Kết thúc một chuyến đi dài, những ký ức đọng lại với những cảm xúc lưu
luyến, Bệnh Viện Nhân Ái, là nơi tôi vừa rời khỏi đã muốn quay trở lại. Cha Giuse
người dẫn đường đã cho chúng tôi một hành trình ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa.
Chuyến đi bắt đầu từ 7h30 phút sáng, lúc đầu, khi nghe được ra ngoài thì
cũng háo hức, rồi lại nghe đến cái tên: “bệnh nhân bị nhiễm HIV” thì thấy hơi sợ,
còn nghe đến cái tên Bình Phước, ôi thật ngán ngẩm, đối với một đứa say xe như
tôi thì chặng đường dài 200 cây số, đi trong 4 tiếng thật một cực hình. Tôi cảm
thấy mệt mỏi trên suốt chặng đường đi, người không còn chút sức lực. Khi tới
nơi, tôi nằm liệt trên giường, chẳng lê nổi chân để ra ăn cơm dù cho quý Soeur ở
đây đã phải quá giờ ăn trưa để chờ chúng tôi đến. Một chị vào bảo tôi: “chị
cũng mệt lắm nhưng mình đến đây là để phục vụ mà em”. Câu nói này làm tôi bừng
tỉnh, tôi đã quên mất mục đích tới đây, tôi choàng dậy và bước ra tham gia cùng
mọi người. Sau khi nghỉ ngơi, đến 3h00 chiều chúng tôi đi bộ lên bệnh viện, cảnh
ở đây khá đẹp, chúng tôi đi trên con đường nhựa rộng rãi lưng đồi, nhìn xuống
chân đồi, xuyên qua những hàng cây là những vũng nước nhỏ, nối dài như con sông
ôm giữa mình một vài miếng đất nhô lên được phủ đầy cây xanh như những hòn đảo
nhỏ. Ở đây gió mát như không khí Đà lạt. Tạ ơn Chúa vì có nơi đẹp như thế này dành
cho bệnh nhân.
Khi
bước vào khuôn viên khu C của bệnh viện, thật khó hình dung các bệnh nhân đang
tập hát chuẩn bị dự lễ như thường lệ, một tuần một lần. Hôm đó, Cha Giuse cử
hành thánh lễ, một thánh lễ sốt sắng với những giọng hát to, đồng đều, cất cao ở
một cung lơ lửng mà chị em tôi chẳng thể hát theo. Những người dự lễ mang đồng
phục áo xanh ngồi thẳng hàng, nghiêm trang, thánh thiện nếu họ không mặc trang
phục bệnh nhân, thử hỏi có ai biết đây là những người nhiễm bệnh HIV-AIDS. Họ
làm tôi khá ngạc nhiên, những con người đang cần được chúng tôi quan tâm thì đã
quan tâm chúng tôi trước: mời các Soeur ngồi ghế, sách hát của Soeur đây, đứng
gọn cho Soeur rước lễ, Soeur để con xếp ghế cho,… Vậy đấy, tôi tự hỏi: “rốt cuộc
thì ai đang là bệnh nhân?”
Thánh
lễ xong, chúng tôi ở lại với họ đến giờ cơm tối. Đang ngơ ngơ chẳng biết làm
gì, tôi bắt gặp một người ngồi xe lăn, tôi chạy đến xin giúp đẩy xe. Người ngồi
xe là một anh thanh niên tên Nam, phòng cấp cứu 1, đây là căn phòng tôi bắt đầu
công việc của mình. Tôi bóp tay; bóp chân, trò chuyện và hỏi thăm những câu hỏi
như khuôn đúc quê quán, người thân, tên , tuổi… Tôi nhận được các câu trả lời mỗi
người một khác nhưng không câu nào khiến tôi bỏ ngoài tai. Họ chia sẻ thật
lòng, tôi như cảm được nổi vui, buồn của họ. Có lẽ họ cần ai đó chia sẻ, đứng
bên giường ghé tai nghe họ nói như phần nào giúp họ có niềm vui an ủi. Ở đây là
những bệnh nhân bị nhiễm HIV-AIDS giai đoạn cuối, số ít còn đi lại được, đa số
nằm liệt và bị lở loét. Những chỗ lở được đắp bằng miếng chăn thay đổi hằng
ngày, phần cơ thể tôi nhìn thấy là những đôi tay và đôi chân còn da bọc xương,
là những gương mặt lỗ rỗ, da mặt nhăn và có nhiều đốm đen nhỏ. Họ trông già hơn
nhiều so với tuổi. Chẳng biết cái đau họ đang chịu là như thế nào, nhưng tôi biết
họ cần chúng tôi. Họ chia sẻ với tôi như một người bạn.
Sau
đây là câu chuyện của những người tôi gặp gỡ. Anh Nam, người tôi đẩy xe, người
đầu tiên tôi hỏi chuyện: người nhà anh chỉ gửi tiền, ít khi vào thăm. Thật may,
là người thành phố, tương đối gần đó nhưng được nhận tiền hàng tháng. Anh ăn
cơm rất ít, đa số là ăn cháo gói do tiền túi đi mua. Tôi thấy cơm cũng ngon
nhưng anh và những người ở đây ăn chẳng nỗi, lúc nào người đi thu cơm thừa cũng
được những phần giường như là nguyên. Tôi thấy thương cho họ, sức đâu để họ sống
với bệnh. Cô Hoài, cô bị lây nhiễm từ chồng, cô vừa khóc vừa chia sẻ với tôi,
cô như chẳng thể chấp nhận căn bệnh này. Cô biết mình bị nhiễm sau khi mang bầu
đứa con thứ 3, cô mới vào viện được 7 tháng mà nay phải liệt giường, cô nhớ con
và gia đình nhiều, mắt và tóc cô đẹp lắm, tôi khen cô như vậy, cô cười và nói
lúc mới bị cắt tóc cô đã khóc và tiếc. Tôi thấy đầu giường cô có gián tấm ảnh
Chúa thương xót nên hỏi: “ cô có tin Chúa sẽ thương cô không?” Cô trả lời rất dễ
thương: có biết ông nào đâu mà tin, nhưng trước khi đi ngủ tôi có cầu với ông ấy,
cầu phật xong thì cầu Chúa, lúc đó mới ngủ được. Tôi phì cười trước câu trả lời
đó, tôi chỉ có thể nắm tay cô và nói với cô, cô hãy tin như những gì cô đang
tin, cô và gia đình sẽ được che chở. Tôi bước qua chiếc giường đối diện theo lời
gọi đặc biệt: Sr ơi. Anh Phi Công - anh có vẻ như thèm được nói chuyện. Anh là
người nghệ sĩ phát hiện tài nặng muộn, vì anh mới chơi đàn ghita và học vẽ từ
năm 2014. Anh đàn và hát cho tôi nghe bài “giáng sinh con nhớ về mẹ” do anh
sáng tác, một bản có lời không nhạc, được phổ theo điệu slowrok đàn ghita. Anh
nằm viện được 8 năm, nhưng vẫn yêu đời và là tâm hồn của phòng. Anh Mồ Côi, cái
tên được đặt vì anh mất cha khi được một tháng tuổi, mẹ mất khi lên 10. Thầy cô
nuôi anh ăn học đến lớp 8 thì anh vào đời tự lập. Anh đi ở đợ để tiếp tục theo
đuổi đam mê học tập, anh học chuyên văn. Nhưng đời đâu dễ thở, vì miếng ăn mà anh
đã phải từ bỏ ước mơ. Vì không có nhà nên anh sống nay đây mai đó, anh được người
ta dẫn về trại khi đi vất vơ ngoài đường và anh bị nhiễm bệnh từ đó. Bệnh nặng,
họ chuyển anh vào đây. Anh không người thân, không tiền bạc, nơi này anh được
chăm sóc và được hổ trợ 3 bữa cơm. Vậy đấy,
những con người nghèo khổ mà trước giờ tôi như vô tâm.
Bên cạnh đó cũng có những con người vui
tính, biết chọc cho tôi cười, họ có khiếu hài tạo hóa ban cho và chẳng ai có thể
lấy mất cho dù họ đang bị bệnh. Anh Dũng, người đủ thứ hình xăm trên mình, tôi
thấy sợ nhưng vẫn khen đẹp, anh có gương mặt ưa nhìn mà vẫn lành lạnh, đi lại
được. Anh đoán tôi sinh năm 87 cho dù tôi mới 19 tuổi. Ôi hơi buồn, mà kệ, anh
vui khi chọc tôi như vậy. Cô Hà, cô nói ngọng, cô ngồi xe lăn nhưng hay cười,
răng cô sún hết và chẳng ra làm sao cả. Chẳng ai có thể nín cười khi bắt gặp nụ
cười của cô. Có một chú nói chuyện rất hài; chúng tôi khen chú đẹp trai, chú bảo:
đẹp trai, không tiền, gái không theo, ế, thật vui tính… Và nhiều con người khác
nữa mà tôi không có thời gian gặp gỡ.
Trên đường về nhà chúng tôi được Cha nói
cho nghe về những căn bệnh, chia sẻ với nhau về những người bạn mới, những tiếng
chuyện trò xua đi im lặng của con đường, từng làn gió mát nhẹ thổi như thưởng
công. Bất giác nghĩ đến họ chẳng còn được như chúng tôi đây: đi trên những con
đường gió mát, quan tâm chia sẻ ai đó, cùng cười cùng nói với ai đó,…
Sau khi ăn sáng chúng tôi về ngay, cảm
ơn các Soeur đã chăm sóc chúng tôi chu đáo. Trên đường về, tôi ngắm lại những cảnh
mà khi đi đã bỏ lỡ. Ở bốn tiếng trên xe, Tôi nhớ đến những cái tên cứ chạy mãi
trong đầu: Anh Nam, anh Phi Công, cô Hà, cô Hoài, anh Mồ Côi, anh Dũng,… Nếu được,
một chuyến đi khác tôi sẽ quay lại với họ - những người anh chị em của tôi.
Maria
Bích