THÂN PHẬN NGƯỜI LÁI ĐÒ

Tự ngàn đời nay, đạo hiếu luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó là phải biết tôn kính và thờ phượng ông bà cha mẹ. Giáo Hội còn dành riêng tháng 11 CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI. Trong tháng này, cũng là dịp đặc biệt để con cháu trả hiếu qua những hành động cụ thể như: tảo mộ, tham dự Thánh Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức…. Nhưng hình ảnh đánh động tôi nhất chính là Thánh Lễ tại Đất Thánh là một hình ảnh đẹp về lòng hiếu thảo biết ơn đó: có nhiều ngôi mộ con cháu thắp hương, đốt nến rất đông, có những ngôi mộ cũng thưa thớt hơn vì con cháu đi làm xa không có dịp về. Nhưng thưa thớt nhất vẫn là các ngôi mộ của linh mục tu sĩ vắng lặng âm thầm. hình ảnh này làm cho tôi gợi nhớ đến hình ảnh của người lái đò thầm lặng:

"Một đời người - một dòng sông...

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,

'Muốn qua sông phải lụy đò'

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa ..."

Ở vùng Miền Tây sông nước, hình ảnh người lái đò rất thân thương bình dị, thường in đậm trong ký ức người đi xa. Vào những ngày bão gió, người lái đò phải chèo chống rất vất vả để bảo toàn sinh mạng của những người qua sông, kể cả lúc đêm khuya, người lái đò vẫn luôn thường trực bên bến sông để chở những khách về muộn hoặc có công việc cần  gấp.
Khi thi hành bổn phận mục vụ, người linh mục, tu sĩ cũng giống như người lái đò cần mẫn trung thành. Tại nơi mình được trao phó, người lái đò phải luôn thường trực để săn sóc những nhu cầu thiêng liêng của cộng đoàn tín hữu, bất kể đêm hay ngày, lúc thuận tiện hay khi bão tố mưa sa. Để giúp cho những người trên đò lúc nào cũng luôn trong một tư thế bình an và hạnh phúc nhất và chỉ muốn người trên đò của mình “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ”.  Người lái đò này không nhằm tìm lợi ích cho cá nhân, không mong tìm đồng lời trong công việc mà tất cả chỉ nhằm lợi ích cho tha nhân và phần rỗi của họ. Miễn sao là cuối chuyến đò những người mà họ đưa qua sông được về đến Bến Bình An
Cả một đời làm nghề lái đò người lái đò thiêng liêng không nhớ hết đã đưa bao nhiêu người khách sang sông. Có những người đã chèo lái đưa qua sông nhiều thế hệ từ ông bà, rồi đến con, rồi đến cháu…nhưng người lái đò vẫn âm thâm lặng lẽ đưa qua sông.
Giữa vô số những người khách qua sông, có người dễ tính, cũng có người khó chiều. Nhưng người lái đò không bận tâm, vì nhiệm vụ chính của anh là chuyển tải mọi người qua sông và chấp nhận thân phận “làm dâu trăm họ”. Niềm vui của người lái đò chính là những chuyến sang sông an toàn, đưa người thân về với gia đình về với nơi mà họ muốn đến.
Giữa những khách qua sông, có người đi một lần rồi nhớ mãi, có người quay lại cám ơn, có người bỏ đi mà không thèm nhìn người lái đò, cũng có người lại đối xử bất công “qua sông dìm đò”. Dù ai cư xử thế nào thì người lái đò vẫn chấp nhận và sống cho thật tốt với công việc lái đò: là đưa đò.
Trong ngày lễ cầu cho Các Đẳng tại đất thánh, khi đứng trước mộ của những người lái đò tôi thấy thân phận của họ cũng giống như khi họ lái đò vậy: chỉ có vài ba người nhớ đến họ đứng cầu nguyện âm thầâm, lặng lẽ. Lặng lẽ đến độ mà chúng ta thấy ít khi có ai nhớ đến họ dù chỉ một lời kinh, một lần xin lễ, một lần viếng mộ… Buồn nhất vẫn là các tu sĩ nữ hầu như tôi chưa bao giờ thấy có ai xin lễ cho qúy Dì đã qua đời. Buồn cho thân phận lái đò thiêng liêng! Đưa đò thì nhiều nhưng có bao người nhớ đến. Thân phận giống hệt như Thầy Giêsu:
- Mười người phong cùi được Chúa chữa lành, nhưng chỉ có một người quay lại cám ơn. Tỉ lệ một phần mười!
- Cả ngàn người đã được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa phải vác thánh giá, chỉ có một người bằng lòng vác đỡ.
-Cả một dân tộc đã chịu ơn Chúa, nhưng khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, chỉ có một người dám công khai lên tiếng xưng tụng Chúa là người vô tội.
Chắc chắn khi hiến thân phục vụ người lái đò cũng hiểu rằng: “lãnh nhận như không thì cũng cho nhưng không” hay “làm ơn không cầu báo đáp” Nhưng với thân phận kiếp người ai cũng có những lỗi lầm thiếu xót. Người lái đò cũng rất cần một lời cám ơn của những người đi đò qua lời kinh tiếng hát cầu nguyện nhớ đến họ trong mỗi Thánh Lễ và đặc biệt là trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn.
Ông bà ta thường nói “Làm ơn cho ai không cần nhớ, chịu ơn của ai không được quên” Tôi thiết tưởng với một đời người từ khi sinh ra đến khi chúng ta chết cũng đều có bàn tay của người lái đò thiêng liêng: Khi sinh ra được rửa tội, khi lớn lên được dạy dỗ, được rước Chúa,  rồi hôn phối, rồi giải tội, rồi xức dầu, rồi an táng, và cuối cùng đưa đến huyệt mộ kết thúc một chuyến đò cũng do bàn tay người lái đò.
Hơn nữa, với truyền thống dân tộc chúng ta cũng sống sao cho xứng với câu:

“Uống nước nhớ nguồn

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Lạy Chúa, Trong mười người phong hủi Chúa chữa lành cũng có một người đến cám ơn. Xin cho chúng con là người biết cám ơn đó, chúng con không chỉ năng cầu nguyện cho thân nhân, ân nhân mà còn nhớ đến các linh mục tu sĩ những người hàng ngày đã và đang âm thầm lặng lễ đưa đò cho chúng con.

Lm. Gioan Lê Tiến Thiện
http://www.giaophanvinhlong.net/