác, không thể tôn trọng quyền lợi của họ.

 

Như thế để làm một lựa chọn đúng đắn, tôi phải được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ.  Tôi không bị nô lệ cho cái tôi đầy thèm muốn chiếm đoạt của mình.  Dĩ nhiên là tôi phải yêu tôi, nhưng tôi lại không phải là trung tâm để mọi sự, mọi người phải quy hướng vào đó.  Trung tâm của tôi phải ở ngoài tôi, phải ở trên tôi.  Đối với một Kitô hữu, trung tâm của tôi là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nhờ Đấng ấy mà tôi hiện hữu trên đời này.  Mọi chọn lựa của tôi phải quy về Đấng ấy.

 

Các nhà luân lý nói đến việc mỗi người cần xác định đâu là lựa chọn căn bản của đời mình (fundamental option).  Tôi chọn tôi hay chọn Thiên Chúa?  Tôi chọn tôi hay chọn tha nhân?  Lựa chọn căn bản này sẽ chi phối mọi lựa chọn nhỏ khác của đời tôi.

 

(Còn tiếp)

Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Nguồn: https://dongten.net