NHỮNG
ĐẤNG BẬC ANH HÙNG
Không kể 117 vị tử đạo tại Việt
Nam được phong thánh năm 1988 và Anrê Phú Yên được phong chân phước năm 1999,
còn hơn một trăm ngàn vị đã anh dũng dâng hiến đời mình, chấp nhận cái chết để
làm chứng lòng trung thành và gắn bó với Đức Yêsu, Đấng yêu thương con người dầu
phải chết.
Họ là ai?
Họ là những người cha người mẹ, họ
là những người con, họ là những người chồng người vợ, họ là thanh niên thanh nữ,
là tráng niên, là bô lão, là chủng sinh, là binh sĩ, là quan là dân, là dì phước
là linh mục. Họ là những bậc tiền bối của dân con Việt Nam
hiện nay. Họ là những người “dường như” không sợ chết. Họ chấp nhận
gông cùm tra tấn, chấp nhận đòn vọt, đói khát, nắng mưa, bệnh tật, và sẵn sàng
chấp nhận cái chết.
Họ là ai? Phải chăng họ
là những người điên nên không sợ chết? Phải chăng họ là những người không còn biết trách nhiệm
làm chồng làm cha làm con làm mẹ làm vợ làm dâu? Phải chăng họ
không biết trách nhiệm với vợ dại con thơ? Phải chăng họ không còn ý thức bổn phận làm
con phải sống để báo hiếu cha mẹ già yếu cần nương nhờ nơi họ? Phải chăng họ
không còn rung động trước tình cảm bao người thân dành cho họ, mà “ngoan cố”
không chịu bỏ đạo để phải chết?
Không! Họ là những
người cha người chồng người vợ, vô cùng thương con thương vợ thương chồng. Họ là những
người con rất có hiếu và rất ao ước được sống để phụng dưỡng báo hiếu cha già mẹ
yếu. Họ là những người thông minh có thể làm quan, là những
“anh hùng” sẵn sàng hiến mạng cho quê hương tổ quốc. Họ là những
người bình thường chứ không phải là những người điên, họ rất nặng “tình người”
chứ không phải là những người “vô cảm.” Họ chết vì người
ta muốn giết họ, chứ không phải tự họ muốn chết; tuy vậy họ sẵn sàng đón nhận
cái chết chứ không thể chối bỏ Thiên Chúa.
Tại sao họ kiên cường và anh
dũng như vậy?
Họ là những người rất bình thường,
nhưng Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi những con người yếu đuối mỏng
manh.
Ai không sợ chết? Ai không sợ
đòn vọt, tù đầy, gông cùm xiềng xích? Nhưng những bậc tử đạo “dường như” không sợ, vì có một
giá trị nào đó cao hơn, một cái gì đó quý hơn mà cho dù tình yêu gia đình, cha
mẹ, vợ con, và ngay cả mạng sống cũng không đánh đổi được. Với họ, Thiên
Chúa là nhất, Thiên Chúa trên tất cả, trên tình yêu gia đình, trên tương quan ruột
thịt, và trên cả mạng sống mình.
Qua các bậc anh hùng tử đạo, người
ta đọc thấy không phải “con người” anh hùng, nhưng chính “Thiên Chúa” đang thực
hiện những điều kỳ diệu nơi những con người đơn sơ mong manh chất phác, làm họ
như những “bức tường bằng sắt, như những bức vách bằng đồng” và kiên vững không
gì khuất phục được. Người ta có thể hủy diệt mạng sống các ngài, có thể giết
các ngài, có thể nghiền nát xương thịt các ngài, nhưng không thể bắt các ngài
làm theo ý họ. Thiên Chúa vô hình đang hiện diện qua thực tại hữu
hình. Thiên Chúa hiện diện đó, rất rõ, dù người ta
không nhìn thấy Ngài bằng mắt trần.
Sống cho đúng là con cháu của
những bậc anh hùng
Chúng ta là con dân đất Việt, là
con cháu của các đấng bậc anh hùng. Phải sống sao để “con nhà tông, không giống lông cũng
giống cánh.” Xin cho chúng
ta có tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với Đức Yêsu, và sẵn sàng hy sinh tất cả
vì Thiên Chúa.
Ngày nay người ta không còn nhiều
dịp để “tử đạo” như ngày xưa, nhưng ngày nay người ta vẫn còn phải chọn giữa
Thiên Chúa và tiền bạc danh vọng chức quyền; người ta vẫn phải chọn ưu tiên
tương quan với Chúa trên những tương quan khác v.v... Ngày xưa phải
đổ máu để sống đúng, để làm chứng; ngày nay không còn dịp đổ máu thể lý, nhưng
để sống đúng như những người con của Thiên Chúa, người ta vẫn phải đổ máu “vô hình,” vẫn phải hy sinh, phải chết “chính con người của
mình” thì mới có thể sống trọn vẹn cho Thiên Chúa được.
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm