Ý nghĩa của ngày Thứ Năm Tuần Thánh được
thể hiện thật rõ ràng trong các bài đọc lời Chúa hôm nay.
Trước hết là việc Đức Giêsu lập Bí tích
Thánh Thể để tiệp tục hiện diện và nuôi dưỡng con người. Thánh
Phaolô trường thuật lại như sau: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu
cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy,
hiến dâng vì anh em”… Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là
Giao Ước mới lập bằng Máu Thầy”. (1Cr 11, 23-25).
Cũng trong đêm cực trọng này, Đức Giêsu đã
lập Bí tích Truyền chức thánh để có một số người tiệp tục hy tế
cứu độ của Ngài trên trần gian này. Sau khi lập Bí tích Thánh Thể,
Ngài đã phán: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến
Thầy” (1Cr 11, 24b. 25b).
Sau cùng là việc Ngài ban truyền giới luật
yêu thương: “Thầy Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em,
thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để
anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga13, 14-15).
Tất cả những hành động này đều vì:
“Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và
Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1b).
Yêu thương họ đến cùng, nên Ngài đã lập Bí
tích Thánh Thể. Yêu thương họ đến cùng, nên Ngài đã lập Bí tích
Truyền chức thánh. Yêu thương họ đến cùng nên Ngài dạy họ phải biết
yêu thương.
“Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa
Cha, Đấng giàu lòng thương xót”. Vì vậy qua Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền chức
thánh và việc yêu thương phục vụ mà Đức Giêsu đã để lại, chúng ta
nhận ra được Lòng thương xót của Chúa Cha.
1. Để họ được sống và và sống dồi dào.
Xưa trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi dân
chúng bằng manna, bằng chim cút, bằng mạch nước Mêriba… Những hình ảnh
cụ thể này cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn muốn con người được no
thỏa. Đến thời Chúa Giêsu, Ngài đã nuôi dân chúng bằng việc hóa bánh
ra nhiều, để bảo đảm rằng họ không thiếu lương thực khi đi theo nghe
Ngài giảng dạy…
Đó chỉ là những lương thực vật chất. Đức
Giêsu cho biết ý định của Chúa Cha không phải dừng lại ở đó, mà còn
là: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào”. Sự sống
mà Đức Giêsu đã chuộc lại bằng máu của Ngài chính là sự sống thần
linh. Sự sống này được nuôi dưỡng bởi việc gắn bó mật thiết với
Đức Giêsu.
Vì yêu thương và để con người được gắn bó
với Ngài, nên trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã lập Bí tích
Thánh Thể để hiện diện thực sự trong tấm bánh và ly rượu. Chính vì
thế, Bí tích Thánh Thể là minh chứng lòng thương xót của Thiên Chúa
Cha dành cho con người qua Đức Giêsu Kitô.
2. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy
Trong suốt lịch sử dân Do thái, lúc nào
Thiên Chúa cũng cho họ những vị lãnh đạo để làm trung gian giữa Thiên
Chúa với con người. Những vị này đại diện cho dân tế lễ cho Thiên
Chúa, và nói lại những lời của Thiên Chúa cho dân.
Trước khi rời bỏ thế gian, Đức Giêsu đã
nâng những con người được chọn làm trung gian giữa Thiên Chúa với con
người lên một vị trí “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. Nghĩa
là cho họ được làm chính hành động yêu thương của Ngài như thể Ngài
đang thực hiện. Vì thế khi truyền phép, linh mục không nói: “Này
là Mình Đức Giêsu, này là Máu Đức Giêsu”, nhưng nói chính lời
của Ngài: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”. Họ
hành động nhân danh Đức Giêsu để thể hiện tình yêu thương của Ngài cho
nhân loại. Chính vì thế, Bí tích Truyền chức thánh là minh chứng
lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và Linh mục chính là hiện thân của
lòng thương xót đó.
3. Thầy đã nêu gương cho anh em
Biến cố Vượt Qua là minh chứng hùng hồn
nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Do Thái. Biến cố đó đã
được Đức Giêsu tiếp nối qua cuộc Vượt Qua của chính bản thân Ngài.
Trước khi bước vào cuộc Vượt Qua đó, Đức Giêsu đã rửa chân cho các
môn đệ để dạy cho các ông bài học yêu thương là phải phục vụ người
khác như Ngài đã làm cho họ. Chính vì thế hành động phục vụ là
minh chứng lòng thương xót của Thiên Chúa rõ nét nhất.
4. Tình yêu đáp đề tình yêu
Tham dự vào những mầu nhiệm thánh của
ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, chúng ta không chỉ chiêm ngắm tình yêu
của Đức Giêsu, mà còn phải sống giống như Đức Giêsu để thực sự trở
thành môn đệ của Ngài. Lời mời gọi đó càng đặc biệt hơn trong năm
thánh lòng thương xót này.
a. Để trước hết biết quý trọng lương thực cao cả mà Chúa đã
ban, chính là Bí tích Thánh Thể. Khi biết quý trọng Bí tích Thánh
Thể là con người đáp trả lại tình yêu của Chúa. Họ sẽ giữ linh hồn
của mình được sạch trong để đón rước Chúa vào lòng. Họ sẽ siêng
năng đến với nhà chầu để viếng thăm Ngài. Cụ thể đêm nay, ít ra họ
sẽ thức với Chúa một giờ vì họ cảm thấu được lời của Đức Giêsu: “Anh
em không thức nổi với Thầy một giờ sao?”.
b. Để các Linh mục của Chúa biết ý thức sứ
vụ cao cả mà Chúa đã ban cho mình chính là hành động thay Đức Kitô
để trao ban tình yêu thương nơi các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh
Thể và Bí tích Giải tội. Hơn thế nữa, để ý thức bậc sống của
mình là lời mời gọi linh thánh để mọi hành động của các ngài cũng
phải linh thánh…
Để dân Chúa biết chạy đến với các mục tử
trong tình yêu thương chân thành để đón nhận những điều linh thánh mà
Chúa sẽ ban qua bàn tay của các ngài.
Khi các linh mục biết thực hiện những
nghĩa cử yêu thương như Đức Giêsu, khi dân Chúa biết tìm đến với Đức
Giêsu qua những vị đại diện của Ngài bằng lòng khao khát những giá
trị linh thánh, thì chính lúc đó lòng thương xót của Chúa Cha được
thể hiện.
c. Để các môn đệ của Đức Giêsu phải có một
nét riêng, là yêu thương và phục vụ. “Người ta cứ dấu này mà
nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”.
Trong năm thánh lòng thương xót này, tình yêu đó được mời gọi mãnh
liệt hơn dành cho những người yếu đuối, tội lỗi, khô khan, nguội
lạnh; những người bị loại trừ dưới nhiều hình thức. Trên hết tất
cả, tình yêu sẽ chiến thắng.
Lm Giuse Trực