SUY NIỆM:THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊ-SU

Lễ Giáng sinh ngày nay không chỉ dành riêng cho người kitô hữu nữa, mà đã trở nên ngày Lễ hội dành cho cả thế giới. Đi đến đâu cũng thấy không khí Giáng sinh tưng bừng náo nhiệt. Những kiểu trang trí đẹp mắt, những khúc nhạc Giáng sinh du dương êm ái lòng người. Niềm vui tràn ngập nơi nơi.
Nhưng niềm vui ấy kéo dài được bao lâu, khi con người lại quay trở lại cuộc sống đời thường, rồi kỷ niệm Giáng sinh lai lui vào quá khứ.
Năm nay cũng mùa Giáng sinh nữa lại sắp qua đi, trong tôi lại ùa về một suy nghĩ. Sau khi Giáng sinh Chúa Giêsu đã phải trải qua một giai đoạn thầm lặng và khó khăn nhất. Đó là gia đình của Chúa phải tha hương, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã phải vất vả thế nào để vượt qua chặn đường gian nan như thế. Hoàn cảnh của gia đình Thánh gia lúc đó, cũng phù hợp với nhiều hoàn cảnh gia đình trong xã hội ngày hôm nay đang gặp phải trước vấn đề di dân, để mưu cầu một cuộc sống bình an.  
Vì thế, tôi suy niệm về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu qua năm chặng đường, để có còn đọng lại chút gì hơi ấm của hang đá bò lừa mà Chúa đã Giáng sinh hay không?
1. Thiên thần báo tin cho các mục đồng Đấng Cứu Thế đã sinh ra
Ta hãy xin cho được tấm lòng đơn sơ để nhận biết Chúa.
Chúa Giêsu đến trần gian để cứu chuộc nhân loại. Một vì Thiên Chúa hạ mình xuống để trở nên thân phận con người, hầu đưa con người giao hòa trong tình thương với Thiên Chúa. Thế mà Ngài phải chịu sinh ra trong nghèo hèn nơi hang bò lừa.
Vì nghèo nên không được đón tiếp vào quán trọ. Vì nghèo nên phải chịu cảnh lầm than lạnh lẽo không có nôi ấm chăn êm. Vì nghèo nên phải nằm trong máng cỏ với tấm vải mong manh. Và vì nghèo nên không ai đến viếng thăm, chỉ có các mục đồng là những người nghèo đến chia sẽ nỗi vui với Ngài.
Trong xã hội ngày hôm nay có biết bao người còn đang phải chịu cảnh nghèo đói, họ mong có được một chút hơi ấm của ngày Giáng sinh mà có được đâu. Vì mưu sinh mà họ phải vất vả kiếm sống để có được miếng cơm manh áo. Các mục đồng ngày xưa, họ đã nếm trải cái nghèo dưới sự lạnh lẽo của mùa đông giá rét, nhưng họ đã ấm áp bởi tình thương Chúa đến với họ. Còn người nghèo ngày hôm nay, họ đã phải chịu cảnh lạnh lẽo của mùa đông mà còn thêm sự giá băng của lòng người.
Chúa đến ban hơi ấm bình an cho con người, nhưng con người lại mang sự lạnh lẽo cho nhau. Trước những vấn nạn đau thương như thế, xin Chúa Hài Đồng biến đổi tâm hồn mỗi người trên thế giới này biết mở lòng ra đón nhận Chúa và biết san sẻ tình thương đó đến với những người còn trong cảnh lầm than. 
2. Đức Giêsu tỏ mình cho ba nhà đạo sĩ
Ta hãy xin cho những người chưa biết Chúa đón nhận được Ơn Cứu Độ.
          Giáng sinh đến tôi thấy ai ai cũng vui tươi hớn hở, chuẩn bị cho mình nhiều thứ để vui Giáng sinh. Nào là quần áo, giày dép… diện sao cho đẹp để đến bên hang đá chụp hình. Nhưng có ai hiện thực như ba nhà đạo sĩ hay không? Các ngài là những người ở phương xa đi tìm vị vua mới sinh để triều bái. Các ngài cũng đã chuẩn bị lễ vật thật xứng đáng nhưng không cho mình mà dành cho Chúa Giê-su.
          Còn chúng ta cứ hằng năm “ đến hẹn lại lên”, chúng ta đã chuẩn bị gì cho Chúa? Hay chỉ là bề ngoài đẹp đẽ lộng lẫy, mà quên chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng hy sinh, hãm mình, bác ái để giúp đỡ những người xung quanh còn đang thiếu thốn.
           Sứ mạng mỗi người kitô hữu là ra đi rao giảng Tin mừng. Vì thế chúng ta hãy mang Tin mừng Giáng sinh đến với những người chưa biết Chúa, những người cần tình thương của Chúa qua chúng ta. Để Chúa có thể Giáng sinh nơi lòng họ, như xưa Chúa đã tỏ ra cho ba nhà đạo sĩ.
3. Đức Giêsu, Đức Maria, Thánh Giuse trốn sang Ai cập
Ta hãy xin cho mọi người vượt qua mọi khó khăn và chiến tranh.
          Giáng sinh trong cảnh nghèo hèn, không tìm được quán trọ, Thánh gia đành phải tìm nơi hang bò lừa. Hoàn cảnh éo le khi sắp sinh nở mà con người không đón tiếp. Và khi sinh ra chưa được bao lâu thì con người lại xua đuổi. Éo le lại càng éo le hơn, khi Con Chúa mới sinh ra mà phải chịu cảnh tha hương, khi Vua Herode tìm cách giết hại. Cũng vì quyền lợi, chức quyền, địa vị mà Chúa phải khổ đau từ lúc mới sinh. Sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su đã gánh lấy từ khi mới sinh. Khi còn non nớt như thế, mà cả gia đình Thánh gia phải phêu bạt sương gió náo thân nơi đất khách quê người, hầu chu toàn sứ mạng cứu độ nhân loại.  
          Xã hội ngày hôm nay cũng đầy dẫy những con người như thế. Vì quyền lợi, chức quyền địa vị mà nhiều người phải lầm than đói khổ về vật chất lẫn tinh thần, phải tha hương cầu thực để mong có một cuộc sống bình yên. Cũng vì quyền lợi mà trên thế giới xảy ra xung đột, chiến tranh khắp nơi làm cho biết bao con người lìa xa gia đình, rời bỏ quê hương. Cũng vì quyền lợi mà con người ngày hôm nay không ngại dùng những thủ đoạn để đạt được lợi ích mà mình mong muốn. Ở mọi lãnh vực nghề nghiệp, mua bán, y tế, thực phẩm… hầu như tất cả cũng vì quyền lợi mà con người giết hại lẫn nhau.
4. Đức Giêsu và Cha mẹ trở về Nadaret
Ta hãy xin cho mọi gia đình luôn sống bình an.
          Gia đình Thánh gia đã phải lang thang nơi đất khách quê người, để thoát cảnh lùng bắt của Vua Herode. Thời gian dành cho sứ mạng cứu chuộc chưa tới, nên ý định của Chúa Cha đã dùng cách thế lánh nạn để chờ đợi đến thời đến buổi mới thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.
          Thời gian ở trần thế này cũng là thời gian để chúng ta chấp nhận thử thách. Dù cuộc sống có đau khổ, có bị bách hại thể xác hay tinh thần. Thì đó cũng là bước qua con đường thập giá mà Chúa đã trải qua.
          Ở nhiều đất nước thời đại hôm nay, chạy theo vật chất hưởng thụ, con người loại Thiên Chúa ra bên ngoài. Vì thế, mà nhiều nơi người kitô hữu bị bách hại cách này hay cách khác. Viễn tượng nào đó họ chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa ở thế gian này, giống như Vua Herode và dân Do thái xưa đã khước từ sự hiện diện của Ngôi Hai.
5. Đức Giêsu lên Giêrusalem và ở lại đền thờ
Ta hãy xin cho được tấm lòng trong sạch để là đền thờ cho Chúa ngự.
          Chúa Giêsu sống tuổi thơ êm đềm như bao trẻ Do thái cùng trang lứa. Nhưng chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã được Thánh Giuse và Mẹ Maria chăm sóc rất đặc biệt. Thánh Luca thuật lại “ còn Hài Nhi càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
          Dẫu rằng là Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu đã thực hành những lề luật giống như bao người Do thái khác. Vì thế, Chúa Giêsu được Cha mẹ đưa lên Giêrusalem để mừng đại lễ Vượt qua theo đúng lề luật Do thái.
          Ngày hôm nay, nhiều bậc cha mẹ công giáo có vẻ như không quan tâm về những bổn phận của người kitô hữu. Ít quan tâm đến việc học giáo lý, hướng dẫn con cái đi lễ ngày thường và tham gia các sinh hoạt trong họ đạo. trái lại thì những hoạt động ngoài xã hội như học ở trường, học thêm những khả năng khác hay vui chơi giải trí thì ưu tiên hơn. Do đó chúng ta hãy nhìn lại thời thơ ấu của Chúa Giêsu nơi gia đình Thánh gia, để noi gương bắt chước đời sống đạo nơi mỗi gia đình kitô hữu chúng ta.
Kết luận
Qua vài dòng suy tư về Mầu nhiệm Giáng sinh như thế, chúng ta có còn chút gì đó để dâng cho Chúa Hài Đồng. Và cũng nhìn vào hiện tại, đâu đó trên thế giới này thấp thoáng những hoàn cảnh giống gia đình Thánh gia khi xưa. Đồng thời, hướng tới tương lai để mỗi người chúng ta noi gương Thánh gia sống theo thánh ý Chúa. Luôn vâng theo ý Chúa dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào cũng hãy phó thác vào Chúa, đi theo sự hướng dẫn của Chúa để được hưởng ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng xin cho mọi người kitô hữu chúng con biết chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống này, để chúng con vững tin vào Chúa. Xin cho những gia đình Công giáo ngày hôm nay cũng biết noi gương gia đình Thánh gia sống hoàn toàn theo thánh ý Chúa và biết dạy dỗ con cái mình chu toàn những bổn phận của người con Chúa.
Huyền Thoại