Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giosuê kể lại sự vui mừng hạnh
phúc của dân Do Thái sau khi thoát khỏi nô lệ Ai Cập và nhất là sau khi đặt
chân đến miền Đất Hứa. Không còn nữa những ngày lang thang sa mạc gian lao,
nguy hiểm. Dân Chúa đã về đến quê hương Chúa đã hứa ban cho Abraham làm gia
nghiệp, nơi đó tổ tiên của họ là Abraham, Isaác, Giacóp đã sống. Họ đã xây dựng
lại, đã khai khẩn đất đai làm mùa và nhất là đã bắt đầu tiêu dùng những thổ sản
quê hương, từ ruộng đất và lao công của họ. Vui hưởng ân lành của Chúa cảm thấy
hạnh phúc tràn trề. Trong tình yêu thương săn sóc của Chúa, họ đã hát lên thánh
vịnh 33 dùng làm đáp ca “Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi và các bạn khỏi
hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe và Người đã cứu họ
khỏi mọi điều tai nạn.”
Nơi bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã nhắc cho tín hữu thành
Côrintô một hạnh phúc to lớn, không hạnh phúc, không niềm vui nào có thể so
sánh được. Đó là hạnh phúc của con người trở thành tạo vật mới, trở thành con
Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Công cuộc trở thành tạo vật mới đó được thực hiện
nhờ sự giao hòa lại cùng Thiên Chúa. Tội lỗi làm cho con người sống xa Chúa,
cắt đứt mọi liên lạc cùng Chúa, cuộc đời bị mất hướng, đời sống trở thành vô
nghĩa, nhất là nguy hiểm diệt vong đang chờ đón. Nhưng may mắn cho nhân loại,
cho chúng ta, thánh Phaolô bảo: “Vì Chúa Kitô, chúng tôi van nài anh chị em hãy
giao hòa lại với Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội thì Thiên Chúa làm cho nên
thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên công chính trước Thiên
Chúa.”
Không còn niềm vui nào bằng, từ tội lỗi trở thành công chính, từ
nô lệ sự dữ trở thành con Thiên Chúa, từ đứng bên bờ diệt vong trở thành sống
đời đời, trong ân sủng và tình thương. Niềm vui được cứu thoát nô lệ Ai Cập về
Đất Hứa của dân Do Thái trong sách Giôsuê, nơi bài đọc thứ nhất không thể nào
so sánh được với niềm vui to lớn của con người từ nô lệ tội lỗi trở về làm con
cái Thiên Chúa.
Đến bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một thí dụ tuyệt vời, rõ ràng
dễ hiểu và nổi tiếng, ai cũng biết cả. Để an ủi để khích lệ người tội lỗi hãy
biết suy nghĩ, hãy biết dứt khoát đứng dậy và mạnh dạn tuyên bố: “Tôi muốn ra
đi trở về với Cha tôi,” Chúa Giêsu đưa ra hai người con tiêu biểu cho hai cuộc
trở về. Người con phung phá trở về trong tình yêu của cha mình, của mái ấm gia
đình. Người con cả cần phải trở về trong tình anh em, phải biết tha thứ cho em
mình, phải biết hòa nhập vào niềm vui của gia đình. Sự trở về trong tình anh em
này cũng có một tầm quan trọng giống như sự trở về cùng tình cha con. Người con
cả dầu tự hào là luôn sống trung thành với Cha, nhưng nếu khước từ tình anh em,
thì anh vẫn là người ngoại cuộc không vào nhà và không cùng chung hưởng hạnh
phúc niềm vui của gia đình. Nếu anh không vào chính là tự ý anh không vào.
Người cha vẫn luôn mở rộng cửa nhà, mở rộng vòng tay, mở rộng cõi lòng năn nỉ
anh.
Vậy niềm vui thật của cuộc trở về trong tình yêu thương của Chúa
phải có hai chiều kích, trở về cùng Thiên Chúa là Cha, và trở về cùng anh chị
em của mình, chính là tha thứ, làm hòa lại với nhau, giải tỏa những hận thù và
sống trong tình yêu thương. Đó là niềm vui thật, niềm vui mà ca nhập lễ kêu mời
“Mừng vui lên hỡi Giêrusalem, tề tựu cả về đây hỡi những ai hằng mến yêu chân
thành. Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng hân hoan tận hưởng niềm an ủi
chứa chan.”
Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi noi gương người em
trong gia đình nơi bài dụ ngôn của Chúa Giêsu. Tôi phải làm một hành động chứng
tỏ tôi nhất định đứng dậy lên đường trở về nhà cha tôi, để sống lại trong hạnh
phúc của tình yêu thương nồng thắm của Người. Hành động đó có thể là một sự dốc
lòng từ bỏ một tật xấu đã từng làm tôi đau buồn, đã kéo ghì tôi trong tội lỗi
hay đã làm cho những người thân yêu trong gia đình tôi phải khổ. Và kế đó học
lấy bài học của người anh: Tôi không đứng để cho Cha tôi phải năn nỉ. Tôi hãy
biết tha thứ cho người khác, hãy hòa mình vào niềm vui của gia đình, nhất là
chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa là Cha tôi khi một người anh chị em tôi trở về
nhà Cha.
Radio
Veritas Asia - Trích trong “Suy Niệm Lời Chúa”