“Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh
hồn các con.”
Vào khoảng năm 538 trước
Công nguyên, sau khi được Hoàng đế Ba tư là Kyrô ban sắc chỉ ân xá, con cái
Israen rời đất lưu đày Balylon, tiến về thánh điện, khởi công tái thiết quê
hương xứ sở giữa muôn vàn gian nan khốn khó.
Đứng trước cảnh đổ nát
hoang tàn của đền thờ, đất đai bị ngoại bang lấn chiếm, tinh thần của dân Do
thái hồi hương không khỏi lao đao. May nhờ có sự hổ trợ của Ezra và Nêhêmia là
hai người giàu có, thế lực dưới triều vua Artaxerxes, dân Israen đã xây lại
được một phần nhỏ đền thờ Giêrusalem và thánh hiến nó vào koảng năm 516 trước
Công nguyên (BC).
Thế nhưng, chưa hưởng
trọn niềm vui tự trị và tự do, người Do thái lại bị các quốc gia hùng mạnh như
Ai cập và Hy lạp quấy phá. Đến năm 169 BC, người Xyria do vua Anticô II dẫn
đầu, đã tiến vào đánh chiếm cướp phá đền thờ. Một lần nữa đền thánh Giêrusalem
lại rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát.
Mãi đến năm 63 trước Công
nguyên, sau khi người Rôma chiếm đóng Palestine và đặt Hêrôđê làm quan tổng
trấn cai trị vùng đất Giuđê, đền thờ mới được tái thiết nguy nga và được thánh
hiến vào năm 19 BC.
Biết bao cẩm thạch, vàng
bạc, gỗ quí, và công sức được đổ ra cho việc xây cất một đền thờ lộng lẫy, làm
nên niềm tự hào và sức sống của cả dân tộc Israen. Trong cuốn sách “Những Cuộc
Chiến của Người Do Thái”, sử gia Josephus đã mô tả về “niềm tự hào” đó như sau:
“Mặt tiền của Đền thờ đủ làm choáng ngợp tâm trí và đôi mắt người ta. Nó được
bọc bằng những miếng vàng lớn. Khi ánh thiều dương vừa tỏa sáng ở chân trời,
thì cả đền thờ rực lên bởi những tia sáng phản chiếu, khiến những ai muốn nhìn
thẳng vào đó cũng bị lóa mắt, đến nỗi họ phải quay đi. Đối với khách lạ, thì từ
đàng xa, Đền thờ nổi bật lên như một núi tuyết trằng xóa. Không có phần nào mà
không được chạm trổ hay bọc vàng.”
Đứng trên núi Cây Dầu
nhìn xuống đền thờ rực rỡ trong ánh nắng huy hoàng, các môn đệ không khỏi buông
lời trầm trồ khen ngợi. Nhưng, thay vì hòa điệu với những rung cảm trước vẻ hoa
lệ của Đền thờ, Đức Giêsu lại tiên báo về một sự sụp đổ không tránh khỏi. Những
gì thế gian cho là vững chắc và xinh đẹp chỉ là những thứ mỏng dòn và tạm bợ.
Tất cả sẽ bị tàn phá. Ngay như công trình và “niềm tự hào” của Israen đây cũng
sẽ bị sụp đổ, “không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào” (Lc 21:6). Đức Giêsu
đã tiên báo như thế.
Và sự gì đã xảy ra?
Năm 70 sau khi Chúa Giêsu
sinh ra, tướng Titô đem đại quân Rôma đến vây hãm thành Giêrusalem. Dân chúng
bị đói khát đến nỗi phải ăn thịt lẫn nhau. Kẻ nào tìm cách trốn khỏi vòng vây
đều bị giết chết. Tính ra số người bỏ mạng lên đến 1.100.000, và số người bị
bắt sau khi thành thất thủ là 97.000. Đền thờ bị lính Rôma phóng hỏa tan tành.
Tướng Titô chỉ cho chừa lại một mảng tường thành để sau này con cháu Israen đến
đó mà than khóc. Như thế, lời tiên báo của Chúa Giêsu đã ứng nghiệm.
Nhưng sự sụp đổ của
thànnh Giêrusalem chỉ là hình bóng của ngày thế tận. Rồi đây, sẽ chẳng còn thứ
gì tồn tại. Thời gian sẽ hủy diệt tất cả. Sự sống, sắc đẹp, sức lực, sung
sướng... của cuộc đời này đều mỏng dòn và ngắn ngủi. Mọi sự đều tiến về cái
chết, dù nhanh hay chậm.
Vì thế, thánh Anphong
từng nhắc đi nhắc lại: “Chỉ có một việc ta phải lo là việc rỗi linh hồn, vì mỗi
người chỉ có một linh hồn mà thôi.” Thánh Phanxicô Saviê cũng nói: “Mỗi người
chỉ có một linh hồn. Nếu được rỗi thì được hưởng thiên đàng, nếu bị mất thì
phải sa hỏa ngục.” Xưa Vua Đavít suy về điều này mà thốt lên lời nguyện cầu:
“Tôi chỉ ước trông một điều, đêm ngày tôi khấn xin, là cho tôi được vui sống
trong nhà Chúa trọn đời” (Tv 26:4)
Nhưng để được ở trong nhà
Chúa, tức là để chiếm được Nước Trời, người ta phải nỗ lực chiến đấu. Chính Đức
Giêsu đã nói: “Nước Trời ở dưới sức cường bạo,và những kẻ cường bạo chiếm đoạt
lấy.” (Mt 11:12) Không gắng công chống trả ba thù, thiếu quyết tâm đi vào cửa
hẹp, làm sao có thể tìm được thiên đàng đích thực.
Lạy Chúa, xin trợ lực
chúng con chống trả ba thù, kiên vững niềm tin, hầu mai kia được hưởng niềm vui
trường sinh trong Nước Chúa. Amen