Với trí tưởng tượng phong phú kết hợp với
tài nghệ văn chương tuyệt vời, nhà văn Đan-mạch Hans Christian Andersen đã dựng
nên một nhân vật rất độc đáo là “Chiếc bóng.”
Ai cũng có chiếc bóng đi theo mình. Chiếc
bóng hoàn toàn lệ thuộc chủ: khi chủ đi, bóng đi theo, khi chủ chạy, bóng chạy;
khi chủ dừng, bóng dừng; chủ đi đâu, bóng theo đến đó.
Vậy mà nhân vật “Chiếc Bóng” trong chuyện
của Andersen lại tách ra khỏi người chủ của mình vốn là một nhà khoa học, để
trở thành một nhân vật độc lập, đòi sống riêng không lệ thuộc chủ, rồi dần dà y
dám gọi mày xưng tao với chủ… Một thời gian sau,
y lên mặt sai khiến cả chủ của mình, và thật trớ trêu, y tự tôn mình lên làm
chủ và bắt chủ phải làm “chiếc bóng” của y và cuối cùng, y lập kế tống giam chủ
mình vào ngục và sát hại người chủ ngay trong tù.
Tương quan giữa con người
với Thiên Chúa cũng như bóng với hình. Thiên Chúa đã tạo dựng nên loài người và
mọi người hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, nhờ Chúa con người mới tồn tại được.
Chúa là Chủ, con người là tôi tớ. Chúa là Hình, con người là bóng. Vậy mà nực
cười thay, một số người lại làm như nhân vật “Chiếc Bóng” trong tác phẩm của
Andersen. Họ đòi quyền làm chủ và bắt Thiên Chúa lệ thuộc họ. Họ đòi Thiên Chúa
đáp ứng những đòi hỏi của họ mà không nghĩ rằng họ phải đáp ứng những đòi hỏi
của Thiên Chúa trước đã.
Chẳng hạn khi yếu đau,
người ta yêu cầu Chúa chữa họ cho lành. Khi túng thiếu, người ta đòi hỏi Chúa
cho no đủ. Khi gặp thất bại trong cuộc đời, người ta yêu cầu Chúa đem lại sự
thành công!… Nếu Chúa không mau mắn làm theo yêu cầu, người ta sẽ trách móc
Chúa, oán ghét Chúa, loại trừ Chúa ra khỏi đời mình!
Vì yêu thương loài người,
Thiên Chúa sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu chính đáng của họ, nhưng không phải
vì thế mà con người có quyền đòi Thiên Chúa phải luôn luôn phục vụ mình mà quên
rằng mình là người tôi tớ của Thiên Chúa nên phải lo phụng sự và thực hiện ý
Chúa trước đã.
Qua đoạn Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta trở về lại đúng vị trí của mình, vị trí của
người tôi tớ và nhiệm vụ của người tôi tớ là lo phục dịch hầu hạ chủ mình mà
không được kể lể công lao.
Chúa nói: “Ai trong anh
em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo
nó: "Mau vào ăn cơm đi", chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn,
thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!? Chẳng lẽ
ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?
Đối với anh em cũng vậy:
khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những
đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."
Hai vị tôi tớ vĩ đại của
Thiên Chúa
Một trong những nét đẹp
của Mẹ Maria là Mẹ biết nhìn nhận mình là tôi tớ Thiên Chúa nên sẵn sàng vâng
lệnh Chúa truyền. Khi được sứ thần Gáp-ri-en cho biết Thiên Chúa muốn trao cho
Mẹ một sứ mạng thật cao cả nhưng cũng đầy khó khăn, Mẹ sẵn sàng vâng phục vì ý
thức mình chỉ là tớ nữ hèn mọn của Thiên Chúa. Mẹ thưa với sứ thần: “Nầy tôi là
tớ nữ của Chúa. Tôi xin vâng như lời Chúa truyền.” Vì thế, Mẹ làm đẹp lòng
Thiên Chúa và được Thiên Chúa nâng lên địa vị tối cao.
Ngay cả Chúa Giêsu, “vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa Cha,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,… Người lại còn hạ
mình vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự…”(Philip 2, 6-8)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa quyền
năng mà còn hạ mình làm tôi tớ, vâng phục Chúa Cha trong mọi sự cho dù phải
chết trên thập giá và Đức Maria là hiền mẫu của Chúa, dù được diễm phúc làm Mẹ
của Chúa, mà vẫn sẵn sàng phụng sự Thiên Chúa Cha như nữ tỳ khiêm tốn, thì xin
cho chúng con là người phàm hèn mọn, luôn biết nhìn nhận mình chỉ là tôi tớ
thấp hèn của Thiên Chúa và hết lòng phụng sự Chúa cho phải đạo làm tôi.
Lm. Ignatiô Trần Ngà