Suy niệm Chúa nhật 17 Thường niên B

 

CƠN KHÁT LƯƠNG THỰC


Trong bối cảnh xã hội hiện tại, khi có những cuộc xung đột căng thẳng ở nhiều cấp độ, thậm chí chiến tranh đã và đang xảy ra ở một vài quốc gia châu Âu, một thuật ngữ được lặp đi lặp lại thường xuyên, đó là “an ninh lương thực.  Đây là một nhận định và cũng là cảnh báo của các nhà chuyên môn, khi thấy các cuộc cấm vận và những mâu thuẫn chính trị tại một số quốc gia vẫn đứng hàng đầu trong việc cung cấp lương thực cho thế giới.  Nỗi lo cơm bánh vẫn luôn ám ảnh con người, kể cả trong xã hội được gọi là “hiện đại và phát triển” của chúng ta.  Cơn khát lương thực luôn hiện hữu trong cuộc sống, cá nhân cũng như tập thể.

 

Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay xoay quanh đề tài bánh ăn, hay lương thực, ở những khía cạnh khác nhau:

 

Trước hết, đức tin Do Thái giáo và Ki-tô giáo đều khẳng định: Thiên Chúa là nguyên lý của mọi phúc lành.  Ngài ban cho mưa thuận gió hòa và những điều kiện thuận lợi để cung cấp bánh ăn cho con người.  Tác giả thánh vịnh đã diễn tả: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn.  Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Đáp ca).  Đức tin nói với chúng ta: những gì chúng ta đón nhận hằng ngày, những nhu cầu căn bản cho cuộc sống vật chất cũng như tinh thần đều là ân huệ Chúa ban.  Chúa Giê-su đã quả quyết: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 6,33).  Ý niệm cầu nguyện với Ông Trời và các thần linh để được mưa thuận gió hòa luôn luôn có trong tiềm thức và niềm tin bình dân của người Việt chúng ta.  Bài đọc I kể lại một phép lạ Thiên Chúa đã thực hiện qua trung gian ngôn sứ Ê-li-sa.  Với hai mươi chiếc bánh lúa mạch và chút cốm, vị ngôn sứ đã truyền cho tiểu đồng phân phát cho cả trăm người, mà vẫn còn dư.  Lòng tín thác cậy trông vào Chúa là điều kiện để phép lạ xảy ra.

 

Đức tin Ki-tô giáo cũng dạy chúng ta: sống trên đời, nếu chúng ta may mắn có được một cuộc sống ổn định hay dư dả về vật chất, đó là của Chúa ban, và chúng ta chỉ là người quản lý.  Thiên Chúa mới là sở hữu chủ chính thức của tài sản trên thế gian.  Vì vậy, mọi người tùy theo khả năng của mình, đều được mời gọi chia sẻ cho anh chị em.  Bác ái chia sẻ là một điểm nhấn nổi bật trong giáo huấn của Chúa Giê-su và của Giáo hội.  Ngôn sứ Ê-li-sa đã lấy hai mươi chiếc bánh người ta tặng cho ông vào thời điểm nạn đói đang hoành hành.  Ông không giữ cho riêng mình, nhưng chia sẻ cho mọi người, và phép lạ đã xảy đến qua nghĩa cử chia sẻ rộng rãi đó.  Thánh Gio-an kể lại trong Tin Mừng: trong đoàn người đến nghe Chúa Giê-su giảng dạy, có một em bé mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.  Em bé ấy đã vui vẻ chia sẻ những gì mình có cho mọi người, và phép lạ đã diễn ra.  Đương nhiên, phép lạ đến từ quyền năng Thiên Chúa, nhưng lại dựa trên sự chia sẻ và cộng tác của con người.  Nếu hiểu mỗi người chỉ là người quản lý tài sản Chúa trao, và sau này chết chẳng mang theo được, thì người ta sẽ dễ dàng chia sẻ cho anh chị em.  Nếu các nước giàu chia sẻ cho các nước nghèo, thì lương thực trên thế giới sẽ đủ nuôi mọi người và nạn đói sẽ không còn hoành hành ở một số quốc gia châu Á và châu Phi nữa.

 

Cùng với những giáo huấn về chia sẻ, Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về lương thực thiêng liêng Chúa ban cho các tín hữu.  Câu chuyện ngôn sứ Ê-li-sa và sự kiện Chúa Giê-su làm phép lạ nhân bánh ra nhiều đều là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể.  Trong đêm tiệc ly, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể.  Người đã biến bánh thành Mình và rượu thành Máu Người.  Đây không phải là biểu tượng, cũng không phải là nghĩa bóng, mà là một thực tại.  Bí tích Thánh Thể, hay sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Hình Bánh Rượu là tín điều, tức là điều phải tin đối với các Ki-tô hữu.

 

Sau cùng, Phụng vụ hôm nay dạy chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể.  Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của sự hiệp thông, hiệp thông với Chúa và với anh chị em mình.  Thánh Phao-lô trong Bài đọc II đã nói đến sự liên kết gắn bó giữa các Ki-tô hữu.  Vị Tông đồ dân ngoại đã dùng hình ảnh của một thân thể, để diễn tả cộng đoàn Ki-tô hữu.  Để có sự hiệp thông đích thực, thánh nhân khuyên các tín hữu Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại: hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng nhau…”  Vâng, bác ái, hiệp thông, chia sẻ… đó là những thông điệp mà Đức Giê-su đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể muốn nói với chúng ta.

 

Thánh Tê-rê-sa Can-cút-ta là một mẫu gương của thời đại chúng ta về lòng yêu mến Thánh Thể.  Trong đời sống cũng như trong sứ mạng, Mẹ đã khơi nguồn sức mạnh từ Nhà Tạm, nơi Chúa Giê-su hiện diện.  Đối với Mẹ Tê-rê-sa, Thánh Thể chính là tình yêu hy tế mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, để được ăn vào và tiêu hóa, và trở thành một phần trong con người chúng ta.  Khi chúng ta đón rước Thánh Thể, thì chúng ta được Thiên Chúa ban sức mạnh để yêu mến những người khác, với cùng tình yêu mà Đức Ki-tô đã bày tỏ cho chúng ta.  Bằng cách này, Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta mang tình yêu của Đức Ki-tô đến với người nghèo, và cảm nhận được sự hiện diện của Người nơi những người ấy.

 

Thánh nữ đưa ra một lời khuyên rõ ràng: “Tôi xin bạn hãy đến gần hơn với Thánh Thể và Đức Giê-su … Hỡi các linh mục giáo xứ, xin các cha yêu cầu các giáo dân chầu Thánh Thể trong các nhà thờ của mình bất cứ ở đâu có thể được.  Hãy chầu Thánh Thể ít nhất mỗi tuần một lần, sao cho sự dịu hiền của tình yêu có thể phát triển trong tâm hồn các cha, hầu chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác.

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 

Suy niem Chua Nhat 16 Thuong nien B

 

MỘT CÕI RIÊNG TƯ

 


Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối trang Tin Mừng tuần trước.  Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo.  Sau chuyến đi, các học trò trở về.  Anh em vui mừng kể cho Thầy nghe kết quả những việc đã làm.  Chúa chia sẻ niềm vui với các môn sinh và khuyên nhủ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Một lời khuyên rất thiết thực, một sự quan tâm thật ân cần, ấm áp tình thầy trò.

 

Chúa Giêsu rất thương các môn đệ.  Làm việc nhiều nên cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức lực để tiếp tục làm việc.  Nghỉ ngơi ở đây không phải là chè chén say sưa, hưởng thụ thỏa thích, hay lười biếng “nhàn cư vi bất thiện,” nhưng đó chính là thời giờ bồi dưỡng tâm hồn, là dịp tĩnh tâm của các Tông đồ.  Trong thinh lặng, mỗi người cầu nguyện, trau dồi nội tâm.

 

1.    Thinh lặng là một cõi riêng tư

 

Một bầu khí yên tĩnh, một thời gian trầm lắng là một cõi riêng tư thật cần thiết cho con người.  Thân xác nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt, tâm hồn bình an.

 

Giữa những ồn ào của đám đông

giữa những sôi nổi của thành công

và ê chề của thất bại

xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng

giữa những khát khao thèm muốn

và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,

xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước

giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,

chẳng có ai để cậy dựa,

xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,

để một mình ở đó

trầm lắng và bình an.

 

Lm Nhạc sĩ Thái Nguyên suy tư những lời thơ sâu lắng ấy và đã dệt ca khúc: “Một cõi riêng tư:” Một cõi riêng tư, trong lòng con xin dành cho Chúa.  Một cõi riêng tư, trong lòng con Chúa thương ngự trị.  Chúa là điểm hẹn nơi con phát xuất ra đi dấn thân, cho cuộc đời nhân trần.  Chúa là đỉnh cao nơi con trở lại, để sống trong ân tình, niềm vui phút an bình.

 

Một cõi riêng tư với Chúa, chan chứa một niềm vui sâu lắng trong nội tâm, niềm vui gặp gỡ Chúa.

 

2.    Chúa Giêsu, mẫu gương thinh lặng

 

Thinh lặng là điểm nổi bật nhất trong cuộc đời Chúa Giêsu.  Chúa sống thinh lặng, yêu thích thinh lặng, dạy thinh lặng, và dùng sự thinh lặng như một phương thế hữu hiệu để hoạt động tông đồ.  Chúa khuyên các môn sinh hãy sống theo gương của Người.  Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Cha.  Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha.  Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người.  Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông.  Người chọn những nơi hiện diện: “Một ngọn núi cao riêng biệt” (Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1); những bãi biển Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hécmon (Mc 8,27)…

 

Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong cuộc sống thường ngày.

 

Các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người.  Các môn đệ trở về, Chúa khuyên nên nghỉ ngơi trong cầu nguyện.  Làm việc và cầu nguyện, sống “nội tâm” và hoạt động “bên ngoài,” đó là nhịp sống mỗi ngày của người môn đệ Chúa Giêsu.

 

3.    Thinh lặng để sống nội tâm

 

Thinh lặng thuộc về yếu tính của thánh thiện.  Trong thinh lặng và lòng cậy trông, sức mạnh của các Thánh được hình thành (Is 30,15).  Ðời sống tâm linh phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển.  Thiên Chúa chính là nguồn mạch đời sống thiêng liêng.  Những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển.  Nhờ cầu nguyện, con người mới phát triển quân bình.

 

Là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người, Chúa Giêsu nói bằng thinh lặng nhiều hơn bằng những lời rao giảng của Ngài.  Thinh lặng cũng là luật sống của Mẹ Maria.  Triết gia Jean Guitton gọi Mẹ Maria là “Trinh nữ suy tư.”  Người trinh nữ ấy “ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).  Mẹ không vội vã phản ứng và phát biểu nhưng “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng.”  Trong thinh lặng, Mẹ khám phá ý nghĩa các sự kiện và biến cố.  Trong thinh lặng, Mẹ đi vào cuộc giao tiếp thâm sâu với Lời Thiên Chúa và để Lời ấy nên hình hài trong lòng Mẹ.  Nếu Tin Mừng ghi lại một vài câu nói của Mẹ Maria thì Thánh Cả Giuse không có một lời nào, hoàn toàn thinh lặng.  Ngay giữa lúc được Thiên Thần hiện đến trong giấc mộng để báo tin về Mẹ Maria cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa, Thánh Giuse cũng không nói một lời nào, và nhất là Ngài âm thầm ra đi khỏi cuộc đời lúc nào cũng không ai hay biết.

 

Thinh lặng là miền đất phì nhiêu cho hạt lúa đơm bông.  Thinh lặng là cung lòng người mẹ cho tư tưởng mang lấy hình hài.  Thinh lặng nội tâm để cầu nguyện, đó chính là những tâm tình kết hợp với Thiên Chúa trong đời sống nội tâm, “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 7b).  Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời.  Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi.  Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện.  Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

 

Các xã hội văn minh, các đô thị luôn chạy theo nhịp sống hối hả của kỹ thuật hiện đại.  Con người thời nay dễ bị căng thẳng.  Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga,Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, tìm yên tĩnh, muốn trầm lắng nội tâm.

 

Vào mùa hè, người ta thường tạm nghĩ công việc, rời nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghỉ ngơi nơi vùng quê, miền biển, miền núi.  Nô đùa cùng sóng biển cát vàng, hít thở khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay hoà vào khung cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa chín vàng…  Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lắng là điều rất cần thiết cho con người.  Thân xác nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt.  Từ đó, nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.

 

4.    Thinh lặng cầu nguyện

 

Trong lãnh vực tông đồ, thinh lặng cầu nguyện thật cần thiết.  Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa.  Cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm.  Cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc.  Cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Chúa.  Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

 

Làm việc phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện.  Điều kiện tiên quyết để thành công chính là sự thinh lặng.  Từ thinh lặng ta mới có thể nuôi dưỡng những suy tư của mình một cách lâu dài được.  Bầu khí thinh lặng giúp ta hồi tâm xét mình thực thi sám hối cách đúng mức.  Bầu khí thinh lặng còn giúp cho người khác sống tinh thần cầu nguyện.

 

Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa.  Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2).  Thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm luôn mang lại sức sống thiêng liêng cho mỗi người.

 

Sứ điệp Ngày Truyền Thông Quốc Tế năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn chủ đề “Thinh Lặng và Lời: Con Đường Phúc Âm Hóa.  Sứ điệp viết: Nếu Thiên Chúa nói với chúng ta ngay trong thinh lặng, chúng ta sẽ khám phá trong thinh lặng khả năng để nói với Chúa về Chúa…  Trong sự chiêm niệm thinh lặng, Lời Hằng Sống, qua Đấng cấu tạo thế giới, trở nên hiện diện mạnh mẽ hơn và chúng ta ý thức nhiều hơn về kế hoạch cứu chuộc Chúa đang thực hiện trong lịch sử chúng ta bằng lời nói và việc làm…  Lời nói và thinh lặng: học cách truyền thông là học cách lắng nghe và chiêm niệm cũng như học nói.

 

Mẹ Têrêxa Calcutta thích thinh thặng và đã dâng lời cầu nguyện tha thiết.

 

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng, xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim, để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự.  Amen!

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An