Những năm làm việc sinh ích của chúng ta là một cuộc đua đường
dài chứ không phải cuộc đua nước rút, do đó sẽ khó giữ vững tính mềm mại, lòng
quảng đại và kiên nhẫn khi phải đi qua những lúc mệt mỏi, thử thách, cám dỗ vây
quanh chúng ta trong suốt đời sống người lớn. Khi phải dựa hoàn toàn vào chính
mình, chỉ tin vào sức mạnh của ý chí, chúng ta thường mệt mỏi, sức chịu đựng đi
xuống, làm việc nửa vời, cả trong sự chín chắn và kỷ luật của mình. Chúng ta cần
một hỗ trợ từ bên ngoài, từ một nơi nào đó nằm ngoài hỗ trợ của con người, và sự
hỗ trợ đó sẽ nâng đỡ chúng ta. Chúng ta cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, một sức
mạnh khởi xuất từ một điều gì đó cao hơn sức mạnh của con người. Chúng ta cần cầu
nguyện. Nhưng thường thì chúng ta nghĩ về cầu nguyện là lòng mộ đạo hơn
là một cái gì thực tế. Hiếm khi chúng ta hiểu cho thấu cầu nguyện thật ra là một
vấn đề sống chết đối với chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện không phải vì Chúa cần
lời cầu nguyện, nhưng nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy
một cái gì kiên định trong đời sống của mình. Đơn giản, nếu không cầu nguyện,
chúng ta sẽ luôn luôn hoặc sống quá nhiều về bản thân, hoặc quá thiếu sinh lực,
nói cách khác, hoặc tự mãn hoặc chán nản. Tại sao vậy? Mổ xẻ vấn đề này, chúng
ta sẽ thấy gì?
Dù hiểu theo tất cả những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống
Kitô giáo hay không, cầu nguyện mang đến cho chúng ta hai điều cùng một lúc: Nối
kết chúng ta với sinh lực thiêng liêng và cho chúng ta nhận thức. Năng lực này
không phải của chúng ta, nó đến từ một nơi khác, và có lẽ chúng ta chẳng bao giờ
xác định được. Với tác động của nó, cầu nguyện sẽ đổ đầy sinh lực thiêng liêng
cho chúng ta, cùng lúc nó cho chúng ta biết sinh lực này không phải của chúng
ta, sinh lực này hoạt động trong chúng ta, nhưng không phải do chính chúng ta.
Để lành mạnh, chúng ta cần cả hai: Nếu mất nối kết với sinh lực thiêng liêng,
chúng ta sẽ cạn kiệt sinh lực, nản lòng và thấy trống rỗng. Ngược lại, nếu để
sinh lực thiêng liêng tuôn chảy mà không cần xác định chính xác nó là gì, cứ
nghĩ nó là của mình, thì từ đó chúng ta thành người tự đại, tự mãn, tự cho mình
là quan trọng và kiêu ngạo, rồi từ đó sẽ ích kỷ và hư mất.
Để làm sáng tỏ điều này, Robert Moore đã minh hoạ một hình ảnh
rất hữu ích, một chiến đấu cơ nhỏ cần được tiếp năng lượng trong lúc bay. Chúng
ta từng xem các đoạn phim ngắn, chiếu cảnh một chiến cơ được tiếp nhiên liệu
trong khi bay. Tàu mẹ với dự trữ nhiên liệu khổng lồ, bay trên tàu con. Tàu con
phải bay đủ gần tàu mẹ, để vòi xăng từ tàu mẹ nối được với tàu con, và đổ đầy
nhiên liệu cho nó. Nếu không làm được cách nối này, tàu con sẽ cạn nhiên liệu
và sẽ rớt. Ngược lại, nếu nó bay thẳng vào và nhập một với tàu mẹ, thì nó sẽ
cháy. Một vài hình ảnh trên nói lên được tầm quan trọng của cầu nguyện trong
đời sống chúng ta. Không có cầu nguyện, mãi mãi chúng ta sẽ chỉ thấy mình giao
động chập chờn giữa cạn kiệt sinh lực và quá nhiều cái tôi. Nếu không nối kết với
sinh lực thiêng liêng, chúng ta sẽ như phi cơ cạn xăng. Nếu nối kết với sinh lực
thiêng liêng theo kiểu đồng nhất vào đó, chúng ta sẽ huỷ hoại chính mình.
Cầu nguyện sâu đậm vừa thêm sinh lực, vừa làm trụ nâng đỡ
chúng ta. Chúng ta có thể thấy điều này nơi mẹ Têrêxa, người thiết tha với sinh
lực sáng tạo nhưng luôn luôn xác định rõ ràng, sinh lực này không xuất phát từ
mình, mà chính từ Thiên Chúa, mẹ chỉ là tạo vật khiêm hèn mà thôi. Thiếu cầu
nguyện sẽ tạo ra hai dạng tương phản với mẹ Têrêxa. Một mặt, nó làm cho những
người đầy sinh lực sáng tạo trở nên cực kỳ tài năng và hăng hái, nhưng đồng thời
cũng đầy cái tôi và tự đại; hay ngược lại, nó làm cho người ta cảm thấy trống rỗng
và tẻ nhạt, không phát ra được sinh lực tích cực nào. Không có cầu nguyện,
chúng ta sẽ luôn luôn chao qua chao về giữa hai trạng thái tự đại và nản lòng.Vì thế, là người nhạy cảm, nếu trong đời sống, tôi
không cầu nguyện một cách trung thực, tôi sẽ sống trong khủng hoảng thường
xuyên, ngại rằng nếu tôi bám lấy và hành động trên sinh lực của mình sẽ làm cho
người khác nghĩ rằng tôi chỉ biết nghĩ đến cái tôi của mình. Vì là người nhạy cảm,
tôi không chấp nhận như thế, nên tôi chôn vùi các sinh lực tốt nhất của mình với
lối suy nghĩ vô thức rằng nản lòng thì tốt hơn là bị cho là ích kỷ. Nhưng Chúa
Giêsu, trong dụ ngôn kể về các tài năng, đã cảnh báo mạnh mẽ về cái giá phải trả
khi chôn vùi tài năng của mình, cụ thể là, những gì chúng ta phải trả là sự trống
rỗng, giận dữ, và thiếu vui tươi trong cuộc sống. Thường thường, khi chúng ta
dò sâu xuống bên dưới các giận dữ, ghen tương, chúng ta sẽ thấy nơi đó có một
tài năng bị chôn vùi đang cay đắng vì bị đè nén. Đức hạnh có được nhờ đè nén
sinh lực sẽ dẫn đến nỗi chua cay mà thôi.
Ngược lại, nếu tôi không quan tâm đến việc người khác nghĩ
tôi là người ích kỷ, cuộc sống tôi cũng chẳng biết cầu nguyện thực sự là gì,
thì tôi sẽ để những dòng sinh lực thiêng liêng chảy tự do trong tôi, và tôi sẽ
đồng nhất mình với chúng như thể chúng là của tôi, là tài năng của tôi và tặng
vật của riêng tôi, kết cục tâm hồn tôi sẽ đầy cái tôi và tự đại, và rồi những
người xung quanh sẽ mong tôi sớm gặp khủng hoảng!
Không có cầu nguyện, mãi mãi chúng ta sẽ hoặc cạn kiệt sinh lực
hoặc mang trong mình quá nhiều cái tôi, chỉ vậy mà thôi.
(Fr.
Ron Rolheiser, OMI)