CÁI NHÌN NGƯỠNG PHỤC

Hạnh phúc thật sự nằm ở khả năng biết ngưỡng phục, chú ý đến những gì ngoài bản thân mình, thưởng thức cái đẹp và tài năng của người khác mà không cố gắng chiếm hữu chúng.

Càng lớn tuổi tôi càng tin rằng sự trưởng thành về mặt tinh thần nằm ở khả năng biết ngưỡng phục – biết ngưỡng phục cái đẹp, tài năng, tuổi trẻ, mà không cố gắng chiếm hữu chúng.

Phải mất nhiều năm và buồn khổ triền miên mới hiểu được điều đó. Hạnh phúc không đến từ việc đạt được những điều vĩ đại, trở thành trung tâm chú ý, hay một cách nào đó được công nhận là khác thường, riêng biệt. Thật là nghịch lý, điều gần như ngược lại lại là đúng, hạnh phúc thật sự nằm ở khả năng biết ngưỡng phục, chú ý đến những gì ngoài bản thân mình, thưởng thức cái đẹp và tài năng của người khác mà không cố gắng chiếm hữu chúng.
Nói thì dễ nhưng làm thì không dễ chút nào. Ngành siêu hình học của chúng ta bẩm sinh đã chống lại điều đó. Linh hồn và thể xác của chúng ta cũng chống lại điều đó. Chúng ta muốn chiếm hữu những gì đẹp đẽ, ghì lấy và biến nó thành của mình. Quả tim muốn chiếm đoạt, sở hữu, và làm chủ những gì lôi cuốn nó. Đó là cách chúng ta được dựng lên.
Và đó cũng là lý do tại sao chúng ta thường thấy quá khó khăn khi chiêm ngưỡng cái đẹp. Lạ là, thay vì có cảm giác đầy hân hoan, sự chiêm ngưỡng cái đẹp thường lại làm cho chúng ta buồn bã và bồn chồn. Cái đẹp thu hút chúng ta, thậm chí đôi lúc còn khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng, thường thường, nó để lại dư âm vừa ngọt ngào, vừa chua chua: “Cái này đẹp, nhưng tôi không thể có nó, vì thế nó lại càng làm cho tôi thấy rõ hơn các chuyện tôi không có khác!” Chiêm ngưỡng cái đẹp, thường để lại trong tâm tư chúng ta một tâm trạng bồn chồn và buồn bã, vì chúng ta không có khả năng chiêm ngưỡng cái đẹp.
Etty Hillesum, trong cuốn hồi ký đầy cảm động, Một Cuộc Đời Gián Đoạn, diễn tả điều này rất đúng: 
“Và ở đây tôi đã vấp phải một điều gì đó thiết yếu. Bất cứ khi nào tôi thấy một bông hoa đẹp, tôi chỉ muốn ghì nó vào lòng, hay muốn ngốn hết nó. Một phong cảnh đẹp thì khó hơn, tuy nhiên cảm xúc thì vẫn vậy. Tôi quá nhạy cảm, cũng có thể nói rằng tôi quá thèm khát. Tôi muốn có trong tay mọi thứ tôi nghĩ là đẹp, tôi muốn sở hữu lấy chúng. Tuy nhiên đau đớn thay là nỗi khát khao đó không bao giờ được thỏa mãn, niềm mong muốn thiết tha có được một điều gì đó lại không thể đạt được, cái mà tôi gọi đó là sự thôi thúc sáng tạo. Tôi tin rằng đó là cảm xúc mãnh liệt khiến tôi nghĩ mình sinh ra là để viết nên những tác phẩm vĩ đại. Nhưng cảm xúc đó bỗng nhiên thay đổi, chỉ mình Chúa mới hiểu những gì đã xảy ra, nó khác với bây giờ. Tôi mới nhận ra nó sáng nay, khi tôi nhớ lại cuộc đi dạo ngắn quanh câu lạc bộ Skating cách đây mấy đêm. Lúc đó đã chạng vạng, trời điểm những mảng màu nhẹ, những chiếc bóng bí ẩn của các ngôi nhà, cây cối lay động theo ánh sáng xuyên qua cành lá, tóm lại phong cảnh rất hữu tình. Và khi đó tôi chợt nhận ra chính xác những gì tôi đã cảm nhận trong quá khứ. Và rồi tất cả vẻ đẹp biến mất như một vết dao đâm vào tim, tôi không biết phải xoay sở ra sao với cơn đau này cả. Khi đó tôi muốn làm thơ, nhưng chữ nghĩa lại không đến trong đầu tôi. Tôi cảm thấy vô cùng khốn khổ, đắm mình trong cơn đau và kết quả là tôi hoàn toàn kiệt sức. Trải nghiệm đó hủy hoại tất cả năng lượng của tôi. Lúc này đây tôi biết lý do đó là: sự thủ dâm tinh thần. Nhưng đêm ấy, tôi đã phản ứng hoàn toàn khác. Tôi cảm nhận rằng trời đất của Thiên Chúa tươi đẹp dù mọi sự có thế nào đi nữa, nhưng vẻ đẹp đó giờ đây rót đầy hân hoan cho tôi. Tôi xúc động bởi huyền nhiệm đó, vẫn khung cảnh chạng vạng như tôi thấy trước đó, nhưng không biết sao tôi không còn ý muốn sở hữu nó nữa. Tôi trở về nhà như mình được tiếp thêm sức lực và trở lại với công việc. Cảnh vật ở lại với tôi, đặt trong phông nền như một chiếc áo choàng về linh hồn tôi, tôi viết về nó một cách nên thơ, nhưng nó không còn kìm giữ tôi nữa: Tôi không còn thủ dâm với nó.” 
Ngưỡng phục một ai đó cuốn hút hay một điều gì đó đẹp đẽ mà không cố gắng chiếm hữu, đó là nghĩa vụ đúng đắn, không chỉ của nền mỹ học nhưng, đặc biệt, của nền tảng thiêng liêng. Khi chàng thanh niên giàu có đến gần Đức Giêsu và hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, con phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?”, Đức Giêsu nhẹ nhàng bảo: “Hãy về bán tất cả những gì con có, lấy tiền cho kẻ nghèo. Con sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi đến mà theo Ta.” Nhưng, như chúng ta đều biết, câu chuyện đã không kết thúc như mong muốn. Chàng thanh niên buồn rầu chán nản bỏ đi, vì chàng không thể làm theo những gì Đức Giêsu bảo với chàng.
Đó cũng là vấn đề của chúng ta, đại thể, cũng là nỗi buồn bã. Chúng ta không thể đứng trước cái đẹp mà không cố gắng, như chàng thanh niên giàu có, sở hữu lấy nó, khép chặt tay lại để giữ nó. Giá như chúng ta có thể mãn nguyện chỉ đón nhận nó, ngưỡng phục nó, chúc phúc cho nó thôi, thì nỗi bồn chồn và buồn bã của chúng ta đã có thể chuyển thành niềm hân hoan.
Càng lớn tuổi, chúng ta càng hiểu chân lý đó hơn, dù không phải lúc nào nó cũng là nghĩa vụ. Nhưng thật hữu ích, rất hữu ích, khi nhận ra phương hướng để đạt đến bình an và trưởng thành. Hi vọng một ngày nào đó, như Etty Hillesum, niềm hân hoan sẽ bắt chụp được chúng ta một cách bất ngờ, khi chúng ta nhìn vào cái đẹp lôi cuốn tâm hồn mình và chúng ta có thể nói lên: Cái này thật tuyệt, và tôi không cần phải giữ nó riêng mình cho tôi!”
J.B. Thái Hòa dịch
Ronald Rolheiser,