SỐNG ĐẠO

Một tác giả đã chia sẻ như sau: “Có những người theo đạo cả cuộc đời nhưng chẳng thấu đáo lẽ đạo. Có những người giữ đạo rất cẩn thận, tỉ mỉ chu toàn các giới răn của Chúa, thi hành điều luật của giáo hội nhưng tâm đạo thì nguội lạnh, thờ ơ. 

Phần đông Ki-tô hữu chúng ta thường dựa trên một số tiêu chuẩn như hiền lành, nết na, siêng đi lễ, năng đọc kinh, sốt sắng lãnh nhận các bí tích, nhiệt thành tham gia các việc tông đồ giáo dân trong giáo xứ vv. để đánh giá một tín hữu là đạo đức, thánh thiện và giữ đạo tử tế. Thực ra, đó là bề nổi của đời sống đạo. Cái bề nổi này đôi khi lại làm cớ cho ta tự mãn nghĩ mình là người đạo đức thánh thiện, nghĩ mình giữ đạo như thế là đẹp lòng Chúa và rỗi linh hồn... Việc giữ đạo một cách hình thức sẽ dễ dàng chuyển sang một cách sống đạo hời hợt bên ngoài. Và như vậy chúng ta lại đi theo lối mòn đạo Cựu Ước như người Do thái thay vì thực hành đạo Tân Ước của Chúa Giê-su.      
   
Một tác giả đã chia sẻ như sau: “Có những người theo đạo cả cuộc đời nhưng chẳng thấu đáo lẽ đạo. Có những người giữ đạo rất cẩn thận, tỉ mỉ chu toàn các giới răn của Chúa, thi hành điều luật của giáo hội nhưng tâm đạo thì nguội lạnh, thờ ơ. Có những người sống đạo lấy lệ, đôi khi còn khoe là đạo gốc ba bốn đời nhưng không thực hành đạo. Có những tín hữu, nhìn xem hình thức bề ngoài rất tốt, họ tham gia mọi sinh hoạt cộng đoàn nhưng thiếu lòng bác ái yêu thương. Như thế để trở thành một người Kitô hữu tốt, phải là người có tâm đạo và sống thực với niềm tin của mình. Niềm tin đối với Thiên Chúa và với tha nhân” (LM Giuse Trần Việt Hùng, bài “Sống Đạo”, nguồn simonhoadalat.com).

Chúng ta vẫn thường nghe nói “Tin đạo chứ không tin người có đạo!”. Điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa là nhiều người trong chúng ta không đủ phẩm chất cần thiết để làm chứng về tư cách Ki-tô hữu của mình. Chúng ta chưa là chứng nhân đích thực của Tin Mừng Ki-tô giáo và không nêu gương sáng về con người và đời sống Ki-tô hữu chính danh của mình. Chúng ta có đạo, giữ đạo nhưng chưa sống đạo. Chính Chúa Giê-su khi đi rao giảng Tin Mừng đã nhắc nhở các môn đệ, “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ” (x. Mt 5, 13-16).
Thực vậy, thay vì chúng ta làm gương sáng, có khi chúng ta lại trở thành gương mù gương xấu. Thay vì chúng ta sống đạo, hành đạo thì chúng ta chỉ dừng lại ở có đạo, giữ đạo theo thói quen và theo ý riêng mình. Chính vì vậy mà khi nhìn vào chúng ta, người ta không do dự mà nói rằng, “Đạo nào cũng như đạo nào!”... Vậy đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ và tự hỏi: “Sống đạo theo Tin Mừng Chúa Ki-tô là thế nào?”

* SỐNG ĐẠO THEO TIN MỪNG CHÚA KI-TÔ
. Sống Đạo là sống theo gương Chúa Giê-su và thực thi lời Ngài dạy.
Mỗi người trong chúng ta đều mang danh Ki-tô hữu, tức là “người-có-Đức-Kitô”. Tức là chúng ta thuộc về Chúa và Hội thánh của Ngài, được Chúa thánh hiến và chúc phúc ngày chịu phép Rửa tội. Chúng ta có thể tự hào nói như thánh Phao-lô, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì thế, tất cả con người và cuộc sống của chúng ta phải lấy Chúa làm mẫu gương. Chúa đã nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 29). Ở chỗ khác, Chúa cũng nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,18).

Chúng ta noi gương Chúa là để làm chứng nhân cho Chúa và làm chứng tá Tin Mừng của Ngài. Thông qua con người và cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta, mọi người thấy được ánh sáng Tin Mừng của Chúa, biết rõ bản chất đích thực của đạo Chúa và có thể cảm nhận được vinh quang Thiên Chúa ngay trong cuộc sống dương thế này. Đức Chân phước Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng, như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.  
   
Người Ki-tô hữu chúng ta có thể sống đạo thông qua gương chứng nhân trong nhiều cách thế. Chúng ta có thể làm gương sáng về:
- Đời sống tự nguyện khó nghèo vì Nước Trời; Không làm giàu một cách bất chính; Không phung phí tiền bạc và của cải vật chất vào những việc vô ích;
- Thái độ hiền lành và cư xử khiêm tốn, ôn hòa, chịu đựng;
- Biết hy sinh, can đảm và có tinh thần từ bỏ vì lòng mến Chúa, yêu người;
- Yêu thương mọi người kể cả kẻ thù, kẻ làm hại mình, kẻ ghét bỏ mình;
- Vâng phục thánh ý Chúa trong mọi sự và thực hành triệt để Lời Chúa dạy;
- Tôn trọng sự công bằng; Không tham nhũng, thâm lạm của công;
- Quan tâm bênh vực công lý, bênh vực kẻ bị áp bức; Sống ngay thẳng thật thà;
- Sự cảm thông và chia sẻ hoàn cảnh khó khăn, khốn khổ của tha nhân, tránh thái độ vô cảm vv...

Đối với Ki-tô hữu chân chính, sống đạo cũng là quyết tâm thực hành những lời dạy của Chúa, đồng thời thi hành thánh ý Ngài một cách trọn vẹn. Như chính Chúa Giê-su đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi ” (Mt 7, 21). Sự thực thi ý muốn của Chúa trong đời sống của người Ki-tô có một ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì khi chúng ta thực thi ý muốn và lệnh truyền của Chúa là chúng ta đã làm chứng về Chúa một cách cụ thể rồi. Trong suốt thời gian rao giảng về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã ban bố nhiều giáo huấn cho các môn đệ và những ai theo Ngài. Những lời dạy dỗ của Chúa nhắm đào tạo nên những Ki-tô hữu đích thực. Họ sống đạo, hành đạo theo khuôn mẫu của Chúa chứ không theo lề thói giả hình, bôi bác như người biệt phái Do Thái.

Chẳng hạn Chúa đã công bố bài giảng trên núi (Mt 5) như nền tảng của đạo mới, đạo Tân Ước, theo đó các luật sống của môn đệ được Ngài nhấn mạnh triệt để. Chúa cũng kêu gọi môn đệ phải biết hi sinh từ bỏ một cách dứt khoát (Mt 19; Mc 10; Lc 18) và một khi tin Chúa, theo Chúa thì người ta sẽ không ngần ngại liều mất mạng sống mình (Ga 12). Chúa cũng kêu gọi môn đệ thực thi giới răn quan trọng nhất, đó là mến Chúa yêu người. Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Đó là luật mới, luật yêu thương triệt để (Mt 22; Mc 12; Lc 10). Sống đạo là sống yêu thương, “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).
      
. Sống đạo  thể hiện lòng tin một cách kiên trung
Sống đạo cũng là sống theo những gì mình tin và thể hiện đức tin ấy qua những việc làm và cách sống cụ thể. Thánh Gia-cô-bê khẳng định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Hành động, việc làm của chúng ta có thể là những việc bổn phận hằng ngày trong gia đình. Có thể là những trách nhiệm mà chúng ta phải thi hành tại những nơi chúng ta làm việc, phục vụ. Có thể chúng ta chu toàn bổn phận Ki-tô hữu của mình, hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng, như đọc kinh, cầu nguyện, suy gẫm, dâng lễ, rước lễ, xưng tội, việc bác ái, hi sinh hãm mình vv... Ngay cả việc nhỏ bé như làm dấu Thánh giá và đọc kinh tạ ơn trước khi ăn chúng ta cũng không thể lơ là quên sót. Đó là biểu hiện chúng ta sống đức tin một cách cụ thể.

Tuy nhiên, trên thực tế ta có thể nhận thấy điều này là “Cung cách sống đạo của phần lớn Kitô hữu hiện nay là cố gắng chu toàn các giới răn của Chúa. Đời sống đức tin được qui định bằng luật lệ, được diễn giải thành những hành vi cụ thể : làm dấu, đọc kinh, xưng tội, sinh hoạt mùa Vọng, mùa Chay, kiêng thịt, ăn chay… Kiêng thịt chứ không phải là tự nguyện có một chút hy sinh. Ăn chay nghĩa là ‘một bữa no hai bữa đói’ và có thể ‘mất chay’ nếu lỡ ăn bất cứ điều gì ngoài ba bữa chính, chứ không phải là một hành vi nói lên lòng khao khát Chúa. Đi lễ ngày Chúa Nhật thế nào cho ‘thành sự’ chứ không phải kín múc nguồn mạch sức sống cho cuộc sống thường ngày. Làm dấu trước bữa ăn thay vì một tâm tình tạ ơn...Trong những nếp qui định ấy, có khá nhiều Kitô hữu hiện nay rõ ràng đã không sống được một tâm thức của đức tin chân chính.

“Người Kitô hữu cố gắng giữ luật để khỏi phạm tội chứ ít hiểu rằng giữ luật là một sự tín trung với Chúa. Người Kitô hữu đi lễ như một trách nhiệm phải chu toàn chứ không sống tinh thần hiệp thông với cộng đoàn để tạ ơn Chúa. Nhiều bạn trẻ tránh tội vì sợ Chúa phạt, nên khi lỡ phạm một tội trọng (chẳng hạn bỏ lễ Chúa Nhật) thì chọn lập trường ‘cùi không sợ lở’, ‘chơi luôn’... cho đến khi xưng tội lại. Nhiều người rất sốt sắng trong việc nhà đạo, nhưng không sống một chút giá trị lòng thương yêu và tôn trọng những người bé mọn, sự cảm thông, tha thứ, cái nhìn của đức tin siêu nhiên… Do đó, chúng ta thấy nhiều người Kitô tính toán chi tiết để khỏi vi phạm luật, nhưng không hề thấy lỗi lầm của mình trong những việc không thấy ghi rõ các các giới răn, chẳng hạn làm cho những người chung quanh phải khổ...” (Lm. Nguyễn Trọng Viễn O.P, bài “Đạo-sinh-hoạt”, nguồn simonhoadalat.com).

. Sống đạo là thực thi lòng Mến Ki-tô giáo một cách trọn hảo
Có thể nói nét chính yếu nhất của việc sống đạo của Ki-tô hữu, đó là thực thi lòng mến Ki-tô giáo. Mến Chúa yêu người luôn là giới răn quan trọng nhất. Thánh Phao-lô đã tóm tắt trong câu ngắn ngủi này, “Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10). Thánh Gio-an cũng nhấn mạnh, “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7). Việc yêu người luôn xuất phát từ lòng mến Chúa. Cho nên những ai tin theo Chúa thì không thể bỏ sót việc thực thi nhiệm vụ bác ái đối với tha nhân được. Việc sống đạo, hành đạo của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết tích cực phục vụ Đức Ki-tô trong anh em. Như Chúa đã phán, “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).

Chúng ta vẫn thường tự hào nói rằng “Đạo Công giáo là đạo-yêu”. Điều đó rất chính xác. Có nghĩa là Ki-tô hữu chúng ta phải là những người biết yêu và sống yêu. Chúa Giê-su cũng đã khẳng định chỉ những người yêu anh em mình thì mới xứng đáng là môn đệ của Chúa (x. Ga 13, 34-35). Thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh, “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều tín hữu giữ đạo nhiệt tình nhưng không sống đạo thiệt tình. Họ coi một số việc đạo đức thực hành theo thói quen là quan trọng hơn việc thực thi giới luật yêu thương.
“Cứ thử xét cách dùng danh từ của nhà đạo chúng ta thì biết chúng ta đã quan trọng hóa cái gì: cái chính yếu hay cái phụ thuộc? Chúng ta gọi những việc cầu nguyện hay bí tích là những ‘việc đạo đức’. Điều đó khiến nhiều Ki-tô hữu lầm tưởng rằng cứ cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích cho nhiều là trở thành người đạo đức. Nhưng thật ra rất nhiều người làm được như vậy một cách rất gương mẫu, nhưng chẳng được mấy ai mến phục chỉ vì họ sống thiếu tình thương. Thực ra, đạo đức được thể hiện trong chính cuộc sống thường ngày: trong cách cư xử, cách làm việc, cách nói năng… Một người có đạo đức khác với những người không đạo đức chủ yếu ở trong chính cách họ cư xử, làm việc, nói năng… chứ không phải trong việc siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Vì thế, thiết tưởng khi chúng ta làm những bổn phận hằng ngày như làm ăn buôn bán, quét nhà nấu ăn giặt giũ, tiếp xúc nói chuyện cư xử với mọi người… nếu chúng ta làm với tinh thần yêu thương vị tha, thì chính khi làm như vậy là ta thực hiện những việc đạo đức. Việc cầu nguyện và các bí tích giúp ta có ơn Chúa, có sức mạnh để làm những việc ấy với tinh thần yêu thương của Chúa, chứ chúng không thay thế tinh thần yêu thương ấy” (Nguyễn Chính Kết, bài “Bản chất của Kitô giáo là tình yêu, cũng như bản chất của Thiên Chúa là tình yêu”, nguồn phongtraogiaodan.com)./. 

Aug. Trần Cao Khải