FIAT- LỜI THƯA CÓ SỨC MỞ ĐẦU CHO SỰ SỐNG NHÂN LOẠI


 Fiat – Lời thưa có sức mở đầu cho sự sống nhân loại


  1. Khung cảnh
"Bà Elisabeth có thai được 6 tháng thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galile, gặp một trinh nữ đã thành hôn với ông Giuse thuộc nhà Đavid, trinh nữ ấy tên là Maria"( Lc 1,26-27). Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch cứu độ của Ngài. Ngài đã tìm được một tâm hồn đơn sơ ngay chính, đầy tin tưởng và khiêm tốn để mời gọi trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế. Qua Maria, Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài để tỏ lòng thương xót đối với nhân loại cách đặc biệt. Thật vậy, Thiên Chúa hồi hộp chờ đợi giờ phút này như nhà vua cho người đi hỏi vợ cho hoàng tử, Ngài chăm chú nhìn vào Maria và chờ đợi sự ưng thuận của mẹ, Thiên Chúa đã hạ cố một cách tận cùng trong tình yêu dành cho nhân loại. Thánh Benado cũng đã nói đến điều này trong một bài giảng của mình:" Lạy Đức Trinh Nữ, xin mau trả lời, xin mau trả lời cho Thiên Chúa".

  1. Sứ điệp của Thiên thần và lời đáp trả của Đức Maria.
  1. Sứ điệp của Thiên thần
Lời chào của thiên thần rất lạ, đó không phải là lời chào thông thường như những  người Do Thái vẫn thường chào nhau, Thiên thần không dùng hạn từ Shalom - bình an, mà lại dùng hạn từ tiếng Hi Lạp là Chaire – mừng vui lên. Maria đã thật sự ngạc nhiên về điều này, vì Mẹ biết mình chỉ là một thôn nữ bình thường  mà lại được chào bằng một hạn từ cao quí. Hạn từ này đã xuất hiện trong lời tiên báo của ngôn sứ Xophonia: "Reo vang lên hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi"(Xp 3, 14-15).
Lời chào của thiên sứ không chỉ là chào vậy, mà lời chào này còn có những ý nghĩa to lớn. Một là nói lên tính phổ quát của thông điệp Kitô giáo, vì lời chào này không bị gò bó trong khuôn khổ Do Thái mà đã mở rộng ra: lời chào bằng tiếng Hi Lạp. Điều khiến cho thiếu nữ Xion hỉ hoan là Thiên Chúa ngươi ngự ở giữa ngươi hay nói chính xác là ngự trong cung lòng ngươi. Điều này có thể cho ta có suy tư rằng Đức Maria chính là thiếu nữ Xion mà Xophonia đã nhắc tới, như vậy ý nghĩa thứ hai của lời chào là tiếp nối hoàn toàn với lịch sử cứu độ. Ý nghĩa thứ ba của lời chào này là niềm vui đi đôi với ân sủng, thật vậy vì hạn từ này có chung nguồn gốc với từ ân sủng. Khi có ân sủng thì lòng người vui sướng và khi lòng hân hoan vui sướng thì lòng phải tràn đầy ân sủng.
Sau lời chào là một thông điệp mà thiên thần trao cho Maria. Nội dung chính của thông điệp là việc Thiên Chúa loan báo rằng đã đến lúc Ngài thực hiện lời hứa cứu độ mà xưa kia Ngài đã hứa sau khi nguyên tổ phạm tội. Và hôm nay – chính là lúc này - Thiên Chúa thực hiện lời hứa qua việc mời Mẹ cộng tác với Ngài hạ sinh Đấng Cứu Độ.

  1. Lời đáp trả của Đức Maria
Có nhiều giả thuyết cho rằng thiên thần hiện đến lúc Maria đang cầu nguyện, đang đi kín nước hay đang quét nhà, nhưng vấn đề đó không quan trọng cho bằng việc Maria thấy thiên thần hiện đến mà không hoảng sợ hay bỏ chạy. Maria đã can đảm ngay từ phút đầu tiên, đã anh hùng ngay từ lúc khởi đầu, vì vậy trong những giờ phút tiếp theo và giây phút quyết định cuối cùng, Maria vẫn giữ được nét tuy khiêm tốn nhưng dứt khoát khi thưa lời Xin vâng. Nghe lời chào của thiên thần, mẹ thoáng bối rối – đây là thái độ đầu tiên của mẹ khi đối diện với thiên thần - tuy vậy mẹ không hoảng sợ như Dacaria. Kinh nghiệm cho thấy là khi chúng ta vượt qua được giây phút ban đầu của sự việc thì chúng ta sẽ giữ được thế chủ động trong các vấn đề tiếp theo. Trường hợp Maria ở đây là đúng vậy, Mẹ đã giữ cho mình ở thế chủ động nên Mẹ bình tĩnh nắm bắt vấn đề cách chính xác. Đây là đặc tính riêng của Mẹ - bình tĩnh đón nhận vấn đề, suy đi nghĩ lại trong lòng và thấm nhuần, ăn sâu trong lòng Mẹ. Cũng chính do đặc điểm nổi bật này mà Mẹ xứng đáng trở nên hình ảnh của Giáo Hội: cũng ghi nhớ Lời Chúa, suy niệm trong ân sủng và tìm cách thấu hiểu Lời Chúa để áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của mình.
Cũng trong tâm thế chủ động, Mẹ bắt đầu đối thoại với thiên thần. Khác với Dacaria, Mẹ không hề tỏ ra nghi ngờ lời thiên thần tỏ cho Mẹ biết ý định của Thiên Chúa là muốn nhờ Mẹ để Ngôi Hai nhập thể và nhập thế. Thiên Chúa đã chấp nhận hạ cố một cách tận cùng vì thương chúng ta. Mẹ Maria cũng không hỏi về bằng chứng để biết được đó có chắc là ý Chúa không, điều này chứng tỏ Mẹ đã đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài. Câu hỏi mà Mẹ đặt ra cho thiên thần là câu hỏi về cách thức thực hiện lời hứa:" việc ấy sẽ xảy ra cách nào?". Sau khi được trả lời, Mẹ trong tâm tình phó thác tin yêu đã thưa lên lời Fiat – Xin vâng. Trong hoàn cảnh ấy, một đàng Mẹ đã suy đi nghĩ lại về giao ước của Thiên Chúa với dân tộc của Mẹ, về lời hứa cứu độ đã được các Ngôn sứ bao đời loan báo, đàng khác Mẹ cũng suy nghĩ đến mình, một thôn nữ hèn mọn, nghèo nàn. Đứng giữa hai thực tế giao tranh nhau, Mẹ đã can đảm, tự do và tin yêu để chiến thắng. Fiat – lời thưa có sức mở đầu cho sự sống nhân loại đã được Maria can đảm cúi đầu thốt ra. Trong tích tắc ấy, Trời và Đất đã được giao hòa, Con Thiên Chúa đã thân hành xuống ngự vào cung lòng thanh sạch của Mẹ. Có thể nói với sự việc này Mẹ những tưởng Mẹ đã thất bại trong việc quyết giữ mình đồng trinh nhưng Mẹ không thất bại trong đau khổ, trong chán chường mà là thất bại trong sự tự do của con cái Thiên Chúa, thất bại trong sự khiêm tốn đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa, trong niềm vui sướng hân hoan vì nhân loại sắp được giải phóng. Chính giây phút ấy, Thiên quốc hân hoan và trần hoàn nhảy múa, thiên thần vang hát và ma quỉ hãi hùng, Thiên Chúa tỏ lòng nhân ái và con người được đón nhận lòng nhân ái đó. Để tưởng thưởng cho Mẹ đã dám can đảm chịu "thất bại", Thiên Chúa đã ban cho Mẹ có được đặc ân mà không ai có thể có là tuy mang thai, hạ sinh con Thiên Chúa nhưng Mẹ vẫn được đồng trinh trọn đời như lòng Mẹ ước mong. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho Mẹ.

3. Tạm kết
Sau giây phút có thể nói là huy hoàng vì được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria vẫn tiếp tục sống những ngày còn lại của đời mình sau khi thiên thần từ biệt ra đi. Một cuộc hành trình đầy gian khổ, mồ hôi và nước mắt. Một hành trình đức tin trong đêm tối, chỉ được một ánh sao dẫn dường là Lời Chúa. Mẹ vẫn đi, vẫn can đảm chập nhận sự hiểu lầm của mọi người, đó có thể là ánh mắt trách móc của cha mẹ, cái nhìn thất vọng của Giuse, tia nhìn soi mói của dân làng Nazareth…….Trên hết những điều đó, Maria vẫn một niềm tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa, Mẹ không hề hé môi nói một lời giải thích cho sự việc này. Nước mắt chồng chất đau khổ, Mẹ đã cam chịu cho đến giây phút đau đớn nhất trên đồi Calve. Mẹ xứng đáng hưởng phần thưởng cao quí nhất vì Mẹ đã thưa tiếng Xin vâng trong suốt cuộc đời của Mẹ và trở nên gương mẫu cho những ai muốn sống theo Thánh Ý Chúa như Mẹ. Lạy Đức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con đáng hưởng lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.