LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Tháng 11, tháng của báo hiếu. Tháng của lòng tri ân tình cha, tình mẹ. Thế nên , khi nghe những ca từ của những bài hát về cha, về mẹ, ôi sao thật ngọt ngào, thắm thiết! Có lẽ nhiều người vẫn thầm hát bài “Bông Hồng cài áo” mỗi khi chạnh lòng nhớ về mẹ cha:
“Mẹ, Mẹ là dòng suối diệu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăm sâu
Là ánh đuốc trong đêm
Khi lạc lối.
 Tình mẹ thật nhẹ nhàng như dòng suối làm mát cuộc đời từng người con. Thật ấm cúng nồng nàn như nắng ấm nương rau:
Mẹ, Mẹ là dòng suối ngọt ngào.
Mẹ, Mẹ là nải chuối, buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương rau
Là vốn liếng yêu thương
Cho cuộc đời.”

 Thế nhưng, cho dù có thương cha, nhớ mẹ thì cũng có ngày con không còn mẹ cha, sẽ là những ngày tăm tối như lời bài hát so sánh:
“Như đóa hoa không mặt trời,
Như trẻ thơ không nụ cười,
Và đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm”
Ý của bài hát này tác giả đã lấy cảm hứng từ ngày Mother’s day được tổ chức vào Chúa nhật thứ 2 của Tháng Năm tại Châu Âu. Và năm 1962 được tổ chức tại Nhật với phong tục cài cho những ngươì con không còn mẹ một bông hồng trắng, và còn mẹ một bông hồng đỏ. Và nhà sư Nhất Hạnh đã đem về Việt Nam, cổ võ trong ngày Vu Lan. Thế nên, phong tục này không phải là truyền thống của Phật Giáo mà là của Tây Phương. Biểu tượng của Phật Giáo là hoa sen, còn bông hồng là biểu tượng tình yêu của Châu Âu, nhưng dù sao chúng ta cũng thấy việc cầm bông hồng trên tay hay cài lên áo để nhớ về tình thương của mẹ thật nồng ấm biết bao.
Nồng ấm bởi vì Mẹ là một dòng suối, là một kho tàng vô tận. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà Thiên Chúa đã tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Thế nên, đừng đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: “trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!”. Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình mới có cảm nghĩ: “Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!”
Thế nên, tôi nghĩ rằng bài hát muốn nói với chúng ta những người còn mẹ, ngay hôm nay hãy cầm tay mẹ mà hỏi: ” Mẹ ơi, mẹ có biết không ?”. Và chắc chắn Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và lúc này hãy nhìn vào mắt mẹ, mà nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không ?”. Mẹ sẽ rất sung sướng, sẽ rất hạnh phúc vì được nghe những lời yêu thương từ con.
Không chỉ là mẹ mà cả những người cha tuy thầm lặng nhưng luôn hết lòng yêu thương ta. Tình cha không mặn mà như tình mẹ nhưng tình cha vẫn mãi là chỗ dựa cho con sự tự tin vào đời. Không có cha con cái sẽ cảm thấy mình hụt hẫng giữa chợ đời đầy mưu mô xảo quyệt mà không có chỗ tựa nương. Thế nên, hãy trân trọng tình cha, tình mẹ. Hãy dành cho các ngài sự quan tâm, tình yêu mến, đừng đợi đến khi không còn họ mới thảng thốt nói lên lời xót xa ân hận vì mình đã không sống tròn đạo hiếu làm người.
Hôm nay nhân ngày lễ các linh hồn, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy dành tình yêu cho ông bà cha mẹ qua việc cầu nguyện cho các ngài. Chúng ta hãy nài xin lòng thương xót của Chúa đón nhận các ngài và tha thứ những yếu đuối trong thân phận con người của các ngài. Vì nhân vô thập toàn, ai mà không có lỗi trước mặt Thiên Chúa là Đấng vô cùng chí thánh. Chúng ta hãy nhớ đến người quá cố để làm điều gì đó nhằm cứu vớt họ. Có thể là nhường cho các ngài những ơn toàn xá trong 8 ngày đầu tháng. Có thể là làm những việc lành phúc đức để đền bù cho những thiếu sót trong cuộc đời các ngài. Có thể là những lời kinh ta trao gởi họ cho lòng thương xót của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tận dụng những ngày này như là mùa báo hiếu cha mẹ và tri ân anh em bè bạn những người đã giúp đỡ chúng ta mà nay đã không còn. Xin cho họ được nghỉ yên bên Chúa. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền