BA CẤP ĐỘ CỦA SỨ VỤ TÔNG ĐỒ KITÔ

Nikos Kazantzakis từng nói rằng có ba loại linh hồn và ba kiểu người cầu nguyện: 
Con là chiếc cung trong tay Người, Chúa ơi, xin hãy kéo con, nếu không con sẽ mục nát.
Xin đừng kéo con quá mức, Chúa ơi, con sẽ gãy mất.
Hãy kéo con hơn mức bình thường, Chúa ơi, ai thèm quan tâm nếu con có gãy đi chăng nữa!
Khi tôi nhìn vào cuộc đời, tôi cũng thấy có ba cuộc tranh đấu lớn lao, cũng không khác so với những cuộc tranh đấu mà Kazantzakis đã gọi tên. Và mỗi cuộc đấu tranh đó tương ứng với một cấp độ trong sứ vụ tông đồ Kitô. Những cuộc tranh đấu lớn lao đó là gì, và những cấp độ tông đồ đó là gì? Có ba giai đoạn chính trong hành trình con người và hành trình tâm linh của chúng ta:
Sứ vụ Tông đồ Căn cốt – Cuộc tranh đấu để thu vén đời mình.
Sứ vụ Tông đồ Tạo sinh – Cuộc tranh đấu để trao hiến cuộc đời mình.
Sứ vụ Tông đồ Triệt để – Cuộc tranh đấu để trao hiến cái chết của mình.
Sứ vụ Tông đồ Căn cốt và cuộc tranh đấu để thu vén đời mình là nhiệm vụ đầu tiên trong đời. Bắt đầu với hơi thở đầu tiên, chúng ta nỗ lực chật vật để tìm cho được một bản sắc và từ đó tìm thấy sự viên mãn và bình an. Chúng ta sinh ra trong bệnh viện và sớm được đưa về nhà là nơi có cha mẹ, có gia đình và một nơi của chính mình. Giai đoạn này, thời thơ ấu, theo ý Chúa và ý của tự nhiên là thời gian an toàn. Khi là đứa trẻ, những cuộc tranh đấu quan trọng của chúng ta vẫn chưa bắt đầu. Nhưng điều đó sẽ thay đổi hẳn vào tuổi dậy thì.
Nói nôm na, Chúa và tự nhiên thiết kế tuổi dậy thì để thúc đẩy chúng ta ra khỏi nhà mình để đi tìm một ngôi nhà mà chúng ta tự xây lên. Và thường tuổi đó đã hoàn thành tốt công việc đó. Nó giáng vào ta những xáo trộn và những thôi thúc mãnh liệt, thổi bay tuổi thơ của ta đi và thúc chúng ta đi ra, bất an, thúc đẩy bởi tính dục, tràn đầy những ước mơ to tát, nhưng tinh thần thì rối rắm và bất an, tìm kiếm một quê nhà mới, một quê nhà mà ta tự xây cho chính mình. Cuộc tranh đấu này, từ chỗ bị thúc đẩy một cách bất an ra khỏi quê nhà đầu tiên của mình đến chỗ tìm thấy một nơi để lại gọi là quê nhà, là cuộc hành trình của sứ vụ Tông đồ Căn cốt.
Thông thường chúng ta thật sự lại tìm thấy quê nhà của mình. Vào một thời điểm nào đó, chúng ta cập bến. Chúng ta thấy mình “ở nhà” lần nữa, nghĩa là, với một nơi để sống của chính ta, một công việc, một sự nghiệp, một nghề nghiệp, người chồng hay vợ, con cái, tài sản, một loạt các trách nhiệm, và một địa vị và bản sắc nhất định. Vào lúc đó, cuộc tranh đấu căn bản trong đời ta thay đổi, mặc dù có thể mất nhiều năm ta mới ý thức được và chấp nhận điều đó. Câu hỏi của chúng ta lúc đó không còn là: “Làm thế nào ta thu vén đời mình?” mà đúng hơn đã thành: “Làm thế nào ta có thể trao hiến đời mình một cách sâu sắc hơn, hào phóng hơn và ý nghĩa hơn?” Vào lúc đó, chúng ta bước vào giai đoạn hai của sứ vụ tông đồ.
Sứ vụ Tông đồ Tạo sinh và cuộc tranh đấu để trao hiến cuộc đời mình là một giai đoạn mà phần lớn mọi người bắt đầu vào một lúc nào đó trong độ tuổi hai mươi hoặc ba mươi, mặc dù một số người mất nhiều thời gian hơn để vượt qua ngưỡng đó. Hơn nữa, chuyện vượt qua đó không bao giờ thuần túy và trọn vẹn, cuộc tranh đấu để tìm bản sắc của mình và sự viên mãn cá nhân chưa bao giờ kết thúc một cách hoàn toàn; nhưng vào một thời điểm nhất định, chúng ta bắt đầu sống vì người khác nhiều hơn là vì chính mình. Sứ vụ Tông đồ Tạo sinh bắt đầu vào lúc đó, và đối với phần lớn chúng ta, nó sẽ là giai đoạn dài nhất trong đời. Trong suốt những năm đó, đời ta có nhiệm vụ rõ ràng: làm sao ta trao hiến đời mình một cách thuần khiết hơn, hào phóng hơn, tạo sinh hơn?
Nhưng làm những người lớn trách nhiệm, điều hành gia đình, nhà thờ và công việc của thế giới không phải là giai đoạn cuối cùng trong đời ta. Chúng ta vẫn phải chết; nhiệm vụ gây ám ảnh lớn hơn hết thảy. Và vậy là cơ sở mặc định của chúng ta lại phải dịch chuyển một lần nữa: Đến một thời điểm trong đời, câu hỏi thật sự của ta không còn là: “Tôi vẫn có thể làm gì để đời mình đóng góp được?” mà câu hỏi trở thành “Giờ đây tôi có thể sống như thế nào để cái chết của tôi sẽ là một sự chúc phúc tốt lành nhất cho gia đình tôi, giáo hội của tôi và thế giới này?”
Sứ vụ tông đồ triệt để và cuộc tranh đấu để trao hiến cái chết của mình là giai đoạn cuối cùng của cuộc đời: là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã sống và đã chết vì chúng ta, rằng Người đã trao cho chúng ta cả sự sống và cái chết của Người. Nhưng chúng ta thường không phân biệt được rằng có hai hướng rõ ràng và tách biệt ở đây: Chúa Giêsu trao cho chúng ta sự sống của Người theo một hướng, và trao cho ta cái chết của Người theo một hướng khác. Người trao sự sống của Người cho ta thông qua sự chủ động, thông qua các hành động tạo sinh của Người cho chúng ta; và Người trao cái chết thông qua sự thụ động, thông qua việc tiếp nhận một cách đầy tình thương những sự bất lực, sự nhỏ bé, những nỗi sỉ nhục, và nỗi cô đơn của cái chết.
Giống Chúa Giêsu, chúng ta cũng sinh ra là để trao hiến đời mình một cách hào phóng và không vị kỷ, nhưng chúng ta sinh ra cũng là để rời bỏ hành tinh này theo một cách mà sự tiêu biến và cái chết của chúng ta là món quà cuối cùng, và có lẽ lớn lao nhất, cho thế giới. Không cần phải nói, điều đó chẳng dễ dàng gì. Đi với sứ mệnh tông đồ đằng sau vị thầy sẽ đòi hỏi chúng ta cuối cùng cũng phải đổ mồ hôi máu và cảm thấy “cách xa mọi người một quãng đá quăng”. Cuộc tranh đấu này, để trao hiến cái chết của mình, như khi ta đã từng trao hiến đời sống của mình, làm nên sứ vụ Tông đồ Triệt để.
Khi chúng ta nhìn vào những yêu cầu của sứ vụ tông đồ, chúng ta thấy rằng không có kích thước mẫu cho tất cả mọi người.
Ronald Rolheiser, 
J.B. Thái Hòa dịch