Thánh Giuse Thợ

 

THÁNH GIUSE THỢ

 


Thánh Giuse, Cha Nuôi Đức Kitô.  Ngài đã sinh sống và nuôi vợ con với đôi tay và sức lao động của chính mình bằng nghề thợ mộc.  Chúa Giêsu lớn lên cũng theo nghề của dưỡng phụ ngài, và đã trở thành một anh thợ mộc: “Đây không phải là ông thợ mộc sao?  Không phải là con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?  Chị em của ông không ở đây với chúng ta sao?  Và họ xúc phạm đến Ngài” (Marcô 6:3).   

 Dù chỉ là một người thợ mộc bình dân, âm thầm, và nghèo nàn, nhưng theo huyết thống, Thánh Giuse thuộc hoàng tộc David.  Ở vào thời ngài, dòng dõi David tuy không còn lừng lẫy như xưa, Thánh Giuse vẫn cho thấy ngài là người có tâm hồn cao thượng và thánh thiện.  Thánh Kinh kể lại sau khi kết hôn với Maria, do nhận ra Maria có thai, nhưng vì “là người công chính và không muốn công khai tố cáo người bạn mình” (Matthêu 1:19), nên Thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Maria một cách kín đáo.  Hành động của ngài đã khiến Thiên Đàng phải can thiệp.  Thiên thần Chúa đã được sai đến và cho ngài hay con trẻ đó là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đây được hòai thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

 Sau khi được thiên thần báo mộng, Thánh Giuse đã đón nhận Maria, hoàn thành sứ mạng làm chồng và làm cha của mình một cách hết sức tận tụy, chu đáo, trách nhiệm, và thánh thiện.  Thử thách đầu tiên đến với ngài, cũng theo Thánh Kinh thuật lại, sau khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bethlehem thuộc Judaea, và sau cuộc đón tiếp ba vị Đạo Sỹ, một lần nữa thiên thần lại báo mộng cho ngài đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập để tránh cảnh lùng bắt Hài Nhi của vua Herod.  Và sau cùng, cũng từ Ai Cập, ngài lại được thiên sứ báo mộng đem gia đình trở về Do Thái sau khi Herod băng hà.

 Không muốn trở lại Bethlehem vì sợ người kế vị Herod còn nuôi ý định lùng bắt trẻ Giêsu, Thánh Giuse đã đem gia đình tới định cư tại Nazareth (Matthêu 2:22-23) thuộc Galilee.  Ngài đã sống và làm việc âm thầm ở đây cho đến khi qua đời.  Sự xuất hiện cuối cùng của ngài được thánh sử Luca ghi lại trong biến cố gia đình ngài lạc và tìm thấy trẻ Giêsu lúc bấy giờ đã 12 tuổi trong Đền Thờ (Luca 2:41-49).  Hoàn cảnh, thời gian Thánh Giuse qua đời không được ghi lại, ngoại trừ theo suy luận, nó xảy ra vào trước thời gian Chúa Giêsu công khai sứ mạng rao giảng Tin Mừng và chịu tử hình trên Thánh Giá (Gioan 19:26-27). 

 Những lý do các nhà giải thích Thánh Kinh dùng để suy đoán về thời gian cái chết của ngài, đó là Thánh Giuse không được nhắc đến trong tiệc cưới Cana, thời gian khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu.  Ngài cũng không được nói đến trong cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa.  Người hạ xác và mai táng Chúa là Giuse thành Arimathea.  Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng không trao Mẹ Ngài cho ai nhưng cho Tông Đồ Gioan, lúc đó đang đứng dưới chân thập giá: “Hỡi Gioan, này là mẹ con” (Gioan 19:27).[1]

 Sống nghề thợ mộc

 Thánh Giuse được diễn tả như một “tekton” (τέκτων), dịch theo Anh ngữ là người “thợ mộc,” tuy nhiên, từ ngữ này không chỉ gói gọn trong nghề thợ mộc.  Theo tiếng Hy Lạp thì nghề này còn liên quan đến những sản phẩm được làm bằng sắt hoặc đá.

Ở vào thời của Thánh Giuse, Nazareth là một ngôi làng ẩn khuất trong miền Galilee, khoảng 130 Km (81 mi) cách Thành Thánh Giêrusalem, và rất ít được nhắc đến trong những sách vở của người ngoài Kitô giáo, cũng như các tài liệu khác.  Nhân số trong ngôi làng này có vào khoảng 400 người.

Theo một số tài liệu cho rằng cuộc sống của người Nazareth lúc bấy giờ lệ thuộc nhiều vào các tỉnh lân cận, và nhiều nhà sử học tin rằng Thánh Giuse và cả Chúa Giêsu có thể hằng ngày đã phải đi về để làm việc trong ngành tái thiết. [2]

Một trong những thành phố đang phát triển lúc bấy giờ là Sepphoris tiếng Do Thái gọi là Tzipori và tiếng Ả Rập gọi là Saffuriya từ thế kỷ thứ 7.  Trung tâm vùng Galilee, cách 6 Km về phía bắc-tây bắc Nazareth. [3]  Vào thời kỳ của Chúa Giêsu, thành này được phát triển rộng lớn thu hút nhiều nhân công thợ xây.  Cũng theo truyền thống xa xưa cho rằng Đức Maria được sinh ra ở Sepphoris, và cha mẹ ngài là Gioakim và Anna. [4]

Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng Thánh Giuse là một người thợ mộc trong làng, những công việc của ngài bao gồm chế tác, sửa chữa những đồ đạc bằng gỗ, đá, và kim loại. [5]  Năm 2019, người viết cũng đã có diễm phúc thăm Nazareth, viếng xưởng mộc của Thánh Giuse ở đây, và rất cảm động về sự nghèo nàn, đơn sơ của gia đình ngài.   

Ngày nay Nazareth là một thành phố Ảrập lớn nhất ở Do Thái gồm 30 thánh đường, tu viện cũng như đền thờ Hồi Giáo và các hội trường cổ.  Thống kê năm 2021 cho biết hiện nay Nazareth có khoảng 77.925 dân cư, trong đó 69% là người Hồi Giáo, và 30,9% thuộc Kitô Giáo. [6]

 Lòng sùng mộ  

Thánh Giuse được biết đến qua Thánh Kinh là “cha trần thế” của Chúa Giêsu và là chồng của Đức Trinh Nữ Maria.  Ngài là Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ.  Cuộc đời ngài đã được ghi trong Tân Ước, đặc biệt là Phúc Âm Thánh Matthêu và Luca. 

Lòng sùng mộ Thánh Giuse được xem như bắt đầu từ Ai Cập.  Theo truyền thống Tây Phương khởi đi từ trước thế kỷ thứ 14, lòng sùng mộ này được phổ biến khi một dòng tu chiêm niệm có tên là Các Tôi Tớ Đức Maria (The Servite Order) mừng lễ kính ngài vào 19 tháng Ba, ngày được cho là  ngày ngài qua đời.  Trong số những người có lòng sùng kính Thánh Giuse là Đức Giáo Hoàng Sixtus IV, người đã phổ biến lòng sùng mộ này tại Roma vào khoảng năm 1479.  Thánh Nữ Teresa D’avila, một nhà thần bí của thế kỷ 16 cũng là người rất có lòng yêu mến Thánh Giuse.

Mặc dù là Bổn Mạng của nhiều quốc gia, năm 1870, Đức Giáo Hoàng Pius IX đã đặt ngài Bổn Mạng Giáo Hội Hoàn Vũ.  Giáo Hội Việt Nam cũng nhận Thánh Giuse là Bổn Mạng.  Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Pius XII đã thiết lập lễ kính ngài với danh hiệu Thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng 5.  Đời sống lao công của Thánh Giuse đã dạy chúng ta rằng ngài làm việc một cách âm thầm cho Chúa Giêsu.  Không chỉ có Thánh Giuse, Mẹ Maria cũng là người chu toàn trách nhiệm mình với lòng yêu mến Thiên Chúa một cách thánh thiện, chăm chỉ, và siêng năng nhất.  Ý nghĩa tôn giáo của Lễ Thánh Giuse Thợ nhằm thánh hóa quan niệm do chủ nghĩa Cộng Sản khi họ chọn ngày này làm ngày Lao Động Thế Giới với một chủ đích thế tục. [7]

 Kinh cầu Thánh Giuse  

Lời kinh kết thúc Tông Thư PATRIS CORDE của Đức Phanxicô kỷ niệm 150 năm Thánh Giuse được tôn vinh là Bổn Mạng Hội Thánh.

 

Kính chào Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu Thế,
Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa Cha đã trao Con Một của Chúa cho Ngài,
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài,
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.
Lạy thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.
Xin cầu cho chúng con ơn thánh, lòng thương xót và can đảm.
Và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen
. [8]

 Ts. Trần Mỹ Duyệt

 Tài liệu tham khảo:

1. https://www.britannica.com/biography/Saint-Joseph

2. https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Joseph

3. https://en.wikipedia.org› wiki › Sepphoris

4. https://www.deseret.com› sepphoris-the-ornament-of-th.

5. https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Joseph

6.https://en.wikipedia.org › wiki › Nazareth

7. https://www.britannica.com/biography/Saint-Joseph

8.https://www.vaticannews.va/en/prayers/prayer-to-st-joseph.htmlPope Francis, Patris Corde

 

Hiệp Thông Với Đấng Phục Sinh

HIỆP THÔNG VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

 


Mỗi Chúa nhật trong mùa Phục sinh, Phụng vụ Giáo Hội giới thiệu với chúng ta một khía cạnh, có liên quan đến Đấng Phục sinh.  Chúa nhật thứ nhất, Phụng vụ chứng minh với chúng ta: Đức Giêsu đã sống lại thật chứ không phải câu chuyện cổ tích.  Người sống lại vì Người là Thiên Chúa quyền năng.  Chúa nhật thứ hai, qua câu chuyện ông Tôma, Giáo Hội dạy chúng ta xác tín vào Đấng Phục sinh, mặc dù con mắt thể lý không nhìn thấy Người.  Chúa nhật thứ ba, với lệnh truyền của Đấng Phục sinh cho các môn đệ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy trở thành chứng nhân của Đấng Phục sinh giữa đời.  Chúa nhật thứ bốn, chúng ta suy tư về cuộc khổ nạn của Chúa như một mục tử hy sinh mạng sống vì đàn chiên.  Và, hôm nay là Chúa nhật thứ năm của mùa Phục sinh, Phụng vụ nhắc chúng ta: sức sống của Đấng Phục sinh như dòng chảy phong phú nơi mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn tín hữu.  Dòng chảy ấy bắt nguồn từ Chúa Cha, thông qua Chúa Giêsu, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và đến với các tín hữu, qua sự hiệp thông gắn bó với Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng đang sống và hiện diện giữa chúng ta.

 Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả sức sống siêu nhiên nơi người tín hữu.  Chúa Cha là người trồng nho, Chúa Giêsu là cây nho, người tín hữu là cành nho.  Đây là một hình ảnh đơn sơ dễ hiểu, giúp người nghe dễ lĩnh hội giáo lý cao siêu là sự hiệp thông với Chúa. 

Nếu Chúa Giêsu là cây nho và người tín hữu là cành nho, thì như chúng ta thấy trong thực tế, có những cành xanh tươi tràn đầy nhựa sống, vừa có những cành héo úa cằn khô.  Hình ảnh này muốn diễn tả đời sống người tín hữu.  Thời nào cũng vậy, có những người đạo đức siêng năng, nhưng cũng có những người dửng dưng hờ hững.  Người tín hữu không gắn bó với Chúa giống như cành khô, chỉ dùng làm củi.  Trong khi đó, những tín hữu gắn bó, giống như cành nho gắn liền với thân, luôn an vui hạnh phúc, khi cầu nguyện họ được Chúa nhận lời.  Hình ảnh gắn bó ấy được Chúa diễn tả qua lời mời gọi: “Hãy ở lại trong Thày.”  Động từ “ở lại” trong Tin Mừng Thánh Gioan mang ý nghĩa đặc biệt.  “Ở lại” là gắn bó, là hiệp thông, là yêu mến, là chia sẻ, là đồng cảm, là trung thành.  Chúa Giêsu đã nói đến việc Người ở lại trong Chúa Cha, để mời gọi chúng ta ở lại trong Người.  Đó là sự gắn kết thân mật đến nỗi nên một với Chúa.  Chúa Giêsu đã khẳng định: Tôi và Cha Tôi là một.  Như thế, những ai kết hợp với Chúa Giêsu là được kết hợp với Chúa Cha, được chia sẻ và thông phần sự sống siêu nhiên cũng như hạnh phúc viên mãn từ Chúa Cha.  Sự kết nối này chính là mối hiệp thông thân tình giữa ta với Chúa.  Nhờ hiệp thông với Chúa, chúng ta được chia sẻ sức sống thần thiêng của Người, được biến đổi mỗi ngày nên giống Chúa, để rồi chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô:  “Tôi sống, mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Chúa Giêsu sống trong tôi.”

 Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về thái độ sống của mỗi người, với tư cách là tín hữu.  Quả vậy, có những lúc chúng ta giống như cành nho bị lìa khỏi thân cây, vì chúng ta dửng dưng đối với Thiên Chúa.  Một khi không còn gắn kết với thân nho, chúng ta cũng lìa xa các cành nho khác là anh chị em đồng loại.  Không liên kết với Thày Giêsu, chúng ta cũng khó mà liên kết với tha nhân.  Thánh Gioan tông đồ đã nhấn mạnh đến điều này, khi đặt tình yêu thương lên hàng đầu của các thực hành Kitô giáo (Bài đọc II).  Khái niệm “ở lại trong Chúa” cũng được tác giả nhấn mạnh: “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ.”  Đây là sự hòa quyện giữa tâm hồn chúng ta với Chúa Ba Ngôi, nhờ việc Ngài đến ở trong chúng ta, như chúng ta được ở trong Ngài.  Theo Thánh Gioan, ở lại trong Chúa còn là trung thành tuân giữ những lời Người truyền dạy.  Nhờ việc tuân giữ lời Chúa, chúng ta được tiếp nối sự sống siêu nhiên, như chất nhựa sống thiêng liêng tuôn chảy từ thân nho đến với mọi cành nho, làm cho cành sinh hoa kết trái. 

Cây nho muốn sinh hoa kết trái thì phải được cắt tỉa hằng năm.  Sự cắt tỉa ấy làm cho cây rỉ máu vì đau đớn, nhưng thật cần thiết, vì nếu không cắt tỉa, cây sẽ cằn cỗi, vô dụng.  Mỗi năm, khi tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu, các tín hữu cũng được mời gọi chết đi với con người cũ để sống lại với Đấng Phục Sinh.  Sự “chết đi” ấy không phải chỉ là lý thuyết suông, nhưng là những hy sinh cố gắng để vác thập giá cuộc đời, để được gắn bó hơn với Đấng đã hy sinh đến cùng vì yêu thương chúng ta. 

Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, đã để cho Chúa “cắt tỉa” đời mình.  Từ một người hăng say tìm giết các tín hữu, cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đức Giêsu trên đường đi Đa-mát đã làm thay đổi cuộc đời ông và biến ông thành một nhân chứng trung kiên loan báo Tin Mừng.  Tác giả sách Công vụ Tông đồ cho thấy Phaolô đã sớm hòa nhập với các tông đồ để thực hiện sứ mạng Chúa trao phó.  Ông sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm đe dọa tính mạng để làm chứng cho Chúa (Bài đọc I).  Ông thực sự gắn bó với Đức Giêsu, đến nỗi sau này ông viết: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).

 Thông thường, chúng ta không thấy chất nhựa sống trong thân cây.  Cũng vậy, chúng ta không nhìn thấy Đấng Phục sinh bằng con mắt giác quan.  Giáo Hội sống động, lớn lên và phát triển là nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.  Giáo Hội được so sánh như cây nho vĩ đại.  Cành của cây nho ấy bao trùm trái đất, và đang không ngừng sinh hoa kết trái.  Mỗi cá nhân người tín hữu là một cành nho, vừa hiệp thông với Chúa Giêsu là cây nho, vừa hiệp thông với anh chị em mình, liên đới cộng tác với nhau để đem hoa thơm trái ngọt cho đời.  Nhờ liên kết với nhau, chúng ta giới thiệu một hình ảnh sinh động tươi đẹp về Giáo Hội của Chúa Kitô.  Thánh Gioan khuyên chúng ta: “Anh chị em đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng những việc làm cụ thể.”  Đúng vậy, tình yêu chân thật sẽ vững bền và có sức lan tỏa đến mọi môi trường cuộc sống.  Tình yêu ấy cũng phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là Cha nhân hậu và là nguồn mạch yêu thương.

 

TGM Vũ Văn Thiên

 


Lời Cầu Nguyện Trong Thinh Lặng

LỜI CẦU NGUYỆN THINH LẶNG, MỘT TRUYỀN THỐNG ÍT ĐƯỢC BIẾT CỦA KITÔ GIÁO

 


Theo Linh mục Jean-Marie Gueullette, thần học gia Dòng Đa Minh, tiến sĩ y khoa, kinh nghiệm lời cầu nguyện thinh lặng của các nhà thần nghiệm Kitô giáo là một gia tài ở trong tầm tay của tất cả mọi người.  Đó là chủ đề của quyển sách mới nhất của linh mục, Axixi và sự hiện diện (Assise et la présence, nxb Albin Michel).

 

Hiện nay rất nhiều người cho rằng sự mến chuộng chiêm niệm có gốc rễ trong truyền thống Đông phương.  Hinđu giáo với yoga, phật giáo Tây tạng với zen qua tư thế ngồi trong các buổi chiêm niệm; qua các tư thế ngồi họ tìm cách nào thuận tiện nhất để ngồi thiền.  Qua các truyền thống này, có phải đây là dấu hiệu của một giai đoạn không thể tránh được cho người Tây phương khi họ tìm cách phát triển cách chiêm niệm này không?  Người ta thường trả lời ‘đúng’ vì họ nghĩ rằng Kitô giáo không có một truyền thống nào trong lãnh vực này và vì thế không có gì để mang lại.

 

Nếu các tín hữu Kitô ngày nay chiêm niệm trong thinh lặng, đó là nhờ họ được các thầy từ Đông phương đến dạy.  Một xác quyết loan truyền rõ ràng như vậy cần xem lại, vì di sản Kitô giáo rất phong phú trong lãnh vực cầu nguyện trong thinh lặng, phong phú nhưng phần lớn lại ít đạt tới được, vì từ cuối thế kỷ 17, việc thực hành này đã dần dần bị lãng quên.

 

Ngay từ các thế kỷ đầu tiên, dưới nhiều tên gọi khác nhau, các Kitô hữu đã thinh lặng ngồi chiêm niệm và lời cầu nguyện của họ thường rất đơn sơ.  Chúng ta có thể xem đó là hình thức ngồi cầu nguyện của Kitô hữu: cầu nguyện trong quan hệ giữa mình với Chúa mà người tín hữu xem Chúa như một nhân vị và họ cầu nguyện với tên của Ngài.  Trong các hình thức cầu nguyện của Kitô giáo mà chúng ta nói ở đây có hình thức cầu nguyện thinh lặng, người cầu nguyện chỉ đơn giản đặt mình trước mặt Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Ngài, mà không xin một điều gì đặc biệt.

 

Một truyền thống kín đáo nhưng rất mạnh

 

Điều cần thiết là phải làm cho gia sản này đến được tầm tay của mọi người, một di sản to lớn của lời cầu nguyện thinh lặng Kitô giáo, trải dài từ thế kỷ thú 3 đến thế kỷ 17.  Các tài liệu còn rất nhiều.  Tuy nhiên rất nhiều tín hữu thực hành lời cầu nguyện này và không để lại một dấu vết nào, vì hình thức cầu nguyện này quá đơn giản nên cũng không cần phải triển khai thành một tài liệu để giảng dạy, và vì thế về mặt lịch sử không có tài liệu quy chiếu.

 

Trong nhiều chứng từ có thể có được của hình thức cầu nguyện đơn giản này, một lời cầu nguyện dẫn từ thinh lặng đến thờ lạy, có chứng từ của chân phước Jean-Joseph Lataste, tu sĩ Dòng Đa Minh Pháp ở thế kỷ 19, cha là người rao giảng trong tù.  Trong thời trẻ của mình, cha đã bỏ nhiều thì giờ để sốt sắng cầu nguyện, nhưng cha nhận thấy lời cầu nguyện thành mờ nhạt trước sự thinh lặng và trước sự đơn sơ chú tâm vào Chúa: “Tâm hồn tôi không ngừng hướng về Chúa, qua hành vi yêu thương liên tục, hơi mơ hồ, hơi ngấm ngầm nhưng mạnh hơn cả chính tôi.  Trong tôi là một lòng thờ lạy Chúa liên lỉ qua hành vi đơn sơ của tâm hồn tôi, luôn giống nhau và luôn mới, không có đoạn bắt đầu, không có đoạn giữa, không có đoạn cuối” (“Các phụ nữ này là chị của tôi…” Đời sống của cha Lataste, tông đồ các nhà tùVie du père Lataste, apôtre des prisons Jean-Marie Gueullette, Cerf, 2008).

 

Một kinh nghiệm như vậy không phải chỉ dành riêng cho các thánh hay các nhà thần nghiệm đặc biệt có được một sự kết hiệp sâu đậm với Chúa.  Rất nhiều tín hữu Kitô, tu sĩ hoặc giáo dân đã biết con đường đơn giản, con đường cốt yếu đặt lời cầu nguyện của mình trước sự hiện diện của Chúa, trong thinh lặng.  Và chúng ta dựa trên kinh nghiệm của họ nếu chúng ta muốn cầu nguyện như vậy, một kinh nghiệm đòi hỏi sự đơn sơ của nó!  Và đó là điều hữu ích!

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

 

***************************

 

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

 

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

 

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

 

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa.

 

Rabbouni


Mục Tử Như Chúa

 

MỤC TỬ NHƯ CHÚA

 




Kết quả hình ảnh cho Chúa Chiên Lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh.  Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất.  Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được câu hỏi duy nhất đó là câu gì, bởi vì tất cả những ứng viên nào mà rớt cuộc thi, đều phải uống một viên thuốc do chính Viện Phụ chế ra, công dụng làm cho các ứng sinh dự thi quên mất câu hỏi được đặt ra.  Chính vì thế mà việc chiêu sinh của Tu viện đã trải qua nhiều năm rồi mà chưa ai có thể biết câu hỏi đó là gì.  Thế là cậu Ramin là tỏ ra quyết chí hơn cả.  Cậu dành dài năm cố gắng đọc và học qua thật nhiều sách: lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học, v.v…  Rồi mùa thi đến, Ramin vào thi và tin chắc mình sẽ trả lời được câu hỏi mà Viện Phụ sẽ hỏi.  Hồi hộp bước vào phòng thi, Ramin được Ngài hỏi câu duy nhất này là: Con hãy tự hỏi: Tôi là ai?  Và trả lời cho ta biết.  Tôi là ai?  Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, bèn rút lui không bao giờ trở lại Đan viện nữa.

 

Tôi là ai?  Ðây là câu hỏi căn bản nhất, để bắt đầu mọi cuộc dấn thân thực hiện chương trình sống của đời Kitô hữu.  Nhất là cuộc sống tu luyện bản thân, trở nên mục tử tốt.  Như vậy rõ ràng những vốn liếng trí thức không mà thôi thì chưa đủ để trở nên mục tử tốt lành mà Lời Chúa mời gọi chúng ta hôm nay.

 

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta tham dự vào chức tư tế (chức linh mục cộng đồng) của Đức Kitô, tham dự vào sứ mạng Ngôn sứ, và vương đế của Ngài (GLHTCG, số 1267).  Vì thế, thánh lễ này Giáo Hội muốn kêu gọi mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện và thực hành sứ mạng mục tử được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta giữa lòng thế giới hôm nay theo mẫu gương Mục Tử Nhân lành Giêsu.  Người là Mục tử nhân lành, còn chúng ta là đoàn chiên của Người.  Người chăn giữ đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết.  Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

 

Thứ nhất, tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết.  Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí hay do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu.  Chẳng hạn, một đứa trẻ đang chơi ngoài đồng, chạy vào xin mẹ cho con mượn con dao.  Mẹ nói: con lấy để làm gì?  Nó nói: con làm cái này.  Mẹ nói không cho nhưng nài nỉ hoài mẹ nó đưa cho nó nhưng theo dõi nó làm cái gì?  Nó cầm dao chạy ra đồng và nhặt một trái lựa đạn 79 mà nó tưởng là trái ô ma, nó vừa cầm lên thì mẹ nó nhào tới chụp ngay con dao nó định cắt ra để ăn.  Vâng, chỉ tình yêu xuất phát từ trái tim, người mẹ mới biết trước được rủi ro hay chăm sóc kỹ lưỡng từng hành động đứa con, làm cho nó nên hoàn thiện.  Chúa Giêsu hôm nay nói: “Ta biết chiên Ta,” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta, biết rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, biết rõ tâm tư tình cảm của ta.  Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh.  Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu.  Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta.  Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta.  Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta nên Ngài luôn luôn muốn làm cho ta vơi được nỗi sầu, nhẹ đi âu lo sợ hãi bằng việc hiến mình cho ta và cư ngụ nơi tâm hồn ta mọi nơi mọi lúc khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Ngài.  Vì vậy, Ngài luôn mời gọi chúng ta rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

 

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc.  Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc.  Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu.  Có yêu mới quan tâm.  Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu.  Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc.  Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhút nhát, yếu ớt nhưng là để giúp ta trưởng thành, mạnh mẽ tự tin.  Người chăm sóc ta không phải theo kiểu Mẹ con Sáng-Sang trong phim truyền hình Việt Nam “Hoa hồng không dành cho em”, bà chăm sóc con quá đến độ mà mẹ con bị bệnh tự kỷ.  Ngược lại, Chúa Giêsu chăm sóc ta bằng cách cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh đó là đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha.  Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

 

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh.  Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu.  Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều.  Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được.  Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).  Chính Người đã thực hiện điều ấy.  Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên.  Người đã tự hiến mạng sống vì ta.  Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

 

Chúng ta hãy trở thành mục tử nhân lành theo gương Người.  Cha mẹ là mục tử của con cái, thầy cô giáo là mục tử của học sinh, giám đốc là mục tử của công nhân, y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân, anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ, linh mục là mục tử của giáo dân, tu sĩ là mục tử của tha nhân… hãy thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Ngày Thế giới cầu cho ơn Thiên Triệu 2015 rằng hãy ra khỏi chính mình, đi ra khỏi sự thoải mái và cứng nhắc của cái tôi để đặt trọng tâm đời sống mình nơi Đức Giêsu Kitô, có nghĩa rằng phải lấy Tình yêu Chúa Giêsu là tiêu chí và lẽ sống cho đời Kitô hữu chúng ta.  Mà tình yêu Chúa cố ở điểm này là hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

 

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa.  Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong giáo xứ, trong khu phố và xã hội hôm nay hầu làm cho cuộc sống thêm phong phú và hạnh phúc hơn.  Amen!

 

Lm. Joshepus Quang Nguyễn