CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - C

“Chỉ có loài vật mới nhẫn tâm ngoảnh mặt lại trước nỗi đau của đồng loại để chăm chút cho bộ lông mượt mà của nó, còn con người thì không”. Đây là lời phát biểu của ông Karl Marx, một triết gia vô thần. Tuy ông ta không tin vào Thiên Chúa, nhưng tự trong thâm tâm, ông vẫn tin vào sức mạnh của tình yêu, là đạo lý căn bản của cuộc sống làm người. Còn chúng ta thì sao? Là những người Công giáo, chúng ta tin vào Thiên Chúa, đấng có tên gọi là ‘Tình yêu’, nhưng chúng ta đã thực hành luật yêu thương cụ thể như thế nào? Qua dụ ngôn bài Tin mừng hôm nay, Chúa cảnh báo tất cả, từ các linh mục, tu sĩ đến giáo dân, để lay động lương tâm từng người. Người Samaritanô vốn chỉ là người ngoại đạo mà dân Do thái vẫn coi như thù địch, nhưng đã trở thành chuẩn mẫu để Chúa Giêsu đưa ra như một tấm gương soi. Sau khi thuật lại câu chuyện về người Samaritanô nhân hậu, Chúa nói với người thông luật đến hỏi Ngài, cũng như nói với chúng ta hôm nay: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy (c.37).
Một câu chuyện mang tính thời sự.
Ngày hôm nay, nếu Đức Giêsu đứng giữa chúng ta và cũng thuật lại giai thoại trên, Ngài sẽ đem ai ra để làm hình mẫu, bạn hay tôi, linh mục này hay tu sĩ nọ? hay Chúa lại tiếp tục đưa một người ngoại giáo nào đó ra để mời chúng ta bắt chước? Đức Cha Bùi Tuần khi đọc bài Tin mừng trên đã viết lại những dòng chia sẻ sau. “Cứ mỗi lần suy gẫm về câu truyện này, tôi cảm thấy xấu hổ và có chút gì mỉa mai làm tôi ray rứt. Tôi tưởng rằng khi đưa ra một mẫu gương bác ái, Chúa sẽ bảo chúng ta hãy nhìn vào gương sáng nơi vị linh mục này hay tu sỹ nọ, nhưng không, Chúa chỉ đưa ra một người ngoại giáo làm mẫu mực. Càng suy nghĩ tôi càng cảm thấy hổ thẹn.”
Thầy tư tế chuyên lo việc đền thờ, nhưng đền thờ đích thực nơi con người, những thụ tạo được Chúa dựng nên giống hỉnh ảnh Ngài, thì ông ta lại không màng. Cũng vậy, các thầy Lêvi thường hay đeo bảng khắc lề luật ở trước ngực, nhưng luật của tình yêu thì ông lại nhẫn tâm dẫm đạp, để mặc người bị nạn nằm đó chờ chết. Còn người Samaritanô ngoại giáo thì khác. Anh ta không biết chút gì về lề luật trên lý thuyết, nhưng trong thực hành, ông lại quá tuyệt vời.
Sự ích kỷ và vô tâm nơi mỗi người, thường xuất phát từ thái độ tự mãn mà chúng ta vẫn hay có. Trong Tin mừng Matthêu chương 18, Chúa nặng lời chỉ trích thái độ trịch thượng, khoe khoang của những người biệt phái và ký lục giả hình. Họ là những con người bề ngoài xem ra rất đạo đức nhưng trong lòng thì rống tuếch, chẳng khác gì mồ mả sơn phết bên ngoài. Cũng thế, hai ‘đấng bậc’ mà Chúa nhắc đến hôm nay, Thầy tư tế và Thầy Lêvi, đã hoàn toàn tỏ ra vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Họ vẫn tự cho mình là những người đạo đức, không dám sờ chạm đến xác chết vì sợ bị nhiễm uế. Nhưng sự vô cảm và ích kỷ lại chính là tình trạng nhiễm uế ghê tởm nhất từ chính bên trong tâm hồn của họ. Chúng ta cũng dễ rơi vào tình trạng giống vậy. Ông Wilberforce, một nhà tu đức đã nói: “Chắp tay lại để cầu nguyện thì rất tốt, nhưng biết mở tay ra để đến với anh em, nhất là những con người cùng khổ, thì vẫn tốt hơn.”
Cho thì có phúc hơn là nhận.
Đây là điều Chúa đã nói với Phaolô năm xưa, cũng như nói với chúng ta ngày hôm nay. Gương mẫu của người Samaritanô rất cụ thể và sống động, bởi vì ông ta đã biết cho đi. Nhưng trên hết, chúng ta hãy nhìn vào chính nguyên mẫu nơi Chúa Giêsu. Ngài đã cho đi tất cả, ngay cả mạng sống. Ngài không còn giữ lại chút gì cho mình. Triết gia vô thần Jean Paul Satre đã từng tuyên bố: “Tha nhân là hỏa ngục”. Ngược lại, Chúa Giêsu lại mạnh mẽ khẳng quyết: “Ai làm những điều tốt cho tha nhân là làm cho chính Ngài” (x. Mt 25). Trên Thập giá, Chúa bị mọi người hắt hủi và mỉa mai, từ những kẻ qua đường đến lính gác và đám đông. Những con người này đã hoàn toàn vô cảm trước nỗi thống khổ của Chúa. Chỉ duy nhất một mình ông Thánh ăn trộm đã tỏ lòng thương cảm đối với Ngài: “Còn ông này, ông có làm gì nên tội…” Từ trái tim biết rung lên giai điệu yêu thương ấy, tên trộm đã được biến đổi và trở nên một vị thánh lớn.
Kết luận
Tác giả Lý Thanh Thảo có viết một câu chuyện rất ngắn.
Trên một chiếc xe hơi đời mới, một bà mẹ trẻ đang dỗ đứa con.
– Ăn thêm một cái nữa đi con, mẹ thương.
– Ngán quá, con không ăn đâu, đứa bé phụng phịu.
– Ráng ăn một cái nữa, ngoan nào.
– Con nói không ăn mà, vứt đi, vứt nó đi.
Thằng bé lắc đầu quầy quậy, lấy tay gạt mạnh. Chiếc bánh kem văng ra khỏi cửa xe rơi xuống đường sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy nhanh.
Hai đứa trẻ lem luốc đang móc rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng trơ vội xô đến nhặt. Mắt chúng sáng rực dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy cái bánh lấm láp, đứa em gái nuốt nước miếng bảo thằng anh trai:
– Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn.
Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính chặt chẳng chịu đi cho. Đứa em cũng sốt ruột ghé miệng thổi tiếp. Cái miệng háu đói của chúng làm cái bánh rơi tõm xuống cống hôi hám.
– Ai bảo anh Hai thổi mạnh làm chi. Con bé nói rồi khóc thút thít.
– Ừ, thì tại anh. Nhưng kem còn dính tay anh đây này. Cho em 3 ngón, anh chỉ liếm 2 ngón thôi.
Những đứa trẻ đường phố tuy nghèo, nhưng rất thơ ngây và đầy ắp tình người. Chúng biết nhường nhịn và đùm bọc lẫn nhau.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sống quảng đại với nhau hay chỉ sống ích kỷ và hẹp hòi giống như thầy Lêvi hoặc Thầy tư tế mà Chúa nói tới hôm nay.
Lm. G.B. Trần Văn Hào SDB