Cộng đoàn là hồng ân vì được xây
dựng trên lòng mến phản ánh mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong cộng đoàn, chúng ta
không thể chọn người chị em chúng ta ưa thích, nhưng chính Chúa đã gửi đến bên cạnh ta những món quà qua những người cùng
chung lý tưởng sống, để chia sẻ và nâng đỡ nhau đi
hết hành trình ơn gọi. Cộng đoàn là nơi phát sinh sự sống bởi tất cả cùng chung
trái tim, chung linh hồn trong mạch sống dạt dào không ngừng vươn lên. Cộng
đoàn là môi trường để người tu sĩ lớn lên và trưởng thành trong đời
sống dâng hiến. Câu Thánh Vịnh: “Ngọt
ngào tốt đẹp lắm thay, chị em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133, 1) cũng
đã diễn tả phần nào niềm hạnh phúc của đời sống cộng đoàn. Mỗi người trong cộng
đoàn là một tác phẩm của Thiên Chúa với
những nét độc đáo khác nhau để tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống
thánh hiến và thực thi sứ mạng chung của Hội Dòng. Mỗi người là kiệt tác tuyệt vời của Thiên Chúa trong
vườn hoa muôn sắc để điểm tô khu vườn thêm rực rỡ, xinh tươi. Thế nhưng, bên cạnh
đó, trong đời sống cộng đoàn cũng
không tránh khỏi những
khổ đau, thách đố, khó khăn mà người tu sĩ cần phải vượt qua để đi trót hành trình
ơn gọi.
1.Nảy sinh thách đố:
Thật vậy, cộng đoàn là nơi đã đón
nhận mọi chị em với những hoàn cảnh gia đình, tính cách, trình độ, văn hóa, cá tính
khác nhau….. Mỗi chị em có những kinh nghiệm sống riêng
với những kỷ niệm ngọt ngào và cả những cay đắng không ai giống ai. Do vậy,
chúng ta cần đón nhận những giới hạn của nhau
và tôn trọng nhau vì mỗi người là hiện thân của Thiên Chúa. Chính vì thế, nếu không được cảm
thông, tôn trọng và lắng nghe để thấu hiểu và yêu thương thì sẽ xảy ra những
điều không hay trong đời sống cộng đoàn.
Đúng thế, đời sống theo Chúa
không phải luôn trải
những nệm hoa hồng chờ ta phía trước, nhưng có những gai góc làm rướm máu khi ta
giẫm lên chúng. Có những hiểu lầm,
những nghi kỵ mà chúng ta không thể tỏ bày, cũng không thiếu những giọt nước mắt của
ai đó hằng đêm vẫn âm
thầm tuôn rơi......
Những vết thương tinh thần đó có khi làm suy giảm, hủy hoại và đánh mất ơn gọi
của nhau mà nhiều khi vô tâm không hề hay biết.
Nước
trong hồ dù có phẳng lặng nhưng nó cũng nhấp
nhô gợn sóng li ti để giúp mặt hồ thêm sinh động. Cũng thế, nếu đời sống cộng đoàn cứ bình an và mọi
việc diễn ra cách tốt đẹp thì có lẽ mỗi người đã thành “
thánh” không cần phải tu luyện. Ngược lại, nếu tương quan với
nhau trong cộng đoàn cứ “chấn động” không biết bao nhiêu là thử
thách, khổ đau thì cũng làm chao đảo tinh thần và có thể buông xuôi, thất vọng. Tuy vậy, những “chấn động” cũng có thể tăng thêm sự mạnh mẽ, can đảm và nhiều
kinh nghiệm đức tin hơn. Cuộc sống cần phải có những nét trầm bổng mới có sắc
thái riêng và càng quý hơn những “chấn động” là cơ hội biến đổi tâm hồn và thanh luyện mỗi người sống
hoàn hiện hơn.
2. Hàn gắn vết thương:
Ai ai
trong chúng ta đã từng nghe câu
chuyện viên ngọc: con trai cũng đã quằn quại, đau đớn như thế nào khi một hạt
cát rơi vào miệng nó. Rồi tháng ngày trôi qua, nó đã để lại cho đời một viên
ngọc quý giá biết bao. Đời sống
cộng đoàn cũng vậy, giá
trị luôn ẩn mình đằng sau những “màu tím thương đau” để chữa lành và băng
bó bao vết thương rớm máu. Trong thực tế, đã hơn một lần chúng ta lấy mình làm
thước đo để hướng dẫn, áp đặt
lên quan niệm của người chị em và buộc họ phải sống theo ý mình, nên đã dễ dàng lên án, chống đối
họ. Đây chính là hố sâu ngăn cách mối quan hệ trong cộng đoàn làm nên những
căng thẳng và khơi dậy những vết thương. Khi vết thương đã hình thành thì sẽ
kèm theo những đau nhức, và những vết máu đang rò rĩ mỗi ngày. Chính vì thế, những vết thương, những rạn nứt trong
đời sống cộng đoàn cần phải được chữa lành; nhưng nơi nào là môi trường để chữa
lành nếu không phải chính là cộng đoàn? Đúng thế, đời sống cộng đoàn chính là
nơi để hàn gắn và chữa lành những vết thương. Thật vậy, nếu không có chiều thứ
sáu Tuần Thánh đầy ảm đạm, thương đau thì làm sao có được niềm vui
rạng ngời của ngày Phục
Sinh? Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta cần vượt qua mầu nhiệm Thập Giá để đón
nhận ánh sáng và niềm vui Phục Sinh, để khi đối diện với những khó khăn ta không
chùn bước. Chúng ta cần có
một cuộc vượt qua thật
sự khi biết khám phá bản thân; nhìn ra những giới hạn, ích kỷ nhỏ nhen. Can đảm
đối diện với những thương đau của đời sống, để mạnh dạn vượt qua mọi trở
ngại đón nhận chính mình và vươn tới đón nhận chị em, và cùng giúp nhau
thăng tiến trong ơn gọi.
3.
Khơi nguồn lòng thương xót:
Ta sẽ nhìn thấy được những ân huệ
lớn lao mà Thiên Chúa đã trao ban trên cuộc đời ta qua lòng thương xót của Ngài. Chúng ta sẽ thấy được
bao kinh nghiệm thâm sâu với Chúa, qua không biết bao nhiêu biến cố vui, buồn của kiếp
người. Trong tất cả mọi biến
cố trong đời sống, chắc chắn Chúa đã
can thiệp bằng Lòng Thương Xót của Chúa thì ta mới có thể tồn tại đến hôm nay. Đúng
thế, không ai có thể khẳng định được rằng: tôi hoàn toàn may mắn đến độ chưa một lần ngữa
tay ra đón nhận sự xót thương của Chúa hay của tha nhân. Chắc chắn đã hơn một
lần chúng ta có kinh nghiệm được một bàn tay uy quyền kịp thời nâng đỡ khi ta
gặp gian nan. Khi đó chúng ta đã
như thế nào? Buồn hay vui? Mỗi người đều có một kinh nghiệm riêng, nhưng
có lẽ trong hoàn cảnh đó sẽ rất hạnh phúc
và niềm vui được diễn tả bằng những giọt nước mắt vì vui sướng.
Vậy, hôm nay khi đối diện với những hoàn cảnh cần được xót thương chúng ta sẽ
làm gì? Thể hiện lòng xót thương của Chúa
đối với cuộc đời mình, qua tha nhân là một
lời gọi mời khẩn cấp và tha thiết của Chúa. Mỗi người chúng ta không nên giữ
những ân huệ đó mà “lạnh lùng” “đóng băng cửa lòng thương xót” đối với tha nhân. Khi có được kinh nghiệm xót thương,
chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và sống cho nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, chúng ta
sẽ hòa mình vào hoàn cảnh, địa vị của chị em để đón nhận mọi sự với tất cả lòng
yêu thương. Đồng thời, chúng ta
có thể “vui với người vui, khóc với người khóc”(Rm 12, 15) để lắng nghe
bằng con tim mình trước những nhu cầu cũng như tiếng rên siết, quằn quại của
người thân cận. Và tất nhiên mỗi người
mỗi cách, chúng ta sẽ nhận ra được bao nhu cầu nữa nơi chị em và có trăm phương
ngàn cách để thực thi lòng thương xót.
Không phải chỉ người thụ huấn mới cần được cảm thông. Không phải người có tội
mới cần đón nhận ơn tha thứ;
cũng không phải người làm lớn mới đủ “tư
cách” cúi xuống để ban phát lòng xót thương. Nhưng tất cả mọi người luôn
thực thi lòng thương xót với nhau như Chúa đã thương xót chúng ta. Vì vậy, đời sống cộng đoàn là
nơi khơi nguồn lòng thương xót, vì chính
nơi đây mỗi chị em
từng giờ, từng phút thực thi Lòng Chúa Xót qua từng
lời nói, cử chỉ, việc làm…. Nhờ việc
sống lòng xót thương với mọi người chị em, chúng ta chứng tỏ lòng thương xót Chúa thể hiện rõ nét trên cuộc đời mình.
Tóm Lại:
Đời sống cộng đoàn như bức tranh tuyệt
đẹp của người họa sĩ
với những nét bút điêu luyện, những màu sắc tươi đẹp, điểm tối, điểm sáng, chen lẫn
vào nhau để tạo sự hài hòa phong phú, tạo nên một bức tranh sống động. Cộng đoàn thực sự là nơi cần
được xót thương, và cũng là nơi cần
được băng bó và chữa lành. Không ai
trong chúng ta có thể tránh né những khó khăn thử thách, nhưng hãy can đảm và sẵn sàng dấn thân trong mọi
hoàn cảnh của cuộc sống, luôn mở rộng lòng để đón nhận mọi người chị em, không loại trừ thiên
kiến... Mỗi người chúng ta
sống và thực thi lòng thương xót của Chúa để nâng đỡ nhau và giúp nhau thăng
tiến, vững bước trên hành
trình đời sống dâng hiến như những gì Chúa mời gọi chúng ta.
Sr.M. Jean Vianey Thùy.