Chúa Giêsu chịu phép
rửa năm A
Lời Chúa: Mt 3,13-17
Chúng ta có ngạc nhiên không khi nghe nói Chúa
Giêsu chịu phép rửa? Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng hoàn toàn thánh thiện
không liên lụy với tội lỗi, thế nhưng sao Ngài lại đến xin Gioan làm phép rửa
cho Ngài?
Phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa trong nước,
là một hình thức ăn năn thống hối, không có hiệu lực tha tội. Ngài muốn chịu
phép rửa không phải để xin ơn tha tội, nhưng là muốn hòa mình vào đám người
đang đến với Gioan, nghe lời ông giảng và tỏ lòng ăn năn thống hối. Chúa Giêsu
muốn chứng tỏ rằng Ngài đến là để kêu goi người ta ăn năn thống hối để đón nhận
ơn cứu độ Ngài mang đến cho họ.
Chúa Giêsu đến xin ông Gioan làm phép rửa cho
Ngài, làm cho ông sững sờ, vì ông biết ai đang xin ông làm phép
rửa: “Chính tôi mới cần được Thầy làm phép rửa…” Gioan công nhận mình
là người tội lỗi và cũng công nhận Chúa Giêsu là Đấng vô tội. Nhưng cần
phải… giữ trọn đức công chính, tức là làm theo ý Chúa.
Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là kẻ tội
lỗi. Chúng ta cần đươc thanh tẩy. Và Chúa Giêsu đã đến mang lại cho chúng ta,
không phải một phép rửa bằng nước mà trong Thánh Thần. Chúa Giêsu được dìm
trong dòng nước chứng tỏ Ngài trở thành như chúng ta để nâng chúng ta lên. Đây
phải chăng là một cách diễn tả lại mầu nhiệm Nhập Thể? Ngài lên khỏi dòng nước
và một điều xảy ra, nhiệm mầu, mà thánh sử xem như trời mở ra. Chúa Giêsu
mở cửa trời cho tất cả những ai nhìn nhận mình tội lỗi và thành tâm thống hối
theo vết chân Ngài. Từ nay cửa trời không còn đóng kín nữa và một thời mới đã
mở ra cho chúng ta. Thánh Thần Chúa đổ xuống trên Ngài dưới hình thức chim bồ
câu. Điều đó chứng tỏ Chúa Giêsu tràn đầy Thánh Thần. Sứ vụ của Ngài là mang ơn
cứu chuộc đến và con người tội lỗi chúng ta sẽ được Thánh Thần thanh tẩy để trở
thành con người mới trong Thánh Thần như thánh Phaolô nói.
Một hiện tượng khác xảy đến, đó là Chúa Cha từ
trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Cả Ba
Ngôi Thiên Chúa hiện diện trong biến cố này, chứng tỏ rằng việc cứu chuộc là
việc của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, chứ không riêng gì của Chúa Giêsu. Đây chính là
một sự tỏ hiện rõ ràng tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta. Thánh Gioan đã
nói: “Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình cho thế
gian”. Và đúng thế, Chúa Cha đã tuyên bố một cách minh nhiên cho chúng ta
biết: “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Không những Chúa Cha chứng thực mà
chính Thánh Thần Chúa cũng chứng thực khi đến đáp trên Chúa Giêsu. Vì thế, nhờ
Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, chúng ta được nhận vào gia đình của Chúa Cha,
chúng ta trở nên con Thiên Chúa.
Con Thiên Chúa! Chúng ta có cảm thấy vui mừng
khi nghĩ rằng mình là con Chúa không? Đúng ra chúng ta hãy vui mừng cất lên lời
tạ ơn như Đức Mẹ đã tạ ơn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, lòng trí tôi
nhảy mừng trong Chúa… Vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ”. Được làm
con Thiên Chúa là một hồng ân lớn lao vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta, vì
thế một số đông trong chúng ta không cảm thấy gì cả. Nghe nói vậy thôi. Chúa đã
đoái thương chúng ta, sai Con Một đến giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội
lỗi, mở cửa Nước Trời cho chúng ta, biến chúng ta thành con Chúa. Cả một tình
thương trời bể mà chúng ta không ý thức đủ! Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi dẫn
tâm trí chúng ta, để chúng ta hiểu biết tình thương Chúa hơn và đáp lại.
Mấy người trong chúng ta vui mừng khi đọc kinh
của Chúa Giêsu dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”? Thánh Phanxicô
Assisi, một ngày nọ đi với một thầy trong dòng. Vì đường còn xa, thánh nhân đề
nghị với thầy là mình đọc kinh lạy Cha. Khi đến cổng nhà dòng, thánh nhân hỏi
thầy: “Thầy đọc bao nhiêu kinh?” Thầy vui mừng đáp: “Thưa Cha, con đọc được hai
trăm năm chục kinh. Thầy hỏi lại: “Còn Cha?” Thánh nhân đáp: “Tôi đọc chưa được
một kinh”. Thầy ngạc nhiên, thánh Phanxicô mới giải thích: “Tôi chỉ nói được
tiếng lạy Cha mà thôi, vì khi tôi nói tiếng lạy Cha, tôi vui mừng và cảm thấy
hạnh phúc đến nỗi tôi không thể nói gì khác”. Ước chi chúng ta cũng cảm thấy
hạnh phúc như thánh nhân khi nghĩ rằng chúng ta được gọi Chúa là Cha. Chúng ta
có một người cha vô cùng đáng mến mà chúng ta không mấy yêu thương. “Hãy
nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời là Đấng trọn lành”. Chúa Giêsu
ước mong như thế. Chúng ta đừng làm cho Ngài thất vọng, đừng để cho những
gì Ngài làm cho chúng ta ra vô ích.
Để giúp chúng ta trở nên con của Chúa Cha,
Chúa Giêsu không ngại liều mạng cho chúng ta. Ngài hóa thân thành một của ăn để
cho chúng ta nuốt Ngài vào cơ thể chúng ta để cùng sống với chúng ta, giúp
chúng ta trở nên những đứa con mà Chúa Cha yêu mến. Chớ gì khi nhìn đến chúng
ta, Cha trên trời có thể nói: “Đây là con Ta rất yêu dấu, Cha hài lòng về con”.
Lm. Trầm Phúc