AI LÀ
NGƯỜI TRUYỀN GIÁO?
Tháng 10/2019 được Đức Giáo hoàng
Phanxico chọn làm tháng Truyền giáo ngoại thường và toàn thể Giáo Hội đang được
làm “nóng” về sự canh tân đổi mới vai trò của Giáo Hội trong sứ mạng loan báo
Tin Mừng cho khắp muôn dân.
Đâu đó chúng ta vẫn thường được
nhắc nhở rằng bản chất của Giáo hội là Truyền giáo và rằng sư mạng Truyền giáo là
của tât cả mọi người. Tuy nhiên, thế giới hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa
biết Chúa, chưa tin theo đạo. Theo thống kê của ban Truyền giáo thì số người
gia nhập vào đạo mỗi năm vẫn còn rất thấp, nếu không nói là là ít có sự tiến
triển mạnh mẽ. Có nhiều lí do dẫn đến việc Truyền giáo không đạt kết quả cao nhưng
có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là tinh thần Truyền giáo nơi chính mỗi người
Kitô hữu. Vẫn còn có không ít người mang trong mình não trạng Truyền giáo là việc
to lớn vĩ đại, là trách nhiệm của những người đứng đầu trong Giáo Hội, của quý
linh mục tu sĩ, của các hội đoàn… còn bản thân mình thì nhỏ bé và chưa có đủ điều
kiện để tham gia vào công cuộc Truyền giáo. Không những thế, nhiều người vẫn
chưa ý thức được mối liên hệ sâu xa giữa đời sống chứng tá với vai trò Truyền giáo;
vẫn còn thấy đó là một công việc nằm ngoài đời sống thường nhật và bổn phận thực
hành niềm tin của mình.
Tháng Truyền giáo ngoại thường được
mở ra là một dịp đặc biệt để Giáo Hội đổi mới
lòng nhiệt thành Truyền giáo nơi mỗi người Kitô hữu. Đức Thánh Cha (ĐTC)
Phanxico đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của một “sự hoán cải Truyền giáo”
thực sự.
Với chủ đề “Được Rửa tội và được
sai đi: Giáo Hội của Chúa Kitô với sứ mạng Truyền giáo trên toàn thế giới”. ĐTC muốn nhấn mạnh rằng việc được sai đi với
sứ mạng Truyền giáo chính là một lời mời gọi vốn có trong Bí tích Rửa tội và
dành cho tất cả những ai đã được rửa tội. Chính vì vậy, đời sống chúng ta,
trong Đức Kitô, cũng chính là một việc truyền giáo! Chính chúng ta là những
nhà Truyền giáo bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.[1]
Trước đó ĐTC cũng đã có lần nhắc
nhớ các tín hữu rằng: “nhờ Bí Tích Rửa Tội,
chúng ta được tái sinh trong cuộc sống mới của ân sủng và được kêu gọi để làm
chứng nhân cho Tin Mừng trước thế giới.” Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở
nên "những môn đệ truyền giáo" trong sự hiệp thông với Giáo Hội.[2] Chức vụ Ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận trong
bí tích Rửa Tội xem ra ít được chú tâm thực hành trong đời sống của mình. Trong
các mối liên hệ thường ngày con người ta thường dễ dàng nói và chia sẻ với nhau
về muôn vàn vấn đề của cuộc sống nhưng lại ngại ngùng và dè dặt chia sẻ về
Thiên Chúa và Tình Yêu của Ngài. Thật dễ dàng nhận thấy việc thực hành đời sống Đức
tin nơi một số cộng đoàn tín hữu ngày nay
ở nhiều nơi chỉ dừng lại nơi việc thực hành các sinh hoạt đạo đức thường lệ:
tham gia hội đoàn, đi lễ, đọc kinh rước sách… mà chưa chú tâm đem Lời Chúa ra
thực hành trong đời sống thường nhật của mình. Thiên Chúa vẫn còn vắng bóng nơi
công sở, giữa phố chợ, trường học, trong
xóm làng, trong các mối tương quan, trong các chọn lựa khi hành động cụ thể …
Cần có một sự canh tân đổi mới
nơi lòng nhiệt huyết loan báo Tin Mừng nơi mỗi người Kitô hữu. “Không ai có thể
cho người khác điều gì mình không có”, chúng ta chỉ có thể loan báo cho người
khác về Thiên Chúa một cách hữu hiệu khi chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về
Thiên Chúa yêu thương, nhân từ và giàu lòng xót nơi chính bản thân mình mà
thôi. Chúng ta không cố “lôi kéo” người
khác vào đạo vì một lợi ích trần thế nhưng là vì niềm xác tín rằng Thiên Chúa
yêu tôi, yêu bạn nên tôi cũng muốn cho người khác được hưởng trọn tình yêu ấy
giống như tôi. Một vị thánh đã từng nói rằng: “Kitô giáo không phải là một tập
hợp các chân lý phải tin, các luật lệ phải
tuân theo, và các điều cấm đoán. Nhìn cách này thấy đáng ghét. Kitô giáo là một
con người đã yêu tôi rất nhiều và đòi tôi yêu lại. Kitô giáo là Đức Kitô”.[3] Đức Kitô đã yêu tôi và chết vì tôi để tôi được
sống muôn đời, tôi chỉ có được hạnh phúc thực sự khi làm con Ngài.
Tuy nhiên, “con
người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thầy dạy”[4], mọi lời rao giảng sẽ là
không có giá trị nếu như chúng ta đã không thực sự sống và cảm nghiệm điều mình
rao giảng. Muốn được như vậy điều cần có trước nhất là chúng ta cần có sự kết nối
liên lỉ với Thiên Chúa - Người không phải là Đấng chúng ta “đặt” trên bàn thờ
mà là Đấng luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi nơi mọi lúc. Hưởng ứng lời
kêu gọi của vị cha chung, mỗi chúng ta cùng nhìn lại việc thực thi sứ mạng truyền
giáo của mình để có những hành động cụ thể trong đời sống của mình. Một tấm
gương cao cả mà Giáo Hội mừng kính ngay đầu tháng 10 về sự kết hiệp sâu xa với
Thiên Chúa Tình Yêu cho tất cả cho chúng
ta noi theo đó chính là Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu. Là nữ đan sỹ của dòng
kín nhưng chị đã trở nên bổn mạng của các xứ Truyền giáo bởi đã tìm ra “con đường
thơ ấu thiêng liêng” để nên thánh với tất cả tình yêu phi thường. Một con đường
với đầy lòng yêu mến, sự kết hiệp sâu xa cùng lòng phó thác mạnh mẽ vào Thiên
Chúa Tình Yêu.Con đường ấy đã dẫn lối cho nhiều người được nhận biết Chúa hơn.
Đó là một lời chứng hùng hồn và là mẫu gương cho tất cả chúng ta noi theo.
Không ai có thể đưa ra những lí do tôi quá bận hay không đi đâu được để thực hiện công việc Truyền giáo. Bởi Truyền
giáo chính là việc thực hành Lời Chúa dạy trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình
với tất acr lòng yêu mến. Chính khi chúng ta thực hiện được điều đó là lúc
chúng ta trở nên chứng tá sống động của Đức Kitô.
Sẽ thật khó khăn cho tất cả chúng
ta nếu một mình thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống của mình. Chúng ta luôn
có sự đồng hành và trợ giúp đặc biệt đó chính là Mẹ Maria. Mẹ là mẫu gương tuyệt
hảo và là sự trợ giúp đắc lực để chúng ta thắng vượt mọi khó khăn thử thách để can
đảm đi tới “vùng ngoại biên” để loan truyền Tình Yêu Thiên Chúa cho tất cả những
ai chưa biết Chúa bằng chính đời sống bác ái, yêu thương. Như thế, cùng với mẹ
Giáo Hội chúng ta sống đúng bản chất của mình là làm cho danh Chúa được lan rộng
khắp nơi.
X.Tine
[1]
Cuộc tiếp kiến 1/6//2018, nhân dịp Đại hội đồng thường niên diễn ra từ
ngày 28 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 tại Fraterna Domus Sacrofano (Rome)
[2] Cuộc tiếp kiến chung vào Thứ Tư 15/01/2014
[3]
Thánh Oscar Romero, Bài giảng(6 tháng 11, 1977), in Su Pensamiento, I-II, San
Salvador, 2000, p.312
[4] (xem ĐTC Phaolô VI,
Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41: loc. cit., 31f)