Kẻ Thù Lớn Nhất

                                                          KẺ THÙ LỚN NHẤT


 

Khi nhận định về đời người, một tác giả đã viết: “Thông thường, chúng ta dành nửa đầu cuộc đời để đấu tranh để vượt qua người khác, và nửa đời còn lại để đấu tranh vượt qua chính bản thân mình.”  Xem ra nhận định này khá chính xác đối với đa số chúng ta.  Ở một tuổi nào đó, chúng ta không còn tham vọng chiến đấu để chạy đua với người khác, mà đối diện với chính bản thân.  Khi nhận định một cách công tâm và trung thực, chúng ta nhận ra, đối thủ lớn nhất chính là bản thân mình.  Đối thủ ấy luôn thường trực trong chính chúng ta.  Đó là sự cố chấp, ích kỷ, bao biện, hiếu thắng và đam mê.  Những nết xấu này, nếu không được kiểm soát, sẽ gây nhiều hậu quả tai hại, phá vỡ mối tương quan với người khác.  Một chiến sĩ trẻ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường, gắn bó yêu thương như ruột thịt với đồng đội; khi lớn tuổi về hưu, cũng con người ấy lại không vượt qua được những tranh chấp và quyền lợi nhỏ nhoi, để rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn.  Kẻ thù lớn nhất, chính là bản thân chúng ta.  Ki-tô hữu được mời gọi hãy nhận ra điều ấy, để biết mình, biết người, hầu uốn nắn cuộc đời mình nên giống Đức Giê-su.  Người đến trần gian để hiến mạng sống phục vụ con người.  Trên thập giá, Người đã trở nên người nghèo nhất trong số những người nghèo ở thế gian.

 

Sự ghen tương ích kỷ là nguyên nhân của những xung đột, bạo lực, chia rẽ và cãi vã.  Thánh Gia-cô-bê đã lập luận một cách dễ hiểu.  Ngài cho biết, để có một cuộc sống tương thân tương ái, trước hết phải làm chủ cái tôi trong chính con người của mình (Bài đọc II).  Vị tông đồ cũng viết trong phần kế tiếp: “Anh em đừng nói xấu nhau.  Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật.  Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt.  Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,11-12).  Quả thật, ngày nay người ta thích đưa ra kết luận như sau: “mọi tội lỗi đều từ bởi miệng mà ra; mọi bệnh tật lại từ miệng mà vào.

 

Thanh luyện tâm hồn để sống khiêm tốn và sống vì người khác, đó là thông điệp chính mà Lời Chúa muốn nhắn nhủ với chúng ta trong Chúa nhật này.  Thánh Mác-cô làm chúng ta ngỡ ngàng, khi thuật lại cuộc cãi vã tranh giành của các môn đệ, và cuộc cãi vã này xảy ra ngay khi Chúa vừa nói với các ông về cuộc khổ nạn của Người.  Sự việc đã bị Chúa Giê-su bắt “quả tang” và nhân dịp này Người đã cho các ông một bài giáo huấn, trong đó Người nêu nguyên tắc bất di bất dịch cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Người: Muốn làm lớn, thì phải phục vụ; Hãy có tâm hồn đơn sơ như trẻ em.  Chúa Giê-su không nói suông, mà chính Người làm gương cụ thể cho chúng ta, như tác giả Mác-cô ghi lại lời tuyên bố của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

 

Muốn chiến thắng bản thân, phải nhận diện và gọi tên những nết xấu thường trực trong con người mình.  Vì trong lòng chất chứa những dục vọng và ý đồ ghen tỵ, nên người ta muốn làm hại người khác.  Tác giả sách Khôn Ngoan đã gọi đó là “Phường vô đạo” (Bài đọc I).  Dường như những người này cũng tin vào Thiên Chúa, nhưng ghen tương đố kỵ đã làm cho lòng họ trở nên chai đá.  Họ thù ghét những người tốt bụng và lập mưu để triệt hạ những người công chính.

 

Đối diện với sự dữ, người tin vào Chúa luôn không hoảng loạn và nhất là không lấy ác báo ác.  Người công chính tin vào đức công minh của Thiên Chúa.  Tác giả Thánh vịnh đã diễn tả niềm xác tín cậy trông của người tín hữu, khi gặp gian nan hoạn nạn và khi bị người đời khinh ghét.  Ai tin vào Chúa, chắc chắn sẽ không phải thất vọng, vì Người là Đấng trung thành.

 

Trong khi con người luôn quy hướng về bản thân, thì Chúa Giê-su lại hướng chúng ta đến với người khác.  Khi phục vụ, chúng ta tìm được niềm vui.  Khi sống khiêm nhường, chúng ta nên giống Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng.  Đích điểm của đời sống Ki-tô hữu là cố gắng mỗi ngày để giảm thiểu những đam mê, bớt đi những ích kỷ.  Lúc đó, kẻ thù lớn nhất nơi chúng ta sẽ bị tiêu diệt, và chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 

Đừng Sợ

                                                                               ĐỪNG SỢ

 


Cuộc sống xung quanh chúng ta có biết bao nỗi sợ.  Từ trong nhà ra ngoài phố, chúng ta có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào.  Nguy hiểm do thiên tai, do bạo lực, do tai nạn giao thông.  Ngoài những nỗi lo cơm áo gạo tiền, con người còn phải lo sợ trước sự bon chen, mưu mô, thủ đoạn của người đời.  Trước những lo sợ bủa vây tứ phía, người ta đối phó bằng nhiều cách khác nhau: có những người buông xuôi phó mặc cho dòng đời trôi dạt, hoặc thỏa hiệp với sự dữ, làm điều bất chính.  Có những người can đảm vững tâm, vượt thắng mọi sợ hãi, thanh thoát giữa đời.  Giữa bối cảnh đầy lo âu này, người tín hữu được Chúa Giêsu trấn an khích lệ: “Đừng sợ!”

 

Ông Bà ta thường nói: “Cây ngay không sợ chết đứng.”  Điều này có nghĩa là chúng ta cứ sống theo sự thật, vì sự thật sẽ giải thoát và minh oan cho chúng ta.  Một cuộc sống gian dối, bao che sẽ đến lúc phơi bày ra ánh sáng.  Ngôn sứ Giêrêmia là một người công chính, nhưng ông bị bách hại, đe dọa và vu khống đủ điều.  Những kẻ thù ghét ông đã gọi ông là “Lão tứ phía kinh hoàng.”  Tuy vậy, ông vẫn một lòng cậy trông vào Chúa.  Ông tin rằng, Chúa sẽ phù trợ ông.  Ngài cũng sẽ minh oan cho ông, vì ông sống ngay thẳng.  Bài đọc I là lời cầu nguyện của ngôn sứ Giêrêmia trong cơn bách hại.  Đó cũng là lời khuyên những ai sống công chính mà bị ghen ghét, hãy cậy trông vào Chúa và hãy sống ngay lành trong bất kỳ hoàn cảnh nào.  “Đức Chúa hằng ở bên con, như một trang chiến sĩ oai hùng…”  Thiên Chúa là Đấng phán xét công minh.  Ngài thấu hiểu lòng dạ con người.  Ngài thương xót và cứu vớt những ai sống ngay lành thánh thiện.  Những ai cậy trông Chúa, Ngài chẳng bỏ rơi bao giờ.

 

Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước.  Người khuyên chúng ta đừng sợ những người chỉ giết được thân xác mà không giết được tâm hồn.  Chúa nhắc chúng ta, “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.”  Đấng ấy chính là Thiên Chúa.  Tuy vậy, sự “sợ hãi” này không giống như sợ hãi trước sự đe dọa khủng bố hoặc bách hại.  Sự sợ hãi mà chúng ta dành cho Chúa đi kèm với sự “kính mến,” nên chúng ta còn gọi đó là sự “kính sợ.”  Sự kính sợ này không làm cho chúng ta xa cách Chúa, trái lại, giúp chúng ta vững chí cậy tin.  Vì vậy, liền sau đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhận ra sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời phó thác trọn vẹn cuộc sống của chúng ta nơi Ngài, để Ngài dẫn dắt và che chở chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống.  Hai hình ảnh được Chúa Giêsu nêu để chứng minh sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, đó là con chim sẻ và sợi tóc trên đầu.  Những vật xem ra là tầm thường và vô giá trị, mà cũng được Chúa quan tâm.  Con người chúng ta đáng giá bội phần, vì mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, có ý chí, tự do và trách nhiệm về những hành vi cử chỉ của mình.

 

Sự kính sợ Chúa còn dẫn chúng ta đến việc mạnh dạn tuyên xưng đức tin nơi Ngài.  Người tín hữu là người tuyên xưng đức tin trong mọi lãnh vực, mọi hoàn cảnh của cuộc sống.  Việc mạnh mẽ can đảm tuyên xưng đức tin như một điều kiện cần thiết cho hạnh phúc đời sau.  Bởi lẽ, nếu chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, thì chính Người sẽ “bảo lãnh” cho chúng ta trước tòa Chúa Cha.  Thánh Phaolô quảng diễn điều này khi so sánh Đức Giêsu với ông Ađam.  Do ông Ađam mà sự chết thống trị.  Nhờ Đức Kitô mà thế gian được sống.  Đức Kitô là nguồn ân sủng dồi dào của Thiên Chúa.  Những ai đón nhận Người, thì được ngụp lặn trong nguồn ân sủng phong phú đó.  Nhờ đó, họ không còn sợ hãi, nhưng vững lòng cậy tin (Bài đọc II).

 

Một vấn nạn thường được đặt ra: tại sao có nhiều người làm điều ác mà vẫn phát đạt và vẫn cứ nhởn nhơ?  Người Á đông chúng ta tin vào thuyết nhân quả, “gieo gió gặt bão”; Giáo huấn của Cựu ước khẳng định “Sống làm sao, Chúa sẽ trả cho như vậy;” Chúa Giêsu dạy “đong đấu nào sẽ nhận đấu ấy.”  Đây là điểm gặp gỡ chung giữa các tôn giáo và một số nền văn hóa.  Mỗi chúng ta, thay vì bức xúc trước những vấn nạn trên, thì hãy chuyên tâm làm việc lành.  Bởi lẽ, người làm việc lành chắc chắn được Thiên Chúa ghi nhận và ban ơn.  Thực tế đã chứng minh điều ấy.  Hơn nữa, người tín hữu vững tin nơi Đức Giêsu là Đấng Cứu độ trần gian.  Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào cho những ai tin tưởng và cậy trông nơi Người.

 

Giữa bao nỗi sợ của cuộc sống hằng ngày, người tín hữu sẽ tìm được nơi ẩn náu nhờ sự phó thác cậy trông vào Chúa.  Nhờ ơn nâng đỡ của Ngài, chúng ta không còn sợ hãi.  Nhờ phúc lành của Chúa, những lo lắng ưu sầu của cuộc sống sẽ biến thành niềm vui và hy vọng.  Thực tế đã chứng minh cho chúng ta, người tin tưởng vào Chúa luôn lạc quan, vì họ xác tín rằng Chúa luôn đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.  Khi khích lệ chúng ta: Đừng sợ!  Chúa cũng sai chúng ta lên đường để kể lại những điều lạ lùng Chúa đã và đang làm cho mỗi chúng ta.  Như thế, chúng ta sẽ góp phần giảm thiểu những nỗi sợ hãi đang ám ảnh nhiều người trong cuộc đời.

 

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

trong con, hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Israel ơi!

Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 130,2-3).

 

Sống ngay lành và thánh thiện; vững vàng phó thác và cậy trông nơi Chúa quan phòng, đó chính là thông điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta.

 

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

Chúa Không Phán Xét Ai

 

CHÚA KHÔNG PHÁN XÉT AI



Có một câu hỏi lâu đời về lòng nhân lành của Chúa, nó lâu đời cũng như tôn giáo chúng ta: Làm sao một Thiên Chúa toàn thiện lại có thể đày người nào đó xuống hỏa ngục muôn đời?  Làm sao Thiên Chúa đầy yêu thương và độ lượng mà lại có hình phạt đời đời?

 

Đó là một câu hỏi sai.  Thiên Chúa không đày bất cứ ai xuống hỏa ngục và Thiên Chúa cũng không tạo ra hình phạt đời đời.  Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống và lựa chọn thuộc về chúng ta để đón nhận hay từ chối nó.

 

Đức Giê-su nói cho chúng ta biết Thiên Chúa không phán xét bất cứ ai.  Chỉ có chúng ta mới phán xét nhau.  Thiên Chúa không tạo ra hỏa ngục và  cũng không đày ai xuống hỏa ngục.  Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa hỏa ngục không tồn tại và nó không phải là một khả thể cho chúng ta.  Điều cốt yếu là cách Đức Giê-su giải thích chuyện này ở đây:

 

Thiên Chúa ban sự sống của Ngài cho thế gian và chúng ta có thể chọn lựa sự sống này hoặc từ chối nó.  Chúng ta tự phán xét mình trong hành động chọn lựa đó.  Nếu chọn sự sống, thì cuối cùng chúng ta sẽ chọn thiên đàng.  Nếu từ chối sự sống, thì chúng ta chết mà vẫn ở bên ngoài sự sống và cuối cùng đó là hỏa ngục.  Nhưng sự lựa chọn thuộc về chúng ta, Thiên Chúa không đày chúng ta đi đâu cả.  Hơn thế, hỏa ngục không phải là một hình phạt tích cực Thiên Chúa tạo ra để bắt chúng ta phải chịu.  Hỏa ngục là sự vắng mặt của một điều gì đó, ấy là, sống trong lòng sự sống dành sẵn cho chúng ta.

 

Nói lên tất cả điều này không phải là để nói không có hỏa ngục, hoặc hỏa ngục không phải là một khả thể có thật cho mọi người.  Hỏa ngục là có thật, nhưng nó không phải là một hình phạt tích cực Chúa tạo ra để thực thi công lý, trừng trị cái ác hay trừng phạt người cứng lòng không biết ăn năn khi phạm lỗi.  Hỏa ngục là sự vắng mặt của sự sống, tình yêu, sự tha thứ, cộng đoàn, và Chúa không đày bất cứ ai vào đó cả.  Chúng ta có thể kết thúc ở đó, bên ngoài tình yêu và cộng đoàn, nhưng đó là sự lựa chọn của chúng ta nếu chúng ta, một cách đáng trách, đã từ chối nó khi tất cả đều dành sẵn cho chúng ta ngay trong cuộc đời này.  Hỏa ngục, như John Shea từng nói, không bao giờ là một sự bất ngờ phục chờ ai đó đang hạnh phúc, nó là biểu hiện rõ ràng nhất của một cuộc đời từ chối tình yêu, sự tha thứ, và cộng đoàn.

 

Triết gia Jean Paul Sartre từng phát biểu câu nói nổi tiếng, hỏa ngục chính là người khác.  Nói ngược lại cũng đúng.  Hỏa ngục là những gì chúng ta trải qua khi đặt bản thân mình lên trên đời sống cộng đoàn với người khác.  Đời sống con người có nghĩa là chia sẻ đời sống, chia sẻ sự hiện hữu, góp phần của mình vào trong đời sống cộng đoàn, đời sống bao gồm Ba Ngôi Một Thể.

 

Kinh Thánh nói, Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở lại trong tình yêu, thì người ấy ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng ở lại trong họ.  Trong bối cảnh này, không nên hiểu tình yêu như kiểu tình yêu lãng mạn.  Bản văn không nói ai rơi vào lưới tình thì đều ở lại trong Thiên Chúa (dù điều này cũng có thể đúng).  Thật sự, bản văn này có thể được nói như sau: Thiên Chúa là hiện thân của sự chia sẻ, và ai chia sẻ đời sống mình với người khác, người ấy sống trong sự sống của Thiên Chúa. 


Nhưng ngược lại cũng đúng.
 Khi chúng ta không chia sẻ đời sống mình với người khác, chúng ta kết thúc đời sống mình ở bên ngoài sự sống.  Đó, thật sự, chính là hỏa ngục.

 

Hỏa ngục là gì?  Các hình ảnh trong Kinh Thánh nói về hỏa ngục không cố định và liên tục thay đổi.  Chung chung có khuynh hướng hình dung hỏa ngục là lửa, lò lửa cháy không bao giờ tắt, nhưng đó chỉ là một hình ảnh, và nó không nhất thiết là hình ảnh nổi trội trong Kinh Thánh.  Trong các điều được nói đến, Kinh Thánh nói về hỏa ngục như là nơi gánh chịu cơn phẫn nộ của Thiên Chúa, như ở ngoài tiệc cưới và lễ hội, nơi tang tóc, khóc lóc và nghiến răng, nơi giống như thung lũng Gehenna (chứa rác bên ngoài thành Giêrusalem), nơi bị giòi bọ rúc rỉa, như là lửa, như hụt buổi dạ tiệc, như ở bên ngoài nước trời, như sống với quả tim đau đớn bị bóp méo, như đang hụt sự sống.  Cuối cùng, tất cả những hình ảnh này đều nhắm đến một điểm chung: Hỏa ngục là nỗi đau và cay đắng, thứ lửa, chúng ta phải chịu khi, một cách đáng trách, chúng ta đã đặt bản thân mình ra ngoài đời sống cộng đoàn.  Và luôn luôn là tự mình gây ra.  Thiên Chúa không bao giờ áp đặt nó trên chúng ta cả.  Thiên Chúa không ban sự chết chóc và đày ai xuống hỏa ngục.

 

Khi Đức Giê-su nói về Thiên Chúa, Người không bao giờ nói Thiên Chúa ban cả sự sống và sự chết, Người chỉ nói Thiên Chúa ban sự sống mà thôi.  Sự chết có nhiều nguyên nhân, từ việc nói dối, hợp lý hóa, cay chua gắt gỏng, cứng lòng, và hỏa ngục.  Khi nói Thiên Chúa không tạo ra hỏa ngục và đày bất cứ ai vào đó thì không có ý phủ nhận sự tồn tại của cái ác, tội lỗi và nguy cơ của hình phạt đời đời, điều này chỉ nhằm xác định các căn nguyên và làm rõ đó là ai, ai hay phán xét, ai hay kết án.  Thiên Chúa thì không; Ngài không tạo ra hỏa ngục cũng không đày ai vào đó cả.  Chúng ta thì làm cả hai.

 

Như Đức Giê-su nói trong Phúc Âm thánh Gio-an: Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ.  Ai tin vào Người Con thì người đó không bị luận phạt; ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.  Và đây là án phạt, sự sáng đã đến với thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng... Ta không phán xét ai cả.

 

Người không cần phán xét.

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Học Yêu Thánh Gía

 

HỌC YÊU THÁNH GIÁ

 


Tình cờ tôi nghe bài hát “học yêu Thánh Giá”, từ web: mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-yeu-Thanh-Gia.

Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh Giá Chúa Giêsu.

 

Thánh Giá là chữ T.

Người nằm giang tay chữ Y.

Là tình yêu, yêu đến tận cùng.

Yêu nhân gian chiều ngang.

Yêu đời mình chiều sâu.

Yêu Chúa là chiều cao.

Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.

 

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ.  Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng.  Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao.  Ý muốn của con người là thanh nằm.  Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng.  Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y.  Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống.  Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh.  Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

 

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh.  Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).  Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

 

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá.  Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.  Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu.  Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

 

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh.  Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô.  Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh.”

 

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.  Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta.

 

Kinh Tiền Tụng đã chú giải: “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con.

 

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Giá là cây toàn hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon.  Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….  Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình.  Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả.  Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

 

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng.  Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta.  Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài.  Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng.  Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn!  (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16).  Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ.  Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

 

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984).  Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó.  Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

 

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa.  Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).  Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống.  Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ.  Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.  Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

 

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình.  Nơi thập giá, Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất:  Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa.  Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình.  Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác.  Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

 

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô.  Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa.  Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta.  Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

 

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.  Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá.  Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá.  Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn.  Từ Thánh Giá Đức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người.  Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Suy Niệm Chúa Nhật 24 Thường Niên B

 

TÌNH BẠN LÀ MÃI MÃI



Thành ngữ Việt Nam có câu: "Giàu vì bạn, sang vì vợ". Lời nói của người xưa đã thành một chân lý. Con người ai cũng cần một người bạn tri kỷ để có thể chia sẻ vui buồn có nhau, và nhất là để giúp nhau vượt qua khó khăn. Một người bạn chân thành không chỉ đến bên ta khi vui, khi thành công mà còn là người không rời bỏ ta khi buồn, lúc lâm nguy hay khi thất bại, khi những người xung quanh đã rời bỏ ta mà đi. Và ta gọi đó là một người bạn- một người bạn thân, một người bạn thật sự. Và ta tin rằng: “Bạn là người đến với ta khi mọi người đã bỏ ta đi”.

Ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, ai cũng biết câu chuyện cảm động về em Đoàn Trường Sinh 10 năm cõng bạn đến trường. Quãng đường tư nhà Sinh đến trường dài hơn 4 ki-lô-mét, qua đèo, vượt suối, khúc khuỷu, ghập ghềnh. Thế mà Sinh không quản khó khăn ngày ngày cõng bạn Hanh bị liệt cả hai chân đi về. Nhờ bạn giúp đỡ, lại có chí học hành, nhiều năm liền, Hanh là học sinh tiên tiến, có năm còn tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện.

Tình bạn chân thật thì luôn có nhau trong lúc khó khăn, gian nguy. Vui sướng, giầu sang ở bên nhau thì dễ. Hoạn nạn ở bên nhau mới là tình bạn đáng quý. Cuộc đời có vay có trả. Bạn đã cho ta niềm vui thì khi bạn gặp khó khăn ta hoàn trả cho bạn là lẽ công bằng. Bởi vì, như ai đó đã nói:

“Lẽ nào vay mà không trả?

Sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình.”

Các môn đệ năm xưa đi theo Chúa. Chắc chắn các ngài đã được Chúa yêu thương đùm bọc. Chúa Giêsu còn coi các môn đệ là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ. Các môn đệ đã được cùng chia sẻ niềm vui hạnh phúc với Chúa trong những lúc thành công trên đường truyền giáo.

Hôm nay, Chúa đòi các ông thể hiện tình bạn với Chúa không phải lúc Chúa được tung hô khi hóa bánh ra nhiều, hay khi cỡi lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Chúa đòi các môn đệ thể hiện tình bạn trên chặng đường thập giá để tới Núi Sọ. Chúa bảo rằng: “Ai muốn theo Thầy, thì phải vác thập giá hằng ngày mà theo Thầy”. Khi dám theo Chúa trên con đường thập giá thì Chúa sẽ ban phần thưởng sự sống đời đời cho họ. “Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống”.

Nhưng xem ra tình bạn chân thành với Chúa chẳng mấy ai! Khi Chúa đi vào vườn cây Dầu đã chịu cảnh cô đơn một mình. Các bạn bè Chúa vẫn ngủ mê. Khi Chúa bị bắt trói thì các môn đệ mạnh ai nấy chạy. Khi Chúa bị dẫn vào dinh Cai-pha thì Phê-rô trối Chúa 3 lần. Khi Chúa vác thập giá lên Núi Sọ chỉ còn một mình Gioan bước theo xa xa.

Xem ra tình bạn với Chúa chỉ có khi nhận được ân huệ của Ngài. Tình người thật hay thay trắng đổi đen. Thế nên, cuộc đời vẫn còn đó những người tôn thờ Chúa khi giầu sang, khi làm ăn thịnh vượng nhưng rồi họ bỏ Chúa khi làm ăn thất bại nợ nần. Cuộc đời vẫn còn đó những người theo Chúa chỉ để mong được sống sung sướng, và rời xa Chúa khi mộng ước của họ không thành.

Xem ra Chúa Giêsu vẫn cô đơn trong dòng đời hôm nay. Ngài rất cần một người bạn tri kỷ như Gioan để đứng bên Chúa khi khó khăn. Ngài vẫn cần sự đồng cảm như Madalena để đi theo Chúa trên đường thập giá.

Ước mong mỗi người chúng ta hãy chỉnh đốn lại cách sống, cách nghĩ của mình với Chúa. Hãy đến với Chúa không phải vì bổng lộc mà vì tin tưởng vào quyền năng của Chúa để phó thác cho Chúa. Hãy ở lại bên Chúa dầu cuộc sống còn nhiều những khó khăn. Hãy vác thập giá theo Chúa dầu thiệt thòi đời nay nhưng Chúa sẽ ban thưởng cho ta bằng nhiều cách khác nhau, nhất là hạnh phúc thiên đường. Amen.

 

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Phương Thế Duy Nhất

 

PHƯƠNG THẾ DUY NHẤT

 


“Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.  Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.

 

“Ai không lên núi của Thiên Chúa vào buổi sáng, sẽ hiếm khi tìm thấy Ngài dưới đồng bằng suốt thời gian còn lại!” - John Bunyan.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Bunyan được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện không chỉ buổi sáng, nhưng cả buổi tối và suốt đêm; sáng ngày, Ngài chọn các tông đồ.  Dường như với Ngài, cầu nguyện là ‘phương thế duy nhất’ khi phải chọn lựa!

 

Hơn các thánh sử khác, Luca miêu tả tính cách của Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện!  Nhìn Ngài, xem ra không ai tất bật với việc rao giảng, chữa lành và thực hành xót thương như Ngài.  Nhưng dẫu bận rộn đến đâu, mỗi ngày, Ngài cũng dành cho mình những giờ phút “lên núi của Thiên Chúa” như một ưu tiên hàng đầu, “Từ sáng sớm khi trời còn tối mịt, Người ra đi đến một nơi hoang vắng và cầu nguyện tại đó;” hoặc trước một biến cố quan trọng, Ngài cầu nguyện suốt đêm.  Với Ngài, cầu nguyện là ‘phương thế duy nhất.  Chọn lựa càng quan trọng, cầu nguyện càng khẩn thiết và lâu giờ hơn!

 

Giữa một thế giới dành giật, chúng ta bị cuốn vào cơn lốc của công việc, kể cả việc học hành hoặc ngay cả việc dấn thân phục vụ tha nhân trong các lãnh vực, thì chưa bao giờ chúng ta cảm thấy mình ngày càng có ít quỹ thời gian như ngày nay.  Đức Phanxicô cảnh báo, “Hãy cầu nguyện để khỏi mất đức tin.  Ai không cầu nguyện là rời xa đức tin, biến đức tin thành một ý thức hệ chỉ mang tính luân lý; ở đó, không có Chúa Giêsu!”; ngài nói, “Việc cầu nguyện không thể chỉ gói gọn trong một tiếng đồng hồ ngày Chúa Nhật; nhưng mỗi người cần sống mối tương quan thâm tình hằng ngày với Chúa Giêsu; nhờ đó, chúng ta mới có khả năng phân định và chọn lựa giữa bao điều phải chọn lựa!”

 

Bên cạnh đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng khác là, đừng bao giờ quên rằng, điều nâng đỡ chúng ta nhất, chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho mỗi người.  Ngài xướng cả tên lẫn họ của mỗi người trước Chúa Cha, Ngài tỏ cho Chúa Cha thấy những thương tích của từng người là giá cứu rỗi Ngài sẽ trả.  Vì thế, cả khi lời cầu nguyện của bạn và tôi chỉ lắp bắp - ảnh hưởng bởi một đức tin dao động - và nó chưa là ‘phương thế duy nhất’ của những chọn lựa, bạn vẫn không bao giờ được ngừng tin tưởng vào Ngài.  Tôi không biết cầu nguyện thế nào nhưng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi!

 

Anh Chị em,

 

“Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.  Đức Phanxicô nói, “Được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện nhút nhát của chúng ta đậu trên đôi cánh đại bàng của Ngài và bay lên tận trời.  Ngài đang cầu nguyện cho tôi!”  Cũng thế, Mẹ Giáo Hội đang liên lỉ cầu nguyện cho tôi.  Mỗi ngày Giáo Hội không ngừng “lên núi của Thiên Chúa” - các bàn thờ - cùng Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời cầu và tạ ơn.  Giáo Hội cầu nguyện với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu; và tuyệt vời nhất, Giáo Hội và con cái của Giáo Hội được Chúa Giêsu cầu nguyện cho trước nhan Cha Trên Trời!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ‘phương thế duy nhất’ để con có thể chọn lựa mà không hối tiếc là cầu nguyện.  Vì càng nhận lãnh trong im ắng, con càng biết cho đi trong hành động!”, Amen.

 

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế