Đêm nay Giáo hội gọi là đêm Canh Thức Vượt
Qua, nghĩa là chúng ta cùng canh thức để được “Vượt Qua” với Đức
Kitô. Chúng ta tham dự vào Tam Nhật Thánh, đặc biệt trong đêm cực
thánh này là để mong muốn cho chính bản thân mình, cũng như cầu chúc
cho những người thân của mình có được sự đổi mới và sự sống mới.
Khi chúng ta có được sự sống mới, khi chúng ta được đổi mới là
chúng ta được “Vượt Qua”, vượt qua cái chết, vượt qua tội lỗi, vượt
qua những cái cũ kỹ của bản thân mình…
Biểu tượng của cái chết, biểu tượng của
những gì cũ kỹ được diễn tả qua ngôi mộ. Hình ảnh ngôi mộ trống cho
chúng ta thấy Đức Kitô đã vượt qua cái chết, vượt qua những gì là
cũ kỹ, xấu xa để đưa chúng ta vào một kỷ nguyên mới, vào sự sống
mới.
Đứng trước ngôi mộ trống của Đức Giêsu đêm
nay tôi nhận ra được 2 sứ điệp mà tôi gọi là sứ điệp bên mồ.
I. PHẦN THƯỞNG CHO NHỮNG AI DÁM YÊU
Sứ điệp thứ nhất: Tin mừng viết cho chúng
ta “các bà” là những người đầu tiên được gặp gỡ Đấng
Phục Sinh. Do đâu họ được diễm phúc đó? Thưa vì họ là những người
đã có mặt bên thập giá của Chúa Giêsu, có mặt khi Chúa được đặt
vào trong phần mộ để chôn cất, và giờ đây họ đang lãnh phần thưởng
của tình yêu.
Có lẽ trong các phụ nữ theo Chúa Giêsu, hai
cô gái này là những người yêu Chúa nhiều nhất. Tại sao vậy? Vì họ
là những người được Chúa thông cảm và tha thứ nhiều nhất. Theo Thánh
Luca thì Mađalêna là người phụ nữ bị quỷ ám, đã được Chúa chữa khỏi khi bà tìm
gặp Người: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã
được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mađalêna, người
được giải thoát khỏi bảy quỷ” (Lc 8, 2). Kinh thánh không hề viết
Mađalêna là một cô gái điếm, mà chỉ nói cô là người được Chúa Giêsu “giải
thoát khỏi bảy quỷ”. Nghĩa là cô là một con người tội lỗi rất
nhiều được Chúa Giêsu tha thứ và chữa lành. Nếu chỉ đơn giản là cô
gái điếm thì chỉ có một tội, đằng này cô được Chúa trừ tới bảy
quỷ, tức là nhiều tội lắm.
Maria còn lại là ai? Rất có thể đó là
Maria đã xức dầu thơm và lấy chính tóc của mình mà lau chân Chúa khi Ngài đang
dũng bữa tại nhà ông Simon. Thánh Luca cho chúng ta biết: “Bỗng
một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại
nhà ông Pharisiêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng
đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc
mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,
36-38). Trước hành động khó hiểu của Maria và thái độ khó chịu của
ông Simon, Chúa Giêsu đã nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã
được tha” (Lc 7, 47).
Chính vì đón nhận ơn tha thứ của Chúa
Giêsu mà họ đã một lòng theo Chúa, chẳng những trên bước đường rao
giảng, mà còn cả trong hành trình thương khó. Vì lẽ đó mà họ được
diễm phúc thấy Đấng Phục Sinh đầu tiên. Đây chính là phần thưởng cho
những ai dám yêu và theo sát gót Đức Giêsu.
II. SỨ MẠNG CHO NHỮNG NGƯỜI DÁM SỐNG
Sứ điệp thứ hai mà tôi nhận được nơi ngôi
mộ trống trong đêm cực thánh này là sứ mạng của Đấng Phục Sinh dành
cho những ai dám sống vì yêu.
1. Hãy tin:
Sứ mạng đầu tiên là hãy tin. Những lời
của Thiên sứ nói với 2 người phụ nữ hôm nay nhằm nhắc lại lời hứa
của Chúa Giêsu khi còn sống: “Người không có ở đây, vì Người
đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28, 6a). Lúc này hai người
phụ nữ mới nhớ lại chính Thầy mình đã nói những điều đó. Kế đến,
Thiên sứ còn kêu họ đến ngôi mộ trống để kiểm chứng: “Các bà
đến xem chỗ người đã nằm rồi mau về nói với các môn đệ” (Mt 28, 6b). Mỗi
lời nói của Thiên sứ là một lời mời gọi họ hãy tin vào những điều
Chúa Giêsu đã nói, vì đó là sự thật.
2. Hãy loan báo:
Sứ mạng kế tiếp mà Đấng Phục Sinh muốn
trao cho hai người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay là hãy mau mắn
loan báo Tin mừng Phục Sinh: “Mau về nói với các môn đệ” (Mt
28, 7); “Về báo tin cho anh em của Thầy” (Mt 28, 10)… Khi họ đã
khám phá ra Chúa Giêsu Phục Sinh, họ được thúc giục phải chia sẻ cho
người khác.
3. Hãy vui mừng:
Sứ mạng thứ 3 mà Đấng Phục Sinh trao cho 2
cô Maria là hãy vui mừng. Lời chào của Đấng Phục Sinh dành cho 2
người phụ nữ hôm nay là “Chairete”! Nó không chỉ đơn
giản là một lời chào thông thường, mà nó còn có nghĩa: “Hãy
vui mừng lên!” Ai gặp gỡ Đấng Phục Sinh sẽ sống mãi trong
niềm vui, vì từ nay không gì có thể làm họ buồn được, dù đó là
gian truân, thử thách, và thậm chí là cái chết.
Sứ điệp bên mồ đó không chỉ dành riêng cho
2 cô Maria, mà còn dành cho mỗi chúng ta, những người đang canh thức
Vượt Qua với Chúa.
III. SỨ ĐIỆP CHO NHỮNG NGƯỜI ĐANG CANH THỨC
Sứ điệp đó trước hết là chúng ta được Thiên
Chúa yêu thương. Đứng bên cạnh ngôi mộ Chúa, chúng ta không chỉ xúc
động theo cảm xúc của con tim khi chứng kiến cái chết của người thân,
mà chúng ta còn phải rung động vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho
con người quá sức tưởng tượng, tình yêu mà không có cảm xúc nào có
thể tả xiết. Đối với Thiên Chúa, dám yêu là dám hạ mình xuống. Đó
chính là mầu nhiệm Nhập Thể mà Thánh Giá là cao điểm của chứng từ
yêu thương.
Tình yêu thương đó được tiếp nối trong sự
tha thứ. Mađalêna bị tới “bảy con quỷ” nhập. Tức là
trong bảy mối tội đầu, tội nào bà cũng có. Có thể nói bà là đại
diện cho những người tội lỗi, chứ không phải chỉ là một cô gái điếm
như chúng ta từng biết. Hay Maria là một người tội lỗi công khai trong thành
chứ không phải chỉ là những tội thầm kín như chúng ta tưởng… Ấy vậy
mà Chúa tha hết. Sao Chúa tha thứ dễ quá vậy? Như vậy mới là Thiên
Chúa. Tuy nhiên, phải suy xét cho kỹ. Thiên Chúa không cần điều kiện
gì, nhưng để được tha thì con người phải có tấm lòng thành hướng
đến Thiên Chúa. Nếu tình yêu của Thiên Chúa là hạ mình xuống, thì
tình yêu của con người phải là vươn mình lên để sự phàm tục của con
người chạm tới được sự thánh thiêng của Thiên Chúa.
Khi chúng ta được Thiên Chúa yêu thương tha
thứ cũng là lúc Chúa cho chúng ta được gặp gỡ Ngài. Điều đó không
phải một sớm một chiều chúng ta có được, mà nó phải là một hành
trình để chúng ta ý thức mình tội lỗi, ăn năn sám hối và đón nhận
ơn tha thứ. Và lại tiếp tục là cuộc hành trình vì không phải chúng
ta được tha một lần cho tất cả, mà phải là liên lỉ trong suốt cuộc
đời mỗi khi mình yếu đuối, phạm tội. Đó chính là hành trình vác
thập giá, đứng dưới chân thập giá, chôn cất con người cũ của mình,
thì mới mong được gặp Chúa, chính là con người mới của chúng ta.
II. SỨ MẠNG CHO NHỮNG NGƯỜI MUỐN ĐƯỢC ĐỔI MỚI
Khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, chúng ta cũng
được Ngài trao cho sứ mạng. Sứ mạng này cũng là để cho những ai
muốn được gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
1. Hãy tin:
Sứ mạng đó trước hết là hãy tin vào Chúa
dù cho mọi biến cố của cuộc đời. Có nhiều người chỉ tin tưởng trong
những lúc thuận lợi, chỉ sống đạo trong những lúc hăng hái, chỉ giữ
đạo trong những lúc rãnh rang, chỉ đến nhà thờ khi thấy mình đầy đủ
về tài chánh… Nghĩa là trong những lúc gian nan, thử thách, khó khăn,
bận rộn, nghèo khổ… thì người ta không còn tin tưởng vào Chúa nữa.
Muốn thấy Chúa Phục Sinh thì phải đi cùng với Chúa trên con đường
khổ nạn.
Như vậy sứ mạng “hãy tin” đòi hỏi chúng ta
một sự liên lỉ để nhìn thấy Chúa ngay cả trong những lúc đêm tối
của cuộc đời. Và quả thật, những người tin tưởng một cách tuyệt
đối thì không gì có thể ngăn cản họ đến với Chúa.
2. Hãy loan báo:
Sứ mạng kế tiếp của Đấng Phục Sinh là
hãy loan báo cho người khác biết Tin mừng mình đã lãnh nhận. Ơn cứu
độ không chỉ dành riêng cho một cá nhân nào, mà phải loan đi “đến tận
cùng trái đất”, nghĩa là ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện.
Sứ mạng loan báo Tin Mừng này thúc giục
những người chồng hoặc những người vợ đang sống đức tin phải nhắc
nhở, động viên cho người bạn đời của mình nếu như họ chưa sống tốt
Tin Mừng Phục Sinh. Rất nhiều những đôi vợ chồng mà một bên không Công
giáo theo một bên Công giáo. Chúng ta phải cám ơn Chúa, cám ơn những
người chồng, những người vợ đã được gặp Chúa nhờ người bạn đời
của mình. Đồng thời đó cũng là trách nhiệm cho bên Công giáo phải
tiếp tục dẫn dắt người bạn đời của mình trong đức tin mà mình đã
gieo cho họ. Lắm lúc chúng ta phải chấp nhận hy sinh, hạ mình nhiều
hơn họ vì đức tin của chúng ta. Thành thật nhìn lại thì có nhiều
gia đình mà người chồng hoặc người vợ “đạo gốc” sống đạo chưa tốt,
huống hồ chi đến chuyện nhắc nhở, lôi kéo người bạn đời là người
theo đạo của mình? Trớ trêu thay, có những người chồng, người vợ theo
đạo chúng ta mà họ lại sống tốt, giữ đạo đàng hoàng; điều đó khiến
cho những người chồng, những người vợ “đạo gốc” phải suy nghĩ lại.
3. Hãy vui mừng:
Sứ mạng cuối cùng của Đấng Phục Sinh là
hãy vui mừng. Những ai sống gắn bó với Chúa thì không gì có thể
khiến họ buồn phiền vì họ biết rằng niềm vui Phục Sinh là động lực
và cùng đích cuộc đời của họ.
Sự khác biệt giữa người có đức tin và
người không có đức tin là ở chỗ chúng ta luôn luôn bình an trong mọi
cảnh huống của cuộc đời.
Tóm lại đứng bên ngôi mộ trống của Chúa
đêm nay chúng ta nhận được hai sứ điệp. Sứ điệp thứ nhất là muốn
được Phục Sinh với Chúa thì phải gắn bó với Ngài. Sứ điệp thứ hai
là Đấng Phục Sinh trao cho chúng ta sứ mạng phải tin, phải loan báo
và phải vui mừng.
“Vì Chúa đã Phục Sinh, nên con tin vào
quyền năng của Ngài, sẽ đổi mới, thế gian này, đổi mới mọi sự từ
đây”.
Lm Giuse Trực