Vài năm trước, tôi đi cùng một
linh mục đến thăm một người bạn chung của chúng tôi. Bạn tôi là một thương gia thành công, sống ở tầng
trên cùng một căn hộ rất đắt tiền nhìn xuống thung lũng dòng sông ở thành phố
Edmonton, Canada. Ông đưa chúng tôi ra
ban công ngắm nhìn thành phố. Thật tuyệt
đẹp. Từ ban công, tầm nhìn có thể nhìn
xa hàng dặm, bao quát toàn bộ thung lũng dòng sông và hầu hết thành phố.
Chúng tôi nói với ông, chúng tôi
rất kinh ngạc. Ông cám ơn lời khen của
chúng tôi, ông tiếc là hiếm khi ông ra ban công để ngồi uống trà ngắm cảnh. Tôi xin trích vài lời của ông: “Cha biết đấy,
tôi nên đưa một gia đình nghèo nào đó đến đây để xem. Tôi sống trong căn hầm cũng được, vì tôi chẳng
bao giờ có thì giờ để tận hưởng cảnh này. Tôi chẳng nhớ lần cuối tôi đã ra đây để ngắm
hoàng hôn hay bình minh là lúc nào. Tôi
luôn quá bận rộn, quá áp lực, luôn bận tâm. Tôi ở chỗ này phí quá. Tôi chỉ ra đây khi nào có khách và mời họ nhìn
quang cảnh này.”
Chúa Giêsu đã nói một điều có thể
diễn giải như sau: Lợi ích gì khi được cả thế gian nhưng luôn quá tất bật, quá
áp lực để hưởng nó.
Khi Chúa Giêsu nói về việc được cả
thế gian mà mất linh hồn, Ngài không hoàn toàn nói về việc sống vô luân, chết
trong tội lỗi và xuống hỏa ngục. Thông
điệp của Ngài là lời cảnh báo triệt để hơn. Chúng ta có thể đánh mất linh hồn theo nhiều
cách, kể cả khi chúng ta tốt lành, tận tụy, và đạo đức. Người trong câu chuyện tôi vừa kể thật ra là
người tử tế, đạo đức, tận tụy và tốt lành. Nhưng ông, như chính ông thừa nhận, ông chật vật
đấu tranh để là người sống trọn linh hồn, để cuộc đời được phong phú hơn, vì khi
chúng ta sống liên tục dưới áp lực, bị thúc ép phải tất bật không ngừng nghỉ,
thì không dễ để mỗi sáng thức dậy có thể nói: “Đây là ngày Chúa dựng nên, tôi mừng
vui và hân hoan sống ngày này.” Khả năng
nhiều hơn chúng ta sẽ nói: “Lạy Chúa, cho con sống qua ngày hôm nay!”
Cũng vậy, khi Chúa Giêsu nói “thật
khó để vào Nước Trời” Ngài không chỉ nói đến những người giàu vật chất, tiền bạc
và ảnh hưởng, dù chắc chắn Ngài cảnh báo như vậy. Vấn đề Chúa muốn nói đến, đó là một cuộc đời
luôn bận rộn, một lịch trình kín mít, một công việc hoặc một đam mê làm chúng
ta hết năng lực đến nỗi hiếm khi chúng ta có thì giờ (hoặc nghĩ đến dành thì giờ)
để ngắm nét đẹp hoàng hôn, hay vui vì chúng ta khỏe mạnh, có một lịch trình
phong phú.
Thú thật, đây cũng là một trong những
đấu tranh của tôi. Trong những năm làm mục
vụ, tôi được phúc có một lịch trình phong phú, công việc quan trọng, công việc
tôi yêu thích. Nhưng tôi cần thành thật
thú nhận trong những năm đó, tôi đã quá hối hả, quá áp lực để không thể ngắm
hoàng hôn (trừ khi như bạn tôi, mời một khách nào đó ngắm hoàng hôn.)
Tôi cố thoát khỏi chuyện này bằng
cách ép mình vào tĩnh nguyện, đi bộ, tĩnh tâm đều đặn vài tuần nghỉ hè hàng
năm. Chắc chắn những chuyện này giúp được
phần nào, nhưng gần như mọi lúc tôi ở trạng thái nghiện, áp lực, vội vã, khao
khát một không gian để tĩnh lặng, để cầu nguyện, để ngắm hoàng hôn, đi dạo công
viên, uống ly rượu vang hoặc trầm ngâm bên điếu xì gà. Và tôi nhận ra một nghịch lý mỉa mai: tôi vội
vã và vắt kiệt mình để dành ra một chút thì giờ thư giãn!
Tôi không phải là Thomas Merton,
nhưng tôi cảm thấy tôi được an ủi với chuyện ngài là ẩn tu nhưng lại quá bận rộn
và áp lực khi đi tìm cô tịch. Để tìm cô
tịch, ngài dành vài năm cuối đời ở một nơi ẩn tu, tránh tu viện chính, trừ những
lúc dự thánh lễ và đọc kinh phụng vụ mỗi ngày. Rồi, khi tìm được cô tịch, ngài ngạc nhiên khi
thấy nó khác với điều ngài đã hình dung. Ngài viết trong nhật ký:
Hôm nay, tôi cô tịch vì khoảnh khắc
này “là đủ, trong đời sống của một người bình thường, có đói, có ngủ, có nóng,
có lạnh, có thức dậy, có đi ngủ. Đắp
chăn rồi bỏ chăn, pha cà phê rồi uống. Rã
đông đồ trong tủ lạnh, đọc, chiêm niệm, làm việc, cầu nguyện. Tôi sống như các tổ tiên của tôi đã sống trên
trái đất, cho đến khi chết. Amen. Không cần phải tuyên bố gì về đời tôi, nhất là
về chuyện nó là của tôi… Tôi phải học cách sống sao cho quên đi chương trình và
cách thức.”
Và để ngắm hoàng hôn từ ban công!
Khi chúng ta giàu có, bận rộn, áp
lực và đầy mối bận tâm, thì thật khó để uống ly cà phê mình pha.
Rev. Ron Rolheiser, OMI