THIẾU ĐÓN NHẬN

Chúng ta thấy các ngôn sứ đã nói nhiều lời cảnh báo rằng Thiên Chúa không muốn của lễ trên bàn thờ nhưng muốn sự công bằng cho người nghèo...

“Cô nhi, quả phụ, và khách lạ,” đó là nguyên tắc trong Kinh thánh để nhận ra những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội mọi thời. Cả các ngôn sứ lớn của Do Thái và chính Chúa Giêsu, đều khẳng định với chúng ta rằng, đến cuối cùng chúng ta sẽ được phán xét theo cách mình đối xử với họ khi còn sống.
Tôi nghĩ thật hay khi nhìn vào bất kỳ sách nào trong Kinh thánh, và đặt ra câu hỏi này. “Tác giả của sách này xem điều gì là yếu tính của tôn giáo?” Bạn sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Ví dụ như, nếu bạn hỏi câu đó với các tác giả của sách Xuất hành, Đệ Nhị Luật, Dân số, thì họ sẽ trả lời, tâm điểm đức tin của họ là việc hành đạo cho đúng đắn, giữ các Điều răn và trung thành với các luật sống đạo được ban hành vào thời của mình.
Tuy nhiên, khi các ngôn sứ lớn, như Isaia, Giêrêmia, Êdêkien, và Joel xuất hiện, họ lại cho chúng ta thấy một cái nhìn khác. Với các vị, lòng đạo đích thực không chỉ là trung thành với việc hành đạo, mà còn là cách chúng ta đối xử với người nghèo. Với các vị, đức tin được đánh giá dựa trên mức độ công bằng ở nơi chúng ta sống, và mức độ công bằng đó được xác định dựa trên cách đối xử với “cô nhi, quả phu, và khách lạ” khi chúng ta còn sống. Với các ngôn sứ, thực thi công lý thì quan trọng hơn việc vào đạo và hành đạo.
Chúng ta thấy các ngôn sứ đã nói nhiều lời cảnh báo rằng Thiên Chúa không muốn của lễ trên bàn thờ nhưng muốn sự công bằng cho người nghèo, không muốn kinh kệ nhưng muốn công bằng cho góa phụ, không muốn lễ lạc nhưng muốn khách lạ được tiếp đón.
Dĩ nhiên phải để ý rằng, ngoài các ngôn sứ, trong lịch sử Do Thái, chúng ta còn có những bà góa vĩ đại. Với họ, bản chất tôn giáo không phải chỉ là việc giữ đạo hoặc đơn thuần là giúp đỡ người nghèo, mà là phải có một tấm lòng cảm thông và khôn ngoan, từ đó vừa trung thành với việc giữ đạo và vừa giúp đỡ người nghèo.
Đấy là truyền thống mà Chúa Giêsu kế thừa. Và Ngài làm thế nào? Ngài chấp thuận cả ba. Với Chúa Giêsu, lòng đạo đích thực cần có cả ba, giữ đạo, giúp đỡ người nghèo, và lòng thông cảm khôn ngoan. Với Chúa Giêsu, chúng ta không chọn một trong ba điều, mà phải chu toàn cả ba. Ngài đã nói rõ rằng: “Nếu các con yêu Ta, thì sẽ giữ giới răn của Ta,” (Ga 14) nhưng Ngài cũng nói rằng chúng ta sẽ được phán xét theo cách chúng ta đối xử với người nghèo (Mt 25,” và Ngài còn bảo điều Thiên Chúa muốn là một tấm lòng cảm thông khôn ngoan (Lc 6 & 15.)
Với Chúa, chúng ta là môn đệ đích thực khi có tấm lòng cảm thông, từ đó giữ các giới răn, tôn kính Thiên Chúa, và các ưu tiên hàng đầu trong đạo là đến với các người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Thật vậy, Chúa Giêsu còn có những lời cảnh báo mạnh hơn cả lời của các ngôn sứ Do Thái. Các ngôn sứ khẳng định Thiên Chúa ưu ái người nghèo, Chúa Giêsu thì khẳng định Thiên Chúa ở trong người nghèo (“dù anh em làm gì cho người bé mọn nhất, là anh em làm cho Thầy.”) Chúng ta đối xử với người nghèo thế nào là đối xử với Thiên Chúa như vậy.
Hơn nữa, (và tôi không chắc chúng ta nghiêm túc đón nhận lời này,) Chúa Giêsu dạy rằng trong ngày Phán xét, chúng ta sẽ vào thiên đàng hay hỏa ngục tùy theo cách chúng ta đối xử với người nghèo, đặc biệt là cách chúng ta đối xử với những người dễ bị tổn thương nhất. Trong chương 25 Tin Mừng thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã đặt ra tiêu chuẩn phán xét. Phải thấy được rằng, trong những tiêu chuẩn này, không nói đến liệu chúng ta có tuân giữ giới răn, có đi nhà thờ, hay có đời sống tình dục theo đúng luật. Chúng ta chỉ được phán xét dựa theo một điều duy nhất, là cách đối xử với người nghèo. Phần nào đáng sợ và bối rối khi chúng ta đối diện thẳng vấn đề này vì chúng ta sẽ vào thiên đàng hay hỏa ngục dựa trên cách chúng ta đối xử với người nghèo.
Tôi nêu bật điểm này vì thời nay, nhiều người trong chúng ta, các tín hữu kitô giữ đạo không thấy hay không thông cảm với “các cô nhi, quả phụ, và khách lạ” chung quanh chúng ta. Ai là những người dễ bị tổn thương nhất thời nay? Ai là người không có quyền có quyền, như lời của Gustavo Gutierrez nói về người nghèo?
Xin cho phép tôi mạo muội nói ra. Những “cô nhi, quả phụ, và khách lạ” trong thế giới ngày nay, là những trẻ em không được sinh ra, người tị nạn, và người nhập cư. Đáng mừng là, hầu hết các tín hữu kitô chân thành không làm ngơ trước cảnh ngộ của những trẻ em không được sinh ra. Nhưng ít đáng mừng hơn, khi nhiều người trong số chúng ta lại chẳng thấy cảnh ngộ của hàng triệu người tị nạn đang tìm kiếm ai đó để đón nhận họ. Mỗi bản tin đưa ra cho chúng ta thấy mình không chào đón khách lạ cho lắm.
Chúng ta đã quên mất lời cảnh báo của Chúa: “Các ngươi phải yêu quý khách ngoại kiều, bởi chính các ngươi cũng từng là khách ngoại kiều.” Đệ Nhị Luật 10, 18 -19.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch