Chạm một cái vào màn hình cảm ứng, là mở ra cả một thế giới. Thế
giới ấy là gì thì tùy mỗi người. Va chạm diễn ra hằng ngày và quen thuộc đến
nỗi dường như mất luôn cảm giác và ý nghĩa của những cái chạm ấy. Nếu quay chậm
lại những cái chạm trong từng ngày sống, có lẽ chúng ta vẫn nhớ như in từng
khoảnh khắc ấy.
Cùng là đôi bàn tay mà những cái chạm đa dạng đủ loại. Bàn tay
ấy chăm sóc bản thân từ đánh răng rửa mặt cho tới việc ăn uống. Cái chạm ấy
biết sự nóng lạnh, biết sự rắn chắc trong lao động, biết sự nhẹ nhàng trong bắt
tay chào hỏi, biết nắm lại tự vệ, biết tấn công khi cần thiết. Cái chạm ấy chậm
lại trong tình thân hoặc thoáng qua trong lạnh nhạt.
Cùng là đôi bàn tay, mà lúc này là để nâng niu chăm sóc người
thân, lúc khi lại mạnh mẽ trả đũa kẻ thù. Cũng đôi bàn tay ấy, lúc này chắp lại
trong tư thế khẩn cầu, lúc khác lại giơ lên cao và hạ mạnh xuống trong tư thế
sát phạt. Có lúc là cái vẫy tay chào thân ái, lúc khác là cái tát cắt đứt tương
quan.
Đôi bàn tay ấy có lúc xây dựng tất cả, khi thì gạt bỏ mọi sự.
Những cái chạm ấy không chỉ được khắc ghi trong trí nhớ mà còn đầy cảm xúc nơi
con tim, nơi da thịt và cơ bắp. Con người như một tổng thế kết nối và đôi bàn
tay có một vai trò thật đặc biệt.
Vì lý do gì đó, mà một người không còn đôi tay, khi ấy người ta
cảm nhận được sự cần thiết vô cùng của đôi tay. Tay được đặt tầm quan trọng
ngang hàng với mắt: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Khi làm không được
việc gì, người ta quen nói là “bó tay”. Bàn tay còn trở thành biểu tượng cho những
gì con người có thể làm nên. Câu chuyện về đôi bàn tay là câu chuyện rời rạc và
tản mạn từ những gì tốt đẹp nhất tới những gì xấu xa nhất.
Con nhìn vào Kinh Thánh và thấy cung cách đụng chạm của Thiên
Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô hình, mà Kinh Thánh nói về Ngài theo ngôn ngữ loài
người là “Tay Chúa đã tác tạo hình hài con”, hoặc có lúc nói: cánh tay hùng
mạnh của Ngài, có khi lại ví Ngài như gà mẹ ủ con dưới cánh. Bên cạnh bàn tay
vô hình tốt lành của Chúa, có bàn tay vô hình luôn lén lút. Đó là kẻ ném đá
giấu tay. Thiên Chúa thì khiêm tốn, tay trái không biết việc lành tay phải làm.
Còn kẻ giấu mặt kia, thì tay mình làm điều xấu, rồi giấu đi, đổ tội cho tay
người khác. Cảm nhận của của hai cái chạm cũng khác nhau. Cái chạm của Thiên
Chúa thì trong sáng và đầy niềm vui sức sống. Cái chạm của kẻ dữ thì vui một
niềm vui ma mãnh và tinh ranh, vừa tự đắc về sự xảo quyệt vừa lo lắng về sự bại
lộ.
Trở lại đời sống thường ngày, con người không đủ lời để ca ngợi
những gì là tốt đẹp mà đôi bàn tay của người cha người mẹ vun đắp cho cuộc đời
con cái; đôi bàn tay của người lao động, của nhà nghiên cứu, của mỗi con người
theo nhiều cách thức vun đắp cho gia đình nhân loại. Ngay cả những người không
còn tay, nhưng vẫn có những cách thức riêng để xây đắp cho đời.
Đôi bàn tay của Thầy Giêsu là có một không hai trên cõi đời này.
Nói như thế không hề là kiểu nói thậm xưng của của báo chí, cũng không hề là
một cách nói để nhấn mạnh, nhưng là một cách nói chân chất của những ai đã được
bàn tay Giêsu chạm vào đời mình. Hai câu chuyện kể về những người bị mù được
sáng mắt, cho thấy thật rõ điều ấy.
Một hôm, khi Thầy Giêsu rời khỏi nơi kia, thì có hai người mù đi
theo mà van xin: Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi! Họ chẳng xin gì
ngoài xin lòng thương xót. Họ tin Thầy Giêsu có thể chữa lành họ. Thế mà Thầy
Giêsu chẳng nói chẳng rằng. Họ thực sự gặp thử thách. Họ cứ lẽo đẽo đi theo,
vừa đi vừa nài xin. Khi Thầy Giêsu về tới nhà, họ vẫn đi theo Thầy. Đến lúc ấy,
Thầy hỏi họ một câu có vẻ như là thừa: Các anh có tin là tôi làm được không? Họ
ngon lành đáp lại với đầy kiên nhẫn đợi chờ mà không chút bực dọc: Dạ chúng tôi
tin. Quãng đường từ con tim đến đôi tay quá là dài. Đến bây giờ, Thầy mới đưa
tay để chạm vào mắt họ và trao ban cho họ ánh sáng. Tình thương của Chúa vô bờ trong
con tim, với hành động cụ thể và hiệu quả nơi bàn tay.
Lần khác, khi Thầy Giêsu rời khỏi thành Giêrikhô thì dân chúng
lũ lượt đi theo. Chẳng ai đoái hoài đến hai người mù ngồi vệ đường, nhưng hai
người mù này kêu xin lớn tiếng về lòng thương xót từ nơi Thầy Giêsu. Đám đông
đã chẳng thương họ thì thôi, lại còn quát mắng im đi. Thử thách đối với họ là
vậy. Nhưng sức mạnh từ nơi Thầy Giêsu giúp họ vững tin mà nói lớn hơn. Thầy
không phụ lòng họ. Thầy dừng lại và gọi họ. Thầy chạnh lòng thương, đưa tay chạm
vào mắt họ, họ nhìn thấy được và đi theo Thầy.
Những người mù này đã van xin nhiều và chẳng có ai giúp được họ.
Người ta đã không giúp được, lại còn thêm cản trở. Tia hy vọng trong họ vẫn còn
đâu đó, nhưng bị người ngoài thêm phần vùi dập. Tình thương mến của Giêsu thắp
lên trong họ hy vọng, và bàn tay Giêsu chữa lành để làm cho hy vọng ấy tỏa
sáng. Bàn tay Giêsu nâng đỡ tất cả, mang lấy tất cả, đến nỗi bàn tay ấy một
ngày kia bị ghim chặt vào thập giá. Nhưng đó không phải là cái kết. Bàn tay
mang lỗ đinh của Đấng Phục Sinh ban bình an và sức sống cho các môn đệ. Đó là
cái chạm của tình yêu, yêu đến tận cùng.
Tứ Quyết SJ
http://dongten.net