CHÍNH ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN
Lm. Giuse Trực
Sau khi sống lại, Đức Giêsu Kitô Phục Sinh đã hiện ra với nhiều người, ở nhiều nơi, có khi cùng một lúc. Sứ điệp của Đấng Phục Sinh trước hết là củng cố niềm tin cho những kẻ đi theo Ngài, rằng Ngài đã sống lại thực sự. Kế đến là sự bình an đích thực trong tâm hồn cho những kẻ tin vào Ngài, vì từ đây họ không còn sợ gì nữa. Và sau cùng là sứ mạng phải loan báo tin mừng Phục Sinh cho mọi người: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48).
Lời của Đấng Phục Sinh vẫn vang vọng hôm nay dành cho mỗi người chúng ta, ngay trong nhà thờ này, khi chúng ta trở về gia đình, khi chúng ta đến lớp học, đến nơi làm việc, hay bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện: “Chính anh chị em là chứng nhân về những điều này”.
Rất nhiều người trong chúng ta sẽ ngỡ ngàng trước mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh. Chúa kêu mình làm chứng “về những điều này”, nhưng chúng ta chưa ý thức được mình phải có bổn phận làm chứng; hoặc chúng ta chưa biết phải làm chứng về điều gì; hoặc giả có ý thức làm chứng, có biết về điều làm chứng, nhưng không biết cách phải làm sao, phải làm như thế nào…
I. LÀM CHỨNG CHO ĐỨC GIÊSU KITÔ
1. Làm chứng về điều gì?
Trong suốt tuần Bát Nhật Phục Sinh, chúng ta đã được nghe lời rao giảng của các Tông đồ. Những lời rao giảng đó các nhà chú giải Thánh kinh gọi là Kerygma. Mỗi Kerygma cho dù có khác nhau trong những chi tiết, nhưng luôn luôn có 4 nội dung chính, là cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, cái chết của Ngài, việc Ngài sống lại, và kêu gọi người ta tin vào Ngài để được cứu độ.
Nói tóm lại, nội dung để chúng ta làm chứng là Đức Giêsu Kitô đã chết vì chúng ta, và đã sống lại để chúng ta cũng được sống lại với Người trong sự sống mới.
2. Làm chứng như thế nào?
Bài đọc I là một Kerygma của Phêrô. Ông cho dân chúng thấy họ đã sai lầm khi đòi giết Đức Giêsu. Ngài đến thế gian này là quà tặng của Thiên Chúa ban cho nhân loại vì yêu thương nhân loại, vậy mà họ đã đồng loạt hô vang: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá”. Từ đó Phêrô mời gọi họ: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em”(Cv 3, 19).
Còn Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay ra một mệnh lệnh rất rõ ràng: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24, 47) .
Vì vậy cách thức để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô là mời gọi người khác hãy sám hối, từ bỏ đường lối sai lầm của mình để quay trở về với nẻo chính đường ngay. Mà con đường ngay thẳng nhất chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống”.
Từ đó chúng ta có thể tóm tắt đời sống đạo của chúng ta là phải từ bỏ những điều sai trái mới có thể tin và sống theo sự hướng dẫn của Đức Kitô. Nghĩa là phải biết sám hối luôn luôn. Đó cũng là cách để chúng ta làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh là làm sao để người khác có được sự hoán cải, từ bỏ đường xưa lối cũ để bước vào sự sống mới.
II. HÃY SÁM HỐI
Để trở thành nhân chứng, trước hết chính bản thân người làm chứng phải có sự sám hối để tin vào Tin Mừng. Nhưng chúng ta phải sám hối, phải hoán cải về điều gì?
1. Về niềm tin
Điều đầu tiên mà chúng ta cần phải sám hối là sám hối về niềm tin của mình. Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa. Còn niềm tin là sự tín thác, là cách thức để chúng ta đón nhận ân ban đó.
Chắc chắn hạt giống đức tin đã được gieo vào tâm hồn của chúng ta, nhưng vì nhiều lý do, và nhất là vì đức tin còn non kém nên chúng ta vẫn chưa tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.
Thể hiện của việc chưa tin tưởng tuyệt đối vào Chúa là chúng ta chưa đặt Chúa ở vị trí số một trong cuộc đời. Chính vì vậy chúng ta cầu nguyện, đi lễ, làm việc lành theo cảm hứng, chứ không phải bằng một niềm xác tín; theo thời vụ chứ không phải luôn luôn suốt cả cuộc đời.
Chúng ta còn mê tin dị đoan vì chúng ta đặt Chúa ngang hàng với những thế lực khác. Đây là sai lầm lớn nhất của chúng ta, vì chúng ta đã hạ giá Chúa, đã tự hạ giá cuộc đời mình. Hạ giá Chúa vì chúng ta bắt Chúa làm những chuyện “tầm xàm ba láp” theo ý của chúng ta, trong khi Chúa làm cho chúng ta những điều cao cả, lớn lao hơn nhiều. Hạ giá chính bản thân mình vì nếu Chúa không đáng tin thì mình theo Chúa làm gì, người khác cười cho!
Người cha dẫn đứa con trai vào rừng săn thú. Đi qua một gốc cây lớn, đứa con trai đi theo phía sau với khoảng cách vài mét. Người cha có linh tính không lành. Ông quay lại và đúng là chuyện chẳng lành cho đứa con trai. Ông nhìn thẳng vào mặt của nó và ra lệnh: “Đứng yên tại chỗ, không nhúc nhích”. Rồi ông chĩa họng súng về hướng đứa bé: “Con có tin cha không?” Đứa bé gật đầu. Người cha nói: “Vậy thì con hãy nhắm mắt lại”. Tiếng súng vang lên, đứa con trai tưởng là chuyện gì đã xảy đến với mình. Nhưng ngay lúc đó, người cha chạy đến ôm nó vào lòng, ôm thật chặt vì ông biết rằng con trai mình vẫn còn sống. Sau khi đã bình tĩnh lại, người cha chỉ cho con trai thấy con rắn hổ mang rất lớn đã bị ông bắn hạ, vì lúc nảy nó ở ngay trên đầu đứa bé.
Tin tưởng vào ai là chúng ta biết rằng người đó yêu thương chúng ta, người đó không bao giờ làm hại chúng ta, người đó luôn mong muốn cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất… Trong cuộc đời này ai thương chúng ta nhất? ai không bao giờ làm hại chúng ta? ai có thể làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu? Chúng ta có tin Chúa của chúng ta như vậy không? Chúng ta có dám nhắm mắt để Chúa hành động như đứa bé không?
2. Về cách sống
Sau khi đã sám hối về niềm tin, chúng ta cần phải sám hối về cách sống của mình.
Có những sự thật mà dường như ai trong chúng ta cũng nhận thấy. Sự thật đó là người Việt Nam ngày càng hung hăng hơn (dĩ nhiên không phải là tất cả) và giới trẻ ngày nay quá tự do chuyện tình dục.
Theo thống kê của bộ y tế, 6.200 người nhập viện vì đánh nhau trong 7 ngày Tết Ất Mùi vừa qua. Đó là chưa kể những người đánh nhau nhưng đã được xử lý tại gia đình, đánh nhau nhưng không đến mức phải nhập viện… Mời rượu nhưng không uống, hay uống dối dẫn đến lời qua tiếng lại - đánh nhau; đứng chen lấn mua vé, va chạm mà không nói lời xin lỗi - đánh nhau; nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời - đánh nhau… Đôi lúc chỉ vì sự va chạm tình cờ trên đường phố cũng dẫn đến những trận thư hùng hỗn loạn. Đó là những lý do mà người ta rất hay bắt gặp trong cuộc sống thường ngày.
Đâu là những nguyên nhân khiến con người ngày càng hung hăng hơn? Nguyên nhân căn bản nhất là do gia đình và giáo dục học đường. Một trẻ em sinh ra trong gia đình suốt ngày nghe chửi lộn, chứng kiến cha mẹ, anh chị em, bà con hàng xóm xô xát lẫn nhau thì làm sao mà nó không ảnh hưởng tính hung hăng ngay từ bé. Trong trường học hai đứa bé đánh nhau, chưa biết thực hư như thế nào, phụ huynh lôi cả dòng họ, thậm chí cả côn đồ để “xử” thầy cô hoặc “bọn bên kia”. Nhà trường chưa biết dạy, hoặc dạy chưa đến nơi đến chốn, hoặc dạy mà chưa thực hành những chuyện lễ phép, nhường nhịn nhau. Châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” chưa áp dụng một cách quán triệt trong nhà trường một phần là do chính gia đình cản trở. Vì thế gia đình và trường học có sự phối hợp với nhau thì trẻ em mới tránh được tính hung hăng ngay từ nhỏ.
Nhưng điều quan trọng nhất là do chúng ta chưa có bác ái của Kitô giáo. Hãy chiêm ngắm, hãy nhìn Đức Kitô sống và chết cho chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ bớt đi tính hung hăng. Chúng ta là chứng nhân cho Đức Kitô khi chúng ta bỏ đi tính hung hăng của mình, đơn giản vì chúng ta sống tinh thần bác ái của Đức Kitô.
Điều kế tiếp mà gia đình và xã hội đang rất lo ngại là tình trạng giới trẻ ngày hôm nay quá tự do trong chuyện tình dục. Hay nói cách khác ma quỷ đã len lỏi vào xã hội tự do và dễ dãi làm cho giới trẻ xem tình dục chỉ là một thứ vui chơi, giải trí. Nhiều người xem thúc bách của tính dục giống như chuyện đói bụng, khát nước. Có nhu cầu là phải giải quyết. Nếu không có sẵn thì bỏ tiền ra mua.
Điều làm cho con người khác một con vật là họ có tâm hồn và lý trí để họ quyết định những điều làm cho tâm hồn họ trở nên trong sáng tốt và đẹp hơn. Tình dục phải gắn liền với tình yêu và trách nhiệm. Điều thứ hai quan trọng hơn mà các bạn trẻ chưa được trang bị, đó là tình dục chỉ để phục vụ đời sống hôn nhân gia đình, làm cho gia đình thêm hạnh phúc.
Những hiểm họa mà xã hội đang gánh chịu do việc dễ dãi trong chuyện tính dục là nạn nạo phá thai ở tuổi thanh thiếu niên; là việc suy đồi đạo đức; là việc con người xem thường những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình và xã hội; là việc con người nghiêng chiều về lối sống hưởng thụ... Gia đình, cha mẹ phải là những người chịu trách nhiệm trước hết vì họ không quan tâm đến con cái của mình, hoặc quá dễ dãi để con cái mình muốn làm gì thì làm. Kế đến là sự ngây thơ, khờ dại, ngu muội của các em gái. Ai là người đau khổ, thiệt thòi nhiều nhất trong hậu quả này? Đàn ông, con trai chỉ là tìm thỏa mãn thân xác thôi, chứ họ đâu biết đến đau khổ mà người con gái phải chịu. Sau cùng là lời cảnh tỉnh, mời gọi các bạn nam hãy sống cao thượng, sống đúng lương tâm của mình, sống đúng với sự mạnh mẽ của người đàn ông là yêu thương, bao bọc, chở che cho người khác chứ không phải là sự xúc phạm, gây đau khổ cho người khác.
Mức thấp nhất để sám hối là hãy biết rằng chúng ta không phải là một con vật để thích gì thì làm đó. Mức thứ hai, chúng ta còn là một con người có phẩm giá, đừng đánh mất phẩm giá đó trong những thứ đam mê thấp hèn. Mức cao nhất, chúng ta còn là hình ảnh của Thiên Chúa, đừng xúc phạm đến hình ảnh của Ngài qua bản thân chúng ta. Hãy biết hướng những đam mê của chúng ta đến những điều cao thượng hơn. Hãy biết cầu nguyện và sống hy sinh, khổ chế… đó là sự sám hối trong cách sống dễ dãi của chúng ta. Chúng ta sẽ là chứng nhân của Đấng Phục Sinh khi chúng ta biết sống trong sạch.
Căn bản niềm tin là Đức Giêsu Kitô đã sống lại hiển vinh để chúng ta cũng được sống lại với Ngài. Vì vậy hãy tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Hãy biết sống ngay lành, tránh xa tính hung hăng, thiếu bác ái yêu thương; tránh xa những dục vọng thấp hèn để sống cho tình yêu đích thực như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.
Làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh là mời gọi người khác hãy sống những giá trị mà chúng ta vừa xác quyết với nhau để được hạnh phúc thực sự với Chúa và trong Chúa.