CHẾT
LÀNH
Trong văn hóa Công giáo La
Mã mà tôi được nuôi dạy, chúng tôi được dạy cầu nguyện xin ơn chết lành. Với nhiều người Công giáo thời đó, đây là một
lời nài xin trong lời kinh hằng ngày. “Xin cho con được chết lành.”
Nhưng người ta chết lành thế nào? Chẳng
phải chết tự nó là một tiến trình đau khổ hay sao? Còn về những đau đớn khi chết, khi cho cuộc sống
trôi qua tầm tay, khi nói những lời giã biệt cuối cùng? Liệu người ta có thể chết lành hay không?
Nhưng tất nhiên, đây là một
cái nhìn tôn giáo. Chết lành nghĩa là
người đó chết với đạo đức tốt và trong tình trạng có đạo. Như thế nghĩa là bạn không chết trong một tình
trạng đạo đức nửa vời, bạn không chết khi xa rời giáo hội, bạn không chết cay đắng
hay giận dữ với gia đình mình, và ít nhất, bạn không chết vì tự vẫn, vì quá liều
thuốc phiện, hay chết khi đang phạm tội ác.
Hình tượng giáo lý về chết
lành, thường là một giai đoạn về ai đó lớn lên trong gia đình Kitô giáo tốt
lành, là một người lương thiện, đầy đức tin, khiết tịnh, đi lễ thường, nhưng có
một khoảng thời gian xa lìa Thiên Chúa, không còn đi lễ và giữ các điều răn, đến
mức có lúc người đó không còn nghĩ về Thiên Chúa, không còn đi lễ, và không còn
giữ luân lý Kitô giáo nữa. Nhưng không
lâu trước khi chết, một hoàn cảnh nào đó đã trở nên thời khắc ân sủng cho họ, rồi
họ hối lỗi về sự sao nhãng, vô luân và bỏ bê hành đạo của mình, họ trở lại với
giáo hội, xưng tội thành tâm, rước lễ, và không lâu sau họ qua đời vì một tai nạn
hay một cơn đột quỵ. Nhưng họ chết trong
ân sủng. Sau nhiều năm xa rời đạo đức và
tôn giáo, họ đã trở lại đàn và chết lành.
Thật sự tất cả chúng ta đều
biết những câu chuyện tương tự như thế, nhưng đáng buồn thay, chúng ta cũng biết
những câu chuyện không như thế, xảy ra điều ngược lại, khi những người tốt lành
lại chết trong những tình huống bi kịch, đáng buồn. Chúng ta đều từng mất người thân yêu vì tự vẫn,
rượu chè, và đủ cách chết khác rất không lý tưởng. Chúng ta cũng biết nhiều người tốt, đã chết
trong những tình huống đạo đức nửa vời, hoặc chết trong cay đắng, không thể làm
mềm lòng mình trong sự tha thứ. Họ có chết
lành không?
Phải thừa nhận là họ chết
theo những cách thức bất hạnh, nhưng chết lành không được phán định dựa vào việc
cái chết đến trong tình huống đang lên hay đang xuống. Có nhiều người chết lành như kiểu giai thoại ở
trên, khi cái chết đến với họ trong tình huống đang lên. Nhưng có những người với một đời sống lương
thiện, tốt lành và yêu thương, nhưng lại bất hạnh bị cái chết ập đến trong lúc
đang giận dữ, yếu đuối, trong lúc trầm cảm hay chết vì nghiện ngập hoặc tự vẫn.
Cái chết đến với họ khi đang xuống. Họ có chết lành không? Ai là người phán định điều này?
Thế nào là chết lành? Tôi thích một mô tả của Ruth Burrow. Nữ tu dòng Carmel này chia sẻ cho chúng ta câu
chuyện về một chị em trong dòng từng sống với sơ. Sơ này có tâm hồn tốt lành, nhưng lại yếu đuối.
Sơ đã vào tu viện chiêm niệm để cầu nguyện,
nhưng không bao giờ có thể tập trung vào khuôn khổ này. Nên sơ sống nhiều năm trong tình trạng giằng
xé, tấm lòng tốt nhưng lại tầm thường. Đến
lúc có tuổi, sơ bị chẩn đoán mắc bệnh nan y, khiến sơ hoảng sợ đến nỗi bắt đầu
nỗ lực hết mình để trở nên con người mà sơ hằng mong muốn, một con người cầu
nguyện. Nhưng nửa thế kỷ với lề lối xấu
không dễ gì thay đổi. Dù có đưa ra nhiều
giải pháp mới, sơ này vẫn không thể thành công trong việc biến chuyển đời mình.
Sơ chết trong sự yếu đuối. Nhưng
xơ Burrows khẳng định, sơ này đã chết lành. Sơ chết
cái chết của một người yếu đuối, xin Chúa tha thứ cho quãng đời yếu đuối của
mình.
Chết lành là chết trong sự
thành thật, bất chấp tình trạng lúc chết có nét đạo hay không. Chết
trong những hoàn cảnh đúng đắn, tất nhiên là sự an ủi tuyệt diệu cho gia đình
và người thân, và cũng như vậy, chết trong những hoàn cảnh đáng buồn có thể khiến
họ thêm đau lòng. Nhưng
chết trong những hoàn cảnh có vẻ không tốt lành, không nhân văn hay tôn giáo,
không nhất thiết là một cái chết dữ. Chúng ta chết lành khi chết
trong sự thành thật, bất chấp hoàn cảnh hay yếu đuối.
Và sự thật này cho chúng ta
một thách thức khác. Những
hoàn cảnh chết của một người, dù đang buồn hay bi thảm, cũng không nên là lăng
kính để chúng ta nhìn lại cuộc đời người đó. Điều này nghĩa là nếu ai đó chết trong tình trạng
đạo đức nửa vời, trong một giây phút hay một thời gian yếu lòng, xa rời giáo hội,
chết trong cay đắng, chết vì tự vẫn hay nghiện ngập, thì không được phán xét sự
tốt lành của đời sống và tâm hồn người đó bằng hoàn cảnh chết. Cái
chết đến với người đó lúc đang xuống, có thể khiến lời cáo phó khó khăn hơn,
nhưng chắc chắn không phải là một phán xét đúng đắn về sự tốt lành của người đó
trong tâm hồn.
Rev. Ron
Rolheiser, OMI