TẤM LÒNG THANH
Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc
Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn Ngục Hình
Theo lẽ thường thì “xa mặt, cách lòng.” Hầu
như các mối quan hệ đều có “điểm chung” như vậy. Chẳng
hạn, họ hàng cùng cấp độ, nhưng với người ở gần thì mức độ tình cảm khác với
người ở xa. Tuy nhiên, về phương diện tâm linh không
như vậy, đặc biệt là tâm linh Kitô giáo.
Thật vậy, Tháng Mười Một xác định cái “lý lẽ” đó: Các thánh và
những người đã qua đời là những người ở rất xa, thế mà họ vẫn rất gần chúng ta
– thậm chí còn gần hơn khi họ còn sống trên thế gian này.
Họ ở hai nơi khác nhau như họ đều là các thánh nhân, chỉ khác
tình trạng một chút: ĐÃ sạch và CHƯA sạch, ĐÃ là thánh và chắc chắn SẼ là
thánh. Cầu nguyện với các thánh là điều rõ ràng
rồi, nhưng chúng ta vẫn có thể cầu xin các linh hồn giúp đỡ chúng ta, mặc dù họ
không thể tự giúp chính họ được nữa. Cầu nguyện với các linh hồn hiệu quả lắm
– nhất là trong Mùa Cầu Hồn này.
1. THANH SẠCH
Các thánh trên Thiên Đàng là những người đã thanh sạch. Chắc chắn như vậy, bởi vì không thanh sạch thì
không thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa và không được đến gần Ngài.
Tv 24:3-6 cho biết: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ TAY SẠCH LÒNG THANH, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề
gian thề dối. Người ấy sẽ được
Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng. Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.” Người sống thanh sạch là người được công chính hóa, và còn
thêm ích lợi khác: “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được thêm sức mạnh.” (G
17:9b)
Nói đến lòng thanh sạch, chúng ta có thể nhớ ngay tới người trưởng
thu thuế là ông Da-kêu mà trình thuật Lc 19:1-10 đề cập. Ông
là một người lạ lùng lắm. Tên Da-kêu là Zacchaeus, Hy ngữ là Ζακχαῖος
hoặc Zakchaios, có nghĩa là TRONG SẠCH và CÔNG CHÍNH. Cái tên rất đặc biệt, rất ý nghĩa. Nhưng không chỉ là cái tên suông, mà chính ông
đã thực hiện ngay lập tức. Ông nói với Chúa Giêsu: “Thưa
Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt
của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Câu nói của ông cho thấy rằng ông làm một
lúc hai việc: Bác Ái và Đền Tội. Ông bác ái bằng cách dùng phân nửa tài sản để
giúp người nghèo, và đền tội bằng cách đền gấp bốn những gì ông đã tham lam bằng
cách nào đó.
Các thánh cũng đã một thời là phàm nhân, nghĩa là cũng có thể phạm
tội, nhưng các ngài đã mau mắn sám hối và đền tội. Ngày
xưa người ta có cách “đánh tội” khá phổ biến, tức là lấy dây và tự đánh mình,
có khi rỉ máu ra, đã có nhiều vị thánh áp dụng “biện pháp” này. Chịu
đau khổ là cách đền tội ở đời này và hiệu quả, chịu đau khổ như vậy để mong
không phải vào Luyện Hình – tức là “lên thẳng” và vào Thiên Đàng ngay.
Là phàm nhân đồng nghĩa với là tội nhân. Là tội
nhân nghĩa là “dơ bẩn” lắm. Nếu dơ bẩn thì phải giặt cho sạch, tốt
nhất là “giặt” bằng Bửu Huyết của Đức Giêsu Kitô. Các
thánh là những người “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.”
(Kh 7:14) Và đó là điều diễm phúc: “Phúc
thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa
mà vào Thành!” (Kh 22:14)
Đền tội là điều tự nguyện, nhưng vẫn phải nhờ ơn Chúa giúp sức: “Lạy
Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con
nên chung thuỷ.” (Tv 51:12) Đền tội là hoàn thiện theo ý Chúa, không
cần bề ngoài, mà cần tự đáy lòng: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài
là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv
51:19) Thế là hết bẩn, thế là được sạch, được sạch
thì thoát “ngưỡng” Luyện Hình. Thật tuyệt vời biết bao!
2. THANH
LUYỆN
Các linh hồn nơi Luyện Hình là những người chưa thanh sạch, vì
thế mà cần thanh luyện một thời gian để có thể xứng đáng bước vào Thiên Đàng. Luyện Hình như “phòng chờ” đến lượt nhận phần
thưởng đời đời. Ở “phòng chờ” lâu hay mau tùy mức độ “dơ
bẩn” nhiều hay ít. Vào Luyện Hình là chắc chắn được vào
Thiên Đàng.
Luyện Hình còn gọi là Luyện Ngục – nơi thanh tẩy linh hồn trở
nên sạch sẽ, thanh luyện tới mức tinh tuyền. Chính cái tên gọi cho thấy đó là nơi đau khổ. Nên
nhớ rằng hình phạt ở Luyện Hình cũng đau khổ như ở Hỏa Ngục, không hề “nhẹ
nhàng” hơn. Có điều khác nhau là đau khổ ở Luyện
Hình có giới hạn, linh hồn chịu thanh luyện đủ mức thì được lên Thiên Đàng; còn
đau khổ ở Hỏa Ngục vô hạn, “mất trắng” đời đời, phải “khóc lóc và nghiến răng”
vĩnh viễn. Lửa ở hai nơi đó không như lửa ở thế gian; so
với lửa ở hai nơi đó thì lửa ở thế gian chỉ như “gió nhẹ hiu hiu” mà thôi. Thật
đáng sợ! Thế nên Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy
biết RUN SỢ mà GẮNG SỨC lo sao cho mình được cứu độ.” (Pl 2:12)
Gọi là hình phạt nhưng không phải là Thiên Chúa không nhân từ,
mà đó là hồng ân thương xót của Ngài. Chính hình phạt đó là sự công bằng của
Thiên Chúa, bởi vì tại chúng ta chiều chuộng mình, thích dễ dãi, khoái ung
dung, sợ khó, sợ khổ, không chịu “tu thân” ở đời này, thế nên phải chịu thanh
luyện ở Luyện Hình. Phải vào Luyện Hình cũng là diễm phúc rồi.
Không phải vào đó thì quá tuyệt vời rồi.
nhưng làm sao có thể “lên thẳng” chứ? Cố gắng thanh luyện mình ở
đời này, tức là sống đền tội ở thế gian. Nhưng “phương pháp” tự
thanh luyện ở đời này là gì? Thánh Phêrô cho biết: “Nhờ VÂNG
PHỤC sự thật, anh em đã THANH LUYỆN tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân
thành.” (1 Pr 1:22a)
Chấp nhận sự hèn yếu của mình cũng là cách tự thanh luyện – đền
tội liên lỉ, đền tội bền bỉ, đền tội không nghỉ. Thánh
Phaolô nói: “Trong một ngôi nhà lớn, không phải chỉ có những đồ vật bằng
vàng bằng bạc, nhưng cũng có những đồ vật bằng gỗ bằng sành; thứ thì dùng vào
việc cao quý, thứ thì dùng vào việc thấp hèn. Vậy ai THANH TẨY mình cho sạch những điều xấu nói trên, người đó
sẽ là một đồ vật dùng vào việc cao quý, một đồ vật được thánh hiến, có ích cho
chủ, sẵn sàng làm mọi việc lành.” (2 Tm 2:20-21)
Không phải vào Luyện Hình có thể là phúc hoặc khốn. Có
thể “vào thẳng” nơi nào đó: Không phải vào Luyện Hình là PHÚC nếu vào thẳng
Thiên Đàng, không phải vào Luyện Hình là KHỐN nếu vào thẳng Hỏa Ngục. Những kẻ khốn là ai? Thánh
Phaolô nói: “Anh em phải biết rõ điều này: KHÔNG một kẻ gian dâm, ô uế
hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp
trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa. Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những
điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ KHÔNG VÂNG PHỤC.” (Ep 5:5-6)
Thánh Antôn Padua, tiến sĩ Phúc Âm, có lời khuyên cấp
bách: “Ngay hôm nay, anh em hãy làm một việc tốt cho người mà anh em
không ưa.” Đó là thiện cử rất phù hợp với
khuyến cáo của Chúa Giêsu Kitô: “Hãy yêu kẻ thù cầu nguyện cho những kẻ
ngược đãi anh em, và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” (Mt 5:44; Lc 6:27) Đó không chỉ là sống yêu thương, thi hành luật
bác ái, mà còn là cách tự thanh luyện ở đời này để hy vọng không phải vào Luyện
Hình – dù chỉ một thoáng.
Chúa Giêsu yêu thương mọi người, muốn ai cũng được ở với Ngài đời
đời kiếp kiếp. Thật vậy, chính Ngài đã cầu xin với
Thánh Phụ: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã
ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh
quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo
thành.” (Ga 17:24)
Tháng Mười Một – Tháng Cầu Hồn, và các ngày Thứ Hai trong tuần,
là cơ hội tốt để chúng ta nhớ đến những người đã khuất bóng trần gian. Cầu
nguyện cho họ cũng là cầu nguyện cho chính mình. Khi
hiện ra tại Fátima năm 1917, Đức Mẹ dạy cầu nguyện cho các linh hồn: “Lạy
Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem
các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương
xót hơn.” (Lời Nguyện Mân Côi sau mỗi chục Kinh Kính Mừng) Không có
linh hồn nào mồ côi đâu!
Lạy Thiên
Chúa công bình như giàu lòng thương xót, con đã phạm bao nhiêu tội lỗi, bao
nhiêu lần con đã phản nghịch, đã đắc tội với Ngài, xin cho con được biết. (G 13:23) Xin thêm các nhân đức đối thần và đối nhân để con có
thể tôn vinh Ngài trong cuộc sống đời thường, mặc dù con hèn hạ với thân tro kiếp
bụi. Con cầu xin
nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Trầm Thiên
Thu