LY NƯỚC CHANH ĐƯỜNG – MỘT CHÚT SUY TƯ VỀ ĐỜI TU



Tôi rất thích uống nước chanh đường, và uống một ngày bao nhiêu ly cũng không thỏa. Đây có thể là một thói quen không tốt, vì uống nhiều đường quá có thể gây ra những hậu quả không tốt. Tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống lại có những sự trùng hợp kì lạ, y như là Thiên Chúa đã định được, và quả thật là Ngài đã định trước thật.
Cha xứ của tôi đã sáng tác một bài hát có tựa đề là “Ly nước chanh đường”. Đại ý của bài hát nói đến sự ngọt ngào của ly nước chanh đường và đó là ly nước tình yêu mà Chúa trao cho chúng ta uống, rồi chúng ta ra đi rao giảng Tin Mừng.
Một buổi chiều nọ, khi đang tìm đề tài cho bài chia sẻ của tôi trong ngày tĩnh tâm của Học viện, tôi buột miệng ngân nga bài hát Ly nước chanh đường, đúng với sở thích của tôi và cũng là thói quen của tôi khi đang muốn suy nghĩ một điều gì đó. Và ý tưởng đã đến, tôi chậm rãi làm những động tác mà tôi vẫn làm khi muốn uống một ly nước chanh đường: lấy ly, nước, chanh, đường, muối, vài viên đá. Và tôi đã có một ly nước chanh đường theo sở thích.
Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy vui lúc này là tôi đã tìm được ý tưởng cho bài chia sẻ của mình. Những yếu tố của một ly nước chanh đường có thể được so sánh với những yếu tố của đời chúng ta – đời người tu sĩ.
Tôi xin được chia sẻ những ý tưởng của mình, có thể là còn vụng về, đơn sơ nhưng là những ý nghĩ của mình khi suy tư về đời tu.
1.     Ly – phận con người
Để có thể uống nước, bất cứ nước gì, thì đều uống bằng ly. Có rất nhiều loại ly: ly nhựa, ly sứ, ly thủy tinh, ly giấy…Có nhiều kiểu ly: ly dài, ly tròn, ly bầu, ly có quai cầm, ly không có quai cầm, ly có họa tiết trang trí…Nhưng cho dù như thế thì những loại ly trên cũng vẫn được gọi là LY, không gọi bằng từ khác được.
Mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta được sinh ra trên đời với những hình dáng, kích thước khác nhau: người thì cao, người lại thấp, có người lại béo thì cũng có người gầy….Mỗi người chúng ta cũng có những tính cách, những suy nghĩ khác nhau: người hiền lành, người nóng nảy, người nhiệt tình, người vô tư….Tuy nhiên, chúng ta đều được gọi là NGƯỜI, không thể gọi khác được.
Thiên Chúa đã định sẵn như thế, đó là tình thương vô biên của Ngài mà không ai có thể hiểu được. Mỗi sự vật, hiện tượng có mặt trong vũ trụ này đã được Ngài gọi bằng một cái tên và chúng là như thế.
Tôi nhớ có lần tôi đã làm vỡ một cái ly thủy tinh và đó chính là tính mong manh của cái ly, cho dù là ly thủy tinh hay ly sứ thì cũng dễ vỡ nếu mình làm rơi xuống đất, còn ly giấy hay ly nhựa thì có thể một thời gian sau sẽ cũ và không dùng được nữa. Đó chính là lúc chúng “bị quẳng ra ngoài cho người ta chà đạp”.
Con người chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng mong manh, cũng dễ vỡ hay một ngày kia cũng sẽ già cỗi và không dùng được nữa. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn yêu quí và trân trọng con người, cho dù con người có ra sao đi nữa. Trong Tin mừng đã kể cho chúng ta nghe nhiều chuyện về việc con người đã nhiều lần phạm tội và hối hận, rồi quay về và Thiên Chúa lại tha thứ.
2.     Nước – nét đẹp đời dâng hiến
Bản chất của nước là trong suốt, chịu đựng, chấp nhận mọi nơi mọi chỗ mình ở, khi rơi xuống đất thì làm cho đất màu mỡ, phì nhiêu, khi được gọi là nước sạch thì giúp con người giải khát…
Nước có thể tượng trưng cho những gì là tốt đẹp, thanh khiết, cao quí nhất của con người. Với tu sĩ chúng ta, đó là nét đẹp của đời dâng hiến, nét đẹp của lời khấn mà chúng ta tuyên thệ khi chúng ta đã đủ can đảm để dấn thân.
Nước có lợi cho con người thế nào thì những nét đẹp cao quí của một con người, hơn nữa là một tu sĩ cũng phải sinh ích lợi cho chính mình và cho những nơi, người mà mình gặp gỡ, đối thoại.
3.     Chanh – vị chua của đời dâng hiến
Chanh thì luôn luôn chua, chẳng có loại chanh nào ngọt, nếu chanh mà ngọt thì nó đã đánh mất bản chất nguyên thủy của nó khi Thiên Chúa dựng nên nó rồi. Và chanh chua thì mới cho ta được một ly nước chanh đúng nghĩa.
Chanh có thể được xem như những nỗi cay đắng, những oan ức, những lo toan của cuộc sống một người tu sĩ, những trăn trở của đời dâng hiến, những ghen tị, những bất hòa trong đời của người đi theo Chúa.
Một ly nước chanh không thể thiếu chanh được, thiếu nó là một điều vô lý và hiển nhiên sẽ không ai có thể gọi là ly nước chanh khi thành phần của nó không có chanh. Cũng vậy, những cay đắng, muộn phiền, lo âu, ghen tị, bất hòa….cũng là những điều không thể thiếu được trong đời sống của những người đã dám dấn thân theo Chúa trong ơn gọi đặc biệt và riêng biệt. Chính những điều ấy làm cho đời sống chúng ta trở nên đầy đủ hơn, thú vị hơn. Chính Thầy chúng ta đã nói với chúng ta rằng: “Ai muốn theo Thầy thì phải vác thập giá mình mà theo Thầy”.
4.     Đường – niềm an ủi
Vị chanh thì luôn chua và ngược lại, đường thì luôn ngọt. Và vị chua của chanh cùng vị ngọt của đường hòa quyện với nhau sẽ tạo nên một ly nước giải khát tuyệt vời cho những ngày hè oi ả.
Đường có thể tượng trưng cho những lời an ủi, những cử chỉ thân ái, những cái siết tay thông cảm, những ánh mắt dịu dàng cảm thông….mà chúng ta dành cho nhau trong cuộc sống.
Thiên Chúa thật nhân từ khi Ngài khi Ngài đã tạo ra chanh với vị chua thì Ngài cũng đã quan phòng để có những hạt đường với vị ngọt. Trong đời sống của mỗi người, có những lúc cay đắng, chua chát thì trong những cay đắng đó vẫn pha một chút ngọt ngào, có những lúc bị hiểu lầm thì trong đó cũng có một chút thông cảm, có lúc phải rơi vào muộn phiền thì trong muộn phiền ấy vẫn tìm được một tia hy vọng….đó là những hạt đường của sự an ủi mà Chúa quan phòng đã ưu ái dành cho mỗi người khi chấp nhận những thập giá mà Ngài gởi đến như để thanh luyện chúng ta.
5.     Muối – thử thách ngọt ngào
Khi pha nước chanh, tôi vẫn thường cho vào đó một chút muối, chính vị mặn của muối sẽ hòa quyện vị chua và ngọt của chanh với đường.
Tôi sánh ví chút mặn của muối với những thử thách mà Thiên Chúa đã vì muốn cho những người quyết tâm muốn nên trọn lành phải trải qua để càng ngày càng tiến lại gần Ngài hơn. Có những thử thách nhẹ nhàng những cũng có những thử thách nặng nề, cũng giống như khi mình đang khỏe mạnh, chỉ muốn giải khát thì chỉ cho vào vài hạt muối thôi, nhưng khi mình bị bệnh thì ly nước của mình cần nhiều muối hơn, như thế mới có thể giải cảm.
Thiên Chúa cũng biết khi nào chúng ta cần ít muối và khi nào thì chúng ta cần nhiều muối hơn một chút. Vì vậy, vui lòng đón nhận những hạt muối của thử thách mà Ngài gởi đến, ta sẽ không còn cảm thấy nặng nề hay mặn đắng nữa mà sẽ trở nên ngọt ngào.

Để kết
Khi suy tư về đời thánh hiến, về những đau khổ, những hy sinh, những nỗi buồn và niềm vui luôn trộn lẫn với nhau, tôi thấy tâm đắc vì Thiên Chúa quả thật tài tình, vì nếu đời tu thiếu đi một trong những yêu tố đó thì đời tu của mình có thể mất đi một phần ý nghĩa.
Nếu ly nước chanh cần đủ những yếu tố: ly, nước, đường, chanh, muối thì mới có thể thành một ly nước ngon và giúp ta giải khát, chữa bệnh, tăng cường sức đề kháng….thì cũng vậy, đời tu cũng cần có những lúc thăng trầm, đau khổ, hy sinh…., ví như những nốt thăng giáng trong một bài hát làm cho bài hát thêm phần hay và sâu sắc thì những chuyện vui buồn trong đời tu cũng sẽ là những điểm nhấn quan trọng để đời tu có ý nghĩa hơn.
Vài chia sẻ đơn sơ khi nghĩ về đời tu của mình, hy vọng cũng sẽ có ích cho ai đó khi cùng nhau đồng cảm và cùng đồng hành trên con đường theo Chúa. Dẫu biết rằng sẽ còn lắm gian nan, vất vả…. vì chúng ta là người lội ngược dòng. Tuy nhiên, nếu một người lội thôi thì sẽ dễ bị ngã, nhiều người lội và cùng nắm tay nhau với một niềm tin tưởng chắc chắn có sự hiện diện của ân sủng tình yêu Thiên Chúa thì chúng ta sẽ tới bến bình an.

                                                                                                                 Hoa Đất