Đức Hồng Y Gualtiero
Bassetti, Tổng Giám Mục Perugia, ở miền Trung nước Ý, người được chọn để
viết suy niệm đàng thánh giá do Đức Thánh Cha chủ sự vào Thứ Sáu
Tuần Thánh tại hí trường Côlôsê đã nói: “Con người ngày nay, đối
với tôi, có vẻ bất hạnh và đau khổ một cách bi đát”. Ngài giải thích
rằng: “đau khổ có thể nhìn ra dễ dàng nơi những người nghèo, những
người nhập cư, người bệnh, những người cô đơn và bị bỏ rơi. Nhưng đồng thời,
chúng ta cũng gặp những người giàu có, những kẻ dường như có tất cả mọi thứ,
nhưng trong thực tế, không có gì - họ sống một cuộc sống trống rỗng, và trong
một số trường hợp, thậm chí muốn chết cho xong. Như một người nào đó đã từng
viết, sự ác, do đó, ‘có gì là lạ đâu’, nhưng Chúa Giêsu trên thập giá đem đến
cho cuộc sống một ý nghĩa khác và chỉ cho chúng ta thấy một con đường khác: con
đường hoán cải”.
Chỉ có con đường hoán cải
mới đưa chúng ta về đúng ý nghĩa của cuộc đời mình.
Trong cuộc thương khó của
Đức Giêsu, Tin mừng đã cho chúng ta chiêm ngắm một số nhân vật đã
biết hoán cải, nhờ thế họ đã tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình,
và vì vậy họ được hưởng lòng thương xót của Chúa.
Đó là một trong 2 tên gian
phi cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Nói ví von theo lời Đức Hồng Y
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đến lúc cuối đời, hắn còn hành nghề
ăn trộm, nhưng là ăn trộm nước thiên đàng. Đó còn là viên đại đội
trưởng: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất
tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 23, 47). Đó còn là đám đông dân
chúng “Đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã
xảy ra, đều đấm ngực trở về” (Lc 23, 48).
Cụ thể trong bài thương khó
hôm nay, chúng ta chiêm ngắm sự hoán cải của Phêrô. Mới trước đó ông đã hăng hái, nhiệt thành
để bảo vệ thầy: dùng gươm chém đứt tai bên phải tên đầy tớ của vị
thượng tế. Nhưng trong những diễn biến sau đó, Phêrô tỏ ra nhát đảm,
ngược hẳn với tính khí của ông. Ông đã chối thầy 3 lần trước mặt
đứa tớ gái và những tên đầy tớ của thầy thượng tế với cùng câu
nói: “Đâu phải” để từ chối mối tương quan với Thầy
Giêsu. Hình ảnh này giống như một trang chiến binh đánh đông dẹp bắc
lẫy lừng, nhưng lại sợ chuột, sợ thằn lằn…
Gioan rất tinh tế trong tường thuật này, ông
viết: “và ngay lúc ấy, gà liền gáy”. Để ứng nghiệm
lời của Đức Giêsu, khi Phêrô hăng hái tuyên bố: “Dù ai có bỏ
Thầy mặc kệ, nhưng con thì không, con sẽ liều mạng vì Thầy”. Đức
Giêsu đã nói trước cho ông: “Ta bảo thật cho con biết, trước khi
gà gáy 2 lần, con đã chối thầy 3 lần”.
Trong tường thuật của Matthêu còn ghi rõ,
khi nhớ đến những lời tiên báo của Đức Giêsu:“Ông ra ngoài, khóc
lóc thảm thiết”. Đây là những giọt nước mắt ăn năn thống
hối. Chắc có lẽ đối với Phêrô thà đổ máu còn hơn rơi lệ. Vậy mà
hôm nay “ông đã khóc lóc thảm thiết”. Con người thật của
ông đã được phơi bày ra. Sự mạnh mẽ bao lâu nay chỉ là chiếc áo khoác
bên ngoài để che đậy sự yếu đuối bên trong của ông. Thế nhưng, dù ông
có qua mắt được nhiều người, khiến anh em phải khiếp sợ tính khí
hung hăng của ông, nhưng Đức Giêsu biết hết, biết rõ, nên đã nói trước
sự thật cho ông: “con sẽ chối Thầy 3 lần”. Nhưng ông và cả
anh em không ai nghĩ đến chuyện đó.“Làm gì có chuyện Phêrô mà chối
Thầy”.
Tuy nhiên chính khi ông biết rõ con người
của mình như thế lại là lúc ông tìm đúng ý nghĩa của cuộc đời
mình. Ông biết rằng trước đến giờ mình chỉ sống cho cái tôi riêng tư
của mình, đó là tâm lý muốn làm đầu, muốn thống trị người khác.
Ông luôn luôn thể hiện mình là người mạnh mẽ, vì yểu điệu người ta
nói mình yếu; là người thẳng thắn, dám nói thật để che dấu sự yếu
đuối bên trong của ông; chứng tỏ mình là nơi nương tựa cho người khác,
kể cả Thầy mình. Ông tỏ ra là người quán xuyến tất cả mọi chuyện.
Ông phủ đầu hết mọi người. Ông ghét những ai gian dối dám qua mặt
ông… Tất cả những điều đó, nếu không có tiếng gà gáy hôm nay, Phêrô
cứ mãi mãi tưởng là nét đẹp riêng tư của mình, không ai được đụng
đến, vì nó được bao bọc bằng vàng, và ngày càng được che chắn kỹ
lưỡng hơn. Mọi người chung quanh cũng nhìn thấy như vậy và nể nang
tính khí của ông.
Sự hoán cải của Phêrô khởi đi từ quyền
năng của Đức Giêsu, vì Ngài đã biết hết mọi sự và đã nói trước
điều đó. Khi nhớ lại, Phêrô phải sợ hãi quyền năng của Chúa.
Kế đến là từ ánh mắt nhân từ của Ngài.
Ánh mắt đó kèm theo lời răn dạy: “Thấy chưa, Thầy nói trước
với con rồi, đừng tự hào tự đắc về mình, đừng ham muốn thống trị
người khác, vì thực sự con yếu đuối lắm, những việc con làm chỉ để
che đậy sự nhu nhược bên trong của con mà thôi. Con bắt người khác
phải lệ thuộc mình, phải giống mình, kẻo họ hơn mình thì sao! Con
muốn mọi sự phải nằm trong vòng tay của mình, kẻo vượt ra ngoài con
không kiểm soát được…”
Và trong ánh mắt đó còn có lời thỏ thẻ,
thủ thỉ: “Không sao đâu, thầy chọn con không phải vì con mạnh
mẽ, không phải vì con đứng ra bảo vệ Thầy, không phải vì con làm
được những chuyện lớn lao… nhưng đơn giản vì Thầy muốn con làm môn đệ
của Thầy. Hãy chỗi dậy và đi!”.
Kết quả của sự hoán cải đó được chứng
minh bằng một cuộc sống hoàn toàn khác sau biến cố Tử nạn và Phục
sinh của Đức Giêsu. Vì vậy thập giá của Đức Kitô đã giải phóng được
con người của Phêrô. Vẫn là con người đó, vẫn với tính khí đó, nhưng
không phải được bao bọc bằng vàng để mọi người chiêm ngưỡng hâm mộ,
không phải được xây bằng xi măng cốt thép để không ai đụng đến được,
nhưng nó đã được thập giá của Đức Giêsu chống đỡ, máu và nước của Ngài
bao bọc lấy để ông trở nên hiền lành, ngoan ngoãn và chấp nhận đi
theo đường lối của Chúa. Kết quả rõ ràng nhất của sự hoán cải là
con người ta sẽ khiêm tốn hơn trong mọi sự.
Từ sự hoán cải của Phêrô cho chúng ta nhận
ra sự thật: Không gì và không ai có thể qua mắt được Thiên Chúa,
chẳng qua Ngài thinh lặng để chờ đợi sự hoán cải, chờ đợi chúng ta
chấp nhận sự thật nơi chính bản thân và mọi sự việc để rồi khóc
lóc ăn năn và sửa đổi.
Sự hoán cải chỉ có thể diễn ra trong mầu
nhiệm đau khổ của Đức Kitô. Vì vậy sự khổ chế là điều kiện tất
yếu cho những ai muốn hoán cải. Không ai muốn mình có những đam mê,
những tật xấu, nhưng không ai tránh được. Tuy nhiên muốn bỏ được thì
không phải là chuyện dễ dàng, vì nó phải qua mầu nhiệm thập giá
của Đức Kitô, phải có sự khổ chế của bản thân.
Sức mạnh của thập giá là ở chỗ nó sẽ
biến đổi tất cả mọi sự trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, những ai vui
lòng vác thập giá hằng ngày thì chắc chắn sẽ nên thánh. Ngược lại,
những ai muốn làm môn đệ Đức Kitô mà không muốn vác thập giá thì
không bao giờ theo Ngài cho đến cùng được. Đó là điều kiện chứ không
phải sự thỏa hiệp, nghĩa là phải như vậy chứ không còn gì khác.
Hôm nay, một lần nữa chúng ta tưởng niệm
cuộc thương khó của Đức Giêsu. Lần tưởng niệm này giúp chúng ta sống
lại mầu nhiệm hoán cải nhờ thập giá Đức Giêsu, để chúng ta xác
quyết hơn sức mạnh của cây thập giá. Từ đó, tôi và anh chị em hãy
quyết tâm để cho thập giá Đức Giêsu biến đổi bản thân mình, bằng
việc chấp nhận những hy sinh, những khổ chế không phải một năm 2 lần
trong dịp Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, mà là liên lỉ trong cuộc đời
mình. Khi chấp nhận hy sinh khổ chế là chúng ta đang vác thập giá
theo Thầy của chúng ta để làm môn đệ của Ngài. Khi chấp nhận vác
thập giá cũng là lúc chúng ta chấp nhận sự hoán cải để trở nên
tốt đẹp hơn.
Lm Giuse Trực