TỰ
NHIÊN HAY SIÊU NHIÊN?
Một trong những hình ảnh có thể
được dùng để diễn tả người tu sĩ là “chân đi trên mặt đất mà lòng hướng về trời
cao.” “Hướng về trời cao” ở đây muốn ảm chỉ rằng tu sĩ là người luôn ở
trong mối tương quan thiết thân với Chúa trong mọi hoàn cảnh sống. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người tu sĩ
quên rằng mình đang “đi trên mặt đất.” Đời
sống thiêng liêng không giúp cho người tu sĩ miễn trừ khỏi những đòi hỏi căn bản
của một con người trưởng thành. Họ là
“người” tu sĩ chứ không phải là “thần” tu sĩ!
Có những người khi mới bắt đầu sống đời tu thì
tưởng rằng mình đã bước vào một thế giới khác, thuần thiêng và tách biệt với
bên ngoài. Sự thật là chỉ có một thế giới,
dù là trong hay ngoài nhà tu, nơi đó Chúa vẫn luôn làm việc và mời gọi con người
nên thánh. Do đó người tu sĩ trước hết
phải là người đón nhận sự thật nơi mình và nơi những người anh chị em khác về
thân phận con người.
Mỗi người đều có điểm mạnh điểm yếu, đều có
quá khứ – hiện tại – tương lai, đều có những thứ tình cảm hỷ nộ ái ố… “Thiêng liêng hóa” chính là việc nhận ra ân sủng
và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong chính những yếu tố “tự
nhiên” đó, chứ không phải là thái độ coi thường hay sợ hãi chúng. Trong ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể, tự nhiên
là phương thức biểu hiện, là cầu nối và là phương tiện truyền tải ân sủng siêu
nhiên. Như vậy góc nhìn “siêu nhiên”
giúp cho con người thấy rõ vai trò và ý nghĩa của “tự nhiên” chứ không hề tách
biệt với “tự nhiên.” Tu sĩ là người tiếp
cận với những yếu tố tự nhiên trong chính bản chất của nó (phù hợp thực tiễn,
không tô vẽ thêm) dưới ánh sáng đức tin (để nhận ra hoạt động của Chúa).
Theo lẽ tự nhiên, con người cần thời gian để
trưởng thành về mặt tinh thần cũng như thể lý. Ứng với mỗi độ tuổi hay mỗi giai đoạn trong đời
sống đòi hỏi mỗi người phải đạt đến mức độ trưởng thành nhất định về mặt nhân bản.
Người tu sĩ chắc chắn không thể được miễn
trừ khỏi quy luật đó. Đời tu càng đòi hỏi
người tu sĩ phải biết mình đang ở trong giai đoạn nào và đã đạt mức trưởng
thành tới đâu về tâm sinh lý. Chương
trình huấn luyện trong các dòng tu hay chủng viện có thể hỗ trợ người tu sĩ rất
nhiều trong việc “biết mình” bên cạnh việc “biết Chúa” và “biết dòng.”
Khi người tu sĩ nhận ra những vấn đề của bản
thân mình và trình bày cởi mở với những người có trách nhiệm huấn luyện thì họ
sẽ được giúp đỡ để vượt qua bằng những phương thế tự nhiên nhờ ân sủng Chúa. Chẳng hạn một người có sức khỏe yếu thì phải
xem lại chế độ ăn uống ngủ nghỉ, cách thức làm việc cũng như việc tập thể dục
thể thao. Tương tự, một người học yếu
thì không thể chỉ cần cầu nguyện nhiều với Chúa là có thể học giỏi lên được. Thay vào đó Chúa ban cho điều kiện học tập và
tự bản thân họ phải nỗ lực học hành chăm chỉ hơn, bù đắp những kiến thức bị thiếu
hụt. Những vấn đề liên quan đến tâm sinh
lý con người cũng cần được tiếp cận theo phương pháp khoa học. Những ham muốn tính dục nơi người tu sĩ sẽ
không tự nhiên mất đi sau khi đọc 10 kinh Kính Mừng!
Tóm lại, tu sĩ là người “thiêng liêng” nhưng
cũng rất “tự nhiên.” Thiên Chúa mời gọi
người tu sĩ sống tận hiến cho Nước Trời trong chính thân phận con người của họ.
Lời mời gọi đó có sức làm biến đổi nội
tâm người tu sĩ, giúp họ đảm nhận những yếu tố tự nhiên nơi bản thân mình bằng
phương thế siêu nhiên. Nhờ đó cuộc đời
người tu sĩ là lời chứng tá sống động cho người môn đệ Chúa “ở giữa thế gian
nhưng không thuộc về thế gian.”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống trần gian mang thân phận loài người
vì yêu mến chúng con, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để hoàn toàn vâng
theo ý Cha trong mọi chi tiết của cuộc sống. Chúa đã dặn những người muốn theo Chúa “Ai muốn
theo ta, hãy vác lấy thập giá của chính mình mà theo ta”, xin cho chúng con được
trung thành bước theo Chúa với thập giá là chính bản thân yếu đuối mỏng giòn của
mình nhờ ơn Chúa giúp. Amen!
Giuse Lê Đắc Thắng SJ