Cái Nào Quan Trọng

 

CÁI NÀO QUAN TRỌNG

 

 


Khoảng 2 giờ, một buổi sáng lạnh và gió lớn, chuông điện thoại nhà xứ reo, có tiếng hốt hoảng la lên: “Tôi tưởng ông ngoại qua đời.”  Vì chỉ cách 2 căn phố.  Cha Murray đi bách bộ, khi ngài qua một ngõ hẻm, chợt xuất hiện một bóng hình cầm cây súng bước tới truyền lệnh: “Đưa tiền đây!”  Vị linh mục nói với người cầm súng: “Ví của tôi để ở trong túi áo khoác.”  Khi ngài mở nút áo khoác để lấy ví, để lộ chiếc cổ áo Roma.  Kẻ cướp ấp úng: “Ôi con không biết cha là linh mục, con xin lỗi, cha cất tiền đi.”   Bình tĩnh lại vị linh mục đưa cho y một điếu thuốc xì gà, nhưng y lắc đầu: “Không, cám ơn cha, trong mùa chay con không hút thuốc.”

 

Kẻ cướp đường đã hành động như một người Biệt phái.  Người Biệt phái giữ hết sức chi tiết những điều lệ nhỏ nhặt của luật Do Thái, trong khi đó lại bỏ bê những giới răn quan trọng.  Đó là lý do Đức Kitô khiển trách họ.  Họ ghét Chúa Giêsu vì Người đe dọa địa vị của họ, như những người lãnh đạo tôn giáo.  Họ dò xét Chúa, cố gắng bắt bẻ Người trong lời nói.  Họ chỉ trích Người đã hòa mình với người thu thuế và tội lỗi.  Người đã bỏ qua lệ rửa tay chân như trong bài Tin Mừng hôm nay.  Họ nói Chúa Giêsu không thể tha tội.  Người dùng quyền lực của quỷ mà trừ quỷ.  Họ làm điều lành chỉ cốt cho người ta thấy.

 

Ngày nay còn người Biệt phái không?  Bất hạnh thay, vẫn còn.  Đây là một vài kiểu Biệt phái tân thời: Những người Công giáo lẫn lộn những cái không quan trọng với cái thật sự quan trọng.

 

Giả sử tôi nói với một người nào đến trễ lễ: “Bạn bất lịch sự.”  Chắc người ấy cho rằng bị xỉ nhục.  Nhưng vì lỗi mình, đến lễ trễ, là một sự xúc phạm đến Chúa, làm lo ra những người trong nhà thờ và cho vị chủ lễ.  Có người mỉm cười với bất kỳ ai gặp trong nhà thờ, dĩ nhiên điều đó tốt.  Nhưng họ không nói một lời với Chúa trên bàn thờ cũng như đi dự đại tiệc, chỉ nói chuyện với mọi người, trừ ông chủ tiệc.  Cái nào quan trọng?

 

-  Có những người Công giáo và những người khác nữa, họ không nghĩ rằng họ sẽ tổ chức hay dự một bữa tiệc nếu có một vết nhơ trên bàn, hay trên dĩa hoặc trên quần áo của họ.  Nhưng ngôn ngữ của họ không phải chỉ có vết nhơ, mà nó thật sự thô bỉ, một sự thô bỉ bên trong hơn là bên ngoài như Chúa Giêsu đã chỉ rõ trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

-  Có người trong chúng ta ra ngoài thì hoang phí, rộng rãi với anh bồi ở quán rượu, hào phóng với cô chạy bàn; nhưng lại rất keo kiệt với người thân thương, và với Chúa.

 

Nhiều người không bao giờ quên câu nói: “Xin vui lòng, cám ơn, xin lỗi,” khi ở ngoài gia đình.  Nhưng giữa những người thân yêu, ít khi bạn nghe được những từ quan trọng ấy.  Bạn có thể nghĩ đến những hoàn cảnh, trong đó bạn phải sạch sẽ, lịch sự, hào hiệp, chỉ khi nào những hoàn cảnh đó được trình diễn trước mặt mọi người, để đạt được tín nhiệm hoặc tránh khỏi phê bình.  Hãy cố gắng đừng làm Biệt phái.

 

Cám ơn Chúa vì phần lớn những người chân thành, họ đặt người khác và sự vật vào đúng vị trí trật tự của nó.  Như đặt Thánh Lễ lên đầu bảng danh sách những việc quan trọng.


Xin Chúa chúc lành bạn.

 

Gm. Arthur Tone

Thinh Lặng Đã Là Cầu Nguyện Hay Chưa?

 

THINH LẶNG ĐÃ LÀ CẦU NGUYỆN HAY CHƯA?

 


Chỉ riêng sự vắng mặt của tiếng ồn không phải là sự thinh lặng …

 

Đối với não trạng thế tục, sự thinh lặng dường như trống rỗng, đáng sợ, lãng phí thời gian.  Nhưng sự thinh lặng là điều không thể thiếu để sống đức tin.  Bản chất của sự thing lặng cũng đồng thời là sự trống rỗng, ngoan ngùy, dễ tiếp thu, vô tư, khao khát, tĩnh lặng, lắng nghe, hiệp thông, chuyên tâm.  “Thinh lặng không chỉ là im lặng, mà là thái độ của một người đang sống đứng trước một ‘Người Bạn’ đang hiện diện, khẩn nài một ‘Người Bạn’ đang hiện diện” (L. Giussani).

 

Vị Tôi Tớ Chúa Catherine de Hueck Doherty đã định nghĩa sự thinh lặng như sau:

 

“Đúng vậy, đôi khi thinh lặng là không nói năng – nhưng đó luôn là hành động lắng nghe.  Chỉ riêng sự vắng mặt của tiếng ồn (điều làm chúng ta không có khả năng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa) không phải là sự thinh lặng.  Một ngày đầy ồn ào và tiếng nói có thể là một ngày thinh lặng, nếu những tiếng ồn ào trở thành tiếng vang từ sự hiện diện của Thiên Chúa đối với chúng ta.  Khi chúng ta nói về bản thân và no thỏa với chính mình, chúng ta bỏ sự thinh lặng lại phía sau.  Khi chúng ta lặp đi lặp lại những lời lẽ thân tình của Thiên Chúa mà Người đã để lại trong chúng ta, thì sự thinh lặng của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn.”

 

Chúng ta cần sự thinh lặng để nghe thấy Thiên Chúa vì sự ồn ào từ những suy nghĩ và xao động nơi chính chúng ta vốn đang lấn át đi tiếng nói của Người trong chúng ta.  Chúng ta không thể thinh lặng nếu chúng ta không ngừng tìm kiếm bình an, hạnh phúc và sự thỏa mãn của chúng ta trong những điều bên ngoài Thiên Chúa.  Qua sự thinh lặng nội tâm, Thiên Chúa nói với chúng ta, thông truyền tình yêu của Người theo cách thu hút toàn bộ con người chúng ta vào trái tim Người.  Người ta nói rằng chính sự thinh lặng trong Thánh Tâm Chúa Kitô dạy chúng ta cách làm giảm nhẹ sức lôi cuốn hướng về sự dữ nơi chính chúng ta.

 

Đối với nữ tu Maria Chúa Ba Ngôi Dòng Thánh Clara Khó Nghèo (+1942), Chúa đã mặc khải điều này: “Ta nói với từng linh hồn; nếu có một số người không nghe thấy Ta, đó là vì họ không lắng nghe Ta.  Phải có một sự thinh lặng thâm sâu, bởi vì giọng nói của Ta thì êm dịu.  Linh hồn phải được giải thoát khỏi mọi suy nghĩ tất bật.”  Như Thánh Tôma Aquinô đã diễn tả, “Thiên Chúa được tôn vinh bằng sự thinh lặng vì chúng ta biết rằng chúng ta không thể hiểu thấu được Người.”

 

Thinh lặng là sự từ bỏ cái tôi vốn là đặt chúng ta làm trung tâm và khiến mối bận tâm trở nên câm lặng.  Và sự thinh lặng còn có tác dụng chữa bệnh, như Thánh Grêgoriô Nazianzênô nhận xét: “Thinh lặng mạnh hơn lời nói.  Nó che phủ lên mớ hỗn độn đang tràn ngập nơi chúng ta trong vực thẳm của sự quên lãng.” Và ai lại không cần đến điều đó!

 

Tác giả: Lm. Peter John Cameron, OP – Nguồn: Aleteia (15/01/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

 

Thánh Nữ Monica

 

THÁNH NỮ MONICA

 


Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác.  Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác.  Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái.  Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô, người con trai, đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc.  Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn, ơn làm đẹp con tim: con tim mới, cái nhìn mới.

 

Một Con Người

 

Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện: tên người nữ ấy là Monica.  Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu.  Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức, yêu thương tha nhân, yêu thương người nghèo.  Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, Monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng.  Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo: mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa.  Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình.  Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.

 

Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chuyên như nhiều người thường nói.  Ông Gióp đã là chứng minh hùng hồn cho cuộc đời thánh thiện, nhưng gặp toàn những chuyện thử thách, rắc rối.

 

Thánh Giuse là người công chính nhưng cũng gặp đắng cay nếu không hiểu được ý Chúa, chắc chắn Người đã đứt gánh giữa đường.  Monica cũng nằm trong diện ấy.  Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái, nhưng tính tình xấu xa, ngang ngược, độc ác và lại hơn Monica cả hai con giáp.  Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ và âm thầm cầu nguyện cho chồng vì thánh nữ xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa.  Nhờ lòng quả cảm, đức tính khiêm nhường, và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng sau này chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên thế giá, trở nên thánh.

 

Vẫn Giọt Nước Mắt Của Monica

 

Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo, đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng.  Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc, ngang tàng, ích kỷ.  Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người.  Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim, với tâm hồn đầy ắp Chúa.  Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút, những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác.  Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ.  Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà.  Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi chồng, con và biến đổi người con trụy lạc, ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội.  Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, Monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon: Giờ đây xin để tôi tớ ra đi bình an…”

 

Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387 sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosiô rửa tội.  Thánh nữ được an táng tại Otti.  Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.

 

Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ công giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức  như thánh nữ.

 

Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người.

Xin cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân.

 

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

 

Cuộc Chiến Đấu Nội Tâm Của Chúng Ta

 

CUỘC CHIẾN ĐẤU NỘI TÂM CỦA CHÚNG TA

 


Hai điều trái ngược không thể cùng tồn tại trong cùng một chủ thể.  Triết gia A-rix-tốt đã viết như vậy và nghe chừng điều đó quá rõ ràng; không thể có cái gì vừa là ánh sáng vừa là bóng tối cùng một lúc. 

 

Tuy nhiên, xét về những gì đang xảy ra bên trong tâm hồn chúng ta thì dường như những điều trái ngược thật sự có thể cùng tồn tại trong cùng một chủ thể.  Bất cứ thời điểm nào, trong lòng mình, chúng ta là sự trộn lẫn giữa ánh sáng và bóng tối, chân thành và giả trá, vô ngã và ái ngã, đức hạnh và suy đồi, ân sủng và tội lỗi, thánh thần và tội phạm.  Như cha Henri Nouwen thường nói: Chúng ta muốn là những bậc thánh vĩ đại, nhưng cũng không muốn bỏ lỡ tất cả các cảm giác mà những người tội lỗi trải qua.  Và thế là cuộc sống chúng ta không hề đơn giản. 

 

Chúng ta sống trong ánh sáng lẫn bóng tối trong lòng mình và dường như, trong một thời gian dài, những điều trái ngược thật sự cùng tồn tại trong lòng chúng ta.  Tâm chúng ta như một bãi chiến trường, nơi vô ngã và ái ngã, đức hạnh và tội lỗi, cái gì cũng tranh nhau làm chủ.  Nhưng cuối cùng, chỉ một cái này hoặc cái kia sẽ bắt đầu làm chủ và tìm cách đánh bật cái kia ra.  Đó là lý do tại sao Thánh Gio-an Thánh giá đã chọn câu dụ ngôn triết học này và dùng nó để dạy một bài học cốt lõi về việc đi đến chỗ khiết tịnh của con tim và khiết tịnh của ý định trong đời sống chúng ta.  Bởi vì những điều trái ngược không thể nào cùng tồn tại trong lòng chúng ta, nên có điều cần yếu mà chúng ta cần làm.  Đó là điều gì? 

 

Chúng ta cần chuyên cần cầu nguyện.  Những điều trái ngược không thể nào cùng tồn tại trong chúng ta như vậy, nếu chúng ta duy trì lòng cầu nguyện chân thành trong đời sống mình để cuối cùng sự thành tâm sẽ đánh bật đi giảo trá, vô ngã sẽ đánh bật ái ngã, và ân sủng sẽ đánh bật tội lỗi.  Nếu chúng ta giữ lòng cầu nguyện chân thành, thì về lâu dài, chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào lý luận biện hộ cho tội lỗi.  Nếu chúng ta duy trì cầu nguyện chân thành trong đời sống thì chúng ta sẽ không bao giờ nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của mình, và cứ như vậy tới mức chúng ta bắt đầu có những vùng miễn nhiễm về đạo đức trong đời sống của mình.  Trung thành với cầu nguyện sẽ bảo đảm chúng ta không bao giờ, về lâu dài, sống đời hai mặt bởi vì những gì lời cầu nguyện đưa vào đời sống chúng ta, một sự có mặt chân chính của Chúa, sẽ không sống chung hòa hợp với ái ngã, tội lỗi, lý luận biện hộ cho tội lỗi, tự huyễn, và giảo trá.  Nói nôm na, đến một lúc nào đó trong đời, chúng ta hoặc sẽ thôi cầu nguyện hoặc thôi hành xử tệ hại.  Chúng ta sẽ không thể nào sống cả hai thứ trái ngược.  Như vậy mối nguy hiểm lớn nhất của chúng ta là ngừng cầu nguyện. 

 

Và đây là lời khuyên vô cùng hữu dụng: Chúng ta không thể lúc nào cũng kiểm soát được việc mình cảm thấy như thế nào về mọi chuyện.  Chúng ta không thể lúc nào cũng kiểm soát được chuyện mình bị quyến dụ ra sao.  Và không ai trong chúng ta có sức mạnh để không bao giờ rơi vào tội lỗi.  Chuyện chúng ta không có khả năng thực hiện đạo đức mong muốn cho bản thân khiến chúng ta luôn luôn không thể thánh thiện đầy đủ.  Có những điều vượt ngoài khả năng của chúng ta.

 

Nhưng có đôi điều chúng ta có thể kiểm soát, những điều vượt quá con ngựa cảm xúc và cám dỗ bất kham.  Chúng ta bị nhiều thứ vây bủa, nhưng chúng ta có thể chuyên cần có mặt để cầu nguyện, theo ý chí của mình, có chủ tâm, với kỷ luật và quyết tâm.  Chúng ta có thể cầu nguyện riêng theo kỷ luật chuyên cần trong cuộc sống của mình.  Chúng ta có thể hứa với chính mình phải có thói quen cầu nguyện riêng.  Và, nếu làm như vậy, thì bất luận sự thực chúng ta sẽ phải chịu một thời gian dài khô khan và chán nản, cuối cùng những gì lời cầu nguyện đưa vào đời sống chúng ta sẽ đánh bật ra các thói quen xấu, những lý luận biện hộ cho tội lỗi, và tội lỗi của chúng ta.  Hai điều trái ngược nhau không thể cùng tồn tại trong cùng một chủ thể.  Cuối cùng chúng ta hoặc sẽ phải thôi cầu nguyện hoặc sẽ từ bỏ tội lỗi và lý luận biện hộ cho tội lỗi.  Không ai có thể vừa cầu nguyện chân thành một cách đều đặn lại vừa nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng tội lỗi của mình.  

 

Vậy thì, nhiệm vụ của chúng ta là duy trì việc cầu nguyện riêng như một thói quen trong cuộc sống, kể cả khi chúng ta không có cái nhìn sâu sắc lẫn không có lòng can đảm để nhìn nhận và giải quyết tất cả các kiểu tiêu chuẩn kép và những điểm mù-đạo-đức trong đời sống của mình.  Những gì đi vào đời sống chúng ta qua lời cầu nguyện, mà thường thì khó cảm nhận hơn là dễ thấy, cuối cùng sẽ đánh bật ra (“hóa cứng,” nói theo lời thánh Gio-an Thánh giá) tội lỗi của chúng ta lẫn những lý luận chúng ta biện hộ cho nó.

 

Điều này gần với lời Ronald Knox từng dạy về phép Thánh thể.  Đối với ông, phép Thánh thể là nghi thức có tính cách nâng đỡ, cốt yếu, duy nhất trong đời sống Ki-tô hữu.  Tại sao?  Bởi vì Knox tin rằng, là Ki-tô hữu, chúng ta chưa bao giờ thật sự sống theo những gì Chúa Kitô yêu cầu.  Chúng ta chưa bao giờ thật sự yêu thương kẻ thù mình, chìa má kia ra, chúc phúc cho những ai nguyền rủa chúng ta, sống đời quang minh chính đại trọn vẹn, hay tha thứ cho những ai đã làm chúng ta tổn thương.  Nhưng, ông nói, chúng ta đã trung thành với Chúa chủ yếu theo cách: Chúng ta đã trung thành với phép Thánh thể, trung thành với mệnh lệnh duy nhất đó. 

 

Ngay trước khi từ giã chúng ta, Chúa Giêsu đã ban phép Thánh Thể và yêu cầu chúng ta tiếp tục dâng phép Thánh Thể cho tới khi Người quay trở lại.  Hai ngàn năm nay, trong khi chờ đợi sự quay trở lại đó, chúng ta đã trung thành với phép Thánh Thể, dù chúng ta đã trở nên bất trung xét theo các khía cạnh khác.  Chúng ta đã tiếp tục dâng phép Thánh Thể, và cuối cùng, hơn bất cứ điều gì khác, đó là điều duy nhất gọi chúng ta, liên tục liên hồi, trở lại với lòng trung tín.

 

Thói quen cầu nguyện riêng cũng sẽ làm được điều đó cho chúng ta.  Bởi vì hai điều trái ngược không thể nào cùng tồn tại trong một chủ thể, cuối cùng chúng ta hoặc sẽ thôi cầu nguyện hoặc chúng ta sẽ không phạm lỗi và lý luận biện hộ cho tội lỗi nữa.  Mối nguy hiểm đạo đức lớn nhất trong đời sống là chúng ta ngừng cầu nguyện!

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Suy Niệm Chúa Nhật 21 Thường Niên B

 

LỜI HỨA TRUNG THÀNH



Trong những Chúa nhật vừa qua, chúng ta đều được nghe Tin Mừng trích từ Phúc âm thánh Gio-an, chương 6.  Nội dung của chương này, trước hết là phép lạ nhân bánh cho năm ngàn người ăn no.  Sau đó là cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và người Do Thái xung quanh đề tài Bánh Hằng Sống.  Những vấn nạn của người Do Thái được ghi trong Tin Mừng, thực ra cũng là những vấn nạn của con người ở mọi thời đại về những mầu nhiệm Ki-tô giáo, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể.  Quả vậy, xung quanh chúng ta hôm nay, có biết bao người đang đặt ra những câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa; về cuộc đời, sự chết và sống lại của Chúa Giê-su; về Giáo hội; về các Bí tích, về thiên đàng và hỏa ngục.  Điều này không có gì lạ, bởi vì những việc làm của Thiên Chúa không thuộc cùng một phạm trù với hoạt động của loài người, và những gì Ngài thực hiện là bởi quyền năng của Ngài.  Tin vào Thiên Chúa là tin vào Đấng có thể làm mọi sự, là Đấng làm cho cái không thể trở thành điều có thể.

 

Trước những lời giáo huấn của Chúa Giê-su về Bánh Hằng Sống, nhiều người Do Thái coi là chói tai và họ bỏ, không muốn theo Người nữa.  Trong số này, có cả những môn đệ, tức là những người đã được Chúa chọn và đã theo Chúa một thời gian dài.  Trước tâm trạng hoang mang của những người còn lại, Chúa Giê-su hỏi nhóm Mười hai, tức là các tông đồ: “Anh em có muốn bỏ đi không?”  Thánh Phê-rô là người lên tiếng trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  Chúa Giê-su chắc chắn được an ủi rất nhiều qua câu trả lời của thánh Phê-rô.  Đây vừa là một lời tuyên xưng đức tin, vừa là lời đoan hứa trung thành.  Lòng trung thành với Chúa không chỉ được thể hiện lúc Người được tôn vinh, nhưng còn trong những thời điểm bi đát của Người.  Vào lúc nhiều người muốn bỏ đi, Phê-rô và Mười hai tông đồ vẫn ở lại, dẫu rằng các ông chưa thể hiểu hết ý nghĩa của giáo huấn về Thánh Thể.

 

Giữa những vấn nạn hóc búa của con người thời đại hôm nay, người tín hữu cần được huấn luyện để trưởng thành trong đức tin và có thể trình bày đức tin của mình, như thánh Phê-rô viết: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.  Nhưng phải trả lời với sự hiền hòa và lòng kính trọng” (1 Pr 3,15-16).  Tuy vậy, để có thể trình bày đức tin của mình, trước hết, Ki-tô hữu phải xác tín vào sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời, cũng như vào tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người nói riêng.  Trong mọi hoàn cảnh, Chúa luôn chờ đợi nơi chúng ta lòng trung thành.  Trước hết là trung thành với những lời tuyên thệ trước khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, sau đó là trung thành với giáo huấn của Chúa.  Giáo huấn này được chuyển tải đến với chúng ta qua các thừa tác viên của Giáo hội.

 

Suốt bề dày lịch sử, Thiên Chúa luôn trung thành với con người, kể các khi con người thất tín.  Thánh Phao-lô đã viết cho ông Ti-mô-thê: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.  Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.  Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,12-13).  Nếu Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành, thì lòng dạ con người lại hay thay đổi.  Lịch sử cứu độ đã chứng minh điều đó.  Bài đọc I kể lại Đại hội toàn dân do ông Giô-suê tổ chức, vào thời điểm vừa tiến qua sông Gio-đan, chuẩn bị vào Đất hứa.  Đây là dịp để dân riêng của Chúa nhìn lại những bất trung trong quá khứ của hành trình sa mạc.  Trước lời hiệu triệu của ông Giô-suê, dân chúng đã đồng thanh tuyên thệ một lòng trung thành với Chúa.  Mỗi chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại lịch sử cuộc đời cá nhân cũng như tập thể, để điều chỉnh lối sống đức tin của mình, đoan hứa trung thành với Chúa và đi theo đường lối của Người.

 

Trung thành với Chúa, chúng ta cũng phải trung thành với nhau trong mối tương quan hằng ngày.  Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, lòng trung thành bị coi nhẹ.  Người ta dễ dàng chối bỏ những gì đã cam kết, và sẵn sàng phản bội nhau vì lợi lộc trước mắt.  Thánh Phao-lô khuyên giáo dân Ê-phê-sô trung thành với Chúa.  Ngài dùng hình ảnh đời sống hôn nhân gia đình để diễn tả sự kết hợp gắn bó giữa Đức Ki-tô và Giáo hội của Người.  Khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta hứa trung thành với Chúa, từ bỏ ma quỷ và tội lỗi.  Trong hành trình cuộc đời, đã nhiều lần chúng ta đã “lỗi hẹn” với Chúa.  Nhìn lại bản thân và xét mình trước mặt Chúa sẽ giúp chúng ta luôn trung thành với Người.

 

Trong đời sống chúng ta, nhất là vào những thời khắc bi thương của cuộc đời, Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”  Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phê-rô: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.  Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 

Nghiện Làm Việc Và Tham Lam

 

NGHIỆN LÀM VIỆC VÀ THAM LAM

 


Chỉ có một chứng nghiện mà chúng ta ca ngợi, đó là làm việc quá sức.  Với mọi chứng nghiện khác, những người lo cho bạn sẽ đưa bạn vào viện hoặc vào chương trình phục hồi, nhưng nếu bạn nghiện làm việc, thường sẽ được xem là một đức tính tốt.  Tôi hiểu điều tôi đang nói.  Tôi là “một con nghiện làm việc đang phục hồi,” và hiện giờ cũng không hẳn là đã cai được hoàn toàn.  Tuy nhiên, tôi nhìn nhận nó là một chứng bệnh.  Đây là những triệu chứng của nó: chúng ta luôn mãi thiếu thời gian cho nhiều việc phải làm.  Mỗi ngày trôi qua đều quá ngắn.

 Trong tiểu sử tự thuật của mình, nhà phê bình phim Roger Ebert viết: “Tôi đã lấp đầy cuộc đời của tôi quá trọn vẹn đến nỗi tôi không còn thì giờ để nghĩ về việc tôi đang sống.”  Nhiều người trong chúng ta hiểu cảm giác này.  Tại sao chúng ta làm như thế với mình?

 Câu trả lời có lẽ làm chúng ta ngạc nhiên.  Khi cuộc sống của chúng ta quá áp lực đến nỗi chúng ta không bao giờ có thì giờ suy nghĩ, sự thật chúng ta đang sống cuộc sống đó, khi chúng ta luôn thiếu thời gian và có quá nhiều việc phải làm, chúng ta đang khổ vì tham lam, một trong những mối tội đầu.

 Chúng ta có khái niệm đơn giản hóa về tham lam.  Khi nghĩ về một người tham lam, chúng ta hình dung đó là người keo kiệt, ích kỷ, giàu có về tiền bạc và vật chất, tích trữ sự giàu có cho riêng mình.  Ít người trong chúng ta phù với phạm trù này.  Sự tham lam trong chúng ta có những dạng tinh vi hơn.  Hầu hết những người rộng rãi, không ích kỷ và không giàu có về tiền bạc như chúng ta thì mắc phải tham lam về trải nghiệm, tham lam về cuộc sống, thậm chí tham lam về quảng đại.  Chúng ta tham lam muốn làm nhiều hơn (dù làm việc tốt) những gì thời gian cho phép.

 Và nó biểu hiện ở đâu?  Nó biểu hiện nơi mình mỗi khi chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm việc mà (dường như) chúng ta cần phải làm.  Khi nghĩ rằng hình như Chúa đã nhầm về thời gian và không phân cho chúng ta đủ thời gian thì lúc đó là lúc chúng ta lâm vào chứng tham lam.  Linh mục Henri Nouwen từng mô tả nó như sau: “Cuộc sống chúng ta như chiếc vali bị nhét đầy đến nỗi những đường may bị bung ra.  Thật vậy, chúng ta luôn thấy mình bị trễ lịch.  Luôn biện minh, còn những việc chưa làm, những lời hứa chưa thực hiện, những dự tính chưa làm được.  Luôn có một cái gì đó khác mà chúng ta phải nhớ, phải làm hoặc phải nói.  Luôn có những người mà chúng ta chưa nói chuyện, chưa trả lời thư hay chưa thăm viếng.”

 Nhưng… Chúa không lầm về thời gian Ngài cho chúng ta.  Chúa cho chúng ta đủ thời gian để làm điều mà chúng ta được yêu cầu, kể cả những việc quảng đại và quên mình.  Vấn đề nằm ở chúng ta và vấn đề chính là tham lam.  Chúng ta muốn có nhiều hơn những gì mà cuộc đời cho phép.

 Hơn nữa, trong hầu hết trường hợp, chuyện này lại dễ lý luận.  Nếu kiệt sức khi phục vụ người khác, thì chúng ta dễ dàng xem việc chúng ta quá gắng sức, mệt mỏi và cảm giác ám ảnh rằng mình đang không làm đủ là một đức tính tốt, là một dạng tử đạo, là quên mình, là dâng hiến bản thân cho tha nhân.  Nó đúng phần nào, có những lúc khi tình yêu, hoàn cảnh hay một khoảng thời gian trong đời đòi hỏi chúng ta phải quên mình đến cùng, kể cả Chúa Giêsu cũng nhiều lần không chịu nổi và phải cố lánh đi đến một nơi hoang vắng.  Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng thế.  Việc người mẹ phải làm cho đứa con sơ sinh hay tuổi còn quá nhỏ thì khác với việc bà phải làm cho đứa con đã lớn khôn, đã trưởng thành.  Cái là đức tính tốt trong thời gian này lại có thể thành tham lam trong hoàn cảnh khác.

 Quá bận rộn ban đầu thường là đức tính tốt, rồi sau đó thường thường biến thành tính xấu, đó là một tham lam tinh vi.  Việc từng là cần thiết để phục vụ tha nhân bây giờ bắt đầu phục vụ thanh danh và hình tượng bản thân hơn.  Nó còn là một lối thoát tiện lợi.  Khi đắm chìm trong công việc làm cho người khác, chúng ta không cần phải đối diện với những con quỷ nội tâm cũng như những con quỷ khác mà chúng ta phải đối diện trong hôn nhân, ơn gọi và các mối quan hệ.  Chúng ta quá bận rộn, nhưng đây là một chứng nghiện như mọi chứng nghiện khác, trừ việc chứng nghiện này lại được xem là đức tính tốt và là cái để ca ngợi.

 Đây chính là lý do mà Chúa cho chúng ta ngày xa-bát, ra lệnh cho chúng ta nghỉ làm việc mỗi tuần một ngày.  Tiếc là chúng ta đang đánh mất khái niệm về ngày xa-bát.  Chúng ta biến một giới răn thành gợi ý cho một phong cách sống không quan trọng lắm.  Kiểu nếu làm được thì tốt, nếu bạn có thể kham được.  Tuy nhiên, như tác giả Wayne Mueller viết trong quyển sách đầy thách thức về ngày xa-bát: “Nếu quên nghỉ ngơi, chúng ta sẽ làm việc quá dữ dội và quên mất những chuyện khoan dung dịu dàng hơn, quên mất những người mà chúng ta yêu thương, quên mất con cái và sự kỳ diệu tự nhiên…  Nên Chúa đã cho chúng ta giới răn giữ ngày xa-bát – Hãy nhớ nghỉ ngơi.”  Đây không phải là một đề xuất về lối sống, nhưng là một giới răn, cũng quan trọng như không được trộm cướp, không được giết người, không được nói dối.”

 Làm việc quá sức thì không phải là một đức tính!

 Rev. Ron Rolheiser, OMI