TINH THẦN NGHÈO KHÓ CỦA NGƯỜI TU SĨ

Trong thế giới ngày nay, con người đang hướng đến một nền kinh tế toàn cầu hóa, con người luôn chạy theo lợi nhuận, theo xu hướng: mạnh được yếu thua. Trong đời sống gia đình mạnh ai nấy sống, nhân phẩm của con người ít được tôn trọng và có sự phân biệt đối xử giữa người với người, xã hội khuyến khích con người làm thế nào để tạo ra nhiều của cải vật chất để hưởng thụ. Do vậy, khi muốn làm giàu con người dễ rơi vào tình trạng tội lỗi, xa rời đức tin. Thế nhưng lội ngược dòng thời gian đó cũng có biết bao người âm thầm, can đảm và dấn thân trong đời sống dâng hiến.
Trước thực trạng xã hội đang sống theo trào lưu hưởng thụ thì người tu sĩ chọn sống đời sống khó nghèo nhằm làm nổi bật đời sống của người môn đệ Đức Kitô. Đồng thời đời tu phản ánh rõ nét giá trị siêu việt của Tin Mừng là đem ơn cứu độ đến cho tha nhân.
Xét theo nền tảng Thánh Kinh từ thời Cựu Ước. Sự nghèo khổ được xem như là một tai họa, vì thế con người luôn tìm cách giải quyết vấn đề nghèo khổ của mình. Như xưa dân Israel đã cử hành năm toàn xá, để họ đươc tha hết những án phạt như: tù tội, nợ nần, và được trở về với đời sống xã hội bình thường, được hưởng những thành quả do chính tay họ làm ra.
Thời các tiên tri cũng luôn quan tâm bênh vực người nghèo, nơi nào có tiên tri xuất hiện là nơi đó có cảnh giác sự giàu có, vì nó là mối nguy hiểm, làm cho con người lãng quên Thiên Chúa. “chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày” ( Am 1,6), đồng thời các ngài cũng chống lại những tệ nạn lạm dụng quyền lực xúc phạm đến người nghèo khổ là xúc phạm đến Chúa.
Trong các thánh vịnh cũng luôn nhắc đến sự nghèo khó, kẻ nghèo khó biết tin tưởng phó thác vào Chúa thì tâm hồn họ sẽ luôn được bình an “kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi cơn nguy khốn”.
Trong thời Tân Ước sự nghèo khó được thể hiện qua biến cố nhập thể và giáng sinh đã minh chứng cho chúng ta thấy được sự nghèo khó của Chúa Giêsu,  Ngài đã chấp nhận sinh hạ nơi máng cỏ khó nghèo, thời kỳ lớn lên Ngài lưu lạc khắp nơi và làm nhiều nghề để kiếm sống. Sự khó nghèo thể hiện trong Tin Mừng nổi bật nhất là trong Tin Mừng Matheu (Mt 6, 20) “con chồn có hang, chim trời có tổ con người khôn có chỗ tựa đầu”. Trong thư Phaolô: Người vốn giàu có nhưng đã trở nên nghèo hèn vì anh em, nhờ cái nghèo của Người anh em được trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Sự nghèo khó còn được thể hiện qua sự vâng phục của Ngài: “Ngài vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá”. Qua đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống tinh thần nghèo khó cách tận cùng để chúng ta được nên giàu có, được đón nhận hạnh phúc. Nhìn vào đời sống nghèo khó của Chúa là động lực giúp cho những người sống đời tận hiến ngày càng biết kết hợp mật thiết với Chúa trong sự khó nghèo tự nguyện và thanh thoát với mọi của cải trần gian, hầu kiếm tìm hạnh phúc Nước Trời mai sau. Và biết tích trữ cho mình một kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể phá hoại.
Sự  nghèo khó còn được thể hiện nơi gia đình Thánh Gia, nghèo khó cả tinh thần, vật chất, nhưng lúc nào gia đình cũng đầy ắp tiếng cười, sự quan tâm và tình yêu thương giữa mọi thành viên trong gia đình. Thánh Giuse là người đã sẵn sàng từ bỏ kế hoạch riêng của mình, để đáp lại tiếng Chúa gọi và hiến thân phục vụ cho chương trình cứu độ của Ngài.
 Sự nghèo khó được diễn tả bằng sự sẵn sàng từ bỏ những cám dỗ của thế gian, những thú vui hưởng thụ chiều theo tính xác thịt và cái tôi của mỗi người. Hơn bao giờ hết, đời tu luôn đòi hỏi người tu sĩ chọn lựa sống tinh thần nghèo khó. Cái nghèo mà người tu sĩ chọn lựa không những cái nghèo về vật chất mà cả tinh thần, tình cảm…. Trong thế giới hôm nay, lời khấn khó nghèo của người tu sĩ không chỉ giới hạn trong việc có hay không có của cải vật chất, hay việc sử dụng những đồ dùng có phép hay không có phép của Bề Trên, nhưng đòi hòi người tu sĩ sẵn sàng chia sẻ khả năng, sức lực, và những khả năng mà họ có được để làm sinh ích lợi cho muôn người mà họ có dịp gặp gỡ. Sự chia sẻ này luôn mang lại bình an và hạnh phúc khi người tu sĩ biết hoàn toàn phó thác đời sống của mình trong sự quan phòng và tin tưởng vào Thiên Chúa.
 Sự khó nghèo cũng được thể hiện trong đời sống huynh đệ: yêu thương quan tâm, đón nhận sự khác biệt của nhau, cùng nhau xây dựng tập thể, cộng đoàn ngày càng phát triển, cùng nhau thăng tiến trên con đường nhân đức.
Qua những gì đã chia sẻ trên đây cho ta thấy khi người tu sĩ sống nghèo khó thực sự tự do và tự nguyện bước theo Đức Kitô, là họa lại nếp sống của Ngài bằng chính đời sống và gương sáng của mình trong đời sống thường ngày. Vì vậy họ luôn hoàn toàn phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, tâm hồn họ không còn vướng bận với mọi sự thế gian, chỉ lo tìm kiếm Chúa và những sự trên trời.

Sr. M. Jean Vianey