“Ai nâng mình lên sẽ
bị hạ xuống" là một giáo huấn rất quan trọng nên thường được Chúa Giêsu đề
cập nhiều lần trong Tin Mừng bằng nhiều hình thức (Lc 18,14. Lc 14, 7-11. Mt
23,12)
Lần nầy, để minh hoạ
cho bài học của mình, Chúa Giêsu nêu lên hai nhân vật.
Người biệt phái rất tự
phụ, vênh vang phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo
đức và tự đặt mình lên trên những người khác: "Xin tạ ơn Chúa vì con không
như bao kẻ khác, không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, không như
tên thu thuế kia!"
Rồi ông phô trương
thành tích đạo đức của mình: "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho
Chúa một phần mười thu nhập của con".
Quả là ông nầy có
nhiều thành tích tốt lành ít ai bì kịp. Thế nhưng Thiên Chúa chê bỏ ông vì thái
độ tự kiêu của ông. Ông ta như chiếc bình đầy tràn, đầy kiêu căng tự phụ, nên
chẳng còn chỗ nào cho Chúa rót thêm.
Trong khi đó, người
thu thuế vốn biết thân biết phận tội lỗi của mình nên chỉ đứng ở đằng xa, thậm
chí không dám ngước mặt lên, chỉ biết đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy Thiên
Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".
Anh nầy đến với Chúa
như một chiếc bình trống rỗng, nghĩa là với lòng thống hối khiêm cung và khao
khát được Chúa tuôn đổ ơn tha thứ nên anh đã được Thiên Chúa thứ tha.
Với dụ ngôn nầy, Chúa
Giêsu ghi sâu bài học đáng nhớ nầy vào tâm khảm chúng ta: "Phàm ai tôn
mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
* * *
Một hôm khi cùng với
học trò vào thăm miếu của vua Hoàn Công, nước Lỗ, Đức Khổng Tử thấy có cái lọ
đứng nghiêng. Ngài nói với môn sinh: Ta nghe nói vua Hoàn Công có một vật quý
để răn dạy người đời. Đó là một chiếc lọ đặc biệt, khi để trống không thì
nghiêng, khi đổ nước vào vừa phải thì đứng; nếu đổ đầy nước vào thì lọ đổ nhào.
Không rõ vật ấy có phải là cái lọ nầy không?
Rồi ngài sai học trò
đổ nước vào thử xem. Quả thật, mới đầu lọ đứng nghiêng, khi nước được rót vào
được một nửa, thì chiếc lọ chuyển sang vị thế đứng thẳng; rồi cứ đổ tiếp cho
đầy tới miệng thì lọ đổ nhào.
Người đông phương ngày
xưa khôn khéo tạo nên chiếc lọ đặc biệt như thế để ghi khắc vào tâm khảm người
đời bài học khiêm tốn, bài học trung dung, một cách rất ấn tượng.
Còn người phương tây
cũng diễn tả nội dung đó qua một ngạn ngữ khá phổ thông: "virtus in medio
- nhân đức nằm ở mực trung". Người nhân đức là người biết sống trung dung,
không bất cập mà cũng không thái quá.
Bởi vì bất cứ điều gì
quá dư đầy phải sụp đổ.
"Mặt trời đứng bóng rồi phải xế,
Mặt trăng tròn đầy rồi sẽ khuyết,
Vật gì thịnh lắm rồi cũng phải suy". (Thái Trạch)
"Cái gì dư đầy sẽ phải đổ "... (Khổng Tử)
Thế nên, Lão tử khuyên
chúng ta:
"Thông
minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu,
Dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp".
Bậc thông minh duệ trí
thì nên giữ mình bằng khiêm nhường, nhận rằng mình còn nhiều điều chưa biết;
bậc anh hào có sức mạnh chấn động thế giới hãy biết bảo trọng thân mình bằng
cách sống hạ mình như người nhát sợ thì mới được vững bền.
Còn Chúa Giêsu vẫn
hằng nhắc nhở chúng ta: chớ dại mà nâng mình lên vì "hễ ai nâng mình lên
sẽ phải bị hạ xuống" như trường hợp người biệt phái trong câu chuyện trên
đây hay chớ dại dột chọn ngồi chỗ cao trong bữa tiệc, kẻo có ngày chủ nhà sẽ
mời xuống chỗ cuối (như ở Tin Mừng Luca chương 14, 7-11).
Lm. Ignatio Trần Ngà