TẢN MẠN VỀ ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH

Không chỉ bí tích Thánh Thể, cả các bí tích khác cũng dễ làm cho chúng ta dấy lên cảm giác “nghi ngờ” với những hình thức bên ngoài như dầu, nước, bánh, rượu… vốn đã quá quen thuộc trong cuộc sống!

Một cơ sở quan trọng để khẳng định con người có linh hồn là những nhu cầu tinh thần mà chúng ta khao khát không thua gì những đòi hỏi của thể xác. Cụ thể là nếu chỉ cho chúng ta ăn uống đầy đủ, bắt nằm một chỗ không cho giao tiếp, không cho sách vở nghe nhạc xem phim… giống như chú cún con bị xích ở nhà, hỏi có ai chịu nổi không? Chắc chắn ta sẽ phát điên trong môi trường sống như vậy.

Cũng như thể xác, không phải ăn cái gì cũng tốt, cũng bổ. Có rất nhiều món độc hại mà vì cố ý hoặc do thiếu hiểu biết, chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày như bia rượu, nước ngọt, mì gói, hoặc các thực phẩm tẩm hóa chất… Món ăn tinh thần cũng có những bậc thang giá trị của nó. Nếu thực phẩm độc hại tàn phá thể xác thế nào, thì những món tinh thần xấu như phim ảnh đồi trụy, bạo lực, các trào lưu xã hội vô đạo đức… giết con người không chỉ ở nhân cách mà cả sự sống đời đời của linh hồn.

Thiên Chúa quá hiểu nhu cầu của sản phẩm mà Ngài làm ra. Khi tạo dựng muôn vật, Ngài cho chúng ta có quyền sử dụng tất cả để phục vụ nhu cầu tồn tại của mình. Nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ, Ngài cho chúng ta môi trường sống và óc sáng tạo làm nên những giá trị văn hóa để chúng ta không ngừng thăng tiến đời sống. Thế vẫn chưa đủ! Vì chúng ta là loài hướng thần nên cần có những món ăn thuộc tôn giáo đưa chúng ta vào sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta ngay trong ý định sáng tạo của Ngài.

Người Công giáo chúng ta trong đời sống đức tin có những món ăn thật phong phú và bổ ích, mà cao cấp nhất là Lời Chúa và Thánh Thể. Qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể trong thánh lễ chúng ta cử hành hằng ngày cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng tốt nhất cho đời sống tinh thần và sự sống linh hồn của mỗi chúng ta.

Có nhiều người đặt câu hỏi: Giáo hội dạy lãnh Bí tích sẽ được tràn đầy ân sủng và sự sống của Thiên Chúa, đặc biệt là nơi Mình và Máu Chúa, mà nói thật là con vẫn rước lễ hằng ngày nhưng có cảm giác gì đâu? Quả thật không chỉ bí tích Thánh Thể, cả các bí tích khác cũng dễ làm cho chúng ta dấy lên cảm giác “nghi ngờ” với những hình thức bên ngoài như dầu, nước, bánh, rượu… vốn đã quá quen thuộc trong cuộc sống!

Chúng ta thử dùng hình ảnh này để cảm nghiệm: Bác sĩ nói trái Táo ăn vô rất bổ dưỡng cơ thể, nó cung cấp hai loại vitamin chính là A và C. Vậy khi ăn Táo, có ai nhìn thấy hay cảm giác được vitamin A và C trong đó không? Chúng ta chỉ thấy hình dáng xanh tròn.., cảm giác được chất bột và vị chua ngọt của nó thôi. Nhưng đảm bảo ai cũng xác tín Táo bổ dưỡng cơ thể với hai chất vitamin nổi bật là A và C, tăng sức đề kháng và tốt cho mắt, da.. Vậy thì trái táo bao gồm chất thể bên ngoài mà ta trông thấy, cảm nếm được… cùng với công dụng bên trong mà ta không thể nhận diện, nhưng nó âm thầm tác dụng trong chính cơ thể ta một cách tiệm tiến.

Bí tích chúng ta lãnh nhận cũng tương tự thế. Các Bí tích bao gồm hai phần chính là Dấu bên ngoài (chất thể) và Ơn bên trong. Thiên Chúa dùng chính những vật rất thân quen và hữu ích đối với con người, cùng với lời cầu nguyện chính thức của Giáo hội qua vị đại diện Ngài, và lòng thành tâm khao khát của chúng ta để ban Ơn Sủng. Qua dấu chỉ của nước, dầu, bánh, rượu… cùng lời cầu xin của Giáo hội và lòng ước muốn lãnh nhận nơi ta, các Bí tích âm thầm tác dụng trong tâm hồn trở thành những ân sủng và nguồn sống Thiên Chúa dưỡng nuôi linh hồn con người. Xét ra cách thế Thiên Chúa sử dụng nuôi đời sống tinh thần cũng không xa lạ gì với cách Ngài dưỡng nuôi thân xác chúng ta hằng ngày.

Hình ảnh người mẹ chín tháng nuôi con bằng chính thịt máu mình, thêm nhiều năm tháng cho con dòng sữa cùng mồ hôi nước mắt, đó chẳng phải là thịt máu của bà trao cho con mình sao! Tình yêu thôi thúc con người dám hy sinh trao ban cho nhau như vậy, thì Thiên Chúa, với một Tình Yêu vĩ đại tuyệt đối, cùng quyền năng vô biên của Ngài lại không thể trao ban chính Thịt và Máu Ngài dưỡng nuôi linh hồn chúng ta hằng ngày được sao!


Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh