CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - C

Trong tác phẩm Quo vadis được giải Nobel văn chương 1905, Đại Văn Hào Sienkievich tả những cảnh cực hình rùng rợn mà hai thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và các tín hữu chịu dưới thời Hoàng Đế Nêrông, biệt danh: Râu đỏ. Các tín hữu phải sống ẩn danh. Họ chỉ nhận biết nhau qua tín hiệu về hình con cá.
Một hôm, chàng quý tộc Markus là cận vệ đặc biệt của Nêrông, là tướng hùng bách chiến bách thắng, gặp công chúa Ligia nước Ba Lan bị bắt làm con tin. Chàng cảm động nói những lời tán tụng mến phục làm Ligia bối rối cúi đầu vẽ trên cát hình con cá, rồi bỏ chạy. Hình con cá thổ lộ gì với Markus. Đầu óc chàng suy nghĩ đến quay cuồng mà chẳng hiểu gì? Chàng đành hỏi ông cậu Pêtrônius nổi tiếng khôn ngoan nhất trong các cố vấn của Nêrông cũng không biết gì hơn.
Nhưng đối với các tín hữu thời đó hình con cá là một tín hiệu tin mừng vô hạn giữa những đau khổ để họ nhận ra nhau là những người tuyên xưng Đức Kitô Phục sinh. Người đã dùng hình ảnh con cá để ám chỉ về Người.
Lần thứ nhất, Người làm phép lạ từ hai con cá và năm chiếc bánh cho cả chục ngàn ngưới ăn, nếu kể cả đàn bà con trẻ, rồi Người tuyên báo về Bánh Hằng sống đời đời (Mt. 14,13.) Lần thứ hai, từ vài con cá và bảy tấm bánh cho hơn bốn ngìn người ăn, không kể phụ nữ và trẻ em. Từ phép lạ này Người nói về điềm lạ trọng đại như Giona ở trong bụng cá ba ngày thế nào thì Con Người cũng ở trong lòng đất ba ngày rồi sống lại (Mt. 15, 36-16,4). Lần ba, Phêrô và các bạn vất vả suốt đêm mà không được con cá nào, nhưng khi vâng lời Thầy ông thả lưới, đã bắt được hai thuyền cá đầy (Lc. 5,2..). Lần bốn, nhân dịp họ đòi Phêrô và Thầy phải nộp thuế Thầy bảo Phêrô câu cá để lấy tiền nộp thuế. Như thế, Người muốn đồng hóa con cá với mình và Phêrô (Mt. 17, 27).
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật hai việc: Việc thứ nhất, Đức Giêsu hiện ra an ủi các ông đang buồn sầu, không còn được sống với Thầy, các ông đã trở về làm nghề đánh cá mà chẳng được gì, và Người cho họ được mẻ cá đầy. Việc thứ hai, Người hỏi Phêrô: “Anh có yêu mền Thầy không”. Sau đó, Người mới trao đoàn chiên cho Phêrô coi sóc.
1- Hoàn cảnh các môn đệ như những kẻ mồ côi, buồn sầu khổ cực. Thầy đã chịu chết, đã sống lại, nhưng không sống bên các ông như trước nữa. Người chỉ thỉnh thoảng hiện ra an ủi, chúc lành và dậy dỗ các ông những điều cần thiết. Các ông còn bị đói khổ vì phải về quê tiếp tục nghề đánh cá vất vả, cực nhọc suốt đêm mà chẳng được gì. Cuộc sống thật bấp bênh. Trước thảm cảnh đó, Chúa đã hiện ra giữa buổi bình minh trên bờ biển lúc các ông đánh cá về. Như một người mua cá, Người hỏi: “Này các chú, không được gì ăn ư?” các ông kêu lên với giọng cụt ngủn, chán nản: “Không!” Một câu nói khác như dậy dỗ chọc tức các ông: “Hãy thả lưới bên phải thuyền. Các anh sẽ bắt được cá”. Nghe thế, các anh dân chài không bực bội, nhưng như có sức mầu nhiệm giúp các anh vui vẻ làm theo. Thật bất ngờ, lưới đầy cá không kéo nổi. Họ ngạc nhiên tự hỏi: Ai nói đấy? Một trực giác nhạy cảm giữa hai người yêu nhau: Môn đệ Chúa yêu nhận ra ngay và bảo Phêrô: “Thầy đấy”. Như cá gặp nước, Phêrô nhảy xuống biển chạy lên gặp Thầy. Có Thầy, sẽ thoát khỏi mọi nổi cô đơn, sợ sệt, buồn sầu, lo lắng, mệt nhọc. Có Thầy có tất cả: Có cá, có bánh, có lửa sưởi ấm, có bạn đồng tâm nhất trí, có Thánh Thần tràn đầy hoan lạc, đầy sức sống yêu thương mãnh liệt.
2- Hoàn cảnh các tín hữu thời các thánh tông đồ phải chịu đầy đau khổ, buồn sầu, lo lắng. Bao nhiêu cực hình hiện ra trước mắt: Tù tội, đánh đập, khổ giá, đóng đinh từ trẻ con, thanh niên, phụ nữ tới ông già bà cả. Họ vẽ hình con cá để nhắc nhở nhau nhớ đến Đức Kitô Phục sinh. Người sẽ an ủi, ban bình an cứu giúp họ, ban Thánh Thần soi sáng cho họ giữ vững đức tin, hun đúc họ mến Chúa nồng nàn, đem lại sức mạnh mãnh liệt cho họ chiến thắng sự chết. Họ sẽ được sống vinh quang với Đức Kitô. Họ sẽ được như Gioan “mải nhìn và nghe vang lên tiếng muôn vàn Thiên thần, đông tới ức ức triệu triệu, đứng chung quanh Ngài… và lớn tiếng hoan hô: Con Chiên đã bị giết, rất xứng đáng lãnh nhận phú quý và quyền năng, khôn ngoan và uy lực, danh dự với vinh quang, cùng muôn lời chúc tụng” (Bài II). Như vậy, Đức Giêsu đã yêu thương Phêrô, các môn đệ và các tín hữu thời đó đến cùng. Người rất tế nhị, không hỏi tội Phêrô chối Thầy ba lần, không hỏi các ông bỏ Thầy chạy trốn và cứng lòng tin khi Thầy sống lại. Người chỉ hỏi như hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” Người hỏi ba lần để nhấn mạnh Người chỉ cần họ yêu mến, vì chỉ có lòng yêu mến mới có sức mạnh đáp lại lòng thương yêu vô cùng của Thiên Chúa. Chỉ có lòng yêu mến mới được tha nhiều “được tha nhiều thì yêu mến nhiều”. Chỉ có lòng yêu mến như “Thầy yêu các con” mới nên một với Thầy trong chăn dắt đoàn chiên và thí mạng sống vì đoàn chiên. Chỉ có lòng yêu mến mới dám thí mạng sống vì Thầy, và như Thầy bước lên thập giá để tế lễ Đức Chúa Cha và cứu độ người ta. Không lạ gì, Thánh Phaolô đã quả quyết: “Dù tôi nói được hết các thứ tiếng của nhân loại và các Thiên thần… được lòng tin chuyển núi rời non… và nộp mình chịu thiêu, mà không có đức mến thì cũng như không, vô ích cho tôi… lòng mến lớn hơn cả đức tin, đức cậy… vì đức mến tồn tại đời đời” (1Cr. 13, 1-3. 8. 13)
Lậy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại để có thể hiện đến khắp nơi, cứu chữa hết mọi người, ban bình an, ơn tha tội và ban Thánh Thần đầy hoan lạc. Xin cho chúng con luôn luôn cảm tạ lòng thương yêu vô cùng của Chúa để hết lòng tin mến Chúa và hy sinh phục vụ anh em.
Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm