CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN - C

Nghe nói về một phép lạ, hoặc đọc truyện phép lạ, chẳng hạn phép lạ Chúa Giêsu làm cho con trai duy nhất của bà góa thành Nain đã chết được sống lại,  (thành Nain hiện nay vẫn tồn tại, nằm dưới chân núi Tabo, cách thành Nazarét nơi gia đình thánh gia cư ngụ độ 10 cây số) trước sự chứng kiến của các tông đồ và tất cả những người tham dự đám tang của người con trai này trong Phúc âm hôm nay, chắc chắn đa số người nghe hay đọc không dễ dàng tin theo. Lý do đơn giản là vì quyền làm cho kẻ chết sống lại không thuộc người trần gian, và trong loài người khó có ai đã chết thực sự, có thể sống lại. Như vậy vấn đề phép lạ, và nhất là phép lạ kẻ chết sống lại trước hết chỉ thuộc về phạm vi đức tin của các tôn giáo và những tín đồ trong các tôn giáo ấy. 
Vì là thực tại của đức tin, nên để tin tính xác thực của phép lạ, con người cần phải có đức tin vào Đấng có quyền làm phép lạ, nhất lạ phép lạ cải tử hoàn sinh. Trước phép lạ Chúa Giêsu làm cho người con trai bà góa thành Nain sống lại, tất cả những người chứng kiến hôm đó đều tin. Họ sửng sốt lạ lùng kêu lên ca tụng Thiên Chúa: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người.” Họ là các tín hữu đầu tiên của Chúa Giêsu.
Những phép lạ Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại có rất ít trong Phúc âm. Người ta đọc thấy rải rác như Chúa làm cho đứa con gái độ mười tuổi của ông Gia-ia sống lại. Trong số những kẻ chứng kiến, trước đó đa số xem khả năng “chữa lành” của Chúa Giêsu là chuyện buồn cười không tưởng! (Mc 5:22-24 & 35-42)  Đến chuyện động trời hơn, trước sự chứng kiến của rất nhiều người Do Thái và bạn bè gia đình của anh Lazarô đã chết, em của Matta và Maria, quen gọi gia đình Chúa yêu ở Bethania, được Chúa Giêsu truyền cho sống lại và đi ra từ trong mồ, tay chân còn quấn khăn liệm. (Jn 11:1-43)  Vậy mà những người lãnh đạo đạo Do Thái vẫn không tin, lại còn tìm hạch sách và muốn giết luôn cả Lazarô lẫn Chúa Giêsu. Phép lạ vĩ đại này đụng đến cốt lõi đạo Do Thái như một thử thách của niềm tin và giá trị đích thực của đạo, khiến họ chẳng những không muốn tin, mà còn tìm cách hủy diệt chứng cớ.
Người ta còn phải chứng kiến một phép lạ vô cùng vĩ đại khác: Đó là phép chính Chúa Giêsu tự mình sống lại sau ba ngày đã chết trong mồ. (Mc 16:1-19)Chính phép lạ này đã làm nên Đạo Kitô. Rất nhiều kẻ tin ngay từ đầu cho đến hôm nay đã mất mạng vì niềm tin này. Chúng ta có thể nói: Không ai có thể có đức tin vào Chúa Kitô phục sinh, nếu không được chính Người tặng ban và làm cho trở lại, bước theo và gắn bó đời sống của họ vào Người. Các vị thánh tử đạo tiên khởi và tất cả các thánh qua giòng lịch sử đều trải qua tiến trình đức tin một cách mạnh mẽ, vững chắc và anh hùng vào Chúa Kitô phục sinh.
Vấn đề khác tác động trực tiếp vào những kẻ tin phép lạ cải tử hoàn sinh mà Chúa Giêsu thực hiện, không do sự chứng kiến, nhưng đến từ sự hoán cải và biến đổi chính mình do quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Có thể nói đây là trường hợp của tất cả các tín hữu đang theo Chúa Kitô, đúng hơn là các tín hữu Kitô giáo. Dĩ nhiên vẫn là vấn đề của đức tin, nhưng là đức tin thực hành của Đạo. Nói thế có nghĩa là qua tiến trình đức tin của chính mình, họ dần dần khám phá ra sự hoán cải và biến đổi đời sống, có thể nhanh do một biến cố mạnh mẽ tác động trực tiếp cuộc sống (thí dụ như bệnh tật và ơn chữa lành), nhưng thường thì một cách tiệm tiến như một sự tỉnh thức của cuộc đời do ơn thánh Chúa.
Ngoài ra, nếu phải dùng một danh từ cụ thể để diễn tả tôn giáo, gọi là “hệ thống tôn giáo” bao gồm tín lý, luân lý và phụng vụ, thì chính hệ thống này tự nó là một tiến trình hoán cải và biến đổi, tức phép lạ cải tử hoàn sinh; và những kẻ tin bước vào hệ thống ấy cũng đang bước trên con đường biến đổi từ bóng tối đến ánh sáng, từ tội lỗi đến sự thánh thiện, từ sự chết đến sự sống. Sống đức tin Kitô giáo chính là sống phép lạ cải tử hoàn sinh từng giây từng phút liên tục trong cuộc đời trên tiến trình của đức tin. 
Như thế, vấn đề đặt ra không còn là tính xác thực của phép lạ, nhất là phép lạ kẻ chết sống lại, mà chính là mỗi người chúng ta ngay từ khi nhận được đức tin vào Thiên Chúa, đang sống cái thực tại sự sống “phục sinh” của mình, giống như người thanh niên con trai của bà góa thành Nain sau khi được sống lại vậy. Nếu có đặt vấn đề của phép lạ, thì chỉ cần tự vấn đời sống chính mình xem còn sống hay đã chết trong tiến trình của đức tin vào Thiên Chúa qua việc thực hành đạo, tức thực hành đức tin của mình. 
Là con người, chúng ta được biến đổi, tức nhận phép lạ từ Thiên Chúa. Chúng ta không có quyền buộc hay xin Thiên Chúa biến đổi theo ý của chúng ta. Chúa Giêsu nhìn thấy đám tang người con trai duy nhất của bà góa và Người động lòng thương, nên đã làm phép lạ. Bà góa chưa kịp van xin, nhưng tình thương của Thiên Chúa đã tràn ngập trên con trai và chính bà. Thật là lạ lùng! Đây cũng chính là tính cách lạ lùng và nhưng không của đức tin vào Thiên Chúa. Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng dừng lại để Thiên Chúa biến đổi chính mình hay không, cho dù đã có đức tin vào Ngài. Và một khi đã sẵn sàng, thì phép lạ cải tử hoàn sinh chính là sự sống phục sinh đang nối kết chúng ta với sự sống của Thiên Chúa đó.

Lm. Raphael Xuân Nguyên