ĐỨC TIN VÀ PHÉP LẠ

Mặc dù Thiên Chúa đầy quyền năng và tình thương có thể cho các phép lạ xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu, nhưng thực sự Người không bao giờ muốn thực hiện các phép lạ một cách tràn lan.

Suốt chiều dài lịch sử của Hội thánh, các Ki-tô hữu không ngừng được nghe nói đến hoặc chứng kiến và cảm nghiệm khá nhiều phép lạ xảy ra đó đây trên khắp thế giới. Sở dĩ các phép lạ được phép xảy ra là vì Thiên Chúa muốn bày tỏ cho con người về ý định cứu rỗi, quyền năng và tình thương quan phòng của Người. Phép lạ là một thứ ngôn ngữ và dấu chỉ cho thấy rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

Tuy nhiên Hội thánh cũng lưu ý rằng có nhiều trường hợp xảy ra những sự kiện tôn giáo được xem là “lạ” nhưng không được công nhận là phép lạ. Bởi vì xưa nay Hội thánh rất thận trọng trong việc khẳng định một sự kiện nào đó là phép lạ. Hội thánh luôn cân nhắc cũng như căn cứ trên một số tiêu chuẩn và điều kiện nhất định. Chúng ta nên lưu ý là, “Trong ngôn ngữ của Giáo hội, tiếng ‘phép lạ’ dùng để dịch danh từ ‘Miraculum’ tiếng La-tinh. Theo nguyên ngữ, nó ám chỉ một hiện tượng khác thường, gây ra ngạc nhiên, thán phục... Trong ngôn ngữ thần học thì để một sự kiện có thể gọi là phép lạ, cần hội đủ hai điều kiện: 1- thứ nhất, việc đó mang tính cách khác thường; 2- thứ hai, nó do Chúa làm ra. Hai điều kiện đi đôi với nhau thì mới được nhận là phép lạ” (Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P, bài “Phép lạ là gì?”, nguồn daminhvn.net).

Để trả lời câu hỏi “Phép lạ là gì?”, ĐGM José Luis Gutierrez thuộc Bộ Phong Thánh, tháng 10-2003 đã giải thích rằng “Đối với những nhà thần học, phép lạ ‘thông truyền một thông điệp cứu độ, đó là một điều phi thường đặc biệt làm mọi người khâm phục, một biến cố vượt trên những luật vật chất. Mục đích của phép lạ không nhằm gây thán phục nhưng là thông truyền một thông điệp cứu độ’. Dưới khía cạnh học thuyết, ĐGM Gutierrez nói rõ rằng ‘chỉ có Thiên Chúa mới làm phép lạ, Mẹ Maria và các thánh can thiệp vào’. Theo thánh Tô-ma, ‘phép lạ vượt trên thiên nhiên được tạo dựng và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được,’ ngài cũng nói: ‘những phép lạ thật chỉ có thể xảy ra do nhờ Thiên Chúa’ “ (LM An-tôn Nguyễn Trường Thăng, bài “Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi”, nguồn tgpsaigon.net).

* PHÉP LẠ CỦNG CỐ ĐỨC TIN
Phép lạ có một vai trò đặc biệt trong đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Nó giúp củng cố niềm tin và loan báo một sứ điệp nào đó cho con người. Mặc dù Thiên Chúa đầy quyền năng và tình thương có thể cho các phép lạ xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu, nhưng thực sự Người không bao giờ muốn thực hiện các phép lạ một cách tràn lan. Phép lạ chỉ thực sự xảy ra khi cần thiết và luôn có chủ đích. Mục đích của phép lạ luôn là thông truyền một thông điệp nào đó mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho con người. Chẳng hạn năm 1917 từ Fatima, Đức Ma-ri-a đã truyền đi thông điệp cho cả thế giới, như một điều kiện khẩn thiết để thế giới được hòa bình: “Hãy siêng năng lần hạt; hãy cải thiện đời sống; hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”.
Do đó, có thể suốt cuộc đời mình, Ki-tô hữu chúng ta không có dịp “nhìn” thấy phép lạ tỏ tường hay được hưởng những ơn đặc biệt do các phép lạ, nhưng chúng ta vẫn xác tín phép lạ là có thật vì chúng ta tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Mặt khác, chính đức tin soi sáng cho chúng ta biết ý nghĩa đích thực của các phép lạ Chúa làm.

Đức Giê-su, khi đi rao giảng về Tin Mừng Nước Thiên Chúa, ngoài việc trừ quỷ, ngài cũng đã làm nhiều phép lạ như hóa bánh ra nhiều, biến nước lã thành rượu ngon, chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, truyền khiến sóng gió im lặng vv... Một mặt các phép lạ Chúa làm đã giúp củng cố lòng tin của các môn đệ về những mạc khải của Ngài, mặt khác cũng giúp chứng minh hùng hồn về nguồn gốc thiên tử và sứ mệnh thiên sai của Ngài. Thực vậy, “Qua các phép lạ, Đức Giê-su chứng tỏ rằng Vương Quốc Đấng Massia được các sứ ngôn loan báo, đã hiện diện nơi chính bản thân Người (Mt 11,4 tt). Người làm cho người ta phải lưu ý đến Người và đến Tin Mừng của Vương Quốc mà Người là hiện thân. Người khơi dậy sự ngưỡng mộ và lòng kính sợ tôn giáo khiến con người phải tự hỏi xem Người là ai (Mt 8,27; 9,8; Lc 5,8 tt)” (x. Mục từ “Phép lạ”, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh GHHV Pi-ô X Đà-lạt).

Ngày nay, trong nhiều trường hợp, phép lạ đã khơi dậy niềm tin nơi nhiều người, kể cả các Ki-tô hữu cũng như những người lương dân. Nhiều người Công giáo đã bỏ đạo hay đang sống khô khan nguội lạnh, sau khi chứng kiến các phép lạ, họ thành tâm ăn năn thống hối, cầu nguyện và đã được nhiều ơn lành Chúa ban, đã trở lại với Chúa và có một đức tin mãnh liệt. Chúng ta đã nghe nói nhiều đến các ơn lạ từ phép lạ Đức Mẹ hiện ra tại Fa-ti-ma, tại Lộ-Đức, hay tại La-Vang vv... Tại đây có nhiều người đến cầu nguyện, đã được khỏi các bệnh-tật, đã được những ơn lành cầu xin, họ trở thành các chứng nhân sống động về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa cũng như về sự cầu bầu hiệu nghiệm của Đức Ma-ri-a. Trong khi đức tin giúp soi sáng ý nghĩa và mục đích của phép lạ, thì các phép lạ giúp phát sinh lòng tin và sự hoán cải.

* PHÉP LẠ TRONG ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU
Chúng ta phải khẳng định một điều là đức tin cần thiết cho đời sống Ki-tô hữu hơn là phép lạ. Có thể nói đức tin là yếu tố tiên quyết để phép lạ xảy ra. Nhất là nếu chỉ dựa vào phép lạ mới tin thì đó là dấu chứng tỏ đức tin chưa hoàn hảo (x. Ga 10, 38 ; 14,11). Chính Chúa Giê-su cũng thường xuyên nhấn mạnh đến vai trò của đức tin đối với các môn đệ và những người đi theo Ngài. Chẳng hạn Ngài nói về sức mạnh của lòng tin, “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em ” (Lc 17, 6). Và câu chuyện sau đây cũng cho thấy chính lòng tin vào Đức Giê-su đã chữa lành bệnh, “Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: ‘Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!’. Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: ‘Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.’ Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.” (Mt 9, 20-22).

Có thể nói phần đông các tín hữu chúng ta rất nhiệt tình đối với các sự lạ xảy ra nơi này nơi kia. Ngay cả đối với những sự kiện có thể là “lạ” nhưng chưa được giáo quyền công nhận, cũng vẫn gây sự quan tâm của nhiều người và thu hút họ đến các địa chỉ “thánh địa” để hành hương, chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Chẳng hạn, tại Việt-Nam, thường xuyên vẫn có nhiều đoàn hành hương đi đến các địa điểm được truyền tụng là đã xảy ra các phép lạ của Đức Mẹ, như La-Vang, Tà-Pao, La-Mã (Bến Tre), Măng Đen (Kon-tum) vv...    

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến điều này là, “Thật đáng buồn là có không ít các Ki-tô hữu giữ đạo chỉ vì phép lạ. Họ xem Chúa như một người làm phép lạ để phục vụ cho những nhu cầu của mình. Nơi nào xảy ra nhiều phép lạ, họ càng kéo đến đông, càng tỏ vẻ cung kính và quảng đại dâng hoa, dâng tiền bạc. Điều này chẳng những không giúp nhiều cho đời sống thiêng liêng mà còn biến tôn giáo của chúng ta thành một kiểu buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan và hạ thấp những chân lý đức tin. Dĩ nhiên, chúng ta có quyền xin Chúa thực thi những phép lạ, giúp dàn xếp những bất ổn trong gia đình, giúp chữa lành bệnh, giúp vượt qua khó khăn hoạn nạn… Nhưng chúng ta không nên xem phép lạ là điều kiện tối cần thiết phải có để tin vào Chúa. Cầu xin là việc ta cần làm, còn việc có ban cho ta theo lòng ta sở nguyện hay không là chuyện của Đấng Toàn Tri và Toàn Năng là Thiên Chúa. Ngài thừa biết điều gì tốt cho ta và khi nào ban cho ta thì có lợi cho ơn cứu độ của ta hơn” (Pr. Lê Hoàng Nam SJ, bài “Phép lạ, liệu có thật?”, nguồn dongten.net)./.


Aug. Trần Cao Khải