Hôn Ước Thần Linh

 

                                        HÔN ƯỚC THẦN LINH 

 


Sau lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, hôm nay, Phụng vụ lại giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” thứ ba: đó là phép lạ tại tiệc cưới Ca-na.  Quả vậy, khi thực hiện phép lạ này, Chúa Giê-su diễn tả quyền năng thiên linh của Người, và vinh quang Thiên Chúa cũng được thể hiện qua biến cố đó.  Qua phép lạ làm cho nước biến thành rượu, Đức Giê-su khẳng định: Người đến trần gian để thiết lập một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ân sủng và bình an.  Cũng như nước với rượu hoàn toàn khác nhau, kỷ nguyên Người thiết lập khác xa với thời của Cựu ước.

 

Sự kết hợp gắn bó giữa Thiên Chúa và con người được so sánh với một hôn lễ.  Cách diễn tả này đã có trong thời Cựu ước.  Thiên Chúa yêu thương con người, không phải là tình yêu của ông chủ đối với đầy tớ; cũng không như một người thợ đối với tác phẩm mình làm ra.  Thiên Chúa yêu thương con người đến “phát ghen.  Ngài mong muốn cho con người được hạnh phúc.  Ai phản bội Ngài, cũng giống như người vợ hay người chồng phản bội bạn đời của mình vậy.  Chúng ta có thể đọc thấy điều này trong ngôn sứ I-sa-i-a và nhất là ngôn sứ Hô-sê.

 

“Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.  Bảy thế kỷ trước Chúa Giê-su, ngôn sứ I-sa-i-a đã say sưa chiêm ngắm cảnh huy hoàng của Giê-ru-sa-lem trong tương lai, khi Đấng Cứu tinh xuất hiện.  Đó cũng là lúc Ít-ra-en được phục hồi, không còn cảnh hoang tàn như xưa nữa.  Những hình ảnh được dùng để minh họa giúp chúng ta mường tượng một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc chan hòa.  Giê-ru-sa-lem và dân tộc Ít-ra-en sẽ là niềm vui cho Thiên Chúa.

 

Niềm vui và vinh quang ấy đã thành hiện thực trong tiệc cưới Ca-na.  Thánh Gio-an là tác giả duy nhất thuật lại sự kiện này.  Trong tác phẩm của mình, vị tác giả này rất “tiết kiệm” khi kể lại các phép lạ.  Ông chỉ tường thuật bảy phép lạ của Chúa Giê-su mà ông gọi là “dấu lạ.  Mỗi dấu lạ đều diễn tả một khía cạnh trong sứ vụ của Chúa Giê-su và đều kèm theo một thông điệp quan trọng.  Tác giả Phúc âm thứ bốn đã làm độc giả ngỡ ngàng khi tả lại việc Đức Giê-su và các môn đệ đi dự tiệc cưới.  Qua sự kiện này, thánh Gio-an muốn khẳng định: Đức Giê-su là Thiên Chúa mang thân phận con người.  Người là một Con Người như mọi người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.  Người tôn trọng tất cả những gì là tốt đẹp và hợp pháp trong cuộc sống đời thường.  Sự hiện diện của Người có sức thánh hóa mọi mối quan hệ, tình cảm và những niềm vui.  Không có điều gì thuộc cuộc sống con người mà lại xa lạ đối với Người.

 

Nếu thánh Gio-an diễn tả một tiệc cưới, thì chúng ta lại thấy vai trò của cô dâu chú rể rất mờ nhạt, trong khi thông thường, hai nhân vật này là trung tâm của bữa tiệc và của mọi lời chúc tụng.  Chính Chúa Giê-su là nhân vật chính trong trình thuật này.  Phải chăng tác giả muốn ngầm giới thiệu với chúng ta: Đức Giê-su là Chú Rể.  Người đến để dẫn đưa nhân loại sang một kỷ nguyên mới.  Người thiết lập mối thân tình giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Nơi chính bản thân Người, là sự kết hợp kỳ diệu giữa nhân tính và thiên tính.  Chính vì vậy, kết quả của dấu lạ Ca-na, theo thánh Gio-an, là: Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ tin vào Người.  Đây là mục đích chính của dấu lạ và đây cũng là chủ ý của tác giả, khi thuật lại sự kiện này.

 

Nếu Đức Giê-su đã làm phép lạ năm xưa để tỏ bày vinh quang của Người, thì hôm nay, vinh quang Thiên Chúa vẫn tỏ hiện nơi cuộc đời chúng ta.  Thánh Phao-lô đã khẳng định như thế trong Bài đọc II: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.  Thánh nhân đã liệt kê những đặc sủng (tức là ân sủng đặc biệt, thể hiện qua những khả năng phi thường): ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định…  Thiên Chúa vẫn tỏ hiện quyền năng và vinh quang của Ngài nơi chúng ta.  Với thiện chí nỗ lực, chúng ta đang cộng tác với Ngài để làm cho hiệu quả của những ơn chúng ta đã lãnh nhận lan tỏa mọi nơi trong cuộc đời trần thế.

 

Sự kiện Ca-na có sự can thiệp của Đức Trinh nữ Ma-ri-a.  Hôm nay, Đức Mẹ vẫn đang nói với chúng ta: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.  Quả vậy, lắng nghe và thực hiện ý Chúa, sẽ đem lại cho chúng ta bình an hạnh phúc.  Hơn thế nữa, việc thực hiện ý Chúa sẽ đem lại những điều lạ lùng trong cuộc đời.

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 

Người Khiêm Tốn

 

                                            NGƯỜI KHIÊM TỐN

 


Trở thành người khiêm nhường, không nhất thiết phải che giấu hết các tài năng, không cần phải giả vờ ngu dốt, không buộc phải sống trong một căn nhà nhỏ hẹp cũ kỹ, ăn mặc rách nát.  Cũng không cần phải lúc nào cũng cúi đầu “vâng vâng, dạ dạ,” đi đứng khom lưng, vẻ mặt đăm chiêu như đang chìm sâu vào miền vô cực nào đấy.  Cũng không nhất thiết phải đi tu, đến nhà thờ, đi lễ chùa, quỳ gối chắp tay thành khẩn, làm biết bao việc hãm mình khổ chế, không ăn ngon mặc đẹp, không đi dự tiệc sang, không dám tiêu xài.  Cũng đừng bao giờ sợ được khen, sợ chìm vào hư danh mà cố tình không cống hiến, không bộc lộ hết sức mình vì lợi ích chung của tập thể.

 

Tất cả những điều này chỉ là bề ngoài.  Việc sống một đời sống kham khổ, chịu sỉ nhục, khinh miệt… có thể là một trợ giúp để có sự khiêm nhường nhưng tự bản thân nó không phải là sự khiêm nhường vì người ta nhiều lúc phải chịu như thế bởi không thể làm gì khác hơn, đành phải cắn răn chịu đựng.  Ngược lại, ăn mặc lịch lãm, được người khác ca tụng, lớn tiếng sửa dạy người khác có thể là những dấu chỉ của sự kiêu căng, nhưng cũng có khi là điều mà người đó cần phải làm vì một lợi ích gì đó hoặc họ xứng đáng được điều đó vì những hy sinh của mình.  Điều quan trọng hơn cả là nội tâm của một con người.

 

Sự khiêm tốn là một cái gì đó rất ngược ngạo, vì người nào tự cho rằng mình khiêm tốn, dù có nói ra hay không, người đó đã trở nên kiêu căng rồi.  Người nào càng ý thức tìm kiếm sự khiêm tốn, người đó càng không bao giờ tìm thấy.  Cứ như một trò đùa, sự khiêm tốn sẽ bỏ người ta mà đi khi nó phát hiện có ai đang tìm cách để có nó.  Trên hành trình của đời sống thiêng liêng, có một thời người ta phải nỗ lực và dùng hết sức để đi tìm, nhưng đến một lúc nào đó, người ta tự thấy không thể làm gì hơn, ngoài việc buông lỏng chính mình để chân lý tự tìm đến.  Càng gồng mình với những cố gắng và mục tiêu, người ta càng thấy hụt hẫng và bế tắc, như đi vào ngõ cụt.  Cố nắm bắt sự khiêm tốn cũng như cố bắt lấy bóng trăng.  Cứ tưởng là có được, nhưng nó cứ mãi vuột khỏi tầm tay.

 

Sự khiêm tốn là đỉnh cao của đời sống thiêng liêng.  Nó là cái mà khi người ta đã có được nó mà chẳng hề hay biết.  Nó không màu không sắc, không mùi không vị.  Nó hệt như cái VÔ bao trùm lấy người ta khi họ đã đạt tới cảnh giới vượt qua mọi bám víu của hồng trần.  Người khiêm tốn thì chẳng biết khiêm tốn là gì, ở đâu.  Người ấy thậm chí còn không ý thức đến sự tồn tại của nó.  Họ chỉ sống như cái bản tính tự nhiên của mình.  Họ hành xử như thế vì đối với họ nó phải là như thế.  Họ bộc lộ ra bên ngoài trọn vẹn cái bản chất của mình, cái “chính mình”, cái làm nên họ trong sự tròn đầy nhất.  Bởi vậy, cảnh giới của sự khiêm nhường là khi người ta đã vượt lên trên sự ý thức, vươn đến cái vô thức.  Vô thức ở đây không có nghĩa là hời hợt, không để ý gì cả theo kiểu tiêu cực, nhưng là một kiểu để mình được chiếm trọn, biến mọi cái chân thiện mỹ trong mình bộc phát một cách tự nhiên như người ta tự nhiên hít thở mà không để ý gì đến nó.

 

Người khiêm tốn là những thánh nhân thật sự, vì họ luôn chan chứa một sự bình an lớn lao trong lòng.  Họ không đeo trên mình những chiếc mặt nạ.  Họ đón nhận mọi sự xảy đến với mình với một sự biết ơn, cả điều tốt lẫn điều xấu.  Họ luôn thấy hài lòng với tất cả mọi sự chung quanh, dù những điều đó có diễn ra theo ý họ hay không.  Họ chấp nhận mọi thất bại, điểm yếu, khiếm khuyết, lỗi lầm của mình một cách chân thành, và xem nó như hồng ân.  Họ không chạy theo những phù hoa bóng mây, không cầu toàn, cầu an, không để mình lệ thuộc vào bất cứ điều gì hay bất cứ ai.  Đây không phải là một kiểu ngông nghênh, bất cần đời, xem thường luật lệ.  Nhưng là một thái độ mềm mỏng như con nước, hay như chiếc bình khoét rỗng chính mình, mở ra cho ân sủng đổ vào.  Kiểu bình an như thế là kết quả của một quá trình dài bỏ mình, rèn luyện mình, gọt dũa mình với biết bao đớn đau, vết thương và nước mắt.

 

Người khiêm tốn cũng là con người rất đẹp.  Họ đẹp một nét đẹp của Thiên Đường, chứ không phải bằng những hình thể của thân xác.  Họ luôn có sức thu hút người khác, khiến người khác cứ tuôn đến tiếp cận với họ.  Ở gần bên người khiêm tốn, ta tự thấy mình như được hưởng lây cái dịu mát của ngọn gió nhân đức, ta thấy dễ chịu như được sưởi ấm giữa trời đông, không một chút kháng cự hay đề phòng.  Có một hương thơm lạ kỳ và cuốn hút nào đấy phát ra từ nơi họ hệt như cánh hoa thơm không cần phải hô vang để gây sự chú ý.  Có thể nói, họ đã hoà quyện mình vào với tự nhiên, vào cái Đạo của vũ trụ.  Họ thật sự trở thành những con người “sống ở thế gian, nhưng đã vào cõi Thiên Đàng.”

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Chúa Chiên Của Tôi

 

                                        CHÚA CHIÊN CỦA TÔI

 


Mấy năm trước đây, một bé gái 5 tuổi được đưa vào viện mồ côi.  Mấy ngày trước đó, bố mẹ của em đã cãi vã với nhau, rồi bố em đã bắn chết mẹ em, rồi quay súng lại mà tự vẫn.  Tất cả xảy ra trước sự chứng kiến của em.  Đến ngày Chúa Nhật sau đó, em được đưa đến Nhà thờ Công Giáo để tham dự thánh lễ và sau đó, dự lớp Giáo lý.  Vì sợ cô giáo không hiểu hoàn cảnh của em, người coi sóc viện mồ côi đã phải căn dặn cô giáo: Bố mẹ của em là người vô thần, nên chắc chưa bao giờ bé được nghe về Thiên Chúa, vì vậy, xin cô giáo nhẫn nại với em.  Trong buổi học đầu, cô giáo đã giơ cao một bức hình Chúa Giêsu và hỏi cả lớp: "Có em nào biết đây là ai không?"  Cô bé giơ tay trả lời: "Em biết, đó là người đã ôm em vào lòng sau khi ba má em chết."

 

Câu chuyện của em bé trên đây chỉ là một trong ngàn vạn câu chuyện thương tâm khác đang xảy ra trong xã hội ngày nay.  Chồng giết vợ, mẹ giết con, con giết bố mẹ, bạn bè thanh toán nhau, nhân công ám hại nhau, là những mẩu tin chúng ta thường đọc thấy trong báo hằng ngày.  Trong những ngày tháng gần đây, nạn khủng bố đã gây tang tóc thương đau cho biết bao gia đình.  Những lá thư hăm dọa đã khiến cho con người sống trong lo sợ.  Quân khủng bố đã bất chấp thủ đoạn khi hành động.  Tháng Giêng vừa qua tại Do Thái, lần đầu tiên một phụ nữ đã nổ bom tự sát để giết người.  Sau đó, người ta tìm ra chị ta là một trong những nhân viên cứu thương của thành phố.  Hôm trước cứu người; hôm sau giết người.  Thật là khó hiểu.  Hơn nữa, họ còn coi đây là thánh chiến.  Lắm lúc nghĩ cũng thấy buồn.  Ba tôn giáo lớn trên thế giới: Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo cùng tôn thờ một Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, thế mà đã mười mấy thế kỷ chém giết nhau.  Con cháu tổ phụ Abraham ngày nay đã đông như sao trên trời như cát dưới biển, đúng như Lời Chúa đã hứa, nhưng tiếc thay con cháu tổ phụ lại cắn xé nhau, để rồi gây tan tác cho đoàn chiên của Chúa.

 

Khi xưa, Chúa Giêsu sống trong một xã hội tuy không hận thù khủng bố, nhưng cũng mang đầy những thù ghét, chia rẽ, kỳ thị và bất công.  Những người Samaritanô, tuy cũng mang giòng máu Do thái, nhưng lại bị người Do thái coi là dân ngoại; những người thu thuế bị coi là người tội lỗi, nên tuyệt đối bị những người "ngoan đạo" xa tránh; những người phong cùi bị đuổi ra sống bên ngoài xã hội.  Đứng trước thảm trạng đó, Chúa Giêsu đã đến và đã ví mình như gà mẹ túc con dưới cánh để bảo vệ và vỗ về.  Chúa đã tỏ tình thương và mối quan tâm đặc biệt đối với những người tội lỗi, nghèo khó, bệnh tật, những người sống bên lề của xã hội.  Chúa cũng ví mình như một Chủ Chiên đến để qui tụ đoàn chiên đã bị chia ly phân tán, và để đem lại sức sống và niềm hy vọng cho đoàn chiên: "Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào."

 

Với hiện trạng của thế giới, Lời Chúa vẫn còn mang một ý nghĩa đặc biệt cho con người ngày nay.  Thật vậy, Chúa Giêsu, Chúa Chiên của chúng ta, đã đến để chúng ta được sống, nhưng không phải sống trong chán chường tẻ lạnh, một cuộc sống vô nghĩa.  Chúa đến là để chiên của Ngài được sống một cách dồi dào, nghĩa là một cuộc sống đầy yên vui, an bình, và yêu thương.  Đó là điều Chúa đã hứa ban cho mỗi người chúng ta, và Ngài đã và đang thực hiện lời hứa của Ngài nơi những con chiên đáp lại lời mời gọi của Ngài và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài.

 

Với tình thương bao la của người, Chúa đã đến kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tiến bước theo Ngài, hãy nhập đoàn chiên của Ngài.  Đây không phải là lời mời gọi một cách chung chung, nhưng là lời mời có tính cách cá nhân và trực tiếp.  Cũng như ngày xưa Chúa đã đến gặp Nicôđêmô, Giakêu, Matthêu, người đàn bà Samaritanô bên bờ giếng Giacob, và người bất toại bên bờ Bếtsaiđa, thì ngày nay Chúa cũng vẫn còn đến để phù trợ, chữa lành, gặp gỡ, hướng dẫn, và chỉ bảo chúng ta trong cuộc sống.  Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta để an ủi, nâng đỡ, giúp sức, và sự khôn ngoan, để chúng ta có đủ sức đối diện với mọi khó khăn trong cuộc đời.  Qua Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Ngài bảo vệ và ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi nanh vuốt của thần dữ, như những kẻ trộm, đang bày trò hãm hại chúng ta.  Và những khi chúng ta vấp ngã, qua Bí tích Xá giải, Ngài sẵn sàng ôm chúng ta vào lòng để tha thứ yêu thương, như người cha nhân lành đối xử với đức con phung phá.

 

Ước chi chúng ta hãy đáp lại lời mời của Ngài.  Hãy luôn nhận Ngài là Chúa Chiên của mình và luôn tin tưởng vào sự hướng dẫn phù trợ của Ngài.  Có Chúa ở cùng, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tâm hồn chúng ta vẫn tìm được sự bình an.  Không phải là chúng ta sẽ hết phải đau khổ, nhưng vì chúng ta có Chúa là sức mạnh và là nguồn ủi an cho chúng ta, nên không gì lấy mất đi niềm hy vọng và sự bình an trong tâm hồn chúng ta được.  "Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.  Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng tôi" (Tv 23).

 

Lm Gioan Vũ Nghi

 

Bí Tích Của Niềm Hy Vọng

 

BÍ TÍCH CỦA NIỀM HY VỌNG

 


Chúa Nhật trước, khi mừng lễ Hiển Linh, Phụng vụ đã giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” còn gọi là “hiển linh,” tức là Chúa tỏ mình.  Các nhà đạo sĩ từ phương Đông đã cất bước lên đường, vượt qua ngàn nguy khó để thờ lạy một Hài nhi mới sinh.  Các ông vui mừng toại nguyện và đã lên đường trở về xứ sở của mình.

 

Với Chúa Nhật hôm nay, Lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, chúng ta lại được chiêm ngưỡng một cuộc “thần hiện” khác.  Bên bờ sông Gio-đan, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng tỏ mình ra.  Sự kiện này được cả ba Tin Mừng nhất lãm thuật lại như một chứng từ sống động về sứ vụ Thiên sai của Đức Giê-su.  Người là Con Thiên Chúa và là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian.  Cuộc “thần hiện” diễn ra trước sự ngỡ ngàng của dân chúng, kể cả ông Gio-an Tẩy giả, người trước đó đã tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a (Đấng Thiên sai).

 

Việc lãnh nhận phép Rửa bởi tay ông Gio-an Tẩy giả đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su.  Đây là khởi điểm của một chương mới trong lịch sử Cứu độ của Thiên Chúa.  Đây cũng là thời Thiên Chúa an ủi dân Ngài, như ngôn sứ I-sai-a đã báo trước đó khoảng bảy thế kỷ (Bài đọc I).  Vào thời đó, vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ hiện.  Sẽ không còn sợ hãi lo âu nữa, vì Thiên Chúa sẽ làm những gì Ngài đã hứa.  Những dấu hiệu ngôn sứ I-sai-a báo trước đã được thể hiện nơi Chúa Giê-su, trong suốt cuộc sống dương thế của Người.  Đức Giê-su là Con yêu dấu của Chúa Cha, như tiếng nói từ trời đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.”  “Tiếng nói từ trời,” đó là cách Thiên Chúa hiển linh trong Cựu ước, để truyền lệnh và hướng dẫn dân Ngài.  Đức Giê-su luôn luôn tìm ý Chúa Cha và làm mọi sự, miễn là ý Cha được thể hiện.

 

Theo Giáo lý Công giáo, khi Đức Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, là lúc Người thiết lập bí tích Rửa tội.  Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, thành viên Thượng hội đồng Do Thái, Chúa Giê-su đã nói về tầm quan trọng và ý nghĩa của phép rửa tái sinh (x. Ga 3,3-8).  Trước khi về trời, Người đã truyền lệnh cho các tông đồ đi khắp thế gian, rao giảng cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28,19-20).

 

Hiệu quả của bí tích Rửa tội là gì?  Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo trả lời: “Bí tích Rửa tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, và là cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác.  Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Ki-tô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh” (số 1213).  Nội dung trích dẫn trên đây rất phong phú, diễn tả những khía cạnh khác nhau của đời sống Ki-tô hữu.  Ơn của bí tích Rửa tội thật kỳ diệu.  Bí tích Rửa tội là khởi điểm cho hành trình theo Chúa, cũng là hành trình của niềm hy vọng.  Những ai đã lãnh nhận bí tích này đều được mời gọi xác tín vào quyền năng và ân sủng yêu thương của Thiên Chúa.  Cùng với Chúa Giê-su, họ được gọi Thiên Chúa là Cha, và được đồng thừa hưởng gia nghiệp vinh quang đời đời.  Đó là ân sủng, vinh dự và sứ mạng mà người tín hữu được hưởng, nhờ bí tích này.  Tiếc rằng có những Ki-tô hữu không mấy ý thức và cảm nhận vinh dự cao quý này.

 

Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Niềm hy vọng Ki-tô giáo chính là ở điều này: đối mặt với cái chết, nơi mọi sự dường như chấm dứt, chúng ta biết chắc rằng, nhờ Chúa Ki-tô, qua ân sủng của Người được thông truyền cho chúng ta trong bí tích Rửa tội, “sự sống không mất đi, nhưng được thay đổi” mãi mãi.  Thật vậy, trong bí tích Rửa tội, khi được mai táng với Chúa Ki-tô, chúng ta nhận được nơi Người, Đấng phục sinh, hồng ân sự sống mới phá vỡ bức tường sự chết và biến nó thành một con đường đi về chốn trường sinh” (Số 20).  Theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, bí tích Rửa tội mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng, để rồi dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều tăm tối âu lo, kể cả sự chết, chúng ta vẫn tin vào Thiên Chúa và tin vào hạnh phúc vĩnh cửu Ngài dành cho người công chính.

 

Phụng vụ hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi làm con Thiên Chúa, nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giê-su.  Trong thư gửi ông Ti-tô là môn sinh của mình, thánh Phao-lô đã lưu ý: “ân sủng của Thiên Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.”  Đó cũng chính là những lời giáo huấn thiết thực và quý báu đối với các Ki-tô hữu chúng ta hôm nay.

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 

Chúa Đến Gặp Ban Ngay Trong Tâm Hồn Giữa Những Yếu Đuối

 

CHÚA ĐẾN GẶP BẠN NGAY TRONG TÂM HỒN GIỮA NHỮNG YẾU ĐUỐI

 


Chúa dạy chúng ta xây nhà trên đá.  Lời dạy vững chắc ấy dẫn đến nơi nền đất chắc chắn, dù không thấm nước, đôi khi rẽ quanh co ngang dọc, theo những con đường hẹp, để tránh những đầm lầy hoặc những khu rừng ẩn chứa nhiều nguy hiểm.  Ai được hướng dẫn như thế, có thể có cảm tưởng rằng, mình đang đi mà không có mục tiêu rõ ràng, và có thể bị mất niềm tin vào người đang chỉ đường cho mình.  Khi điều ấy xảy ra, là người đi đường, bạn phải mở rộng tâm hồn và giãi bày những gì đang làm bạn lo lắng.  Vì thế bạn sẽ được giúp đỡ để hiểu rằng, điều mà đối với bạn dường như là một cuộc lang thang vô ích, thì thực ra không gì khác là chính sự yếu đuối và bước đi không không chắc chắn của bạn.

 

Vì vậy, để tránh ảo tưởng và không để bị mình bị cuốn theo, khi mà bạn ít mong đợi nhất, bởi những chuyển động nội tâm làm mê hoặc những ai không có kinh nghiệm trong những điều thiêng liêng, thì điều cần thiết là hãy sửa soạn tâm hồn cho thời điểm mà Thiên Chúa ghé thăm bạn.

 

Có những người nhận được ơn đặc biệt của Chúa một cách chắc chắn đến độ không thể nghi ngờ.  Có những người khác (phần đông là như thế) nhận biết danh Chúa ngang qua sự giáo dục mà họ thụ hưởng: họ phải học hành và trải nghiệm và nhận biết chân lý khi họ được dạy dỗ.  Có những người khác, như thánh Tông Đồ Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma (Rm 1:18-21) có thể bị mê hoặc bởi sự hoàn hảo của các tạo vật.

 

Thế nhưng, có một nơi mà Chúa làm cho ta cảm thấy gần gũi với những tâm hồn cao cả, đó là chiều sâu của trái tim và những khát khao cư ngụ nơi đó.  Đó là khát khao về sức sống tràn đầy và một vùng đất mà ở nơi đó sống tự do và an toàn, đó là khát vọng đánh thức mọi tạo vật trên thế giới, đó là nơi chắc chắn mà Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài…

 

Bạn có thể hiểu điều này khi đọc câu chuyện về tổ phụ Abraham: tiếng nói của Chúa thúc giục ông từ bỏ mọi thứ để bắt đầu theo một hành trình vô định: ông đi mà không biết mình đi đâu, nhưng ông có lời hứa của Chúa (Ta sẽ chỉ cho ngươi).  Những lời vang vọng trong trái tim ấy lại chẳng phải là tiếng vọng của niềm khao khát về cuộc sống trọn vẹn, về vùng đất mà với ông, chính là nhà hay sao?

 

Tôi cũng muốn chỉ cho bạn một nơi khác mà Chúa đến gặp chúng ta.  Đó là sự yếu đuối.  Bạn cũng thế, cũng giống như bao người khác, bị đe dọa bởi sự mong manh dễ vỡ.  Bất cứ khi nào nó xuất hiện, bạn không chịu nổi và tìm cách che giấu nó.  Thực tế, bạn cảm thấy yếu đuối, bất lực, và bị đe dọa.  Như thế, nếu từ sâu thẳm tâm hồn mình, bạn có khả năng chấp nhận rằng, tôi yếu đuối, mong manh, không thể mình tự cứu mình, thì khi đó, bạn có thể cảm nhận được sự hiện diện tốt lành của Thiên Chúa, vì Ngài là người Cha đích thực, nâng đỡ bạn và an ủi bạn.

 

Hãy xem cách Thiên Chúa đối xử với tổ phụ Abraham, như đối xử với một người bạn.  Tổ phụ đã nhận được lời Thiên Chúa hứa, và Chúa đã thực hiện lời Ngài hứa.  Chắc chắn không phải vì mưu trí hay vì các cách thức nỗ lực, mà tổ phụ Abraham trở thành bạn của Chúa, mà vì tổ phụ đã học tin tưởng Thiên Chúa, để chiến thắng những lo lắng của bản thân.  Tổ phụ biết Chúa khi một cách rõ ràng, điều mà ông khao khát, đã đến với ông như một quà tặng.  Vì thế, hãy để cho Chúa, ngang qua cuộc sống, dẫn dắt bạn đến sự nhận biết hoàn hảo về sự không thể của bạn, về sự bất lực của bạn: khi bạn ở đáy vực thẳm, ngước mắt nhìn lên, bạn sẽ được hưởng niềm vui từ sự cao cả vô hạn của Thiên Chúa là Cha chúng ta. 

 

Vì thế, đừng hình dung những điều vĩ đại, chẳng hạn những điều đôi khi được kể về một số vị thánh đã có những cuộc hoán cải to lớn hoặc đã phải đối mặt với những hoàn cảnh đặc biệt, để thay đổi cuộc sống của các vị một cách hoàn toàn và ngay lập tức.  Thay vào đó, hãy suy xét về cái nghèo là tình trạng chung của hầu hết mọi người.  

 

Chúng ta càng yếu đuối, thì càng có xu hướng che giấu sự yếu đuối mong manh của mình.  Và với thói quen, chúng ta sẽ dần dần tự thuyết phục và tin rằng, chúng ta thực sự như chúng ta tưởng tượng hoặc như chúng ta muốn.  Vì thế, nếu chúng ta yếu đuối, chúng ta cố gắng che giấu bằng cách tỏ ra mạnh mẽ.  Chúng ta giống như con vật nhỏ bé, cố gắng xù lông để có vẻ lớn hơn và cố gắng tỏ ra nguy hiểm hơn để đe dọa đối thủ, nhưng sự thường là vô ích…

 

Tứ Quyết SJ - Chuyển ngữ từ tiếng Ý

Cuốn sách: Maestro di San Bartolo, Abbi a cuore il Signore, Introduzione di Daniele Libanori, (San Paolo 2020).

 

 

Lễ Chúa Hiển Linh

 

LỄ CHÚA HIỂN LINH



Hôm nay nhân ngày lễ Ba Vua, một câu chuyện được kể rằng: có một bé gái cùng với mẹ đi viếng hang đá. Bà mẹ giải thích cho em rằng ba nhà Đạo sĩ dâng tiến cho Chúa Hài Nhi: vàng, nhũ hương và mộc dược. Cô bé nhìn Hài Nhi trong máng cỏ rồi quay sang hỏi mẹ: Tại sao họ không mang đến cho Chúa Hài Nhi một cái giường nhỏ với chăn chiếu mùng mền?

Quả thực, sự kiện Chúa Giêsu sinh ra nơi hang lừa, máng cỏ là tột cùng của sự nghèo hèn. Chúa Giêsu đã chạm đến cái cùng cực của thân phận con người. Từ đó, Chúa mời gọi chúng ta biết chia sẻ cho những kẻ túng nghèo: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 40).

Và hôm nay Hài Nhi Giêsu vẫn đang giáng sinh nơi những mái gia đình có hoàn cảnh khó khăn và khổ đau. Nơi đó có những con người đang thiếu thốn cái ăn, cái mặc, Chúa Hài Nhi đang mời gọi chúng ta hãy làm điều thiết thực là mang cơm ăn áo mặc đến cho người khác hơn là làm những nhà hát ngàn tỷ hay những trung tâm tráng lệ, đền đài nguy nga.

Nơi đó có những con người đang đau khổ bởi đau ốm bệnh tật triền miên mà tiền thì lại thiếu. Chúa Hài Nhi đang mời gọi chúng ta hãy cúi xuống những mảnh đời bất hạnh ấy để cùng chung tay giúp họ vượt qua những lúc nguy nan.

Nơi đó có những người đang cô đơn ngay chính trong gia đình của mình, vì vợ chồng thiếu đối thoại và cảm thông, Chúa Hài Nhi đang mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà quan tâm tới nhau để chia sẻ gánh nặng cuộc đời cho nhau.

Nơi đó có những người đang ở tạm bợ nơi những khu nhà ổ chuột hay chỉ là phòng trọ chật hẹp đầy thiếu thốn. Chúa hài nhi đang mời gọi chúng ta hãy tạo tình liên đới để không ai mặc cảm về những thiếu thốn của mình.

Nơi đó có thể là ngay trong nhà chúng ta khi cha mẹ chúng ta bị giá lạnh bởi những hững hờ tình cảm của con cái. Hay nơi đó con cái thấy mình bị bỏ rơi thiếu tình thương chăm sóc của mẹ cha. Gia đình đang là hang đá giá lạnh giữa đêm đông cuộc đời. Chúa hài nhi muốn chúng ta mang hơi ấm của sự quan tâm chăm sóc đến những người thân.

Vâng, Chúa đang hiển linh một cách cụ thể nơi những mái tranh nghèo đầy thiếu thốn. Chúa Hài Nhi đang mời gọi chúng ta đến triều bái Người, cùng dâng cho Người những phương tiện cuộc sống hơn là những đền đài nguy nga ngay giữa dân nghèo. Hãy sống thiết thực khi cho cơm, cho áo người nghèo hơn là những khu nhà cao sang lạnh vắng tình người. Hãy viếng thăm dân nghèo nơi chính mái tranh nghèo khó của họ hơn là đánh trống phô trương trong các ngôi nhà hội nghị máy lạnh xa hoa.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy là những đạo sĩ dám dấn thân bước tới với những gia đình khổ đau nơi những mái nhà thiếu thốn để niềm vui Chúa Giáng Sinh được mang đến cho mọi người. Chỉ có những tấm lòng chân thành, tốt bụng mới gặp Chúa Hài Nhi.

 

Bổn mạng tháng 1

 

THÁNG 1


 

NGÀY

LỄ

QUAN THẦY

01/01

Lễ Mẹ Thiên Chúa

Bổn Mạng Tu Viện Mẹ Thiên Chúa

03/01

Lễ thánh Geneviève

Chị Chúc

17/01

Lễ thánh Roseline

Chị Thị Thảo

21/01

Lễ thánh Agnès

Chị Ngắm

25/01

Lễ thánh Paul (TĐ Trở lại)

Dì Cẩm

27/01

Lễ thánh Angèle Mérici

Chị Lành

31/01

Lễ thánh Jean Bosco

Chị Vi

 

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

 

NGÀY

LỄ GIỖ

01/01/2022

cố Maria - Thân mẫu chị Diễm

14/01/2020

Ông cố Giuse - Thân phụ chị Xuyên

16/01/1998

Bà cố Inê - Thân mẫu chị Việt

19/01/2021

Bà cố Maria - Thân mẫu chị Hiên

27/01

Ông cố Antôn - Thân phụ chị Hữu

27/01/2009

(02/01/2009 ÂL)

Bà cố Anna - Thân mẫu Dì Nhơn

31/01/2007

(13/12/2006 ÂL)

Ông cố Giuse -Thân phụ chị Phương (Lourdes)

31/01/2016

(22/12/2015 ÂL)

Bà cố Catarina – Thân mẫu Dì Nga