“Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho!”
Nghe câu chuyện dụ ngôn này, tôi vẫn hay thắc mắc về ý nghĩa của việc ‘đi làm vườn nho’ vì đôi khi nó không rõ ràng lắm. Từ lâu tôi đã nghĩ thật đơn giản: sống lành thánh, làm các việc lành phước đức, thi hành các việc tồng đồ, truyền giáo… tức là ‘làm trong vườn nho’ của Chúa rồi còn gì! Sau này tôi mới phát hiện ra khái niệm này xem ra không ổn khi áp dụng vào trường hợp cụ thể của hai người con trong dụ ngôn: đứa vâng ngoan trước lời kêu mời của người cha nhưng đã không đi, còn đứa ngang bướng rốt cuộc rồi lại ‘đi làm vườn nho’. Qua câu chuyện này tôi thấy hình như Đức Giê-su đã suy nghĩ rất khác: Người không phân thính giả thành hai loại ‘người vâng’ hay ‘người không vâng’, nhưng ngay trong mỗi thính giả vốn đã sẵn biện chứng ‘vâng và không vâng’, rốt cuộc họ vẫn được đánh giá qua việc ‘đi làm vườn nho’ mà thôi. Nhưng làm vườn nho hệ tại ở điều gì, theo tâm tưởng của Đức Giê-su?
Thói thường thì ai cũng hiểu là lời nói không trọng hơn việc làm. Khi sử dụng cùng một khái niệm này Đức Giê-su đã cho thấy: đối với Nước Thiên Chúa, sống tội lỗi như ‘những người thu thuế và những cô gái điếm…’, hoặc sống lương thiện công chính như các thượng tế và kỳ mục trong dân (đối tượng chính của dụ ngôn) vẫn chỉ là những lời nói ngang bướng hay vâng ngoan. Người còn cho thấy rõ, điều quan trọng hơn chính là ‘thi hành ý muốn của người cha‘, đó là ‘đi làm vườn nho’, tức là tin và tiếp nhận sứ điệp kêu gọi sám hối mà Gio-an Tiền Hô đã khởi sự và Đức Giê-su tiếp tục kêu mời. Như thế Người chỉ cho thấy một điều làm đảo lộn tất cả: ‘đường công chính’ hệ tại ở việc thi hành sám hối hơn là ở việc có sống ngay lành hay không; “Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy”. Sám hối đây chưa hẳn là đã sửa đổi được mình, cho dầu nỗ lực vươn tới là dấu chỉ cần thiết của chân thành sám hối, nhưng chính yếu hệ tại ở việc đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho. Sứ điệp của Gio-an “Hãy sám hối!”, tức là hãy cải tà qui chính trong nội dung luân lý, đã được chính Đức Giê-su cập nhật: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ!” tức là tin vào Đức Ki-tô Giê-su mạc khải tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Sứ điệp này quả chất chứa một nội dung rất Tin Mừng! Trong số những người thu thuế và gái điếm tin vào Gio-an không phải tất cả đều đã đổi đời hoàn lương, nhưng tất cả họ đều đã khám phá ra và đón nhận lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa và tin vào Tin Mừng. Chính ở điểm này mà họ trở nên hơn hẳn các thượng tế và kỳ mục, tức các đấng bậc được coi là vị vọng trong dân, vì họ đã trở nên ‘công chính’ theo Tin Mừng; “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Như thế rõ ràng là để vào được Nước Trời, điều kiện quan trọng hơn cả là, thông qua sám hối những lỗi lầm đã phạm, mỗi người nhận ra tình yêu cứu độ Thiên Chúa đang tuôn đổ trên mình, và khiêm tốn mở lòng đón nhận. Các Pha-ri-sêu đã không thể đạt tới được sự công chính ấy; “Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
Nếu quả là như thế thì cuộc sống mỗi Ki-tô hữu chúng ta đều chất chứa cả hai phần: nói và làm. Riêng phần ‘nói’ nhiều lúc có thể là vâng ngoan, vì đã giữ đạo tử tế, đã làm các việc lành phước đức, đã có không ít các nỗ lực tu thân tích đức, sống bác ái, tông đồ phục vụ v.v…, nhưng đồng thời cũng có những hồi ngang ngược vì các yếu đuối lỗi lầm đã phạm. Nhưng cho dầu đã ‘nói’ thế nào đi nữa, thì lúc này đây, điều quan trọng hơn hết đối với mọi người vẫn phải là ‘đi làm vườn nho’, tức là khiêm tốn nghe lời kêu gọi sám hối của Gio-an để thật lòng tin vào Tin Mừng cứu độ mà Đức Ki-tô Giê-su đã mang lại. Có thể tôi ‘đi làm vườn nho’ vì tôi vốn ngoan hiền, và như thế là tuyệt vời vì tôi nói và tôi đi làm, nhưng cũng có lúc (và có lẽ trường hợp này còn nhiều hơn!) tôi đã từng nói ‘không đi’ nhưng rồi trong tác động của ân sủng tôi đã ‘… hối hận, nên lại đi’.
Đối với Tin Mừng trường hợp sau này có vẻ lại càng ý nghĩa hơn, vì sự ngang bướng rõ ràng dẫn tới hối hận, và trở thành động lực thúc đẩy ‘đi làm vườn nho’. Chính các yếu đuối lầm lỡ đã phạm có thể giúp ta dễ dàng hơn khám phá ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, để rồi… ‘sám hối và tin vào Tin Mừng’. Và như thế vô hình chung đã biến ‘Con không đi!’ ngang bướng trở thành cho ta ‘tội hồng phúc’, như thánh Âu-tinh đã từng diễn đạt cảm nghiệm của riêng ngài. Đáng lý ra toàn bộ cuộc sống Ki-tô hữu ngay từ đầu đã phải trọn vẹn là ‘vâng con đi’ và ‘đi làm vườn nho’, bởi vì qua Bí Tích Thánh Tẩy lãnh nhận họ đã công khai nói lên điều đó. Tuy nhiên thực tế cuộc sống cho thấy ngay cả nơi các Ki-tô hữu vẫn luôn tồn tại một ‘biện chứng’ giữa ‘vâng và không’, đúng như nội dung của dụ ngôn ‘hai người con’. Và vì không một ai nằm ngoài qui luật biện chứng này nên sám hối và lãnh nhận Bí Tích Cáo Giải vẫn luôn phải chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của tất cả mọi Ki-tô hữu trải qua các thời đại. Phải chăng thái độ ‘sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ’ mà cao điểm được diễn đạt nơi tòa giải tội, mới chính là việc ‘đi làm vườn nho’ của mỗi người chúng ta, và qua đó chúng ta được trở nên công chính?
Hơn ai hết, vì là Linh Mục nên tôi đã phải luôn nói ‘vâng’ với lời kêu mời sám hối và đón nhận lòng Chúa xót thương, thế nhưng hơn bất cứ ai khác, tôi phải biến lời ‘vâng’ này thành hành động: mau mắn lên đường ‘đi làm vườn nho’ Tin Mừng của Chúa. Chính tôi cũng cần sám hối không ngừng!
Lạy Cha từ nhân, cha không ngừng mời gọi con, cũng như mời gọi hết thảy mọi người, ‘đi làm vườn nho’ của Cha, vườn nho của đón nhận lòng từ ái và xót thương bao la. Rất có thể con đã tự cho mình là đứa con vâng ngoan vì ơn gọi tu sĩ và linh mục mà Cha đã ban cho con suốt trong những năm tháng dài đời con, nên đôi lúc con thấy không cần phải đi thêm nữa. Con đã từng đáp lại tiếng Cha mời gọi bằng câu thưa: “lạy Chúa, con đây”, thế nhưng vẫn luôn có nguy cơ ‘nhưng rồi lại không đi’. Xin cho con ít quan tâm hơn tới ‘nói’ và tập trung hơn vào ‘đi làm’ trong vườn nho của sám hối và đón nhận trọn vẹn lòng thương xót cứu độ của Cha. A-men.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB