"Hãy đứng lên và trở về!"

 

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY ( Năm C )

 


 

 

“Thưa cha con đã lỗi phạm …” . Sự trở về của người con thứ, đã mở ra cho anh cơ hội được nhận lại vào nhà cha, được gọi là con, và lãnh lấy phần gia nghiệp của cha.

Xin cho chúng ta biết nhìn ra tội của mình, từng xúc phạm đến Chúa, đến mọi người, để nhờ hối cải ăn năn, chúng ta cũng sẽ được tha thứ, và nhất là được mặc lấy phẩm giá người con trong gia đình Thiên Chúa.

 

Có một câu chuyện xảy ra bên Mỹ. Một gia đình nọ rất hiếm hoi. Cả hai ông bà chỉ có một cậu con trai duy nhất. Thế nhưng thật bất hạnh. Thay vì lo học hành và đi theo sự dạy bảo của cha mẹ, cậu lại chỉ thích chơi bời đàn đúm cùng bạn bè xấu. Lần nọ, cậu lén cha mẹ lấy một số tiền lớn rồi ra đi. Được một thời gian thì tiền hết, bạn bè cũng cũng từ bỏ cậu mà đi. Trong lúc tuyệt vọng, cậu nhớ đến cha mẹ và muốn được trở về mái ấm gia đình. Thế nhưng mặc cảm vì mình đã phạm tội tày trời, nên cậu cứ nấn ná không dám trở về. Cậu bèn nghĩ ra một cách là viết cho cha mẹ lá thư. Trong thư, cậu nói với cha mẹ nếu còn thương và muốn đón nhận cậu về nhà thì cha mẹ hãy treo bộ quần áo của cậu vẫn mặc trên cành cây trước nhà. Đúng ngày ấy cậu sẽ đi qua. Nếu thấy có bộ quần áo treo phía trước, cậu sẽ trở về. Còn nếu không có thì cậu sẽ ra đi vĩnh viễn. Nhận được thư, cả hai ông bà nhấp nhổm chờ đợi. Sau khi bàn bạc, cả hai quyết định sẽ treo tất cả quần áo của cậu trước nhà để cậu thấy mà biết được ý muốn của cha mẹ và trở về cùng gia đình.

Câu chuyện thật cảm động. Nó lay động, thức tỉnh lương tâm mỗi người con, nhận ra sai trái của mình mà trở về với người cha có tên là Thiên Chúa – Một Thiên Chúa khoan dung và giầu lòng thương xót.

Tình yêu của Người Cha ấy đã từng có mặt ngay trong buổi đầu của công trình sáng tạo, cứ lớn dần lên theo với thời gian, được lộ rõ nét qua lịch sử dân Chúa. Tấm lòng Người Cha luôn hối tiếc về những tai hoạ đã gửi đến để thức tỉnh con cái Israel. Sau khi bắt dân đi đày Ai- cập, thì chính Thiên Chúa đã bằng quyền năng và tình thương, cứu thoát họ khỏi đất nô lệ, đưa họ vào sa mạc, cho họ uống nước nơi mạch suối Mêriba, nuôi họ bằng manna và chịm cút. Tình yêu ấy vẫn không ngừng chảy khi thấy dân Chúa đang phải từng ngày đối mặt với cái nóng hừng hực, cái lạnh căm căm nơi sa mạc. Vì vậy, qua Giôsuê hôm nay, Ngài quyết định đưa họ vào miền đất tốt tươi và rộng lớn, đó là miền đất chảy sữa và mật, cho họ được sống cảnh an cư lạc nghiệp.

Tuy nhiên, tình yêu ấy không phải lúc nào cũng được trân quí đón nhận. Câu truyện hai người con trong bài Phúc âm hôm nay là một minh hoạ.

Sống trong gia đình, nhưng đứa con thứ vẫn mơ tưởng về một cuộc sống ngang tàng trụy lạc. Vì vậy, dù cha còn sống, anh vẫn đang tâm đòi chia phần gia tài. Người cha không tiếc vì gia sản phải chia, mà đau đớn vì tình nghĩa đang mất. An chơi đàng điếm được một thời gian thì nó phung phí hết tài sản. Trong cơn túng thiếu và đói khát, nó mới chợt nhớ về nhà và muốn trở về. Tội nó đã lớn mà lý do trở về lại chỉ vì miếng ăn hèn hạ. Nó không về vì tình cha, vì thương mái ấm gia đình mà chỉ để được no dạ. Ay vậy mà khi nó trở về, từ xa người cha đã nhìn thấy nó. Chạnh lòng thương, ông chạy lại ôm nó hôn lấy hôn để. Ông không hề hạch tội, chì chiết, cũng chẳng tra hỏi lý do, xua đuổi. Vì nó là quan trọng nhất đời ông. Ông tha thứ không phải vì nó đáng thương mà vì ông là một người cha. Chính tình yêu khoan dung lượng thứ đã biến ngày người con trở về thành ngày hội vui : “Vì con Ta đã chết nay sống lại….”

   Đau đớn với con thứ, ông còn khổ với con cả. Sống bên cha nhưng lại như người dưng nước lã. Nó gần cha về không gian nhưng lại xa về tình cảm. Nó không chia niềm vui với cha và không dành cho em mảy may lòng thương xót. Nó tặng cha mình trái tim bằng gỗ và đứa em quả tim bằng chì. Dù vậy ông vẫn yêu thương vì ông là một người cha. Lời lẽ của người cha yêu thương đã đánh thức người con cả mù lòa, giúp anh được nhìn thấy. Anh thấy đó là cha, là em anh. Anh thấy trước nay anh chỉ sống như người nô lệ. Hôm nay anh mới thực là con.

Là người đầu tiên lãnh nhận vòng tay tha thứ từ nơi Thiên Chúa Cha, thánh Phaolô không ngừng mong mỏi cho anh chị em cũng biết quay về với Chúa. Ngài quả quyết : Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã giao hoà chúng ta – và qua thập giá, chúng ta đã trở nên tạo vật mới, vì tất cả những gì cũ đã qua đi.

Kính thưa ông bà anh chị em,

Soi mình vào dụ ngôn, chúng ta dường như bắt gặp khuôn mặt mình ở nơi người con cả lẫn người con thứ. Đây là lúc thuận tiện, đây là giờ cứu rỗi. Chúng ta hãy mau mắn trở về với Thiên Chúa là Cha của mỗi chúng ta :

-    “Thưa cha, Con đã lỗi phạm đến trời và đến cha”. Biết bao lần chúng ta cũng đã mang trong mình thái độ của người con thứ : chối bỏ tình Cha để đi theo tiếng gọi của thế gian, thỏa mãn cho những đam mê tiền bạc vật chất, cùng bản năng thấp hèn, nhậu nhoẹt say sưa, coi trọng bản thân mà xem thường lời nhắc nhở của các bề trên. Chúng  ta có thấy mình cần phải trỗi dậy trở về, để được sưởi ấm bằng tình Cha, và lớn lên trong tình huynh đệ với anh em không?

-    “Bao năm qua, cha đối xử với con như một người làm công”. Sống giữa gia đình, trong tình thương của Cha. Vậy mà đứa con cả vẫn mang tâm trạng của kẻ làm thuê, người làm mướn. Đây có thể cũng từng là cách sống của chúng ta với Chúa khi giữ đạo cách môi mép hình thức : Đi lễ vì thói quen – đọc kinh vì sợ chê khô đạo - làm một vài việc thiện để lấy tiếng là rộng rãi, tham gia hội đoàn để kéo bè kéo cánh. Chúng ta có thấy mình cần thay đổi cái nhìn và cách sống, cho xứng với phẩm giá của một người con trong gia đình Thiên Chúa không?

-    “ Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã giao hòa với chúng ta. Nơi thập giá, Ngài còn làm cho chúng ta nên tạo vật mới”. Cái chết của Chúa với nước và máu đổ ra, đã thanh luyện và trả lại cho chúng ta phẩm giá cao quí của kẻ làm con. Chúng ta có nhìn ra điều ấy để biết luôn gắn bó với Chúa qua việc hết lòng thờ phượng Chúa, giữ các giới răn, lãnh các bí tích, thực hành đời sống công chính, nhất là luôn có cái nhìn nhân hậu khoan dung với anh chị em tội lỗi, và không khinh dể ai yếu kém hơn mình không ?

Câu chuyện của người Cha và 2 đứa con bất hiếu không chỉ đưa chúng ta đi qua vùng đất hoang lạnh của tâm hồn, mà còn thúc đẩy chúng ta mạnh dạn đứng dậy trở về :

Về với Cha để được giao hòa tha thứ.

Về với Cha để được ấp ủ yêu thương. 

Vì nhà Cha là hạnh phúc thiên đường.

Quên sầu vương hết đau thương tím lịm.  Amen.