Tin Mừng Chúa Nhật 22 Thường Niên C xoay quanh đề
tài Đức Giêsu phê phán những người Pharisêu về thói đạo đức giả, thích phô
trương, thích được người ta trọng vọng. Hôm nay, ngay tại bàn ăn trong nhà của
chính họ, Người cũng phê phán sự cao ngạo của họ bằng một dụ ngôn.
Nội dung dụ ngôn đó là: Nếu các thực khách tự
chọn chỗ ngồi rốt hết, thì ông chủ sẽ mời họ lên chỗ nhất và ngược lại.
Những người Pharisêu là những người thích chọn
chỗ nhất. Họ luôn tự đánh giá mình là hạnh kiểm loại "A". Trước mặt
Thiên Chúa, họ kể lễ dài dòng những "thành tích" đạo đức của mình.
Trước mặt người khác, họ coi thường và cho mình "quyền được hơn người
khác".
Nhưng trong vương quốc của Thiên Chúa thì khác:
trật tự hiện nay sẽ bị đảo lộn; những chỗ tốt nhất là do Thiên Chúa ban như một
quà tặng, chứ không do con người tự chọn cho mình. Như thế, con người có là chi
trước mặt Thiên Chúa. Họ cần cúi mình xuống - khiêm tốn.
Khiêm tốn đích thực là nhìn nhận thực tế những gì
mình hiện có và mình là. Khiêm tốn đích thực là dám chấp nhận những gì mình có
chỉ là hồng ân của Thiên Chúa. Khiêm tốn đích thực sẽ mang lại niềm vui, bình
an. "Tất cả là hồng ân" (thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu).
Đức Giêsu còn đưa ra một lời khuyên nghịch lý:
"Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối... hãy mời những người nghèo
khó, tàn tật, què quặt, đui mù". Không thể hiểu câu này theo nghĩa đen,
nhưng cần hiểu theo một nghĩa sâu xa hơn, tức là về các mối tương quan xã hội
khác nhau của mỗi người chúng ta.
Thực vậy, mỗi người chúng ta thường được người
khác đánh giá qua đẳng cấp xã hội, tiền tài, nghề nghiệp... Đó là "môi
trường" bao chung quanh một người. Chính những "môi trường" này
đã phân chia con người làm nhiều hạng, loại trong cùng một xã hội. Những người
cùng một "môi trường" như nhau thường liên kết, giao du với nhau. Từ
đó, sự phân cách trở nên ngày càng lớn. Chúng ta thường bị điều kiện hóa bởi
"môi trường" của mình. Điều này thường ngăn cản chúng ta không mở
rộng vòng tay, tấm lòng tới tất cả mọi người không phân biệt một ai. Đức Giêsu
đến để phá đổ những bức tường ngăn cách giữa con người với nhau. "Không
còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do" (Gl 3,28), không còn
người giàu hay người nghèo, thánh nhân hay người tội lỗi. Tất cả mọi người đều
phải có chỗ trong con tim của chúng ta, nhất là những người yếu đuối, bất hạnh,
tàn tật... Sự khiêm tốn đích thực là nhìn nhận mình chẳng là gì hết trước mặt
Thiên Chúa, cho dù mình có thuộc về một "môi trường sống" cao hay
thấp; đồng thời nhìn nhận mọi người là anh chị em cùng một Cha trên trời.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể chúng ta tham dự mỗi ngày,
không có chỗ nhất hay chỗ bét, chỗ ưu tiên, dành riêng cho tùy loại người. Tất
cả đều được Thiên Chúa tiếp đón như những người con và như những người anh em
của Đức Giêsu. Đời sống người kitô hữu là một bàn tiệc Thánh Thể, thánh lễ kéo
dài. Thánh lễ là cuộc đời và cuộc đời là thánh lễ. Chúng ta được Thiên Chúa mời
gọi tham dự bàn tiệc Thánh Thể cùng với anh chị em mình trong Đức Giêsu Kitô.
Điều cần thiết là biết nhận ra chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và với
anh chị em mình.
Phải chăng chúng ta nhận ra chính mình chẳng là
gì trước mặt Thiên Chúa? Phải chăng chúng ta nhìn nhận mọi người là anh chị em,
cùng một Cha trên trời?
Lạy Chúa, Chúng con hiểu rằng tự sức mình chúng
con chẳng làm được gì. Tất cả những gì chúng con có được chỉ là hồng ân. Xin
cho chúng con khiêm tốn đủ để cho phép người khác giúp đỡ mình, đồng thời cũng
cởi mở đủ để người khác có thể tìm thấy nơi chúng con một sự tương trợ khi họ cần đến.
Lm.
An Phong