THẦN THÁI CỦA KITÔ HỮU

Trào lưu “quan trọng vẫn là thần thái” đang sốt trên các trang mạng xã hội để nói lên sự tự tin của một người, bất chấp tất cả, miễn là thể hiện một điều gì đó với tất cả niềm đam mê. Riêng đối với Kitô hữu, muốn làm gì thì làm, miễn là đạt được mục đích cuối cùng của cuộc đời mình là ơn cứu độ. Vì vậy thần thái của Kitô hữu chính là ơn cứu độ. Phụng vụ lời Chúa trong 3 tuần cuối cùng của mùa chay giúp chúng ta tập luyện để đạt được thần thái đó. Chúa Nhật thứ III là sự thanh tẩy tâm hồn mình. Chúa Nhật thứ IV là phải sống theo Đức Giêsu Kitô. Chúa Nhật thứ V hôm nay là phải chấp nhận thân phận của hạt lúa mì. Với gợi ý đó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về giá trị đích thực của cuộc đời chúng ta, hay theo trào lưu là thần thái của Kitô hữu
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Giêrêmia loan báo về một giao ước sẽ được Thiên Chúa ký kết không phải trên giấy tờ, mà vào tận đáy lòng của dân, dấu chỉ của giao ước đó là sự yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa: “Ta sẽ lập một giao ước mới, và không còn nhớ đến lỗi lầm của dân Ta nữa”. Qua đó Thiên Chúa cho biết giá trị đích thực của con người là được sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa.
Thánh vịnh 50 là tâm tình sám hối ăn năn của vua Đavit sau khi ông phạm tội tày trời là giết chết vị tướng của mình là Uria để chiếm đoạt vợ của ông ta. Tại sao vua Đavit lại sám hối ăn năn trong khi ông đường đường là một ông vua, hơn nữa là một ông vua với nhiều chiến công lẫy lừng? Thưa vì ông nhận biết chỉ có Thiên Chúa mới đem lại hạnh phúc cho cuộc đời mình.
Trong bài Tin Mừng, khởi đi từ việc có những người Hy Lạp đi dự lễ Vượt Qua ở Giêrusalem muốn gặp Đức Giêsu, mà những người này là những người dân ngoại, họ nghe nói về Đức Giêsu nên muốn tìm đến với Ngài. Lúc đó, Đức Giêsu thốt lên: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Tại sao khi những người dân ngoại tìm đến Chúa, Chúa nói đó là lúc Con Người được tôn vinh? Ngài cho chúng ta thấy mong mỏi của Thiên Chúa là cho con người được biết Ngài, tin vào Ngài. Ngài xuống thế làm người là để rao giảng tin mừng tình thương của Thiên Chúa. Công sức của Ngài bỏ ra như hạt lúa gieo vào lòng đất, bất chấp tất cả, miễn là làm sao có người được biết Chúa. Hôm nay hạt giống mục nát đó đã sinh bông hạt, bằng chứng là những người dân ngoại lên đền thờ Giêrusalem để dự lễ và muốn được gặp Chúa. Đức Giêsu đã chấp nhận mất mát để đem đến ơn cứu độ cho con người, thì con người cũng phải bất chấp tất cả để có được ơn cứu độ đó. Thần thái của Kitô hữu là vậy!
Đức Giêsu đến trần gian là vì tổ tông loài người đã chọn lựa sai lầm hạnh phúc của cuộc đời họ. Ông bà nguyên tổ đã không chọn sống trong hạnh phúc với Chúa, nhưng họ muốn thứ hạnh phúc khác ngoài Chúa, thứ hạnh phúc làm thỏa mãn tính kiêu căng của họ. Chọn lựa đó làm cho họ phải gánh chịu hậu quả là mất đi hạnh phúc với Chúa, mà cũng chẳng có hạnh phúc từ “trái táo”. Nhưng chỉ vì yêu thương loài người mà Thiên Chúa đã sai Con Một của mình là ĐGK đến trần gian để chuộc lại lỗi lầm cho con người, trả lại hạnh phúc cho họ. Ngài không cứu độ bằng những hình thức dễ dãi như hứa ban nhà lầu, xe hơi, trái táo cắn vỡ,… hoặc chỉ bằng lời nói quyền năng của Ngài, mà Ngài đã cứu độ bằng con đường thập giá, bằng chính mạng sống của Ngài, để chúng ta thấy hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban cho con người quý giá biết là chừng nào. Thần thái của con người còn lâu mới bằng thần thái của Đức Giêsu.
Có những người không biết được cùng đích của cuộc đời mình nên đã dẫn đến chọn lựa sai lầm. Đối với họ chỉ có hạnh phúc ở đời này với những gì có thể cảm nhận được, ví dụ tiền bạc, vật chất, được thỏa thích với những gì mình muốn; cao hơn một chút là được yêu thương, được nhìn nhận, được tôn trọng… chỉ thế thôi. Vì vậy khi không nhìn thấy được những điều đó nữa, thì không còn lý do gì để sống cả. Đó là lý do trong thời hiện đại mà vẫn có nhiều vụ tự tử xảy ra, lại xảy ra ở ngay những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Lo lắng nhất của xã hội ngày hôm nay hay có thể gọi là vấn nạn của các gia đình chính là việc nhiều người lấy ma túy hay những chất gây nghiện khác làm niềm vui. Mà một khi đã dính đến những chất gây nghiện này, không sớm thì muộn chắc chắn sẽ hủy hoại con người đó, vì nó sẽ làm tê liệt thần kinh, gây nên ảo giác, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân, mất hết lý trí, ý chí và nhân cách của con người; gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội… Cho nên đó có phải là cùng đích của con người không?
Có những người, kể cả người Công giáo, lấy tiền bạc làm cùng đích cho cuộc đời mình. Vì vậy mà ưu tiền hàng đầu trong cuộc đời của họ chính là việc kiếm tiền. Dĩ nhiên việc kiếm tiền để lo cho gia đình được ổn định là chuyện cần thiết, nhưng có những người vì kiếm tiền mà bất chấp tất cả, kể cả việc bỏ lễ và làm điều xấu. Nhưng thử hỏi việc kiếm tiền đó có đem lại hạnh phúc đích thực cho họ không bởi vì đến ngày chết người ta không đem theo được gì cả…
Những chọn lựa sai lầm này khiến cho chính họ phải gánh lấy hậu quả vì họ không được hạnh phúc đích thực, mà nó còn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau, vì chính người lớn không cho thế hệ tiếp nối thấy được đâu là giá trị vững bền. Nếu cha mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả để được hạnh phúc thật thì con cái cũng sẵn sàng vượt qua những khó khăn hiện tại để có được hạnh phúc như cha mẹ nó. Nếu thầy cô, những người lớn xung quanh dám từ bỏ những thói hư, những tật xấu vì một hạnh phúc trong tương lai, thì đứa trẻ cũng cảm nhận và sẽ sống cho một tương lai hạnh phúc.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người biết chọn cho mình giá trị đích thực, đúng đắn. Giá trị đó không phải là những thứ chóng qua, cũng không phải là những danh vọng hão huyền, càng không phải là dục vọng thấp hèn. Giá trị đó chính là ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô đã đem đến cho con người. Khi chọn giá trị đó, đòi hỏi con người phải biết hy sinh, nỗ lực dấn thân vì một tương lai tốt đẹp. Nói cách khác, khi chọn sống theo giá trị này, con người phải chấp nhận chết đi mỗi ngày như hạt lúa gieo vào lòng đất phải mục nát đi thì mới sinh nhiều bông hạt. Đây không phải lý thuyết mà đạo công giáo đưa ra để người ta tự khám phá, ai thấy hay thì theo; mà đây là con đường chính Đức Kitô đã đi, tất cả những ai muốn có được giá trị đích thực cũng phải đi trên con đường này. Con đường này còn được các thánh, nhất là các thánh tử đạo, rồi những bậc cha ông tổ tiên của chúng ta can đảm bước theo. Có nhiều gia đình bây giờ nhìn lại để họ tự hỏi điều gì  đáng tự hào nhất mà ông bà tổ tiên của họ để lại? Thưa không phải tiền bạc, tài sản, mà chính là đời sống đạo của ông bà tổ tiên. Nhưng đến thời chúng ta đã đánh mất đi gia sản quý giá của cha ông. Chúng ta phải sám hối về điều đó. Hay nói cách khác, thần thái của chúng ta lạ lẫm lắm so với thần thái của ông bà tổ tiên.
Điều quan trọng là chúng ta phải nhắc nhở mình mỗi ngày biết chết đi với những đam mê, những tội lỗi. Không ai muốn mình phải mất ơn cứu độ đời đời. Chỉ tại vì những đam mê, những tật xấu đã dính bén vào con người của mình quá sâu, hay nói theo kiểu y học, nó đã trở thành khối u và gây nên chứng ung thư tâm hồn. Muốn được cứu, dứt khoát phải chấp nhận làm một cuộc giải phẫu để cắt bỏ khối u đó. Từ bỏ nào cũng gây đau đớn, nhưng có đau đớn mới cắt bỏ những khối u sấu xa khỏi con người chúng ta. Mùa chay thánh năm nay là thời gian thuận tiện để chúng ta làm cuộc giải phẫu tâm hồn khi dám nhìn thẳng vào những đam mê, những tội lỗi của mình, và nói thẳng với nó: chính mày là nguyên nhân làm cho tao mất linh hồn, mất ơn cứu độ đời đời. Và hứa với lòng mình từ đây phải tăng sức đề kháng để chống lại với những cám dỗ làm mất ơn cứu độ bằng cách gắn bó với Chúa mỗi ngày một hơn.
Xin ơn Chúa giúp qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse và cha Phanxicô cho chúng ta biết đâu là hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Và khi đã biết rồi, xin cho chúng ta mạnh dạn để từ bỏ những gì không xứng hợp với hạnh phúc đó. Hãy mạnh dạn bày tỏ thần thái của chúng ta!
                                                                                                   Lm. Giuse Nguyễn